Khoảng 2 tháng trước, tôi vô tình thấy một tin quảng cáo trên Facebook về một sản phẩm mới từ hãng âm thanh Edifier mang tên NeoBuds Pro, với dòng giới thiệu “tai nghe True Wireless với chuẩn Hi-res đầu tiên trên Thế giới”, cùng với đó là chống ồn chủ động với mức giá chỉ khoảng 130 USD.
Trang Indigogo của cặp Edifier NeoBuds Pro kết thúc với 4641 người tham gia
Chương trình gọi vốn của cặp tai nghe này cũng khá thành công, tại thời điểm kết thúc có 4641 người tham gia và thu được 4.2 triệu Đô Hồng Kông tương đương khoảng 548.600 Đô Mỹ. Một số trang công nghệ nhận được sản phẩm này sớm cũng dành nhiều lời khen cho nó, thậm chí còn gọi đây là “flagship-killer” đối với Samsung, Apple và Sony.
Những bài đánh giá đầu tiên khá rực rỡ từ những trang công nghệ nước ngoài
Tôi thực sự tò mò, song cũng không để tâm quá nhiều vì chương trình đặt trước diễn ra ở nước ngoài, cơ hội nó cập bến Việt Nam để trải nghiệm là không cao. Nhưng rất may mắn là mới đây một số cửa hàng trong nước thông báo là đã nhận được sản phẩm này. Và tất nhiên không thể bỏ lỡ cơ hội tôi liên hệ để được sử dụng thực tế, để xem một cặp tai nghe được quảng cáo một cách đình đám như vậy “mô tê” ra sao.
Mặc dù là một cặp tai nghe True Wireless nhỏ gọn, NeoBuds Pro lại được đặt trong một chiếc hộp lớn như thể nó là tai nghe Full-size vậy.
Bắt tầm nhìn nhất trên vỏ hộp là chiếc “tem vàng” Hi-res, một trong những tính năng mà hãng quảng cáo nhiều nhất trên NeoBuds Pro.
Hộp bên trong có in logo của hãng cùng với con số 25. Edifier được thành lập từ năm 1996, và sự ra mắt của cặp tai nghe này cũng là để đánh dấu 25 năm có mặt trên thị trường của hãng.
Trong hộp có một lớp mút dày nhìn giống với mút tản âm trong những phòng thu, trong trường hợp này có lẽ là để giữ tai nghe không bị xước xát trong quá trình vận chuyển.
Mở hộp, thứ đầu tiên ta thấy là hộp sạc của tai nghe và một dàn những bộ đệm cao su nhiều màu sắc.
Các phụ kiện khác trong hộp gồm có dây sạc USB Type-C loại ngắn và một túi bằng vải dùng để đem tai nghe và những phụ kiện khác theo.
Đa phần những cặp tai nghe True Wireless trên thị trường, kể cả phân khúc cao cấp thường chỉ tặng kèm 3 bộ đệm cao su, NeoBuds Pro thì “xịn” hơn với 7 bộ với các kích thước và màu sắc khác nhau.
Bộ đệm tai này làm tôi nhớ đến MDR-EX1000, một cặp tai nghe có dây của Sony cũng với những miếng đệm nhiều màu sắc như thế này. Trên trang giới thiệu sản phẩm cũng nói rằng chúng được làm bằng cao su diệt khuẩn, tôi có lẽ cũng phải tin tưởng thôi vì không có cách nào để thử độ hiệu quả của tính năng này cả.
Hộp sạc của cặp tai nghe này có chất lượng hoàn thiện khá tốt, với phần nhựa được làm hơi sần nhẹ để không bám dấu vân tay. Ở mặt trên được cách điệu bằng một miếng nhôm phay xước với logo của hãng.
Cá nhân tôi thích những chiếc hộp nhỏ hơn để có thể bỏ vừa vào bất cứ loại túi quần nào, nhưng hộp NeoBuds Pro cũng không thể nói là quá lớn. Có lẽ làm hộp nhỏ hơn cũng sẽ “ăn” vào pin và ảnh hưởng tới thời lượng sử dụng. Nói về pin, cặp tai nghe này có thể dùng nghe nhạc liên tục trong 6 tiếng tăng lên 24 với hộp sạc, giảm xuống còn 5 / 20 tiếng khi bật chống ồn chủ động.
Cổng USB Type-C được làm lùi vào bên trong 1 chút, có lẽ là để dây vừa khít vào với hộp khi cắm vào.
Một yếu tố mang tính thẩm mỹ khác ở hộp đó là phần nắp đậy được tích hợp một dải đèn LED, báo hiệu mỗi khi mở ra và cho tai nghe vào.
Ngôn ngữ thiết kế vỏ hộp cũng được tiếp nối ở phần đeo tai. Mặt ngoài tai có một dải màu xám với logo của hãng, có vẻ như được làm bằng nhựa thay vì là kim loại giống vỏ để tránh giảm chất lượng truyền sóng.
Mặt ngoài có một microphone khá lớn để phục vụ cho việc thu âm bên ngoài của tính năng chống ồn chủ động ANC. Mặc dù có lỗ microphone lớn như vậy nhưng tai vẫn có chuẩn chống nước và bụi IP54, ta yên tâm khi dùng đi tập thể dục.
