Đánh giá Apple AirPods Max: Hay đấy nhưng khó tìm “chân ái”, kể cả với những iFan hàng đầu

03:10 Chiều - 27/02/2021
0 Bình luận
506
bởi Phương Trần

Có lẽ chỉ những fan Apple ‘cứng’ nhất mới bỏ 13 triệu Đồng để đầu tư cặp tai nghe này!

Nếu có trong tay 13 triệu Đồng để mua một món sản phẩm công nghệ, chắc chắn những bạn sinh viên sẽ nghĩ đến một chiếc laptop để phục vụ học tập, những người đi làm sẽ sắm smartphone hay máy tính bảng dành cho công việc. Chắc chỉ có những người rất yêu thích thưởng thức âm nhạc, ví tiền cũng ‘rủng rỉnh’ mới nghĩ đến việc bỏ số tiền này để mua 1 cặp tai nghe phục vụ cho thú vui của mình.

Đánh giá Apple AirPods Max: Hay đấy nhưng khó tìm chân ái, kể cả với những iFan hàng đầu - Ảnh 1.

Apple có lẽ muốn thay đổi điều này với việc ra mắt cặp tai nghe chụp đầu không dây AirPods Max, hãng muốn ‘bình thường hóa’ việc bỏ một số tiền trên 10 triệu Đồng dành cho việc mua 1 món phụ kiện với mục đích duy nhất là đưa âm thanh đến tai người dùng. Việc Apple có thành công trong ‘sứ mệnh’ này hay không, phụ thuộc rất nhiều vào chất lượng thực tế của cặp tai nghe này.

Thiết kế tối giản đến mức hơi… bất tiện một chút

Nhắc đến Apple, ta nhắc đến những thiết kế siêu cứng cáp, siêu tối giản, hướng tới tương lai và đôi lúc… hơi bất tiện trong sử dụng ở hiện tại. AirPods Max tất nhiên cũng không phải là ngoại lệ rồi!

Đánh giá Apple AirPods Max: Hay đấy nhưng khó tìm chân ái, kể cả với những iFan hàng đầu - Ảnh 2.

Thay vì sử dụng nhựa làm vật liệu nhựa như những hãng khác, Apple dùng kim loại cho gần như toàn bộ thân tai nghe. Đây là lý do tại sao trong lần đầu cầm AirPods Max lên bạn sẽ cảm thấy hơi ngạc nhiên vì trọng lượng của nó, cho cảm giác rất đầm tay và cũng thật sự là cao cấp.

Đánh giá Apple AirPods Max: Hay đấy nhưng khó tìm chân ái, kể cả với những iFan hàng đầu - Ảnh 3.

Sự tối giản trong thiết kế của tai nghe còn thể hiện ở hệ thống nút bấm được đặt ở bên tai phải, với chỉ 1 vòng điều khiển mà hãng gọi là “Digital Crown” dành cho chuyển bài, dừng chơi nhạc, nhận cuộc gọi, gọi trợ lý ảo Siri và một nút bấm để điều khiển chống ồn chủ động. Việc trang bị 1 vòng quay để thực hiện nhiều tác vụ là 1 ý tưởng tôi cho là khá hay, thay thế cho hệ thống 3 nút bấm thường thấy trên những cặp tai nghe khác.

Nhưng điều tôi cảm thấy không hài lòng nằm ở việc AirPods Max không có nút bật tắt nguồn, thay vào đó hãng khuyến nghị người dùng cho tai nghe vào chiếc vỏ Smart Case khi không sử dụng, tai nghe sẽ vào trạng thái ‘ngủ’ giống như laptop. Tôi là một người muốn chủ động trong việc chủ động bật tắt các thiết bị điện tử nhằm tối ưu hóa được thời lượng pin, nên việc một cặp tai nghe không thể làm điều này khó hiểu giống như việc bán smartphone mà không tặng kèm dock sạc vậy!

Đánh giá Apple AirPods Max: Hay đấy nhưng khó tìm chân ái, kể cả với những iFan hàng đầu - Ảnh 4.

Chiếc vỏ Smart Case này cũng đã được cộng đồng mạng chế giễu đến hết lời vì thiết kế giống… áo phụ nữ, kèm theo đó là luôn phải đem theo tai nghe nên đôi lúc ta không biết để ở đâu. Tôi hiểu Apple muốn tiết kiệm diện tích khi thiết kế một chiếc vỏ thay vì hộp đựng khóa kéo, nhưng việc biến nó thành 1 phần không thể thiếu của tai nghe chắc chắn không phải là nước đi tốt nhất.

