Mặc dù là một người đam mê các sản phẩm âm thanh và thích những sản phẩm của Samsung, những cặp tai nghe mới được ra mắt của hãng công nghệ Hàn Quốc đều chưa đủ sức thuyết phục đối với tôi.
Cặp Buds Live thử nghiệm với một thiết kế mới để tạo ra sự khác biệt, nhưng kèm với đó là kha khá những nhược điểm, trong đó đáng nói nhất là khả năng cách âm cùng chất âm khá kém. Galaxy Buds Pro có tính hoàn thiện cao, tính năng rất đầy đủ song chưa làm tôi hài lòng về độ thoải mái (comfort).
Chính vì vậy mà khi hãng công bố sản phẩm True Wireless mới nhất của mình là cặp Galaxy Buds 2 tại Unpacked 2021, tôi không thực sự hào hứng cho lắm. Kèm theo đó, cặp tai nghe này còn bị “chôn vùi” bởi rất nhiều những sản phẩm hào nhoáng hơn như Watch 4, Fold3 hay Flip3. Trái với sự kém hào hứng ban đầu, tôi dần cảm thấy thích cặp tai nghe này sau một thời gian trải nghiệm. Không phải nó tốt nhất ở mọi khía cạnh, mà vì nó có tính toàn diện để trở thành 1 sản phẩm có thể sử dụng lâu dài hơn.
Thứ đầu tiên mà tôi thấy mọi người phàn nàn về thiết kế của Buds 2 đó là phần vỏ sạc. Nó được hoàn thiện bằng nhựa bóng, lại luôn có mặt ngoài màu trắng ở tất cả các phiên bản nên dùng lâu dài có thể bị dính bẩn. Bù lại, hộp được hoàn thiện cứng cáp và cho cảm giác nặng tay so với kích thước của nó.
Với kích thước nhỏ nhắn, Buds 2 đem tới 5 giờ sử dụng liên tục và nâng lên 20 giờ khi dùng kết hợp với hộp sạc. Trong thời điểm hiện nay, đây chỉ là thời lượng sử dụng ở mức “ổn” khi mà đã có nhiều cặp tai nghe chạm ngưỡng 40 – 50 tiếng, bù lại thì những cặp tai nghe đó có kích thước lớn hơn rất nhiều so với Buds 2.
Mặt ngoài màu trắng, nhưng bên trong hộp sẽ đồng màu với tai nghe. Phiên bản tôi nhận được có màu xanh rêu, theo tôi là màu đẹp nhất nếu như không lựa chọn 2 màu cơ bản là đen và trắng – có một chút sắc màu để không nhàm chán, nhưng là một màu nhẹ nhàng và ít phô trương.
Giống với các cặp tai nghe True Wireless khác của hãng, Buds 2 vẫn hỗ trợ khả năng sạc không dây, ngoài việc tăng tính tiện dụng khi sạc tại nhà thì còn có thể “mượn” năng lượng từ smartphone thông qua tính năng Powershare.
Thiết kế của Buds 2 có nhiều điểm tương đồng với cặp Buds Pro hơn là phiên bản đầu tiên, với mặt ngoài hình giọt nước, kích thước nhỏ nhắn. Điểm cần lưu ý đó là Buds 2 chỉ có chống nước IPX2, tức là bằng với Buds Live và thấp hơn rất nhiều so với IPX7 của Buds Pro. Vì vậy mà ta có thể đem tai nghe đi tập thể dục được, nhưng sẽ phải tránh đổ nước trực tiếp hoặc đem Buds 2 xuống nước.
Sự khác biệt lớn nhất của Buds 2 đối với 2 sản phẩm tiền nhiệm nằm ở độ khít và thoải mái (fit & comfort). Là một cặp tai nghe In-ear, Buds 2 có ống âm đi sâu vào bên trong tai người nghe chứ không đặt hờ bên ngoài như Buds Live, chặn tạp âm bên ngoài một cách thụ động tốt hơn rất nhiều, ngoài ra còn bảo toàn chất lượng âm thanh tới tai người nghe.
