AI huỷ diệt hay làm loài người thông minh hơn

07:07 Chiều - 29/04/2019
0 Bình luận
794
bởi Phương Anh

Con người sẽ bước vào thời kỳ hạnh phúc và thịnh vượng nhất của mình nhờ AI, theo Alex Bates – nhà sáng lập công ty phát triển nền tảng AI Mtelligence.

Bài viết là quan điểm cá nhân của tác giả Alex Bates, nhà sáng lập công ty phát triển nền tảng AI Mtelligence.

Một số nhà nghiên cứu và doanh nhân công nghệ đều đồng ý rằng trí thông minh máy tính một ngày nào đó sẽ ngang bằng hoặc vượt qua trí thông minh của con người. Nhưng có một vấn đề vẫn còn gây tranh cãi: Sau đó, điều gì sẽ xảy ra?

Một số người cho rằng đó sẽ là ngày tận thế, hoặc là thời kỳ thịnh vượng nhất mà con người từng trải qua. Các bộ phim như Kẻ Hủy Diệt hay Ma Trận đều chia sẻ cốt truyện máy móc muốn hủy diệt nhân loại. Những câu chuyện này có tính giải trí cao, nhưng lại quá nghiêng về quan điểm tiêu cực và không nhằm mục đích cung cấp tri thức.

Sophie, robot sử dụng trí tuệ nhân tạo, từng nổi tiếng với phát ngôn: "OK, tôi sẽ hủy diệt nhân loại". Ảnh: Medium.
Sophie, robot sử dụng trí tuệ nhân tạo, từng nổi tiếng với phát ngôn: “OK, tôi sẽ hủy diệt nhân loại”. Ảnh: Medium.

Bản thân tôi đã dành nhiều thời gian nghiên cứu khái niệm “Singularity”, một giả thuyết nghiên cứu những khả năng có thể xảy ra với Trái Đất một khi máy móc phát triển hơn con người.

Từ đó, tôi cho rằng sự tiên tiến của AI không phải là con đường tàn phá nhân loại. Nó thông báo về kỷ nguyên tiếp theo của con người và cuộc sống đó sẽ tốt đẹp.

Tự động hoá công việc

Mọi công việc đều có những phần chính yếu và các phần phụ trợ kèm theo. Một người quản lý có thể nhanh chóng triển khai các chiến lược, sáng tạo ý tưởng với nhóm của mình. Nhưng khi đến phần báo cáo sổ sách hay giấy tờ dự án, sự hấp dẫn dành cho công việc dường như biến mất.

Một hệ thống AI đủ tiên tiến có thể thay chúng ta viết những báo cáo đó trong nháy mắt, với điều kiện được cung cấp dữ liệu đáng tin cậy. Thậm chí, hệ thống giả thiết này có thể xử lý tất cả các mục lịch và nhận gửi email trong suốt thời gian làm việc. Đây sẽ là “cứu cánh” cho bất kỳ ai cảm thấy chán ghét việc phải viết báo cáo thường xuyên.

Tuy vậy, không cần lo lắng về việc AI sẽ khiến con người rơi vào tình trạng thất nghiệp. Những công việc sáng tạo hay cần tư duy sâu vẫn cần đến bộ não và trực giác của chúng ta để hoàn thành.

Dòng chảy sáng tạo

“Dòng chảy” (flow) là một trạng thái đặc trưng bởi sự tập trung hoàn toàn về nhận thức và tư duy vào một vấn đề nào đó, đây là một phần của quá trình sáng tạo. Khi ở trong dòng chảy, con người dễ đạt được khoảnh khắc giác ngộ hoặc vỡ lẽ, từ đó tạo ra các thành tựu và phát kiến mới.

Hầu hết chúng ta hiếm khi có cơ hội được đi vào trạng thái dòng chảy bởi quá bận rộn với công việc hàng ngày. Các phương tiện truyền thông xã hội cũng cũng là nguyên nhân chủ yếu cho tình trạng này.

Dòng chảy là điều quan trọng của bất cứ quá trình sáng tạo nào. Ảnh: Wolters Kluwers.
Dòng chảy là điều quan trọng của bất cứ quá trình sáng tạo nào. Ảnh: Wolters Kluwers.

Vậy điều gì sẽ xảy ra nếu một hệ thống AI tìm ra được những điều kiện để con người đạt được trạng thái dòng chảy? Hệ thống máy tính từ đó có thể thiết kế lịch hoạt động thường nhật cho chúng ta, loại bỏ những yếu tố gây gián đoạn và tính toán lượng thời gian hợp lý để dễ dàng đưa con người vào trạng thái tư duy sáng tạo nhất.

Đây chỉ là một vài cách mà các hệ thống AI giúp tăng trưởng mức độ hạnh phúc và năng suất làm việc cho chính chúng ta.

