Tại sự kiện CES 2020 tháng 1 vừa qua, ngoài việc nâng cấp dòng loa đặt bàn Soundsticks lên thế hệ thứ 4, hãng âm thanh Harman Kardon cũng đã tung ra phiên bản thứ 3 của một chiếc loa cũng nổi tiếng không kém của mình là Aura Studio 3. Khác với Soundsticks, Aura là dòng loa tích hợp tất-cả-trong-một, nhờ đó giảm thời gian set-up cũng như không chiếm nhiều diện tích.
Phiên bản này có những thay đổi gì so với trước đây, và nó có đáng với mức giá (khoảng 7 triệu Đồng) mà người dùng cần bỏ ra hay không?
Aura 3 mặc dù nhỏ gọn hơn các dòng loa 2.1, 2.0 nhưng vẫn là loa giải trí tại gia nên sẽ lớn, hộp đựng không tránh khỏi sự cồng kềnh, ngược lại cũng có thiết kế đơn giản vì hãng không cố in những thông tin thừa thãi ở đây. Các thành phần bên trong được bọc kỹ càng, có những lớp chèn bằng xốp (loại giống hộp đựng trứng) nên ta cũng không lo bị hỏng hóc trong quá trình vận chuyển.
Phụ kiện của Aura 3 gồm có 4 dây nguồn với các đầu cắm khác nhau để phù hợp với các thị trường trên Thế giới. Tôi đánh giá cao Harman Kardon ở điểm này, giúp người dùng không phải đi mua đầu chuyển dù có mua loa ở đâu đi nữa.
Và đây là chiếc loa của chúng ta, vẫn với kiểu dáng tổng thể quen thuộc của dòng Aura, một lớp nhựa cong vòng màu đen trong ở phía trên và phần đế bọc vải phía dưới. Có lẽ Harman Kardon thấy rằng đây là kiểu dáng đẹp, trang nhã nên đã sử dụng qua nhiều đời, tôi cũng phải đồng ý với điều đó.
Ở phía sau loa ta có cổng cấp nguồn và cổng 3,5mm để chơi nhạc có dây, nút bấm nguồn và nút bật tắt Bluetooth. Đây đều là những nút cảm ứng nên ta nhấn nhẹ tay để kích hoạt, loa sẽ phản hồi bằng tiếng động và đèn chứ không có phản hồi vật lý.
Về hệ thống tạo âm thanh, Aura 3 trang bị xung quanh phần thân 6 chiếc loa toàn dải 40mm và một loa sub-woofer 130mm chuyên cho phần trầm ở dưới đáy, chơi dạng hướng sàn (down-firing), lớn hơn loại được dùng ở phiên bản Aura (112mm) và có công suất lớn hơn 3 lần (100W so với 30W). Khả năng tái tạo âm thanh ra sao ta sẽ tìm hiểu rõ hơn ở phần sau.
Mặt trước ta có logo của hãng, nút bật tắt đèn và 2 nút tăng giảm âm lượng, thao tác dừng/chơi nhạc sẽ điều khiển trên smartphone.
Điểm thay đổi lớn nhất về ngoại hình bên ngoài của Aura 3 so với những người tiền nhiệm đó là bỏ đi ống thoát âm (sound-port) ở đỉnh, nên thiết kế giờ đã đóng hoàn toàn. Theo đánh giá của những người sử dụng các phiên bản trước, ống âm này rất hay bám bụi và khó có thể lau được sạch hoàn toàn nên việc loại bỏ nó đi là ưu điểm, cũng là một cách để thiết kế của chiếc loa này trở nên liền lạc hơn.
Một điểm mạnh vẫn không thay đổi của dòng Harman Kardon Aura: hệ thống đèn chiếu sáng. Trên phiên bản Aura 3, hãng thiết kế một phần gù thoải về tất cả các hướng, có một chút lõm ở giữa và chia ra làm nhiều phần nhỏ song song. Khi được kích hoạt, đèn sẽ bật dần dần qua từng phần, rất nhẹ nhàng và tinh tế. Đèn của Aura 3 không có những chế độ nháy (strobe) và đổi màu liên tục như những loa Sony Extra Bass, nhưng theo cá nhân tôi là đẹp cũng như đa dụng hơn, có thể sử dụng làm đèn ngủ nếu muốn.
Có thể nói phần mềm hỗ trợ trên smartphone không phải là một điều kiện cần, nhưng là điều kiện đủ để tạo nên một thiết bị âm thanh không dây tốt. Nếu không sử dụng chúng thì cũng không sao, nhưng nếu có thì trải nghiệm người dùng sẽ được toàn diện hơn. Loa Aura đến nay vẫn chưa có ứng dụng chuyên dụng cho việc điều khiển, nên tất cả thao tác người dùng sẽ thực hiện trên phần mềm nghe nhạc và trên loa. Hy vọng hãng sẽ sớm hoàn thành và đưa ứng dụng đó lên kho tải.
Bỏ phần mềm qua một bên, ta sẽ đến phần quan trọng hơn cả: chất lượng âm thanh. Điều đầu tiên tôi cảm nhận khi sử dụng Aura 3 đó là âm lượng của chiếc loa này rất lớn. Chỉ với 20% âm lượng trên smartphone, chiếc loa này đã đủ độ lớn để chơi nhạc trong một căn phòng khoảng 15m2.
Khả năng phủ âm của chiếc loa này cũng rất tốt, khi ta đứng ở góc nào trong căn phòng cũng cảm thấy loa như đang chơi ở gần mình, không có cảm giác bị vọng từ xa như những chiếc loa công suốt nhỏ, thiết kế bé hơn. Với 2 yếu tố này, Aura 3 sẵn sàng chơi được nhạc ở cả phòng khách lớn, hoặc nếu cần thiết thì có thể chơi nhạc ngoài trời (người dùng cần đảm bảo có chỗ cắm điện, trời không mưa).