Galaxy Buds Live với thiết kế độc đáo nhưng đem tới nhiều nhược điểm về khả năng cách âm
Cặp Buds Pro thì cách âm tốt hơn rất nhiều, nhưng thiết kế có những phần gờ có thể gây khó chịu
So với Buds Pro, Buds 2 không có những phần “gờ” mà được làm phẳng hoàn toàn, nên không bị chèn vào những nếp gấp bên trong vành tai. Chưa hết, với thiết kế được làm mỏng, cặp tai nghe này gần như lọt bên trong tai người đeo, không bị dư ra ngoài nhiều. Tôi thậm chí còn có thể đeo cặp tai nghe này nằm trên giường, một điều hiếm đối với tai nghe True Wireless vì chúng thường phải làm lớn hơn tai nghe có dây.
Chất lượng đeo chính là ưu điểm lớn nhất của Buds 2 khi so với Buds Live và Buds Pro, thậm chí là kha khá những cặp tai nghe không dây hoàn toàn khác tôi được thử. Nó cho cảm giác “biến mất” sau khi được đeo lên tai, thực sự rất thoải mái!
Một điểm mạnh khác của Buds 2, hay nói rộng hơn là những cặp tai nghe của các hãng lớn là việc được hỗ trợ bởi những phần mềm có tính hoàn thiện cao hơn. Trong phiên bản phần mềm Wearable mới nhất dành cho Buds 2, Samsung sắp xếp các tính năng của tai nghe vào các tab nhỏ, giúp cho giao diện chính trở nên gọn gàng hơn, chỉ bao gồm tình trạng pin, thanh điều khiển ANC và 4 dòng khác.
Giao diện chính của Samsung Galaxy Wearable dành cho Buds 2.
Thử nghiệm độ chặt (fit) của tai nghe để thay các bộ đệm cao su phù hợp với từng người.
Điều chỉnh cảm ứng của tai nghe với tất cả những thao tác như điều khiển nhạc, nhận cuộc gọi. Việc chỉnh âm lượng và chống ồn chủ động sẽ phải lựa chọn 1 trong 2 với thao tác nhấn và giữ.
Cài đặt các tính năng khác: đọc thông báo, Equalizer, kết nối nhanh (bằng tài khoản Samsung giữa các thiết bị phát) và cân bằng âm thanh, chỉnh chống ồn cho từng bên tai (cho những người có khiếm khuyết về thính lực).
Một thứ mà mình thấy rất tiện: một widget nhỏ ngoài màn hình chính để chỉnh nhanh chống ồn ANC và tắt bật mặt cảm ứng.
Các tính năng của tai nghe nghe nhìn chung không có sự thay đổi quá nhiều so với những sản phẩm trước đây, vì có lẽ các công nghệ mà hãng có thể “nhét” vào tai nghe có lẽ cũng chạm đến đỉnh rồi. Thứ mình thấy hay nhất đó là việc có thể thêm 1 widget nhỏ vào màn hình chính, từ đó điều khiển nhanh chống ồn chủ động, bật nghe môi trường (Ambient Sound) để “giải phóng” 1 vài cử chỉ trên tai dành cho chỉnh âm lượng hoặc gọi trợ lý ảo. Khả năng điều chỉnh âm lượng, chống ồn chủ động cho từng bên tai để dành cho những bạn khiếm thính cũng khá hay!
Điểm mà hãng có thể làm tốt hơn là cho người dùng thêm những lựa chọn để điều chỉnh EQ và chống ồn chủ động một cách chính xác hơn. Hiện tại EQ chỉ có các preset được đặt sẵn chứ không thể điều chỉnh từng dải âm; hay ANC cũng chỉ có tắt / bật và chuyển sang Ambient Sound chứ không chọn được cường độ giống như các sản phẩm từ Sony.
Vậy chất lượng chống ồn chủ động của Galaxy Buds 2 liệu có tốt? Đầu tiên, do có thể đeo được chặt vào ống tai nên khả năng chống ồn tự nhiên của cặp tai nghe này đã khá tốt rồi, trong nhiều trường hợp ta cũng không cần phải sử dụng đến ANC nữa. Khi sử dụng ANC, có vẻ như Samsung muốn cân bằng giữa khả năng loại bỏ tạp âm bên ngoài và độ thoải mái.