Đánh giá Apple AirPods Max: Hay đấy nhưng khó tìm chân ái, kể cả với những iFan hàng đầu - Ảnh 5.

Quay trở lại với những điểm sáng trong thiết kế của cặp tai nghe này. Phần đệm đầu của AirPods Max cũng chả giống với bất cứ một cặp tai nghe nào khác trên thị trường, khi không phải là mút được bọc bằng da, mà chỉ là khung nhỏ và 1 tấm lưới giống hệt với tựa lưng của những chiếc ghế văn phòng. Đúng như đánh giá của nhiều người, phần đệm này nhìn thì thật mỏng manh nhưng lại đem lại cảm giác khá thoải mái khi đeo, không tạo ra điểm cấn nào trên đỉnh đầu cả. Thời gian tôi trải nghiệm AirPods Max trời đang khá mát, nên tôi cũng chỉ có thể đoán rằng thiết kế này cũng sẽ đem lại sự thoáng khí trong mùa hè.

Đánh giá Apple AirPods Max: Hay đấy nhưng khó tìm chân ái, kể cả với những iFan hàng đầu - Ảnh 6.

Điều tương tự cũng có thể dùng để nói về phần đệm tai, khi hãng sử dụng chất liệu vải bện chứ không phải là da. Chất liệu này làm tôi nhớ đến lớp vải bọc bên ngoài chiếc loa HomePod của hãng, nhưng được bện khít hơn để không ‘cứa’ vào da. Lớp đệm này cảm giác như là rỗng khi nhấn tay vào, ngược lại khi đeo lên tai vẫn đủ đem lại cảm giác thoải mái.

Đánh giá Apple AirPods Max: Hay đấy nhưng khó tìm chân ái, kể cả với những iFan hàng đầu - Ảnh 7.

Không chỉ có phần vỏ ngoài (cups) được làm bằng kim loại mà cả khung của tai nghe cũng được làm kim loại, cụ thể hơn là thép không rỉ rất cứng cáp. Một điểm cần phải nói ở đây đó là mặc dù tôi không có cỡ đầu quá lớn nhưng vẫn phải kéo hết phần khung này ra thì mới có thể đeo vừa, nên những ai có ý định mua cặp tai nghe này thì nên đi ‘thử cỡ đầu’ trước.

Ưu điểm về chất lượng hoàn thiện cũng có thể trở thành nhược điểm nhỏ khi mà trọng lượng của tai nghe lớn, khi sử dụng trong thời gian ngắn có thể vẫn sẽ thoải mái nhờ vào các điểm tiếp xúc đều được làm tốt, ngược lại thì dùng trong thời gian dài có thể gây nặng đầu, gây áp lực lên phần cổ. Đây nói là nhược điểm nhỏ vì chắc chắn dùng 1 thời gian bạn cũng sẽ quen mà thôi, không phải là vấn đề gì quá nghiệm trọng cả.

Chống ồn ‘nặng đô’, chất âm không giống một cặp AirPods nào trước đó

Đánh giá Apple AirPods Max: Hay đấy nhưng khó tìm chân ái, kể cả với những iFan hàng đầu - Ảnh 8.

Cảm biến tiệm cận để tự động ngắt nhạc mỗi khi lấy tai nghe ra khỏi tai

Nói đến chống ồn chủ động, tôi sẽ nghĩ ngay đến những hãng đã phát triển công nghệ này từ lâu như Sony hay Bose. Và đúng là trong lần thử nghiệm đầu tiên với chống ồn chủ động với cặp AirPods Pro, Apple cũng đã phải ‘ngả mũ’ chào thua trước cặp WF-1000xm3, tại thời điểm đó đã là thế hệ thứ 2 của hãng điện tử Nhật Bản. Với AirPods Max thì lại là một câu chuyện khác, đây sẽ là cặp tai nghe đưa Apple lên vị trí số 1!

Khả năng chống ồn của AirPods Max quả thực rất ‘nặng đô’, từ những âm thanh nhỏ như bàn phím, tiếng người nói đến cả những âm thanh lớn hơn như nhà hàng xóm hát karaoke (mùa Tết này thì gần như là liên tục) đều được tai nghe chặn hết. Không rõ có ai muốn sử dụng cặp tai nghe vừa to vừa nặng (lại rất dễ bị ‘giật’) này ra đường hay không, nhưng nếu có thì chắc chắn tính năng chống ồn sẽ có thể theo kịp được.

