1. Lắp cáp quang biển là một công việc khó khăn và tốn kém
Ngày nay, 99% dữ liệu quốc tế được truyền bằng dây ở dưới đáy đại dương (gọi là cáp thông tin liên lạc dưới biển). Tổng cộng, có hàng trăm nghìn km dây cáp đang nằm các đại dương của chúng ta. Cáp biển được lắp đặt bởi các loại tàu đặc biệt gọi là tàu thả cáp. Công việc lắp cáp không đơn giản là quẳng dây cáp từ trên tàu xuống biển. Trên thực tế, dây cáp phải nằm trên bề mặt phẳng dưới đáy đại dương và phải tránh các rạn san hô, tàu chìm, môi trường sinh thái khác và các vật cản chung. Đường kính của một dây cáp ở phần nước nông tương đương với một lon soda, trong khi các dây cáp nước sâu chỉ mỏng bằng 1 cây bút. Sự khác biệt về kích thước có liên quan đến khả năng bị hư hỏng của cáp. Cáp biển nằm phần nước nông thường được chôn dưới mặt biển bằng vòi phun nước áp lực cao. Nhìn chung, việc trải cáp quang xuyên địa dương thường có giá hàng trăm triệu đô la.
2. Cá mập thích cắn cáp quang biển
Hiện nay, con người vẫn chưa hiểu chính xác vì sao cá mập lại thích cắn cáp quang biển. Có lẽ chúng bị hấp dẫn bởi trường điện từ. Có thể chúng chỉ tò mò hoặc đơn giản là chúng ngứa răng không có việc gì làm. Vấn đề trước mắt là cá mập vẫn đang cắn cáp quang biển và đôi khi là làm hỏng chúng. Để giải quyết vấn đề này, các công ty như Google đang bảo vệ dây cáp của họ bằng cách sử dụng lớp vỏ cáp chống cá mập.
3. Những nguyên nhân gây đứt cáp quang biển khác
Ngoài cá mập, cáp quang biển còn có nguy cơ bị hỏng bởi mỏ neo thuyền, tàu đánh bắt cá và thiên tai. Thậm chí là có một số người dân hám lợi cắt cáp quang biển để đem bán. Một công ty có trụ sở tại Toronto đã đề xuất chạy một tuyến cáp qua Bắc Cực nối liền Tokyo và London. Điều này trước đây được coi là không thể, nhưng biến đổi khí hậu và băng tan đã biến đề xuất này trở nên khả thi nhưng với số tiền khổng lồ.
4. Việc sửa cáp quang biển không dễ dàng
Nếu bạn nghĩ rằng việc sửa một sợi dây cáp nằm phía sau bàn làm việc của bạn là khó khăn thì hãy tưởng tượng việc thay thế một sợi cáp bị hỏng ở dưới đáy đại dương. Khi cáp quang biển bị đứt, các tàu sửa chữa đặc biệt sẽ ra khơi. Nếu cáp được đặt ở vùng nước nông, robot sẽ được triển khai để lấy cáp và kéo nó lên mặt nước. Nếu cáp ở vùng nước sâu (2 km trở lên), các tàu sửa chữa sẽ sử dụng các móc đặc biệt để kéo cáp lên. Để dễ dàng hơn, đôi khi người ta sẽ cắt cáp hỏng làm hai và sữa chữa chúng trên hai tàu riêng biệt.
5. Cáp quang biển chỉ có tuổi thọ 25 năm
Tính đến năm 2014, có 285 đường dây cáp thông tin dưới đáy đại dương và 22 trong số chúng chưa được sử dụng. Chúng được gọi là “cáp tối”. Sau khi được bật lên, chúng sẽ được gọi là ‘cáp sáng’. Cáp quang biển có tuổi thọ tối đa 25 năm, đây là khoảng thời gian chúng được coi là có hiệu quả về kinh tế. Tuy nhiên, trong thập kỷ qua, mức sử dụng dữ liệu toàn cầu đã bùng nổ. Năm 2013, lưu lượng truy cập Internet là 5 gigabyte trên đầu người, đến năm 2019, con số này đã là 37 gigabyte. Sự gia tăng như vậy rõ ràng sẽ gây ra vấn đề về công suất và đòi hỏi nâng cấp cáp thường xuyên hơn. Tuy nhiên, các kỹ thuật mới trong công nghệ truyền tải dữ liệu qua cáp quang đã tăng hiệu quả lên đến 8000% ở một số nơi. Cáp quang biển sẽ còn được sử dụng trong thời gian rất dài sắp tới.
Bonus: Liệu cáp quang biển có dễ bị nghe lén?
Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Liên Xô thường truyền đi những thông điệp được mã hóa yếu giữa hai căn cứ hải quân lớn của nó. Mã hóa phức tạp là điều quá mức cần thiết đối với các sĩ quan Liên Xô vì các căn cứ được liên kết trực tiếp bằng một dây cáp dưới biển nằm trong vùng lãnh hải của Liên Xô. Không đời nào người Mỹ lại dám xâm nhập hải phận của Liên Xô để nghe lén thông tin qua đoạn cáp này cả. Nhưng Liên Xô đã không tính đến USS Halibut, một tàu ngầm được trang bị đặc biệt có khả năng vượt qua hệ thống phòng thủ của Liên Xô. Chiếc tàu ngầm này đã tìm thấy dây cáp và cài đặt một máy nghe lén tinh vi, đem lại cho Hoa Kỳ vô số thông tin tình báo giá trị. Chiến dịch này sau đó đã bị lộ khi một nhân viên phân tích của NSA là Ronald Pelton bán thông tin chiến dịch cho Liên Xô. Ngày nay, khai thác cáp thông tin liên lạc dưới biển là một hoạt động thường thấy của mọi cơ quan tình báo trên thế giới.
Theo: Nguyên Lê
Nguồn: techz.vn