Trên tay và trải nghiệm nhanh GFX50S II: Máy ảnh Medium Format giá 97 triệu đồng của Fujifilm có gì hot?

09:30 Sáng - 21/10/2021
0 Bình luận
377
bởi CỔ Ý Concept

97 triệu đồng là một mức giá không hề nhỏ với chiếc máy ảnh, nhưng nó có gì mà mắc đến như vậy?

GFX50S II là chiếc máy ảnh Medium Format (khổ trung, lớn hơn Full Frame) vừa ra mắt tháng 9 vừa qua của Fujifilm. Tính đến thời điểm hiện tại, GFX50S II là đàn em thứ 5 trong gia đình Medium Format này của hãng và nó nhiều sự thay đổi tích cực về mặt thiết kế so với đời “Mark 1”.

Nhưng hãy khoan nói về thiết kế hay tính năng, lần này chúng ta sẽ bàn về giá bán trước. Như hãng đề xuất, chiếc máy ảnh này có mức giá tại thị trường Việt Nam là 96.990.000 đồng và khi nghe đến có lẽ không ít người cảm thấy sốc về con số này.

Tuy nhiên, đây lại là mức giá rẻ nhất trong số các máy ảnh Medium Format của Fujifilm từ trước đến nay. Thậm chí khi phiên bản GFX50S ra mắt vào năm 2017, nó được định giá 150 triệu đồng, tức phiên bản “Mark 2” giờ đây đã được giảm giá 1/3 rồi.

Đó là so giá bán ở thời điểm ra mắt của cả 2 sản phẩm cùng dòng nhà Fujifilm, nhưng nhìn rộng ra hơn ở thị trường máy ảnh Medium Format này, mức giá 97 triệu đồng vẫn thật sự rất rẻ so với các thương hiệu khác như Hasselblad, Phase One hay Leica. Có thể nói, Fujifilm mang đến một lựa chọn mới cho người dùng dễ tiếp cận hơn với máy ảnh cảm biến Medium Format, nơi mà trước đây khó có thể với tới.

Nhưng, mức giá giảm so với đời 1 liệu rằng có ảnh hưởng gì đến chất lượng sản phẩm ở đời 2? Cùng tôi tìm hiểu nhé.

Fujifilm GFX50S II có sự thay đổi hoàn toàn về thiết kế của sản phẩm. Nhìn vào chiếc máy này, tôi chợt nhớ đến GFX100S. Đúng vậy, phần khung của nó có vẻ như được “đắp” từ GFX100S sang và rất có thể chúng ta sẽ nhầm lẫn nếu không nhìn vào phần tên sản phẩm được khắc bên cạnh trái của máy.

tren tay va trai nghiem nhanh gfx50s ii may anh medium format gia 97 trieu dong cua fujifilm co gi hot 1

So với GFX50S đời đầu, phiên bản mới này gọn hơn rất nhiều. Điểm có thể thấy rõ nhất là màn hình phía sau không còn bị nhô ra một cách kỳ cục nữa mà đã “phẳng” hơn. Nhờ sự thay đổi về mặt ngoại hình này, Fujifilm GFX50S II trông nhỏ và giống với một chiếc máy ảnh mirrorless dùng sensor Full Frame. Hay nói cách khác, nó quá gọn so với một chiếc máy mang trái tim Medium Format bên trong.

Được biết, độ dày của phiên bản GFX50S là 91,4mm, trong khi đó GFX50S II là 87,2mm và phần mỏng nhất chỉ có 44mm. Về cân nặng, GFX50S II khi lắp luôn cả pin và thẻ nhớ sẽ vào khoảng 900g, nhẹ hơn đời trước 20g.

tren tay va trai nghiem nhanh gfx50s ii may anh medium format gia 97 trieu dong cua fujifilm co gi hot 2

Nhìn ở mặt đáy để thấy đời 2 trông gọn hơn đời 1 bao nhiêu.

Màn hình đời 2 về thông số cũng giống đời 1: kích thước 3,2 inch với độ phân giải 2,36 triệu màu, hỗ trợ cảm ứng. Các phím chức năng cũng được thay đổi vị trí, bánh răng phía sau có kích thước to hơn. Đời 2 cũng sử dụng EVF OLED 0,5 inch, 3,69 triệu điểm ảnh giống với đời cũ.

tren tay va trai nghiem nhanh gfx50s ii may anh medium format gia 97 trieu dong cua fujifilm co gi hot 3

Lật 3 hướng giống với đời trước.