Ngược lại, việc tăng cường độ chống ồn chủ động lên cao cũng khiến tăng áp lực lên tai của người dùng. Trong những lần đầu sử dụng, chắc chắn nhiều người sẽ có cảm giác bị ‘ngộp’, hơi đau đầu với AirPods Max, điều mà Sony đã giải quyết được bằng cách cho phép người dùng điều chỉnh cường độ ANC theo môi trường. Vấn đề này sẽ còn lớn hơn đối với những người dùng Android, vì ta chỉ có thể chỉnh được bật chống ồn chủ động hoặc nghe ngóng môi trường, không có chế độ tắt.

Đánh giá Apple AirPods Max: Hay đấy nhưng khó tìm chân ái, kể cả với những iFan hàng đầu - Ảnh 9.

Là một người thưởng thức âm thanh tại nhà, tôi cũng không quá cần khả năng chống ồn chủ động mà quan tâm nhiều hơn đến chất lượng âm thanh của cặp tai nghe này. Với AirPods Max, dường như Apple muốn thử nghiệm với một chất âm mới thay vì đi theo hướng hài hòa, cân bằng và hướng nhiều vào giọng ca sĩ và giọng người nói như những cặp AirPods trước đây (là 1 cách để đảm bảo chất lượng gọi điện). Cặp tai nghe này có chất âm V-shape với âm trầm và 1 phần của âm cao được đẩy mạnh hơn các dải khác.

Đánh giá Apple AirPods Max: Hay đấy nhưng khó tìm chân ái, kể cả với những iFan hàng đầu - Ảnh 10.

Dải được đẩy cao nhất trong phần trầm là đoạn siêu trầm (sub-bass), thể hiện ở việc trong những bài nhạc có dải này như Bad Guy – Billy Eilish ta sẽ nghe được những tiếng rền nhẹ chạy khắp ở nền âm của cặp tai nghe này. Tiếng trầm gặp hiện tượng vang (bloat), nhưng nằm ở mức chấp nhận được, đủ để làm bài nhạc trở nên sôi động chứ chưa đến mức gây khó chịu. Lên dần đến dải mid-bass, tiếng trầm được làm gọn dần lại để không lấn vào dải trung, là 1 cách để cặp tai nghe này giữ được sự tự nhiên mặc dù được nhấn vào âm trầm khá nhiều. Tôi đánh giá đây là một dải trầm tốt, đem tới độ đậm đà cho chất âm, ngược lại ‘biết chừng biết mực’ để giữ chỗ cho những dải khác cũng được chơi.

Đánh giá Apple AirPods Max: Hay đấy nhưng khó tìm chân ái, kể cả với những iFan hàng đầu - Ảnh 11.

Âm trung của AirPods Max được đẩy cao hơn ở đoạn thấp, có hiện tượng yếu dần khi đi đến đoạn trung cao (high-mid). Ta có thể thấy rõ được điều này khi nhìn vào phổ tần của cặp AirPods Max so với chất âm khuyến nghị của hãng Harman (Harman Target Curve). Điều này khiến cho một số giọng ca sĩ nữ có giọng hát cao thiếu đi độ sáng, độ sắc để có thể bắt được sự chú ý của người nghe.

Đánh giá Apple AirPods Max: Hay đấy nhưng khó tìm chân ái, kể cả với những iFan hàng đầu - Ảnh 12.

Phần trung cao (high-mid) của AirPods Max ‘lún’ hơi sâu so với chất âm khuyến nghị của Harman

Đây có lẽ là cách chỉnh âm trung mang tính chất ‘an toàn’ của Apple để tránh hiện tượng chói, sibalance mà những cặp AirPods trước đây của hãng gặp phải, nhưng tôi cho rằng hãng đã có thể tăng nó lên 1 chút nữa để không bị chìm như hiện tại. Khác với những sản phẩm có dây truyền thống, chất âm của AirPods Max có thể được cập nhật bằng phần mềm thông qua bộ xử lý DSP, nên điều này có thể thay đổi trong tương lai.

Đánh giá Apple AirPods Max: Hay đấy nhưng khó tìm chân ái, kể cả với những iFan hàng đầu - Ảnh 13.

