Bàn phím QWERTY là bí ẩn chưa có lời giải đáp lớn nhất trong ngành công nghệ

10:00 Sáng - 03/04/2022
0 Bình luận
397
bởi Duy Khoa

QWERTY, 6 ký tự đầu tiên ở hàng trên cùng của bố cục bàn phím chuẩn mà bạn thấy trên máy tính và smartphone mỗi ngày. Nhưng không ai biết nguồn gốc của nó ra sao, và câu đố này đã khiến bao nhà sử học cau mày suốt cả thế kỷ.

Bí mật của người chết

Gần 150 năm trước, máy đánh chữ xuất hiện và làm thay đổi hoàn toàn công việc văn phòng trên thế giới, giống như cách máy tính cá nhân từng làm vào cuối thế kỷ 20 vậy. Kể từ đó, dù ở đâu, lúc nào, cuộc sống của chúng ta cũng mãi mãi gắn liền với QWERTY, một bố cục bàn phím khá lạ mắt được xem là “bàn phím phổ thông” của mọi người. Dãy phím QWERTYUIOP quen thuộc hiện có mặt trên hàng tỷ thiết bị, cả analog lẫn điện tử, toàn cầu.

Điiều kỳ lạ nhất về quá trình tiến hóa của bố cục bàn phím QWERTY là không ai biết chính xác tại sao bố cục này lại có hình dáng như vậy. Đây thực sự là một bí ẩn không lời giải, mặc cho nhiều nguồn có “số má” đã và đang đưa ra những ý kiến trái chiều. Trong một nghiên cứu khái quát vào năm 1983 tên “The QWERTY Keyboard: A Review”, Jan Noyes viết rằng, “Dường như… không có lý do hiển nhiên nào giải thích các sắp xếp các ký tự trong bố cục QWERTY, và những nghi hoặc xoay quanh nguồn gốc của nó vẫn còn đó

4 nhà phát minh ra máy đánh chữ: C. L. Sholes (trái), Carlos Glidden, Matthias Schwallbach, và James Densmore

Chúng ta đã biết ai tạo ra bố cục QWERTY và thời điểm nó chính thức ra mắt, nhưng ý nghĩa đằng sau hầu hết vị trí của các ký tự trong bố cục thì không ai dám chắc. Không ai trong nhóm phát minh ra bố cục này để lại bất kỳ tài liệu nào giải thích về nó trước khi qua đời. “Nguồn gốc mịt mờ, và các nhà sử học thì bất đồng quan điểm” – Roy T. Griffith viết vậy vào năm 1949. Kết quả, bố cục QWERTY trở thành chủ đề đồn đoán trong suốt 100 năm qua.

Câu chuyện về QWERTY dựa trên những thông tin đã biết

Con đường đến QWERTY bắt đầu vào khoảng năm 1867, khi một nhà xuất bản báo chí kiêm nhà phát minh tại Milwaukee (Mỹ), Christopher Latham Sholes, bắt đầu nghiên cứu máy đánh chữ với sự trợ giúp của Carlos Glidden, Matthias Schwalbach, và Samuel W. Soule.

Sholes không phải là người đầu tiên chế tạo ra máy đánh chữ, nhưng những cải tiến của ông đã góp phần hoàn thiện mẫu máy đánh chữ thương mại thành công đầu tiên vào năm 1874, “Máy đánh chữ Sholes và Glidden”, một mẫu máy được bán ra thị trường nhờ sự trợ giúp của doanh nhân James Densmore.

Trước đó, nguyên mẫu máy đánh chữ đầu tiên của Sholes (năm 1868), bao gồm một bàn phím trông như các phím của đàn piano, với bố cục gần như kiểu bảng chữ cái alphebet. Năm 1870 – 1871, với sự giúp đỡ của Matthias Schwalbach, bàn phím piano trên nguyên mẫu tiếp theo trở thành 4 hàng phím bấm, nhưng bàn phím vẫn tuân theo bố cục gần như alphabet.

