Rõ ràng là Steve Jobs rất căm ghét Android. Khi hệ điều hành này xuất hiện, nhà sáng lập của Apple đã từng tuyên bố “sẽ dành những đồng tiền và hơi thở cuối cùng” để “hủy diệt” chú robot xanh. Khi ông qua đời vào năm 2011, thị phần Android đã vượt mặt iPhone. Đến nay, lượng smartphone Android bán ra trên toàn cầu thường cao gấp 4, 5 lần lượng iPhone bán ra.
Nhưng trước khi Android xuất hiện, Steve Jobs đã từng có mối quan hệ đặc biệt thân cận với các nhà lãnh đạo Google. Theo lời kể của một nhà đầu tư, khi tìm CEO cho Google trong những năm đầu tiên, 2 nhà sáng lập Larry Page và Sergey Brin của Google từng gọi Steve Jobs là “vị anh hùng đáng ngưỡng mộ”, và thậm chí còn ngỏ ý muốn mời Jobs về làm CEO.
Một nhân viên cũ của Google thậm chí còn thu lại được khoảnh khắc Google đi ăn trưa cùng Larry Page và Eric Schmidt (CEO, chủ tịch của Google trong nhiều năm). Thực tế, Eric Schmidt còn được mời vào HĐQT của Apple. YouTube và Google Maps đóng vai trò quan trọng trên các thế hệ iPhone đầu tiên, và chính CEO Google cũng có mặt trên sân khấu ngày ra mắt iPhone.
Sự xuất hiện của Android dĩ nhiên đã khiến cho mối quan hệ này bị chấm dứt. Nhưng điều đó không có nghĩa rằng Apple và Google đã trở thành những kẻ thù không đội trời chung như Steve Jobs nói. Mỗi năm, Google trả cho Apple khoảng 1 tỷ USD để giữ vững vị trí là bộ máy tìm kiếm mặc định trên Safari. Dù ghẻ lạnh BB10 và Windows Phone, Google vẫn luôn mang đầy đủ các ứng dụng, dịch vụ của mình lên iOS. Mới gần đây, 2 công ty còn bắt tay nhau tạo ra một giải pháp giúp người dùng theo dõi khả năng tiếp xúc với người nhiễm Covid-19.
Đến cuối cùng, Google vẫn là một công ty quảng cáo, và không có lý do gì gã khổng lồ này không thể thân thiết với một gã khổng lồ phần cứng như Apple cả. CEO hiện tại của Apple là Tim Cook cũng đã từng bị bắt gặp đi ăn tối cùng CEO Google, Sundar Pichai. Rõ ràng, Google và Apple vẫn đang làm bạn của nhau, chỉ là “kín kẽ” hơn thời kỳ Steve Jobs và Eric Schmidt mà thôi.
Thật khó để nói hết về mối quan hệ đặc biệt giữa Steve Jobs và Bill Gates. Sản phẩm thành công đầu tiên của Microsoft là một module mở rộng dành cho máy Apple II. Khi chuẩn bị thiết lập cách mạng GUI cùng Macintosh, Steve Jobs từng muốn thuê Microsoft viết phần mềm giúp hệ điều hành này thành công. Nhà sáng lập Microsoft xuất hiện tại sự kiện Macintosh của Apple, dành những lời khen có cánh cho “đứa con cưng” sắp ra mắt của Steve Jobs. Ít lâu sau, Windows ra đời, Macintosh dần thất bại, Steve Jobs bị “đá” khỏi Apple và họ bắt đầu coi nhau là kẻ thù.
Đến năm 1997, khoản đầu tư trị giá 150 triệu USD từ Microsoft đã giúp cứu sống Apple. Quan hệ giữa Steve Jobs và Bill Gates dần êm dịu trở lại – có lần, nhà sáng lập Apple còn trích lời bài hát của The Beatles để nói về tình bạn của họ.
Sau khi Jobs qua đời, và sau khi Microsoft thất bại toàn tập trong cuộc chiến di động, tình bạn giữa Microsoft và Apple đi vào một giai đoạn thăng hoa chưa từng có. CEO Satya Nadella của Microsoft chọn Office trên iPad làm sản phẩm đầu tiên để ra mắt trước công chúng. Đại diện của Microsoft đã không dưới một lần xuất hiện tại các sự kiện của Apple để quảng bá cho các phần mềm Microsoft chạy trên thiết bị của Apple. Năm ngoái, tựa game Minecraft Earth của Microsoft được lựa chọn để phô diễn tính năng AR trên iPad.
Bởi giờ đây Microsoft đã xác định rõ vai trò của mình: một ông lớn “nền tảng” chuyên tạo ra các công cụ phần mềm và đám mây. Vai trò ấy cho phép Microsoft dễ dàng trở thành một người bạn đặc biệt của Apple, kẻ hiện nay đang là gã khổng lồ số 1 của lĩnh vực phần cứng.
Cũng như Microsoft và Google, Samsung “gây thù” với Apple theo cùng một cách: ban đầu là đối tác giúp Apple phát triển một sản phẩm quan trọng, và sau đó ra mắt một sản phẩm cạnh tranh trực tiếp. Trên chiếc iPhone đầu tiên, Samsung cung cấp 2 bộ phận quan trọng là chip và camera.
Năm 2010, Samsung vén màn những mẫu smartphone Android đầu tiên. Chỉ một năm sau – cũng là năm Steve Jobs qua đời, sản lượng smartphone của Samsung đã vượt mặt Apple. Một năm sau, người Hàn Quốc vượt mặt nốt Nokia, trở thành ông chủ của thị trường di động toàn cầu kể từ thời điểm đó cho đến tận bây giờ. Vụ kiện vi phạm bằng sáng chế giữa Apple và Samsung sau đó bùng nổ, trở thành tâm điểm của thế giới công nghệ những năm đầu thập niên 2010.
Ấy vậy mà ngay cả khi quan hệ giữa 2 hãng đang đi vào giai đoạn tồi tệ nhất, “thái tử”, nhà điều hành tối cao Jay Y. Lee của Samsung vẫn được mời đến dự đám tang của Steve Jobs, bên cạnh Bill Gates và nhiều nhà lãnh đạo công nghệ khác. Các nguồn tin cho rằng Lee và Jobs đã có mối quan hệ khá thân thiết khi nhà sáng lập Apple từng cùng nhà lãnh đạo Samsung tháo lắp các bản mẫu iPhone trong thời kỳ đầu hợp tác.
Mối quan hệ cung-cầu này vẫn tiếp tục cho đến tận ngày hôm nay. Samsung nhiều lần được lựa chọn làm đối tác gia công cho các con chip iPhone, iPad của Apple. RAM của Samsung nhiều lần xuất hiện trên thiết bị mác Táo, và Samsung hiện tại vẫn được coi nhà cung ứng duy nhất đáp ứng được yêu cầu của Apple về chất lượng OLED.
Một lần nữa, chìa khóa từ “thù” trở lại thành “bạn” của Táo vẫn chỉ có 1: bên cạnh các mảng cạnh tranh, Samsung vẫn có một mảng kinh doanh trọng yếu có thể đem lại lợi ích cho cả 2 bên (linh kiện). Số tiền Samsung thu về từ màn hình cung ứng cho Apple có khi còn vượt quá số tiền thu về từ chính smartphone Galaxy đầu bảng.
Theo: Trí Thức Trẻ
Nguồn: genk.vn