Phần gù máy cũng được làm thấp xuống so với phiên bản đầu tiên.

tren tay va trai nghiem nhanh gfx50s ii may anh medium format gia 97 trieu dong cua fujifilm co gi hot 4

Đây là điểm ăn tiền của đời 2 so với đời 1: báng cầm được thiết kế lại, giúp cầm chắc hơn, điểm đặt các ngón tay được sâu hơn.

tren tay va trai nghiem nhanh gfx50s ii may anh medium format gia 97 trieu dong cua fujifilm co gi hot 5

Phần này có thể thấy rõ nhất nó giống với GFX100S và cá nhân tôi thấy sự thay đổi này rất kịp thời vì bản thân máy rất nặng nên nếu báng cầm không phù hợp sẽ dẫn đến thao tác không thoải mái, thậm chí là đau cả khớp tay.

tren tay va trai nghiem nhanh gfx50s ii may anh medium format gia 97 trieu dong cua fujifilm co gi hot 6

Nhìn ở đỉnh máy, khu vực giữa gù và bánh răng bên trái đã có một khoảng trống, giúp người dùng đặt tay vào xoay vặn nhanh hơn so với đời trước.

Ngay từ góc này chúng ta cũng thấy nhiều sự thay đổi khác, bánh răng bên trái giờ đây là thay đổi các chế độ chụp, phía trên có thêm nút gạt chuyển giữa chụp ảnh/quay phim. Còn ở phía bên phải gù máy, màn hình phụ của GFX50S II to hơn hẳn giúp người dùng thấy được nhiều thông tin hơn. Bánh răng điều chỉnh tốc độ màn trập ở mặt trên máy cũng đã được loại bỏ ở phiên bản thứ hai này.

Về màn hình phụ, GFX50S II sử dụng màn LCD đơn sắc với kích thước 1,8 inch, tỉ lệ 4:3 và 303×230 điểm ảnh. Trong khi đó ở phiên bản cũ, kích thước màn hình chỉ là 1,28 inch, tỉ lệ hiển thị 1:1 và 128×128 điểm ảnh.

GFX50S II có khả năng kháng bụi và độ ẩm cũng như khả năng hoạt động ở nhiệt độ thấp tới -10 độ C, khi được sử dụng với một ống kính chịu được thời tiết tương đương.

Cảm biến bên trong Fujifilm GFX50S II có kích thước 43,8mm x 32,9mm và 51.4MP, có nghĩa nó hoàn toàn giống với phiên bản đầu tiên. Tuy nhiên, điểm mới là nó sử dụng vi xử lý tốc độ cao mới nhất là X-Processor 4, nhờ đó cho hiệu năng xử lý nhanh và chính xác cao. Ngoài ra, các thuật toán mới giúp hệ thống lấy nét theo độ tương phản nhanh, hoạt động song song với hệ thống IBIS kiểm soát độ nhòe chuyển động tốt hơn.

tren tay va trai nghiem nhanh gfx50s ii may anh medium format gia 97 trieu dong cua fujifilm co gi hot 7

Bên cạnh đó, chip xử lý mới này sẽ nâng cấp tốc độ lấy nét tự động và khả năng nhận diện gương mặt/phát hiện mắt cho GFX50S II. Nói đến IBIS (ổn định hình ảnh 5 trục trong thân máy), có thể nói đây là một bước cải tiến rất lớn cho dòng GFX series của Fujifilm, khi chiếc máy ảnh này có khả năng giảm rung tới 6,5 stop (GFX50S không có IBIS, GFX100S thì chỉ có 6 stop).

Fujifilm đã sử dụng cảm biến con quay hồi chuyển hiệu suất cao và cảm biến gia tốc cải tiến độ nhạy, có khả năng phát hiện chuyển động ở độ chính xác cao để ổn định hình ảnh chính xác. Nhờ tăng khả năng chống rung, nhiếp ảnh gia có thể chụp tay tốt hơn trong nhiều tình huống.

Fujifilm cũng cho biết GFX50S II có chức năng Pixel Shift Multi-Shot, có khả năng tạo ra hình ảnh 200MP gần như hoàn toàn không có hiện tượng sai màu, lý tưởng cho việc lưu trữ các tác phẩm nghệ thuật lớn và hiện vật lịch sử. Chức năng Pixel Shift sử dụng IBIS của máy ảnh để dịch chuyển cảm biến hình ảnh 0.5 pixel để ghi 16 file RAW và kết hợp chúng thành một RAW bản Kỹ thuật số (DNG) duy nhất bằng phần mềm Pixel Shift Combiner.

Bộ giả lập màu phim của đời 2 được nâng lên thành 19 màu, nhiều hơn 2 màu so với phiên bản đời đầu.

Về trải nghiệm khi chụp bằng chiếc máy ảnh này cùng ống kính GF 45-100mm F4, cá nhân người viết cũng không có nhiều thời gian dành cho nó, tuy nhiên vẫn tạm đủ một vài tình huống như chụp sản phẩm, chụp ẩm thực hay cả chụp đêm.