Mẫu máy đánh chữ của Scholes vào năm 1868

Không ai biết điều gì diễn ra sau đó, bởi không có tài liệu nào còn lưu lại. “Người ta cho rằng Densmore và Sholes trong quá trình làm việc cùng nhau đã nghĩ ra bố cục phổ thông cho bàn phím” – theo cuốn “The Story of the Typewriter” của Herkimer County Historical Society năm 1923. “Làm thế nào họ nghĩ ra được cách bố trí đó thì chỉ có thể đoán mà thôi

Máy đánh chữ Sholes và Glidden năm 1874

Theo đó, vào năm 1872, Sholes và Densmore đã bố trí lại bố cục bàn phím alphabet thành bố cục QWE.TY, tương tự bố cục ngày nay (nhưng thay vì chữ “R” thì lại là dấu “.”, và dấu “-” nằm ở hàng trên cùng, ở vị trí mà sau này là chữ “P”). Đến năm 1874, bố cục QWERTY đã gần như hoàn thiện, với một số ít điểm khác biệt so với hiện nay, như vị trí của chữ “M” và dấu “;”.

Bàn phím QWERTY trong bằng sáng chế máy đánh chữ của Sholes năm 1878

Remington mua giấy phép công nghệ máy đánh chữ từ Sholes và Densmore, rồi tung ra mẫu máy Remington Standard No. 2 vào năm 1878, một sản phẩm rất thành công. Phiên bản tiếp theo hoán đổi vị trí phím “M” và “;” (đồng thời phím “X” và “C” nữa), hoàn thiện bố cục QWERTY hiện đại.

Nhưng tại sao lại là QWERTY?

Bởi không còn tài liệu nào từ Sholes hay Densmore về lý do họ bố trí bàn phím QWERTY (và bằng sáng chế năm 1878 của họ cũng không đề cập đến chuyện này), các nhà sử học buộc phải dựa vào sự phỏng đoán thuần túy để giải thích nó. Và có khá nhiều phỏng đoán được đưa ra.

Thuyết phổ biến nhất về bố cục QWERTY được tổng hợp từ một loạt các giả định được các nhà sử học đưa ra và lan truyền qua thời gian. Họ khẳng định rằng các máy đánh chữ bố cục alphabet đời đầu rất dễ bị kẹt và bố cục QWERTY khắc phục được vấn đề này bằng cách xáo vị trí các phím bấm, khiến người gõ bị bối rối và phải gõ chậm lại, hoặc phân tán các chuỗi ký tự được dùng thường xuyên nhất trong tiếng Anh để ngăn các thanh con chữ trong máy va chạm với nhau và bị kẹt.

Máy đánh chữ của Sholes năm 1876 với nút bấm theo thứ tự alphabet

Về giả thuyết làm cho người gõ chậm lại, trong cuốn sách năm 1918 của mình, “The Early History of the Typewriter”, Charles Weller (người chứng kiến và sử dụng nguyên mẫu máy đánh chữ đầu tiên của Sholes), nói về tốc độ của máy đánh chữ như sau: “Có những lúc mọi thứ vận hành mượt mà, và tốc độ gõ của máy vào những thời điểm đó quả thực ấn tượng“. Tốc độ viết là mục đích của máy đánh chữ, và chắc chắn không ai muốn làm người gõ chậm lại cả. (Khá thú vị là Weller không hề nhắc đến nguồn gốc của bố cục QWERTY trong cuốn sách của mình – có vẻ đó cũng là một bí ẩn đối với ông).

Vậy thì, nếu không phải họ muốn làm người gõ chậm lại, các nhà phát minh hẳn phải tìm cách ngăn kẹt phím khi gõ tốc độ cao bằng cách phân tán các chuỗi phím được sử dụng thường xuyên, như “TH”. Một số chuyên gia phản pháo luận điểm này bằng cách chỉ ra chuỗi “ER” cũng là một trong những chuỗi ký tự được sử dụng thường xuyên nhất trong tiếng Anh, ấy thế nhưng hai ký tự đó lại được đặt ngay cạnh nhau trong bố cục QWERTY. Nhưng nếu bạn nhìn lại, bố cục “QWE.TY” nguyên bản đã đặt “R” ở một vị trí khác. Ngoại trừ các bố trí “ER”, các phân tích chỉ ra rằng bố cục QWERTY quả thực phân tách các chuỗi ký tự được sử dụng thường xuyên nhất một cách khá hiệu quả, ít nhất là theo cách các nhà phát minh hiểu vào năm 1874.