Thiết kế mặt trong của NeoBuds Pro có những nét tương đồng với cặp AirPods Pro, trừ việc ống dẫn âm được làm dài hơn 1 chút.
Đây không phải là cặp True Wireless thoải mái nhất tôi từng sử dụng, danh hiệu này chắc chắn sẽ phải dành cho cặp Samsung Galaxy Buds 2. Nhưng khi đã chọn đúng đệm và đeo đúng hướng, tai vẫn cho độ chặt (fit) và thoải mái ở mức tốt, tôi không phàn nàn gì về vấn đề này.
Màn hình chính phần mềm, trình điều khiển nhạc, chỉnh thao tác cảm ứng
Để tìm hiểu những tính năng của NeoBuds Pro ta sẽ tải ứng dụng Edifier Connect trên smartphone. Đây là một ứng dụng được phát triển đầy đủ, cho phép bật tắt nhanh chế độ chống ồn chủ động, chuyển nghe môi trường, chỉnh Equalizer, bật chế độ Game Mode (giảm độ trễ), chỉnh thao tác cảm ứng, bật tắt Hi-res, cập nhật phần mềm tai nghe và cung cấp cả widget điều khiển nhanh ngay trên màn hình chính.
Equalizer, bật tắt Hi-res LHDC và chế độ Game Mode giảm độ trễ xuống 80ms
Tại đây tôi tìm thấy một nhược điểm về mặt tính năng của NeoBuds Pro đó là mặt cảm ứng ở bên ngoài chỉ có 2 thao tác mỗi bên (để điều khiển được tổng cộng 4 chức năng) là nhấn đúp và nhấn 3 lần, không có nhấn 1 lần và nhấn giữ.
Rất có thể hãng làm vậy để tránh những lần ta đưa tay lên điều chỉnh tai sẽ nhận nhầm thành 1 lần bấm, điều tôi cũng có gặp ở một số tai nghe khác có điều khiển cảm ứng. Nhưng cũng vì vậy mà lượng thao tác sẽ bị giảm đi, ta sẽ phải lựa chọn 1 số dùng trên tai, và 1 số sẽ được điều khiển thông qua widget trên máy. Tùy vào cách sử dụng của từng người thì đây sẽ là nhược điểm nhỏ hoặc lớn.
Bản cập nhật để bổ sung LDAC
Trong quá trình sử dụng, có một tính năng trong phần mềm là CODEC Bluetooth chất lượng cao LDAC (thường thấy trên sản phẩm Sony) nhưng lại không sử dụng được. Sau khoảng 2 ngày thì tôi nhận được thông báo cập nhật phần mềm và chính thức sử đụng được nó.
Đến đây ta sẽ cùng bàn luận một chút về 2 chứng chỉ trong vấn đề truyền dẫn âm thanh của NeoBuds Pro là LDAC và Hi-res. Theo như lựa chọn bên trong ứng dụng, 2 chuẩn này cho phép chơi nhạc 24-bit/96kHz với bitrate cao nhất là 900Kbps.
Thanh công cụ và widget trên màn hình chính điều khiển NeoBuds Pro
Những con số này thực chất sẽ không “tự động” làm bất cứ bài nhạc nào cũng hay hơn mà còn phải xem chất lượng nguồn nhạc. Nếu như chơi MP3 hay stream trực tuyến qua Spotify, Apple Music (loại thường không Lossless), thì bật những tính năng này lên thì cũng bằng không mà thôi. Chính vì vậy mà chỉ khi bạn sử dụng nguồn nhạc đạt được các thông số này, LDAC và Hi-res mới có tác dụng.
Kể cả vậy, chất lượng nhạc cuối cùng vẫn phụ thuộc nhiều vào chất lượng màng loa của tai nghe và liệu bạn có đủ “thính tai” để thấy được sự khác biệt hay không. Song với những tiêu chuẩn nói trên, điều mà NeoBuds Pro đem tới là sự đảm bảo rằng chất lượng nhạc từ nguồn phát tới tai nghe là cao nhất, những bạn kỹ tính về vấn đề này sẽ không còn phải lăn tăn nữa.
Một tính năng khác cũng được Edifier nói đến rất nhiều đó là chống ồn chủ động. Việc một cặp tai nghe trong tầm giá dưới 3 triệu Đồng sở hữu ANC đến nay cũng không phải là chuyện lạ nữa rồi. Tuy vậy mà mỗi hãng lại có một cách tiếp cận khác nhau, Edifier thì cho người dùng tùy chọn cường độ chống ồn theo 2 nấc và trung bình và cao.
Ở mức trung bình, NeoBuds Pro có chất lượng chặn tạp âm bên ngoài ở mức vừa phải, làm mọi thứ “êm” hơn và đến khi bật nhạc thì gần như là hết hoàn toàn. Nhưng ở mức chống ồn cao thì cường độ được tăng lên đáng kể, không bật nhạc cũng rất khó nghe được những tiếng bên ngoài, đổi lại thì áp lực lên tai cũng sẽ cao hơn. Tôi cho đây là cách áp dụng hay, ta có thể tùy chỉnh ANC phù hợp với những trường hợp khác nhau thay vì “tắc” ở 1 mức duy nhất.