Vài ảnh chụp ẩm thực:

Cảm nhận về tốc độ lấy nét, hầu hết ở điều kiện đủ sáng và thiếu sáng, máy lấy nét vẫn nhanh và chính xác, dù rằng chỉ sử dụng hệ thống lấy nét tương phản chứ không có lấy nét pha. Tuy nhiên khi chụp trong điều kiện trời tối, việc bắt nét chủ thể có phần hơi khó khăn đôi chút, đây là lúc điểm yếu của máy lộ rõ khi không có lấy nét theo pha. Bù lại, nếu có chút ánh sáng hắt vào (từ đèn pin đeo trên đầu hoặc có ánh lửa) thì lại khá ổn.

Vài ảnh chụp đêm:

tren tay va trai nghiem nhanh gfx50s ii may anh medium format gia 97 trieu dong cua fujifilm co gi hot 9

Ảnh chụp phong cảnh lúc hoàng hôn:

tren tay va trai nghiem nhanh gfx50s ii may anh medium format gia 97 trieu dong cua fujifilm co gi hot 10

Vài ảnh chụp chân dung và các thể loại khác:

tren tay va trai nghiem nhanh gfx50s ii may anh medium format gia 97 trieu dong cua fujifilm co gi hot 11

Thứ tôi ấn tượng với chiếc máy này là dải sáng động (Dynamic Range) của nó rất lớn. Cụ thể như ở 1 bức ảnh tôi chụp cháy sáng dưới đây, sau khi đưa lên Lightroom và giảm sáng 3-4 stop vẫn có thể cứu rõ các chi tiết trong vùng bị cháy:

Tương tự ở bức ảnh này, khi kéo Exposure lên +4 có thể thấy được vùng tối hiện lên thế nào mà mắt thường bản thân tôi cũng không thể thấy được:

Điểm tiếp theo là vì sử dụng cảm biến lớn hơn Full Frame nên chúng ta cũng có thể cắt cúp được “mạnh tay” hơn trước. Cụ thể như ảnh dưới đây, thoạt nhìn bức ảnh như vậy bạn khó có thể thấy được chú mèo đang nấp sau lưng ông Địa, nhưng khi crop lại, mọi thứ vẫn rất chi tiết thế này:

tren tay va trai nghiem nhanh gfx50s ii may anh medium format gia 97 trieu dong cua fujifilm co gi hot 12

Hơn hết, tôi muốn dành một điểm cộng lớn cho chiếc máy này ở khả năng chống rung 6,5 stop. Nhờ có IBIS này, khi cầm một chiếc máy 900g cùng ống kính GF 45-100mm F4 (nặng 1kg), tôi vẫn có thể chụp được những bức ảnh thiếu sáng ở tốc độ màn trập rất chậm, có khi xuống còn 1/10s hoặc 1/6s mà không bị rung nhòe. Suy cho cùng, nếu như không hài lòng ở phần lấy nét thiếu sáng do không có PDAF, khả năng chống rung ấn tượng của GFX50S II ít ra cũng bù trừ lại phần nào để tôi đỡ bực dọc hơn.

Tất cả ảnh chụp đêm của tôi đều cầm tay, không tripod và chụp ở tốc rất thấp.

Trên đây là một số cảm nhận nhanh của tôi về chiếc máy Medium Format mới của Fujifilm. Tóm lại có thể nói GFX50S II là một chiếc máy vừa mới, vừa cũ, khi mang trong mình cảm biến giống như bản trước, nhưng cái đáng khen là Fujifilm đã biết tận dụng lại nguyên liệu này để “xào nấu” lại cho món ăn thơm ngon hơn nhiều so với thuở sơ khai. Từ thân hình gọn, đẹp hơn, nhẹ hơn, cho đến chống rung IBIS 6,5 stop được thêm vào và đặc biệt là mức giá bán rẻ hơn hẳn so với thời điểm GFX50S ra mắt, có thể nói chiếc máy ảnh này khá xứng đáng để nâng cấp.

Với việc chụp liên tiếp chỉ 3fps và thiếu đi lấy nét theo pha, có thể nói đây là điểm trừ dành cho GFX50S II này. Tuy nhiên, có mấy ai lại dùng Medium Format để chụp thể thao hay đường phố? Đối tượng chính sử dụng đến máy ảnh có kích thước cảm biến to hơn Full Frame đa phần là những nhiếp ảnh gia chụp thương mại, thời trang, ẩm thực… vì vậy sự thiếu sót kia, theo tôi, không phải là vấn đề lớn đối với họ.

Theo: Pháp luật & Bạn đọc

Nguồn: genk.vn

Tin liên quan

Scroll Top