Trải nghiệm Samsung Galaxy M22: Những thứ hiện đại đi kèm với sự cắt giảm, nhưng nhìn chung là tốt

10:00 Sáng - 22/10/2021
0 Bình luận
478
bởi An Bùi

Những sản phẩm smartphone tầm trung gần đây đã có những sự nâng cấp rõ rệt, “mượn” các tính năng từ sản phẩm cao cấp.

trai nghiem samsung galaxy m22 nhung thu hien dai di kem voi su cat giam nhung nhin chung la tot 1

Một ví dụ điển hình là chiếc Galaxy M22 mới được Samsung ra mắt, trang bị viên pin lớn 5000mAh, màn hình tần số làm tươi cao 90Hz và cả camera tích hợp chống rung OIS nữa. Nhưng ngược lại, để có những tính năng này thì máy cũng sẽ phải cắt giảm ở một số phần khác để chi phí không bị “đội” lên quá cao.

Là một sản phẩm tầm trung, không bất ngờ khi Galaxy M22 được chế tạo bằng nhựa poly, Samsung hiện tại cũng không che giấu điều này bằng cách đánh bóng mặt lưng và gọi đó là “glasstic” hay nhựa giả kính nữa.

Mặc dù được làm bằng nhựa nhưng máy cầm trên tay vẫn có sự cứng cáp đủ tốt, không có bất cứ chi tiết nào tạo cảm giác bị rẻ tiền cả. Mặt lưng có những chi tiết “lượn sóng” khá nhỏ chạy dọc thân máy để thành phần này không trơn hoàn toàn, tạo một chút điểm nhấn.

Máy sở hữu tới 4 chiếc camera, trong đó camera chính có cấu hình cao nhất với độ phân giải 48MP hỗ trợ bởi hệ thống chống rung quang học OIS, camera siêu rộng 8MP, camera chụp macro 2MP và cảm biến đo chiều sâu 2MP.

trai nghiem samsung galaxy m22 nhung thu hien dai di kem voi su cat giam nhung nhin chung la tot 1 1

Điểm nhấn trong hệ thống của hệ thống camera trên Galaxy M22 chắc chắn là sẽ là camera chính rồi, vừa có độ phân giải cao lại vừa có chống rung OIS – một tính năng trước đây chỉ có trên những smartphone cao cấp nhưng thời gian gần đây cũng đang “tìm đường” đến với sản phẩm tầm trung và bình dân.

Tính năng chống rung OIS có khá nhiều những ứng dụng, nhưng tựu chung lại là nhằm tăng độ nét của ảnh trong những trường hợp phải giữ máy lâu hay chụp xa. Các trường hợp này bao gồm chụp độ phân giải 48MP (máy sẽ cần xử lý lâu hơn ảnh thông thường một chút), chụp zoom xa (Galaxy M22 thực hiện zoom điện tử từ camera chính) và chụp thiếu sáng với chế độ Chụp đêm.

Ảnh chụp từ camera chính của Galaxy M22 có khả năng đo sáng tốt, màu sắc cũng tươi sáng nhưng sẽ bị thiếu một chút về độ tương phản, nhất là trong những ngày trời mưa và nhiều sương mù tại Hà Nội gần đây. Để ảnh đẹp nhất, bạn sẽ cần sử dụng ứng dụng hậu kỳ để tăng độ tương phản (Contrast) lên một chút.

Camera cho mục đích chụp macro sử dụng cũng khá là “vui vẻ”. Hình ảnh phía trên so sánh khả năng chụp cận cảnh của camera chính và macro, bạn có thể thấy rằng ta có thể chụp gần được hơn rất nhiều với loại camera được thiết kế dành riêng cho mục đích của nó. Tuy vậy thì loại camera này có độ phân giải khá thấp, chỉ 2MP nên bạn cần đảm bảo “chụp ăn ngay”, ta sẽ không cắt ảnh được thêm trong quá trình hậu kỳ vì làm vậy ảnh sẽ thiếu độ phân giải.

Kèm theo đó là việc camera macro cũng có khoảng lấy nét cố định (3 – 5cm cách máy) nên bạn cần học cách lấy nét bằng cách đưa máy ra xa, lại gần thay vì nhấn lên màn hình như camera chính.

Cuối cùng là camera góc siêu rộng, với góc nhìn 123 độ. Hiện tại Samsung cũng đã có nhiều những loại camera siêu rộng khác nhau, Galaxy M22 thì sử dụng loại cũ với độ phân giải 8MP. Nhìn chung chất lượng ảnh từ camera trong thời điểm hiện nay nằm ở mức khá, có hơi mờ một chút ở những viền ảnh nhưng các vấn đề về độ tương phản, màu sắc và độ nét ở giữa ảnh vẫn ổn.

trai nghiem samsung galaxy m22 nhung thu hien dai di kem voi su cat giam nhung nhin chung la tot 2

Màn hình tiếp tục là một chi tiết “được cái này mất cái kia” của Galaxy M22. Ta có một màn hình Super AMOLED 6.4 inch với độ phân giải HD+ và tần số làm tươi 90Hz. Sử dụng tấm nền Super AMOLED, Galaxy M22 cho hình ảnh hiển thị màu sắc đậm, những nội dung có màu đen cũng đem lại độ sâu tốt hơn hẳn so với các dòng máy với màn hình LCD.

Nhưng với độ phân giải chỉ HD+ (720 x 1600) thì sẽ xảy ra hiện tượng rỗ đối với những bạn tinh mắt, hoặc quen sử dụng các dòng máy FullHD+ hoặc WQHD+. Hiện tượng này thấy rõ nhất khi ta đọc báo với các chữ nhỏ, đôi khi chúng có cảm giác hơi “mờ mờ” nhẹ chứ không sắc nét hoàn toàn.