Có khá nhiều những công nghệ dành cho tính năng phụ trợ, và đến cả vấn đề tái tạo âm thanh NeoBuds Pro cũng khá “hiện đại” khi sử dụng hệ thống màng loa lai (Hybrid), với một Dynamic truyền thống cho dải trầm và một Balance Armature từ hãng Knowles cho dải trung và cao. Hệ thống màng Hyrid hiện nay đang khá thịnh hành ở những cặp True Wireless, nhưng thường thấy trên những cặp tai nghe có giá đắt hơn như Noble Falcon Pro ta tìm hiểu lần trước chẳng hạn.
Về chất âm, NeoBuds Pro không ngạc nhiên khi vẫn đi theo hướng âm V-shape của khá nhiều những cặp tai nghe True Wireless hiện nay, một kiểu âm được cho là được đa phần người dùng yêu thích. Nhưng với cặp tai nghe này, tính chất “V-shape” được thể hiện rõ hơn so với cặp Galaxy Buds 2, dải trầm và cao đều được đẩy mạnh và thiên về việc chơi những bài nhạc mang tính sôi động hơn là hướng âm nghe tạp.
Kiểu âm này khi chọn được những bài nhạc phù hợp như Through Money của Raccy thì sẽ tạo được không khí rất sôi động, đầy năng lượng. Âm trầm có lượng rất dày, mỗi lần nổi lên là có khả năng bắt được sự chú ý của người nghe ngay lập tức. Khả năng kiểm soát dải trầm của NeoBuds Pro dừng lại ở mức trung bình, vì vậy dải này sẽ không ngắt ngay mà kéo dài một chút.
Cũng tương tự với đó là dải âm cao, được đẩy lên khá mạnh mẽ để hoàn thiện một chất âm năng động, mang tính “điện tử”. Âm cao của NeoBuds Pro gần chạm tới ngưỡng sibilance, nhưng chỉ xảy ra với những bản nhạc được thu âm kém mà thôi, trong đa phần những bài nhạc tôi nghe thì chỉ đạt đến mức sáng và sắc, chưa đạt đến ngưỡng chói tai, khó chịu.
Vẫn như thường lệ, những cặp tai nghe V-shape sẽ có một yếu điểm nằm ở dải trung. NeoBuds Pro thể hiện dải này không tới mức “tệ”, nhưng để nói là nổi bật và tỏa sáng giữa 2 dải âm khá mạnh còn lại thì chưa tới. Vị trí của ca sĩ trong bài nhạc cũng phụ thuộc một chút vào việc những âm trầm (trống, cello…) nền có mạnh hay không, vì dải trầm của NeoBuds Pro cũng gặp hiện tượng tràn (bleed) nhẹ.
Ta vẫn có thể cải thiện được dải trung bằng EQ ngay bên trong ứng dụng mà hãng cung cấp, nhưng với chất âm mặc định tôi sẽ sử dụng NeoBuds Pro với nhạc Pop, Electronic, còn những bài Vocal với phần giọng ca sĩ phải được đẩy cao hơn thì sẽ không phải là thế mạnh của cặp tai nghe này.
Có xứng đáng là kẻ ngáng đường những ông lớn?
Có một sự thật đó là dù thị trường có xuất hiện những cặp tai nghe True Wireless tốt đến đâu đi chăng nữa thì những sản phẩm của hãng công nghệ lớn vẫn có 2 “vũ khí bí mật” khiến chúng bất khả xâm phạm. Đầu tiên là vấn đề thương hiệu, Edifier là một hãng đã có mặt trên thị trường từ 1996 và đã nổi tiếng với các sản phẩm loa, nhưng nói về nhận diện thương hiệu thì khó lòng so kè được với Apple, Sony hay Samsung.
Thứ 2 là khả năng tương thích một cách chặt chẽ với hệ sinh thái của từng hãng. AirPods Pro có thể kết nối nhanh và sau đó chuyển đổi một cách “mượt” giữa iPhone, iPad và MacBook, điều tương tự với Galaxy Buds 2 đối với các sản phẩm Samsung Galaxy. Chính vì vậy Edifier NeoBuds Pro khó có thể trở thành “Flagship-killer”, thay thế hoàn toàn các sản phẩm này như những trang công nghệ nước ngoài đánh giá.
Ngược lại khi đánh giá một cách khách quan, đây phải nói là một cặp tai nghe đem lại trải nghiệm cao cấp so với tầm giá của nó nhờ vào việc “cần tính năng gì là có tính năng đó”, hoàn thiện tốt và chất âm mang tính sôi động cao. Edifier NeoBuds Pro và EarFun Air Pro 2 là những cặp tai nghe làm thị trường âm thanh nói chung và True Wireless nói riêng trở nên sôi động hơn bao giờ hết.
Sản phẩm được cung cấp bởi Trần Du Audio
Theo: Pháp luật & Bạn đọc
Nguồn: genk.vn