Cuối cùng, tổng thống Trump đã tung ra đòn kết liễu dành cho Huawei. Ngày 15/9 trôi qua, các công ty sản xuất chip có sử dụng công nghệ Mỹ nếu muốn bán hàng cho Huawei sẽ phải xin sự cho phép của chính quyền Mỹ. Trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ- Trung vẫn chưa hạ nhiệt, và khi ông Trump vẫn ngày một nặng tay hơn, rõ ràng phán quyết này đã khép lại khả năng mua chip của Huawei.
Gã khổng lồ smartphone Trung Quốc đã cố gắng hết sức để vẫy vùng trong những ngày cuối cùng. Theo nguồn tin chuỗi cung ứng, Huawei thậm chí đã sẵn sàng mua chip vừa “ra lò”, chưa kiểm thử chất lượng. Khi lệnh cấm cận kề, Huawei vẫn ngẩng cao đầu tuyên bố sẽ ra mắt mẫu đầu bảng Mate 40 với chip Kirin tự thiết kế.
Tuy vậy, dấu hiệu đầu tiên cho cái chết của Huawei đã xuất hiện ngay trong ngày hôm nay. Theo GizChina, smartphone dòng P, dòng Mate, dòng Nova hiện tại đã rơi vào tình trạng khan hàng. Một số màu phổ biến thậm chí đã không còn hàng để bán. Người dùng vẫn có thể đặt tiền để mua điện thoại Huawei, song rõ ràng hiện trạng thiếu hàng là cực kỳ đáng lo ngại với một hãng smartphone mới chỉ vươn lên đứng số 1 thế giới về sản lượng trong quý trước.
Rõ ràng, công ty Trung Quốc này không có cách nào để thoát ra khỏi thòng lọng của ông Trump cả. Vị thế tiên phong trong hàng chục năm đã cho phép nước Mỹ nắm giữ toàn bộ các bằng sáng chế quan trọng nhất trong lĩnh vực bán dẫn. Danh sách các công ty sản xuất thiết bị chế tạo chip hàng đầu có đến quá nửa là các công ty Mỹ, còn lại là các công ty đến từ các quốc gia đồng minh (Nhật Bản, Hà Lan…). Tìm ra một nhà sản xuất chip không sử dụng công nghệ Mỹ là không thể.
Cứu cánh của Huawei là ngành công nghiệp chip tại Trung Quốc cũng đang đối mặt với tình cảnh hiểm nghèo. Mới đây, tổng thống Trump đã bộc lộ ý muốn đưa nhà sản xuất chip số 1 tại Trung Quốc là SMIC vào danh sách đen thương mại. Chip của SMIC từng được sử dụng cho smartphone Honor và tablet Huawei, song vẫn thua xa chip Snapdragon về hiệu năng. Hiện tại, SMIC mới chỉ xây dựng thành công chu trình 14nm, trong khi TSMC đã sản xuất chip 7nm cho Huawei từ 2 năm về trước. Nếu SIMC vào danh sách đen, Huawei thậm chí còn không có chip 14nm để mua.
Sự thật không thể chối bỏ là, dù có cố gắng tích trữ đến mấy, lượng chip Huawei còn nắm giữ vẫn chỉ có giới hạn. Nếu như lệnh cấm vừa mới có hiệu lực mà smartphone Huawei đã rơi vào tình trạng khan hàng, liệu công ty này có thể duy trì được bao lâu? Liệu Mate 40 và những chiếc Huawei 2021 có thể cạnh tranh được với thế hệ Galaxy, Mi, OnePlus mới, vốn vẫn có quyền sử dụng những thiết kế mạnh mẽ nhất từ Qualcomm hay MediaTek?
Hy vọng duy nhất của Huawei lúc này là chính quyền Mỹ sẽ có ngày nương tay, mở đường cho công ty Trung Quốc được một lần nữa mua chip từ các công ty quốc tế. Nhưng để sống sót được đến ngày đó, có lẽ Huawei không nên tiếp tục bán smartphone nữa. Số chip còn sót lại, công ty Trung Quốc nên dùng cho mảng kinh doanh 5G, mảng thiết bị cốt lõi đã đưa Huawei lên bản đồ thế giới. Nếu cứ cố gắng tiếp tục sản xuất smartphone, Huawei cũng sẽ chỉ chuốc lấy một thất bại tất yếu dưới tay Apple, Samsung và các “đồng hương” Trung Quốc mà thôi.
Như chủ tịch, CEO Nhậm Chính Phi đã từng nói, mục tiêu số 1 của Huawei là sống sót. Để Huawei có thể sống sót, có lẽ smartphone Huawei cần phải chết.
Theo: Trí Thức Trẻ
Nguồn: genk.vn