So với các sản phẩm như Sony WF1000X hay AirPods Pro thì Buds 2 vẫn để lọt một chút âm thanh bên ngoài, không loại bỏ được một cách triệt để. Ngược lại thì những lúc tắt nhạc thì không tạo áp lực lên tai – thứ mà những ai không quen với ANC mà đeo ngay những cặp tai nghe có cường độ chống ồn chủ động mạnh hơn sẽ cảm thấy.
Cá nhân tôi thích cách tiếp cận này của Buds 2, hơn nữa khi bật nhạc lên thì cũng chặn thêm 1 phần tạp âm bên ngoài nữa rồi. Nhưng với những ai thường xuyên phải làm dùng tai nghe trong những điều kiện ồn ào (công trường, hay đi máy bay…) thì việc có thể tăng được cường độ ANC lên sẽ tốt hơn.
Về khả năng tái tạo âm thanh, Galaxy Buds 2 đi theo hướng âm chung mà Samsung đã đặt ra cho tất cả những cặp tai True Wireless của mình: dày dặn, với phần trầm và cao được đẩy nhẹ lên (V-shape) đang rất thịnh hành hiện nay. Điểm hay của cặp tai nghe này là vẫn giữ được độ tự nhiên nhất định để phối được nhiều thể loại nhạc, kèm theo đó là đem tới âm trường đủ rộng để mọi thứ không “chen lấn”.
Dải âm đầu tiên mà bạn sẽ nghe thấy với Buds 2 là dải trầm, khi mà nó được làm dày và khá đậm đà. Những âm trống trong bài This girl của Kungs có tốc độ tan chậm rãi nên mỗi khi nổi lên sẽ rung ở nền, tạo độ đậm cho toàn bộ bài nhạc. Như đã đề cập, Buds 2 có không gian nhạc đủ rộng rãi cho các dải âm của mình nên dù có phần trầm dày, chiếm sự chú ý của người nghe nhưng không bao giờ “nuốt” những phần âm còn lại.
Không ngạc nhiên khi có chất âm V-shape nên phần trung sẽ bị làm mỏng hơn 1 chút và có xu hướng lùi về phía sau. Điều này khiến giọng của nữ ca sĩ Lorde trong bài Solar Power bị “chìm”, kém nổi bật khi có nhiều nhạc cụ nổi lên. Ưu điểm của dải trung nằm ở độ tự nhiên của nó, giọng ca sĩ không quá tối, hoặc quá sáng để tạo cảm giác điện tử và tránh được hiện tượng sibilance chói gắt. Với những ai muốn làm phần này nổi bật hơn thì có thể thử EQ “Clear” trong ứng dụng Wearable.
Phần âm cao cũng giống với âm trầm, được đẩy nhẹ lên so với mặt bằng chung. So với những cặp tai nghe V-shape khác thì Buds 2 không làm âm cao quá sáng, có lẽ là để giữ sự thoải mái, dễ nghe mà Samsung hướng tới. Nó vẫn làm tròn nhiệm vụ giúp cho chất âm của Buds 2 không bị quá dày và chỉ có mỗi âm trầm.
Dễ dàng khuyến nghị hơn
Qua việc trải nghiệm những cặp tai nghe của Samsung qua từng thời kỳ, sản phẩm duy nhất mà tôi có thể tự tin giới thiệu cho bạn bè và người thân là… tai nghe có dây theo smartphone Galaxy S và Note. Những sản phẩm True Wireless của hãng như Buds Pro hay Buds Live đều có những yếu điểm mang tính “chí mạng” về độ thoải mái hay chống ồn, nên dù có nhiều những tính năng hay ho khác thì cũng không phải dành cho tất cả mọi người được.
Đến với Galaxy Buds 2, đây sẽ trở thành cặp tai nghe thứ 2 tôi có thể tự tin khuyến nghị cho bất cứ ai. Mặc dù vẫn còn đó những nhược điểm nho nhỏ như hộp sạc luôn là màu trắng ở bất cứ phiên bản nào, tai nghe hoàn thiện dạng bóng có thể bám bẩn hay chống nước chỉ dừng lại ở mức IPX2; với ưu điểm về độ thoải mái cao và chất âm có thể làm hài lòng được số đông thì Buds 2 cho thấy mình là cặp tai nghe mang tính “daily driver” cao hơn 2 đàn anh của mình.
Theo: Pháp luật & Bạn đọc
Nguồn: genk.vn