Nhưng mọi chuyện vẫn còn rối rắm. Dù đúng là những nguyên mẫu máy đánh chữ đầu tiên thường bị kẹt phím, các máy đánh chữ QWERTY sau này cũng kẹt nếu bạn nhấn quá nhiều phím cùng lúc – đây là một trong những lý do các nhà phát minh nhanh chóng từ bỏ bàn phím kiểu piano, vốn tạo cho những người thử nghiệm ban đầu cảm giác có thể nhấn nhiều phím cùng lúc như khi đánh đàn vậy. Do đó, vấn đề kẹt phím được nhắc đến trong các tài liệu lịch sử có lẽ không liên quan gì đến cách bố trí ký tự, mà xuất phát từ việc người ta dùng máy đánh chữ sai cách.

Ngoài ra, một nghiên cứu thống kê vào năm 1949 cho thấy bố cục QWERTY trong bánh xe gõ của mẫu máy 1874 sử dụng nhiều thanh gõ chữ xếp gần nhau hơn, về lý thuyết sẽ dễ va chạm hơn (tỉ lệ 26%) so với một bố cục hoàn toàn ngẫu nhiên (tỉ lệ 22%). Và mọi chuyện càng phức tạp hơn khi bố cục của bàn phím mà người ta nhấn để gõ không nhất thiết phải khớp chính xác với bố cục của các thanh gõ chữ, vốn là thứ đánh xuống tờ giấy để tạo ra chữ.

Nhìn chung, không có giả thuyết nào hợp lý để đi đến kết luận về nguồn gốc của bố cục QWERTY, nhưng chúng vẫn tồn tại bởi nghe có vẻ “đúng” về mặt kỹ thuật khi giải thích cho bố cục phím tưởng như ngẫu nhiên mà chúng ta đều dùng ngày nay.

Một giả thuyết gần đây về nguồn gốc của QWERTY có liên quan đến điện báo. Trong nghiên cứu năm 2011, “On the Prehistory of QWERTY”, các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Kyoto là Koichi Yasuoka và Motoko Yasuoka khẳng định bố cục này được sử dụng dựa trên những góp ý từ các nhân viên trực điện báo. Với bằng chứng khá hời hợt, họ cho biết một mục đích lớn của máy đánh chữ là giúp các nhân viên trực điện báo dịch mã Morse sang ký tự Latin thông thường một cách nhanh chóng. Họ còn tuyên bố rằng, bởi sự đặc biệt của mã Morse, vị trí của một số phím nhất định có thể tăng tốc quá trình diễn dịch. Không may là, dù thông tin này được cho là chính xác, bằng chứng đưa ra chưa đủ để củng cố cho giả thuyết. Giống như các giả thuyết khác, giả thuyết này mang tính phỏng đoán nhiều hơn.

Một giả thuyết lâu đời hơn về QWERTY xoay quanh sự tương đồng với bố cục của hộp gỗ mà thợ in dùng cho các ký tự viết thường, vốn được sắp xếp ưu tiên tần suất sử dụng thay vì trật tự alphabet. Khi sắp xếp chữ lên một bản in, người thợ in phải chọn các ký tự từ một hộp gỗ và đặt chúng vào đúng vị trí để in được từ mong muốn. Sholes, một người làm nghề xuất bản, đã quen thuộc với công việc này, do đó lẽ thường tình, ông có thể đã nghĩ đến bố cục hộp gỗ kia khi nghiên cứu máy đánh chữ.

Một trong những ý kiến với thông tin đáng tin cậy nhất về nguồn gốc QWERTY đến từ nhà sử học Richard N. Current, tác giả cuốn sách “The Typewriter and the Men Who Made It” vào năm 1954. Current tiếp cận được những lá thư giữa Shoals và đối tác kinh doanh James Densmore trong quá trình họ phát triển máy đánh chữ. Current nhắc đến một vài giả thuyết khả thi như trật tự alphabet không lý tưởng cho việc gõ nhanh, cũng như tránh kẹt thanh gõ chữ – cần nhắc lại là giả thuyết này cũng không có căn cứ cụ thể, chỉ mang tính phỏng đoán. Nhưng cuối cùng, ông cho biết Sholes và Densmore “đã sắp xếp được bàn phím máy đánh chữ theo tinh thần của hộp gỗ, dù họ không sao chép lại các bố trí đặc biệt của nó”.