Nhưng bù lại là tần số làm tươi 90Hz, tức cao hơn gấp rưỡi so với tiêu chuẩn 60Hz trước đây. Những yếu tố chuyển cảnh trên màn hình luôn cho cảm giác nhanh hơn đôi chút, mặc dù sự khác biệt không thể rõ rệt bằng màn hình 120Hz của những dòng máy cao cấp được. Sự nâng cấp lên các màn hình tần số cao ở phân khúc tầm trung đang là một phong trào rất đáng hoan nghênh ở thời điểm hiện nay!

Về mặt cấu hình bên trong Galaxy M22 sở hữu vi xử lý MediaTek Helio G80, một con chip cũng khá phổ biến trong tầm giá. Một số dòng máy khác cũng sử dụng chip này bao gồm vivo Y53s, Galaxy A32 và Realme 6i.

trai nghiem samsung galaxy m22 nhung thu hien dai di kem voi su cat giam nhung nhin chung la tot 3

Đánh giá hiệu năng của vi xử lý MediaTek Helio G80

Đây là một vi xử lý tầm trung, để mọi người dễ hình dung về hiệu năng hơn thì nó thường được so với với Snapdragon 665 từ Qualcomm. Trên sử dụng thực tế, máy không gặp bất cứ khó khăn gì trong những tác vụ thông thường như duyệt web, xem video cả, chỉ khi mở những ứng dụng nặng thì máy mới bị chậm 1 nhịp đối với các dòng smartphone với chip mạnh hơn mà thôi.

Đối với game, Liên Quân Mobile không rõ vì lý do gì mà hiện nay không cho phép một số dòng smartphone mới của Samsung được bật chế độ FPS cao (60fps) nên tôi chỉ có thể đặt ở chế độ 30fps mà thôi. Nhưng cũng vì tần số thấp nên game có thể đặt được ở những mức đồ họa cao, bao gồm độ phân giải, chất lượng hình ảnh và chi tiết đều ở mức gần chạm đỉnh.

Còn với Liên Minh Huyền Thoại: Tốc chiến thì lại là chuyện khác, bất cứ máy nào cũng có thể điều chỉnh cấu hình một cách thoải mái. Với tựa game này, tôi đặt 60fps và giảm hình “độ đẹp” xuống trung bình, chỉ riêng mục Đồ Họa được đặt lên cao. Mặc dù vậy khi vào game thì hình ảnh vẫn khá đẹp, các hiệu ứng bóng tối, màu sắc luôn đậm đà và mức 60fps được giữ khắp trận đấu.

trai nghiem samsung galaxy m22 nhung thu hien dai di kem voi su cat giam nhung nhin chung la tot 4

Thời lượng pin “dài dằng dặc” của Galaxy M22

Điểm sáng trong cấu hình phần cứng của Galaxy M22 nằm ở thời lượng pin. Nhờ được trang bị một viên pin dung lượng cao 5000mAh, màn hình độ phân giải vừa phải còn là dạng Super AMOLED có thể tiết kiệm năng lượng với các nội dung màu tối và cả chip vừa đủ dùng, máy cho thời lượng dụng đúng chất “mãnh thú” theo cách nói của Samsung.

Trong một ngày giải trí với hơn 4 tiếng với video Youtube, chơi game khoảng 1 tiếng và đọc báo 1 tiếng chiếc Galaxy M22 của tôi chỉ mất khoảng 33% tức 1/3 mức pin. Phải nói thêm rằng đây là một ngày nghỉ nên tôi mới sử dụng máy nhiều như vậy, còn những ngày đi học, làm việc thì sẽ còn dùng máy ít hơn! Vì vậy tôi tự tin rằng việc máy có thể “trụ” được đến ngày thứ 3 trong một lần sạc đầy pin là khả thi.

Điểm nâng cấp đối với một sản phẩm có nhiều điểm tương tự trong cùng hãng Galaxy A22 là M22 có khả năng sạc 25W. Nhưng vì một lý do nào đó mà dock sạc được tặng kèm trong hộp lại chỉ là 15W mà thôi, muốn có công suất tối đa người dùng sẽ phải mua một dock sạc khác bên ngoài.

Có khả năng sạc 25W nhưng dock sạc đi kèm máy chỉ có công suất 15W mà thôi!

Tại đây nảy sinh ra một nhược điểm đó là tốc độ sạc của máy không được nhanh. Từ 20% pin, ta sẽ mất hơn 2 tiếng để sạc đầy pin, và nếu như để máy cạn kiệt thì chắc chắn là thời gian này sẽ còn kéo dài hơn. Để giải quyết vấn đề này bạn cần phải mua sạc nhanh hơn như đã đề cập, hoặc để ý mức pin để sạc trước khi phải đem máy đi sử dụng ở những nơi không có cổng sạc.

Như thường lệ, việc đòi hỏi một chiếc máy hoàn hảo trong tầm giá “loanh quanh” 4 triệu Đồng là không thể. Samsung Galaxy M22 có những ưu điểm về màn hình 90Hz mượt mà, camera chính chất lượng tốt, thời lượng pin mạnh mẽ nhưng ngược lại thì chỉ có cấu hình vừa đủ dùng, độ phân giải màn hình thấp và thời gian sạc khá lâu.

Nếu muốn mua chiếc smartphone này, bạn hãy “đặt lên bàn cân” những điểm cộng và điểm trừ của nó, tìm ra những thứ quan trọng đối với bạn để đi đến quyết định đúng đắn nhất.

Theo: M.Đức

Nguồn: soha.vn

Tin liên quan

Scroll Top