AI không thay thế con người

Có cả một danh sách những quá trình nhận thức mà AI sẽ không bao giờ học được. Tôi đang nói về những điểm đặc trưng của con người như sự đồng cảm và trực giác, là thứ thuộc về cuộc sống nội tâm của chúng ta. Đây sẽ là một thử thách khó chịu với những cỗ máy mô phỏng, và vì vậy, con người vẫn luôn có giá trị riêng cho mình.

Khi AI có thể thực hiện những công việc phụ trợ, đồng nghĩa với việc bộ não con người sẽ trở nên thoải mái hơn. Những tác vụ nhàm chán được tự động hoá khiến chúng ta không phải lo nghĩ nhiều về nó, năng lượng thay vì dùng cho những việc này cũng sẽ được tận dụng để giải quyết các vấn đề khác.

Khi IBM phát triển bộ công cụ cờ vua công suất lớn để đánh bại kỳ thủ giỏi nhất của loài người, mục đích của họ không phải để chứng minh chúng ta có tư duy yếu kém hơn máy móc. Thực tế hoàn toàn ngược lại: các kỳ thủ trở nên mạnh hơn vì họ đã sáng tạo ra những lối chơi mới bằng việc nghiên cứu máy móc.

Máy tính Deep Blue của IBM đã từng đánh bại kỳ thủ giỏi nhất của loài người, nhưng đó không phải toàn bộ vấn đề. Ảnh: Extreme Tech.
Máy tính Deep Blue của IBM đã từng đánh bại kỳ thủ giỏi nhất của loài người, nhưng đó không phải toàn bộ vấn đề. Ảnh: Extreme Tech.

Nói cách khác, bằng việc tận dụng AI, con người đang thật sự “work smarter, not harder” (làm việc thông minh hơn, chứ không phải chăm chỉ hơn).

Bạn sẽ không bao giờ quên điều gì nữa

Trong cuốn sách The Inevitable (Không thể lãng quên), Kevin Kelly đã mô tả trí thông minh con người như một “trí thông minh tổng quát”, hữu ích khi giải quyết những vấn đề ở phạm vi rộng.

Song vẫn có một số giới hạn nhất định cho trí thông minh này, như truy xuất dữ liệu. Việc nhớ được nhiều thông tin vừa là điểm mạnh, vừa là bất lợi của con người.

Bạn có bao giờ cố gắng để nhớ một cái gì đó, càng nỗ lực để nhớ lại càng quên? Sự thiết sót này của chúng ta được gọi là ức chế do thu hồi. Những hệ thống trí tuệ nhân tạo không gặp phải vấn đề tương tự. Nếu bạn đã chỉ đạo AI lưu trữ một dữ liệu gì, bạn cũng có thể truy xuất dữ liệu đó bất cứ khi nào mong muốn.

AI giúp duy trì những mối quan hệ tốt đẹp

Boomerang, một plugin nổi tiếng của Gmail vào khoảng năm 2016, đã dùng AI để giúp người dùng biết được cảm xúc phản hồi khi một email được gửi đi. Nếu Boomerang phát hiện giọng điệu thô lỗ hoặc dòng chủ đề quá cụt, nó sẽ đưa ra các đề xuất để cải thiện mức độ lịch sự của tin nhắn.

Các hệ thống AI trong tương lai có thể đưa ý tưởng này đi xa hơn. Ngoài phạm vi email, chúng có thể biến thành một dạng trợ lý ảo chuyên đưa ra các khuyến nghị. Nói cách khác, một dạng “quân sư” cho con người, cung cấp gợi ý về việc mặc gì, ăn gì hoặc đi đâu chơi,… Những công cụ này thậm chí có thể đưa ra lời khuyên để cải thiện việc tương tác với gia đình và bạn bè.

Amazon từng giới thiệu Echo Look với khả năng dùng AI đánh giá mức độ phù hợp của trang phục so với người mặc. Ảnh: Gizmodo.
Amazon từng giới thiệu Echo Look với khả năng dùng AI đánh giá mức độ phù hợp của trang phục so với người mặc. Ảnh: Gizmodo.

Để kết thúc, tôi có thể khẳng định lại về niềm tin vào sự phát triển công nghệ AI của mình. Nó giống như một kỷ nguyên mới, là lúc nhân loại rũ bỏ cái cũ để nhường chỗ cho cái mới tốt đẹp hơn. Chúng ta nên gọi đó là Thời đại Tăng cường, bởi con người sẽ được tăng cường đến mức siêu phàm nhờ AI.

Trái ngược hoàn toàn với tầm nhìn của những bộ phim viễn tưởng mà tôi nhắc đến lúc đầu, tương lai sẽ là thời kỳ đầy những thành tựu sáng tạo và thịnh vượng.

Theo: Hữu Chiến

Nguồn: News Zing

Tin liên quan

Scroll Top