Hài lòng với âm lượng, ngược lại cách thể hiện chất âm của Aura 3 vẫn còn một vài điểm tôi thấy bất cập. Harman Kardon chọn một kiểu âm rất đậm về phần trầm cho loa, với chiếc sub-woofer 130mm hoạt động rất hiệu quả. Có lẽ ‘hiệu quả quá’ khi trong bài Berimbass của Renaud Garcia-Fons những âm siêu trầm (sub-bass) từ contra-bass dư lực khá nhiều, tạo cảm giác gằn nặng khiến chất âm tổng thể hơi tối, đục.
Phần trung và cao cũng vì vậy mà bị lấn, thiếu độ sáng. Giọng ca sĩ lúc này như lùi về 1 bước để nhường đường cho trống, phần trung cao (high-mid) cần có để thoát ra khỏi ‘vòng vây trầm’ cũng chưa được thể hiện hiệu quả. Âm cao quả thực thiếu tính kim khí, khiến cho tổng thể âm thanh từ Aura 3 nghiêng hẳn về phần nửa dưới.
Song, một điều kỳ diệu đã xảy ra! Sau khi vào mục Equalizer của smartphone, tôi thử điều chỉnh để xem khả năng trình diễn của Aura 3 có thể được cải thiện đến mức nào. Câu trả lời là chiếc loa này có thể được ‘lột xác’ hoàn toàn nếu như người dùng bỏ ra một thời gian ngắn để điều chỉnh cho đúng. Những gì tôi làm đó là giảm cường độ âm trầm (khoảng -2dB), tăng dần cường độ khi đến với dải trung cao (high-mid) và cao (treble) vào khoảng 1dB.
Tôi rất kỵ việc sử dụng Equalizer trong khi đánh giá âm thanh, vì trong nhiều trường hợp EQ có thể ‘chữa lợn lành thành lợn què’, không làm chất âm hay hơn lại tăng độ méo, làm tình hình tệ đi. Nhưng trong trường hợp này có vẻ là ngoại lệ và kết quả thì hoàn toàn có thể làm cân bằng lại chất âm của Aura 3.
Sau khi áp dụng EQ, phần trầm vẫn có lực rất tốt nhưng loại bỏ được gần như hoàn toàn những âm rền vang, gằn rất khó chịu trong chất âm mặc định. Cũng nhờ có lượng được giảm bớt nên phần âm này trở nên cứng chắc hơn, thể hiện rõ được từng âm trống trong bài Radio Ga Ga của Queen. Nếu bạn là bass-head và nói rằng làm như vậy thì âm trầm sẽ không còn ‘đã’ nữa, hãy tin tôi rằng mặc dù lượng giảm đi 1 phần nhưng ‘chất’ được tăng lên nhiều phần thì vẫn là sự đánh đổi xứng đáng.
Giọng ca sĩ cũng chứng kiến sự cải thiện một cách rõ rệt, đặc biệt là những giọng ca sĩ nữ có thể lên được tới phần trung cao. Như giọng MARINA trong bài To be human từ trạng thái như ‘bị nghẹt mũi’, bị nhấn chìm bởi âm trầm được đặt bên cạnh thì có độ sáng cao hơn, ‘thoát’ hơn rất nhiều. Tương tự với dải cao, mặc dù vẫn chưa có lượng dồi dào nhưng do có không gian thể hiện hơn vì không phải ‘chen lấn’ với âm trầm, giờ đã rõ ràng hơn rất nhiều. Chất âm cân bằng hơn giúp Aura 3 lấy lại được cả độ chi tiết trước đây đã bị chìm mất, cho thấy tiềm năng của nó là hoàn toàn có chỉ là Harman Kardon chưa tận dụng hết được thôi.
Bạn thậm chí còn có thể cảm nhận được sự thay đổi này thông qua video dưới đây. Mặc dù âm thanh đến tai bạn gián tiếp thông qua microphone thu âm của tôi, sau đó là tai nghe hoặc loa của bạn, nhưng bạn hoàn toàn nghe thấy được phần âm trầm trở nên gọn gàng, ‘mở đường’ cho những dải âm khác thể hiện như thế nào.
Sản phẩm có tiềm năng lớn
Harman Kardon Aura 3 nhìn một cách tổng thể vẫn là một sản phẩm đáng để tâm khi có chất lượng hoàn thiện vỏ ngoài tốt, đèn chiếu sáng ‘lung linh’, nhưng cũng tồn tại điểm nhỏ cần lưu ý mà người dùng phải tự khắc phục trong quá trình sử dụng bao gồm: Chưa có phần mềm hỗ trợ trên smartphone và chất âm mặc định bị chỉnh quá đậm về âm trầm nên cho cảm giác mất cân bằng. Tất nhiên, hai điểm này đều có thể khắc phục được bằng phần mềm nên đây chưa phải là vấn đề quá lớn, hy vọng hãng sẽ ‘mài’ thêm chút nữa để ‘viên ngọc’ này sáng hơn trong những đợt cập nhật sau!
Ưu điểm
– Thiết kế đẹp mắt, phần đèn nền lung linh
– Kết nối chắc chắn, độ trễ thấp
– Âm lượng lớn, độ phủ âm đủ cho cả một căn phòng rộng rãi
– Sau khi được chỉnh EQ, chất âm lột xác và tốt hơn nhiều
Nhược điểm
– Chưa có phần mềm hỗ trợ điều khiển trên smartphone
– Chất âm mặc định có phần dư trầm, các dải âm khác thiếu không gian để tỏa sáng
Theo: Trí Thức Trẻ
Nguồn: genk.vn