Cuộc đua 4G vào giai đoạn nước rút

01:30 Chiều - 05/04/2017
0 Bình luận
1175
bởi Thiên Quang

Rốt ráo chuẩn bị hạ tầng, dịch vụ cho việc cung cấp chính thức mạng 4G trên cả nước, các nhà mạng cũng dự kiến đưa ra chiến lược cạnh tranh khác hẳn với giai đoạn triển khai 3G.

Sau hơn 4 tháng thử nghiệm triển khai 4G ở một số tỉnh, thành lớn, các nhà mạng lớn đều đang gấp rút hoàn thiện hạ tầng để chuẩn bị khai trương trên toàn quốc. Kết quả thí điểm trước đó cho thấy, tốc độ truy cập Internet trung bình đạt từ 50 đến 80Mb/s. So mạng 3G, con số này cao hơn 7 đến 10 lần.

Đây cũng là lý do khiến các nhà mạng đề xuất được triển khai chính thức 4G sớm hơn dự kiến của cơ quan quản lý và chuẩn bị suốt nhiều tháng qua. Ngay sau khi nhận được giấy phép, 3 nhà mạng lớn nhất trên thị trường là Viettel, MobiFone, VinaPhone đều có động thái tăng tốc trong việc triển khai 4G.

Số lượng trạm phát sóng 4G là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu trong cuộc đua này. Tuy nhiên, hiện kế hoạch xây dựng trạm của mỗi nhà mạng đặt ra cũng có nhiều khác biệt, hướng đến mục tiêu không giống nhau.

Cuộc đua 4G vào giai đoạn nước rút
Các nhà mạng đều đang bước vào giai đoạn nước rút triển khai 4G. Ảnh: Anh Quân

Trao đổi với báo chí, ông Tào Đức Thắng – Phó tổng giám đốc Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) cho biết, trong vòng 6 tháng, đơn vị này đang hoàn thành 36.000 trạm 4G. Đây cũng là nhà mạng dự kiến sẽ có số trạm lớn nhất trong số 3 đại gia viễn thông. Nhà mạng này cũng cho biết đã xây dựng trước đó một số hạ tầng sẵn sàng để chuẩn bị cho một kế hoạch dài hơi hơn là triển khai 5G, 6G trong những năm tiếp theo.

Một đại gia khác là VNPT- VinaPhone trước đó dự định công bố cung cấp 4G trên diện rộng vào cuối tháng 3. Tuy nhiên, lãnh đạo nhà mạng cho hay hiện kế hoạch đã thay đổi và đơn vị này chưa chốt thời gian chính thức công bố, dù về cơ bản, các công tác chuẩn bị đã hoàn tất. Với kế hoạch có 21.000 trạm thu phát 4G vào cuối năm 2017, song VNPT cho biết sẽ tập trung phủ sóng trọng điểm vào khu vực đô thị.

Trong khi đó, 2 doanh nghiệp khác cũng đã được cấp phép 4G là MobiFone và Gtel vẫn khá im ắng trước những kế hoạch triển khai rầm rộ của đối thủ. Những thông tin nhà mạng này công bố ra thị trường chủ yếu chỉ dừng lại ở việc đổi sim – một trong những công việc mà 2 đối thủ lớn đã thực hiện rốt ráo suốt mấy tháng nay.

Dù khẳng định sẽ sớm khai trương 4G trên phạm vi cả nước, song đại diện MobiFone từ chối tiết lộ thời điểm chính xác. Vị này cũng cho biết, nhà mạng đã xây dựng được 4.500 trạm phát sóng 4G. Trong năm 2017, MobiFone dự kiến triển khai khoảng 8.000 trạm 4G tại 53 tỉnh thành, song bước đầu sẽ tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn như: Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng, Cần Thơ và Đà Nẵng.

Cuộc đua 4G được các chuyên gia nhận định có cục diện khác với khi triển khai 3G hồi cuối năm 2009, đầu năm 2010. VinaPhone và MobiFone khi đó vẫn đều trực thuộc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông (VNPT) nên có lợi thế hơn về hạ tầng và đã mở màn cuộc chơi. Nửa năm sau, Viettel chính thức bước vào cuộc đua, trong bối cảnh thị trường còn có những đơn vị khác như EVN Telecom, Vietnamobile… Giá cước khi ấy là “vũ khí” cạnh tranh chính của các nhà mạng.

Tuy nhiên, đến cuộc đua 4G thì cục diện đã thay đổi khá nhiều khi tương quan lực lượng có nhiều thay đổi cùng quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp, thời điểm chính thức triển khai dịch vụ cũng bám sát nhau, cạnh tranh bằng cước cũng không còn là chiến lược của các nhà mạng…

Lãnh đạo các doanh nghiệp đều nhận định cước 4G sẽ tương đương với 3G. Tuy nhiên, do công nghệ cho phép truy cập có tốc độ cao nên hành vi tiêu dùng của khách hàng sẽ thay đổi. Giá trị sử dụng dịch vụ tính trung bình trên mỗi khách hàng sẽ tăng lên và hiệu quả kinh doanh của nhà mạng sẽ tốt hơn. Vì thế, nhà mạng nào cũng muốn đầu tư mạnh vào trạm thu phát để đảm bảo vùng phủ sóng rộng, tốc độ truy cập liên tục cho khách hàng.

“Thị trường viễn thông của Việt Nam đã sự thay đổi so với 7-10 năm trước. Nếu như trước đây, nhà mạng cạnh tranh bằng vùng phủ, giá cước thì nay những yếu tố đó không còn nhiều khác biệt. Vì thế, chiến lược của nhà cung cấp cũng phải thay đổi, đó là cạnh tranh bằng chất lượng và theo chiều sâu”, lãnh đạo một nhà mạng cho hay.

Theo các đơn vị, việc triển khai 4G chỉ được coi là thành công khi khách hàng liên tục được kết nối và duy trì truy cập đảm bảo tốc độ cao. “Nếu mỗi ngày người dùng chỉ kết nối được một tiếng với 4G, còn lại 23 tiếng nhảy về 3G thì không thể gọi là thành công được”, Phó tổng giám đốc Viettel nhận định.

4G là công nghệ truyền dữ liệu di động thế hệ thứ 4, cho phép đưa tốc độ truyền tối đa lên tới 1-1,5 gigabits mỗi giây, tức là gấp vài trăm lần so với tốc độ vài chục megabits của mạng 3G hiện nay. Các nhà mạng triển khai 4G trong bối cảnh dịch vụ dữ liệu di động tại Việt Nam phát triển mạnh trong những năm gần đây về số lượng thuê bao, song lại không được đánh giá cao về tốc độ đường truyền.

Theo: Ngọc Tuyên

Nguồn: Vnexpress

Tin liên quan

Scroll Top