Các nhà sử học vừa ủng hộ, vừa bất đồng với mối liên hệ giữa QWERTY với hộp gỗ, nhưng khá thú vị là, cuốn sách của Current có một manh mối tiềm tàng mà ông không nhận ra. Trong một bức thư viết bởi Mark Twain trên một máy đánh chữ đời đầu, Twain viết, “Quá khứ từng làm thợ in giúp ích cho tôi rất nhiều, bởi bạn cần nhanh nhẹn khi bấm phím“. Điều đó cho thấy bố cục QWERTY gợi nhắc Twain về việc kéo chữ từ hộp gỗ của thợ in. Nhưng bởi QWERTY không khớp hoàn hảo với bất kỳ bố cục hộp gỗ đã biết nào, một lần nữa tất cả cuũng chỉ là phỏng đoán.

Khả năng cao ở đây là Sholes và Densmore đã bắt đầu với một bố cục alphabet, và thay đổi nó sang bố cục khớp với nhu cầu và thói quen cá nhân của họ, vì bất kỳ lý do nào đi nữa. Bạn có thể thấy vẫn còn một số ký tự theo thứ tự alphabet trong bố cục bàn phím chuẩn, còn những bí mật thật sự về QWERTY đã bị chôn vùi cùng Sholes và Densmore. Về sự tồn tại của những thuyết và phỏng đoán liên quan QWERTY, có lẽ các nhà sử học khó mà thừa nhận đôi lúc họ chẳng biết gì, và việc họ sẽ không bao giờ biết được nguồn gốc của một thứ mang tính nền tảng như bố cục bàn phím rõ ràng vô cùng khó chịu. Do đó, thà bám víu lấy một lời giải thích sai lệch còn hơn!

Từ máy đánh chữ đến máy tính

Từ cuối thập niên 1900 trở đi, máy đánh chữ trở nên cực kỳ phổ biến. Dù có nhiều bố cục bàn phím khác xuất hiện, QWERTY vẫn thống trị bởi mọi người luôn biết về nó trước tiên, và cũng chẳng ai muốn phải học lại một bố cục hoàn toàn mới mỗi khi dùng một máy đánh chữ khác cả.

Trong thập niên 1920, tập đoàn Teletype đã chế tạo ra máy chữ điện báo với bố cục bàn phím dựa trên các máy đánh chữ tiêu chuẩn, và chúng vay mượn bố cục QWERTY trong quá trình đó. Đến năm 1960, mọi người thường dùng các máy chữ điện báo làm máy tính đầu cuối, do đó chuẩn QWERTY cũng theo đó mà xuất hiện trên máy tính, và sau đó là máy tính cá nhân vào thập niên 1970. QWERTY càng phổ biến hơn khi IBM tích hợp nó vào bố cục bàn phím 101 phím của họ, mà sau này trở thành nền tảng của các chuẩn bàn phím máy tính để bàn chúng ta sử dụng ngày nay.

Tại nhiều khu vực trên thế giới, vẫn có những bố cục bàn phím khác phổ biến không kém QWERTY. Ví dụ, Pháp, Bỉ, và một số nước châu Phi sử dụng AZERTY. Đức và Áo sử dụng QWERTZ. Nhưng chúng đều là biến thể của bố cục QWERTY nguyên bản – bố cục mà Sholes và Densmore tạo ra vào năm 1874. Họ đã mang bí mật của QWERTY về thế giới bên kia, nhưng những tác động của nó thì vẫn sẽ tiếp tục cho đến khi loài người không còn dùng bàn phím nữa – có thể trong hàng thập kỷ, hay thậm chí là hàng thế kỷ tới!

Đánh giá

Theo: TẤN MINH

Nguồn: genk.vn

Để lại lời nhắn của bạn
  • Đánh giá

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Scroll Top