Apple cuối cùng cũng phải ‘đau đầu’ vì thiếu chip: Cắt giảm 10 triệu iPhone 13

09:30 Sáng - 14/10/2021
0 Bình luận
384
bởi Duy Khoa

Các báo cáo mới cho thấy Apple đã đặt mục tiêu cắt giảm sản lượng sản xuất iPhone do thiếu linh kiện.

Theo nguồn tin riêng của Bloomberg, Apple có thể sẽ cắt giảm mục tiêu sản xuất iPhone 13 dự kiến ​​cho năm 2021 lên tới 10 triệu đơn vị do tình trạng thiếu chip kéo dài.

Công ty đã dự kiến ​​sản xuất 90 triệu mẫu iPhone mới trong ba tháng cuối năm, nhưng hiện Apple đang nói với các đối tác sản xuất rằng tổng số sẽ thấp hơn vì Broadcom và Texas Instruments đang gặp khó khăn trong việc cung cấp đủ linh kiện. Những người hé lộ thông tin yêu cầu giấu tên vì vấn đề bảo mật riêng tư.

Gã khổng lồ công nghệ Mỹ này hiện là một trong những nhà mua chip lớn nhất thế giới và đang đứng đầu chuỗi cung ứng thiết bị điện tử. Nhưng ngay cả với sức mua mạnh mẽ của mình, Apple cũng đang phải vật lộn với sự gián đoạn nguồn cung, tình trạng đã và đang tàn phá các ngành công nghiệp trên toàn thế giới. Các nhà sản xuất chip lớn đã cảnh báo rằng nhu cầu sẽ tiếp tục vượt nguồn cung trong suốt năm tới và có khả năng xa hơn nữa.

Apple nhận các con chip liên quan đến việc cấp nguồn cho màn hình OLED từ Texas Instruments, trong khi Broadcom là nhà cung cấp linh kiện không dây lâu năm của hãng. Và công ty cũng đang phải đối mặt với tình trạng thiếu linh kiện từ các nhà cung cấp khác.

Đại diện của Apple và Texas Intruments từ chối bình luận. Broadcom cũng không phản hồi thông tin truy vấn.

apple cuoi cung cung phai dau dau vi thieu chip cat giam 10 trieu iphone 13 1

Apple cắt giảm mục tiêu sản xuất iPhone 13 xuống 10 triệu chiếc.

Sự thiếu hụt linh kiện đã đè nặng lên khả năng giao hàng các mẫu iPhone mới của Apple. iPhone 13 Pro và iPhone 13 Pro Max đã được bán vào tháng 9, nhưng các đơn đặt hàng sẽ không được giao khi mua từ trang web của Apple trong khoảng một tháng. Và các thiết bị mới được liệt kê là “hiện không có sẵn” để nhận tại một số cửa hàng bán lẻ của công ty ở Mỹ. Các đối tác nhà mạng của Apple cũng đang gặp phải tình trạng tương tự khi chậm trễ giao hàng.

Các đơn đặt hàng hiện tại dự kiến ​​sẽ được giao vào khoảng giữa tháng 11, vì vậy Apple vẫn có thể đưa những chiếc iPhone mới đến tay người tiêu dùng kịp thời gian cho kỳ nghỉ lễ quan trọng cuối năm. Quý cuối năm dự kiến ​​sẽ mang lại doanh thu cao nhất của Apple, với doanh thu khoảng 120 tỷ USD. Con số đó sẽ tăng khoảng 7% so với một năm trước đó, và nhiều hơn so với số tiền mà Apple đã kiếm được trong cả năm cách đây một thập kỷ.

Vấn đề của Apple cho thấy rằng ngay cả “ông vua của thế giới công nghệ” cũng không tránh khỏi tình trạng thiếu hụt toàn cầu đang ngày càng trầm trọng hơn do đại dịch. Ngoài việc phải đối mặt với tình trạng khan hiếm iPhone, công ty đã phải vật lộn để tạo ra đủ Apple Watch Series 7 và các sản phẩm khác.

Đầu năm nay, Apple đã cảnh báo rằng họ sẽ phải đối mặt với những hạn chế về nguồn cung iPhone và iPad trong quý kết thúc vào tháng 9. Công ty đã trích dẫn tình trạng thiếu chip toàn cầu vào thời điểm đó.

Broadcom không có các nhà máy lớn của riêng mình và đang dựa vào các nhà sản xuất chip theo hợp đồng như TSMC để sản xuất các sản phẩm của mình. Texas Instruments thì có thể tự sản xuất một số chip nội bộ, nhưng phần lớn cũng dựa vào sản xuất bên ngoài. Điều đó có nghĩa là chúng là một phần của cuộc chiến đang ngày càng trở nên thách thức hơn để đảm bảo năng lực sản xuất, tại TSMC và các xưởng đúc silicon khác. Bản thân Apple là một khách hàng của TSMC, thậm chí là khách hàng lớn nhất. Công ty Mỹ sử dụng nhà sản xuất này để tạo ra các bộ vi xử lý A-series của mình, nhưng chúng dường như chưa bị đe dọa thiếu hụt vào lúc này.

apple cuoi cung cung phai dau dau vi thieu chip cat giam 10 trieu iphone 13 2

Có những dấu hiệu cho thấy tình trạng thiếu chip ngày càng tồi tệ hơn. Thời gian giao hàng trong ngành – khoảng cách giữa thời điểm đặt hàng bán dẫn và giao hàng – đã tăng tháng thứ 9 liên tiếp lên mức trung bình là 21,7 tuần vào tháng 9, theo Susquehanna Financial Group.

Để giúp gỡ rối chuỗi cung ứng, Bộ Thương mại Mỹ đang yêu cầu các nhà sản xuất chip toàn cầu trả lời một bộ câu hỏi trước ngày 8/11, nhưng nỗ lực đó đang vấp phải sự phản đối từ các nhà lập pháp và các giám đốc điều hành ở Đài Loan và Hàn Quốc.

Đầu tuần này, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo đã tweet về kế hoạch hỗ trợ sản xuất chip trị giá 52 tỷ USD được đề xuất tại Mỹ.

Trong khi đó, một cuộc khủng hoảng năng lượng kéo dài ở Trung Quốc có thể sẽ mang tới thêm những “cơn đau đầu” cho nhà sản xuất của iPhone. Nhà cung cấp của Apple, TPK Holding, cho biết tuần trước rằng các công ty con ở tỉnh Phúc Kiến của họ đã phải sửa đổi lịch trình sản xuất do những hạn chế về quy định địa phương. Điều đó xảy ra chưa đầy hai tuần sau khi nhà lắp ráp iPhone Pegatron áp dụng các biện pháp tiết kiệm năng lượng mới, trong bối cảnh chính phủ Trung Quốc đang dần áp đặt các biện pháp hạn chế sử dụng điện.

Theo: Pháp luật & Bạn đọc

Nguồn: genk.vn

Tin liên quan

Scroll Top