Dải âm cuối cùng là dải cao của AirPods Max có 1 điểm lên cao (peak) ở phần gần với giọng ca sĩ để có thể hoàn thành được chất âm V-shape của tai nghe. Việc kết hợp một dải trầm đậm và 1 đoạn âm cao sáng khiến cho đoạn đầu của bài Gangsta’s Paradise – Coolio có sự sôi động nhưng với tiết tấu nhanh, mạnh mẽ và không bị ‘rề rà’ như những cặp tai nghe chỉ nhấn riêng vào trầm. Ngược lại thì đây không phải là một âm cao mang tính chất ‘tự nhiên’ khi mà độ ngân (decay) ngắn, nên sẽ chơi tốt nhất ở những bài nhạc nhảy hơn là âm Hi-hat trong Jazz.

Đánh giá Apple AirPods Max: Hay đấy nhưng khó tìm chân ái, kể cả với những iFan hàng đầu - Ảnh 14.

Thứ mà AirPods Max làm chưa tốt nằm ở việc tái tạo âm trường, khi mà tất cả âm thanh của nó bị giới hạn ở đầu người nghe rất nhiều. Đây có lẽ cũng là yếu điểm chung của tất cả những cặp tai nghe Over-ear chống ồn chủ động vì tất cả đều phải làm thật kín nhằm chặn các tạp âm bên ngoài. Cách duy nhất để Apple cải thiện được vấn đề này đó là làm phần cups của tai nghe lớn hơn, nhưng hãng đã không chọn đi theo hướng này vì làm vậy sẽ khiến AirPods Max đã không hề nhỏ gọn trở nên cồng kềnh hơn rất nhiều.

Đây có phải là một chất âm tốt hay không? Nếu như so với những cặp tai nghe Over ear với chống ồn chủ động khác, AirPods Max có những ưu điểm lớn nhờ vào việc tạo ra kiểu âm sôi động dành cho các thể loại nhạc mọi người gọi là ‘xập xình’ nhưng giữ được sự cân bằng nhất định để không tạo cảm giác khó nghe khi chuyển tới những thể loại nhạc khác. Ngược lại, đặt lên ‘cán cân’ của những sản phẩm âm thanh truyền thống thì nó lại tụt rất nhiều hạng, đặc biệt trong việc tái tạo âm cao, độ chi tiết và âm trường.

Bạn có phải là ‘fan cứng’ của Apple?

Apple AirPods Max khi nhìn một cách tổng thể không phải là một sản phẩm tệ, nhất là khi nhìn theo con mắt của những người đã thích các sản phẩm đến từ Táo. Nó có thiết kế kim loại rất cứng cáp và đẹp mắt, được thiết kế để hoạt động hoàn hảo với hệ sinh thái của hãng và một chất âm “nói là hay thì không thể tới, nhưng đủ để làm hài lòng đại đa số người dùng”.

Tuy vậy, đây là một sản phẩm rất khó tìm đối tượng thích hợp. Không giống như AirPods và AirPods Pro là những cặp tai nghe Earbud, In-ear nhỏ gọn, mang tính tiện dụng cao vì có thể sử dụng được khắp mọi nơi thì AirPods Max là một cặp Over Ear kích thước lớn, nên sẽ có ít người sẽ đem nó ra đường để sử dụng.

Đánh giá Apple AirPods Max: Hay đấy nhưng khó tìm chân ái, kể cả với những iFan hàng đầu - Ảnh 15.

Kèm theo đó ta cũng phải trở lại với vấn đề giá tiền của nó. 13 triệu Đồng trong Thế giới âm thanh thực ra cũng không phải là số tiền gì quá lớn, nhưng lại là 1 câu chuyện hoàn toàn khác đối với 1 cặp tai nghe không dây với chất âm chỉ ở mức ‘ổn’ như AirPods Max. Bạn có thể lựa chọn cặp Sony WH-1000Xm4 với chất lượng cũng không hề tệ chút nào với mức giá chỉ bằng một nửa, mà còn tương thích với nhiều loại nguồn phát hơn (tôi sẽ có 1 bài so sánh chi tiết trong thời gian tới), hoặc những ai thực sự quan tâm đến chất lượng âm thanh sẽ tìm tới một bộ DAC/Amp và tai nghe Over Ear có dây từ những hãng có tên tuổi khác.

AirPods Max từ đó hướng tới những người là fan trung thành nhất của Apple, sẵn sàng bỏ số tiền bằng cả tháng lương cho 1 sản phẩm phục vụ cho âm thanh mà họ biết chắc rằng mình đang đánh đổi chất lượng âm thanh để lấy tính tiện dụng.

Theo: Pháp luật & Bạn đọc

Nguồn: genk.vn

Tin liên quan

Scroll Top