Smartphone màn hình gập là một loại thiết bị mới và đi kèm với đó là hàng loạt những khó khăn trong quá trình sản xuất khiến chúng không có bộ bền không cao bằng smartphone truyền thống. Những sản phẩm thế hệ đầu tiên như Samsung Galaxy Fold, Royole Flexpai hay Huawei Mate X đều có gặp những vấn đề dù là lớn hay nhỏ, đa phần liên quan đến màn hình và cơ chế đóng gập (bản lề) của máy.
Với sự ra mắt của Galaxy Z Fold3, Samsung khẳng định mình đã đủ sức để giải quyết “tận gốc” những vấn đề về độ bền thông qua 2 chi tiết: khả năng kháng nước IPX8 và việc có thể sử dụng được bút S-Pen.
Việc trang bị kháng nước cho những smartphone truyền thống là một điều đã “quá đỗi bình thường” trong thời điểm hiện nay, các hãng chỉ cần sử dụng keo dán màn hình thật chắc chắn, thêm những phần gioăng cao su ở khe SIM, cổng USB Type-C và lỗ loa là xong.
Đối với thiết kế smartphone màn hình gập thì lại là câu chuyện hoàn toàn khác, khi máy sẽ phải có một nếp gấp phía trước của màn hình và các khe nhỏ của bản lề phía sau, trở thành những điểm mà nước có thể dễ dàng xâm nhập. Chính vì vậy việc Galaxy Z Fold3 có khả năng kháng nước, lại là kháng nước cao tới IPX8 (nhúng nước sâu 1.5m trong thời gian khoảng 30 phút) là điểm rất đáng nói.
Để có thể kháng nước, ở mặt trước máy có một “miếng chặn” ở giữa nếp gấp màn hình giúp cho thành phần này không tạo ra khe hở trong suốt quá trình đóng mở máy. Màn hình được dán vào thân máy bằng một loạt chất mà hãng gọi là “keo áp suất” đảm bảo nước không thể đi vào màn hình ở những phần viền xung quanh.
Soi kỹ hơn ở bên trong, các kỹ sư tại Samsung dùng một loại dầu đặc biệt có thể dính vào những thành phần nhỏ, tránh nước đọng lại gây rỉ hoặc chập mạch. Bất cứ loại dầu nào cũng có thể bị bay hơi theo thời gian, nhưng hãng nói rằng dung dịch được sử dụng có thể hiệu quả trong 200.000 lần gập mở.
Những sợi dây kết nối giữa 2 nửa máy cũng được bảo vệ bởi một loại vật liệu đặc biệt gọi là “gioăng chất lỏng”. Trong quá trình lắp ráp, một hợp chất sẽ được đưa vào những khe nhỏ tại viền có dây đi qua, sau đó sẽ được làm cứng lại ở cuối dây chuyền để tạo thành lớp chắn bảo vệ thay thế cho gioăng cao su trên smartphone truyền thống.
Những lớp băng dính 2 mặt bao quanh những lỗ bên dưới màn hình
Cuối cùng, bao quanh những lỗ nhỏ bên trong máy là những các miếng băng dính 2 mặt mỏng để dù những giọt nước nhỏ có thể xâm nhập vào bên dưới màn hình thì cũng không thể tiến sâu hơn vào các thành phần điện tử bên trong. 3 loại vật liệu này kết hợp lại trở thành 3 lớp bảo vệ Z Fold3 để máy có khả năng kháng nước IPX8.
Hãy lưu ý rằng Galaxy Z Fold3 có khả năng kháng nước mà thôi, chứ chưa được có chứng nhận kháng những hạt bụi nhỏ như các smartphone khác, ví dụ như Galaxy S21 có IP68 chẳng hạn. Điều này không có nghĩa là máy sẽ dễ dàng bị bụi xâm nhập để có thể dẫn tới hỏng hóc, phần bản lề của Z Fold3 vẫn sở hữu một lớp chổi bằng nylon siêu nhỏ để chặn các tác nhân từ môi trường đi qua bản lề. Nhưng đây vẫn sẽ là một yếu tố mà Samsung có thể cải thiện thêm, nhận được chứng chỉ IP để người dùng càng cảm thấy yên tâm hơn.
Lớp chổi siêu nhỏ bằng nilon để chặn bụi đi vào bản lề Z Fold3
Cách để Samsung chuẩn bị Z Fold3 để người dùng có thể sử dụng bút S-Pen cũng ấn tượng không kém. Để sử dụng được bút S-Pen, hãng phải đảm bảo màn hình phải có độ bền cao hơn nhiều so với phiên bản trước, khi mà đầu bút có kích thước và độ cứng cao hơn rất nhiều so với đầu ngón tay của người dùng, có thể dễ dàng tạo nên những vết xước, vết hằn vĩnh viễn.
Với màn hình, hãng sử dụng một lớp nhựa bảo vệ mới bằng vật liệu PET, được cho là có độ bền cao hơn 80% so với lớp cao su của Z Fold3. Độ bền thực tế của vật liệu này vẫn sẽ còn phải kiếm chứng trên thực tế, nhưng ta cũng biết rằng Samsung vẫn liên tục đi tìm các loại vật liệu mới để gia tăng chất lượng của màn hình trong, thứ có thể coi là quan trọng nhất trên dòng Galaxy Fold.
Đầu bút của S-Pen dành cho Fold được thiết kế đặc biệt
Bút S-Pen cũng phải được thay đổi để thích ứng, vì vậy mà Z Fold3 sẽ sử dụng loại S-Pen Fold Edition đặc biệt chứ không tương thích ngược với bút dành cho Galaxy Note trước đây. Đầu bút S-Pen mới được làm bằng một chất liệu mềm hơn, thiết kế tròn hơn và có thể “nhún” vào bên trong để giảm lực nhấn xuống màn hình. 2 thay đổi này nhìn thì nhỏ, song khi kết hợp lại thì đem tới một tính năng mà người dùng đã mong chờ rất lâu – đặc biệt khi mà dòng Galaxy Note đã không còn được phát triển nữa.
Nhìn vào những điểm nâng cấp để tăng độ bền cho Galaxy Z Fold3, ta mới hiểu được tại sao hiện nay Samsung đang trong tình trạng “một mình một ngựa” trong việc phát triển smartphone màn hình gập. Nhưng mong rằng khả năng chế tác “đỉnh của chóp” của Samsung sẽ không chỉ đem đến người dùng những sản phẩm tốt của hãng này, mà còn trở thành ví dụ cho các nhà sản xuất khác để toàn bộ thị trường sẽ còn có những smartphone màn hình gập có độ hoàn thiện cao trong tương lai.
Theo: Pháp luật & Bạn đọc
Nguồn: genk.vn