Công nghệ mạng 4G của Viettel có gì khác biệt?

10:25 Chiều - 23/04/2017
0 Bình luận
1454
bởi An Bùi

Theo nhận định từ ông Phan Hà Trung, Phó chủ tịch kinh doanh Ericsson VN, công nghệ 4G của Viettel có thể tạo ra sự bùng nổ và diện mạo mới cho ngành viễn thông trong nước.

Ông nhận định thế nào về công nghệ 4G của Viettel?

Điều đầu tiên, chúng tôi ấn tượng khi Viettel mong muốn phát triển 4G rầm rộ ngay khi ra mắt, phủ sóng 100% các tỉnh, thành Việt Nam. Đó là sự khác biệt tương đối với các hãng viễn thông còn lại. Nhà mạng này tiên phong triển khai rộng lớn chiến lược phủ sóng 36.000 trạm 4 phát 4 thu ngay từ đầu. Với tâm thế của một đối tác, Ericsson cũng gấp rút cho công tác sản xuất, giao hàng và hỗ trợ Viettel tối ưu chất lượng mạng lưới.

Ông Phan Hà Trung - PCT Phụ trách Kinh doanh Ericsson Việt Nam.
Ông Phan Hà Trung – PCT Phụ trách Kinh doanh Ericsson Việt Nam.

Cụ thể hơn, ông đánh giá thế nào về chất lượng mạng?

Có thể nói, Viettel ra mắt 4G với công nghệ mới nhất hiện nay: 4 nguồn phát và 4 nguồn thu. Thị trường hiện có khá ít thiết bị di động sẵn sàng cho công nghệ này. Các mẫu hiện có với tỷ lệ nhỏ đang ở giai đoạn trưng bày chào hàng, số lượng thiết bị đầu cuối thương mại hóa còn rất ít.

Theo nhìn nhận của Ericsson, Viettel sử dụng công nghệ 4 phát, 4 thu cho toàn mạng đầu tiên và lớn nhất trên thế giới cho đến nay. Rất nhiều hãng viễn thông đã đi trước Viettel, triển khai 4G cách đây mấy năm. Tuy nhiên họ thường bắt đầu bằng công nghệ 2 phát 2 thu.

Ở Mỹ và Ấn Độ cũng đã có một vài hãng viễn thông bắt đầu triển khai công nghệ 4 phát 4 thu nhưng chỉ ở những vùng trọng điểm về mức độ thâm nhập, lưu lượng người sử dụng. Còn việc sử dụng công nghệ này trên quy mô toàn quốc như Viettel thì chưa có một hãng viễn thông nào làm.

Công nghệ 4 phát 4 thu sẽ mang lại cho người tiêu dùng điều gì khác biệt so với 2 phát 2 thu?

Người dùng sẽ được hưởng nhiều lợi ích hơn về băng thông, vùng phủ, đặc biệt là chất lượng. Dù thời điểm này các thiết bị đầu cuối tương thích vẫn chưa phổ biến, công nghệ này trước hết cải thiện độ phủ của các trạm phát sóng Viettel, sau đó là mức độ thâm nhập.

Tôi nghĩ vấn đề thiết bị di động cũng chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn nữa vì các hãng sản xuất nổi tiếng đã đưa ra được mẫu handset 4 phát 4 thu, chuẩn bị tiếp thị rộng rãi. Chỉ trong thời gian ngắn nữa, chúng ta sẽ được chứng kiến sự khác biệt rõ rệt của công nghệ 4G.

Viettel trình diễn các sản phẩm, ứng dụng trên nền 4G trong lễ khai trương 18/4.
Viettel trình diễn các sản phẩm, ứng dụng trên nền 4G trong lễ khai trương 18/4.

Ông có nghĩ rằng việc đầu tư rộng khắp là một sự liều lĩnh của Viettel?

Có nhiều năm hợp tác, tôi hiểu lãnh đạo Viettel luôn nhắm tới mục tiêu đường dài. TGĐ Nguyễn Mạnh Hùng quan điểm, hạ tầng phải luôn đi trước marketing. Doanh nghiệp muốn có sức mạnh chiếm lĩnh thị trường, thay đổi thói quen người dùng thì nền tảng kỹ thuật phải sẵn sàng.

Tôi đã chứng kiến những quyết định đột phá của Viettel từ thời 2G cho đến 4G như hôm nay. Những điều này góp phần tạo nên thành công của tập đoàn trong cuộc cách mạng thay đổi thói quen sử dụng data cho người Việt Nam.

“Internet của vạn vật” là xu hướng được bàn luận ở gần như tất cả diễn đàn viễn thông trên thế giới. Theo ông, Việt Nam có tiềm năng tiếp cận với xu hướng này?

“Internet của vạn vật” đòi hỏi vùng phủ rộng, trong đó 4G sẽ đóng góp nhiều còn 5G tạo ra sự phát triển đột biến. Về mặt bản chất, 4G đã hỗ trợ cho xu hướng này.

Điểm quan trọng nhất, “Internet của vạn vật” tập trung vào nhiều ứng dụng khác nhau. Hiện tại, hạ tầng mạng lưới cùng công nghệ 4 phát 4 thu hiện đại 4G mà Viettel đang đầu tư có thể đáp ứng nhu cầu đa dạng trên.

Theo: Giang Hoàng Nhơn

Nguồn: News Zing

Tin liên quan

Scroll Top