Đầu tháng 11 vừa qua, Intel đã chính thức ra mắt dòng vi xử lý mới nhất của mình, Intel Core thế hệ thứ 12 với tên mã Alder Lake. Đồng thời với màn ra mắt của nền tảng hoàn toàn mới, các thương hiệu phần cứng phụ trợ như mainboard, RAM, tản nhiệt cũng đồng loạt ra mắt dòng sản phẩm mới nhất của mình. Trong đó, với Kingston, một trong các nhà sản xuất bộ nhớ hàng đầu thế giới, là sự ra mắt của dòng RAM DRR5 FURY Beast.
Ở thời điểm hiện tại, với chỉ FURY Beast DDR5 trên thị trường, Kingston có đôi chút lép vế về độ phủ phân khúc so với các đối thủ khác. Sản phẩm được đóng gói khá đơn giản khi chỉ có khay nhựa trong giữa 2 thanh RAM dung lượng 16GB cùng 1 miếng bìa bọc xung quanh với tên sản phẩm. Điều này chắc hẳn cũng sẽ gây quan ngại cho nhiều người dùng khi thấy các hãng sản xuất RAM khác đều phải có ít nhất thêm 1 lớp hộp bọc bên ngoài. Tất nhiên đây cũng là phần bề ngoài hộp đựng, còn về thiết kế thanh RAM hay hiệu năng chất lượng ra sao mới là thứ quan trọng hơn.
Với ưu tiên vào mức hiệu năng/giá thành, Kingston FURY Beast DDR5 cũng có thiết kế tương đối đơn giản với đen là tông màu chủ đạo. Trên mặt tản nhiệt là logo Kingston FURY Beast, DDR5 cũng như vài đường dập nổi để tạo hiệu ứng thẩm mỹ cho lớp vỏ tản nhiệt. Mặt phía sau chỉ đơn giản là nơi dán tem serial number, mã vạch và một số thông tin liên quan.
Như đã nói ở trên, bởi tập trung vào độ tối ưu giá thành nên Kingston FURY Beast DDR5 cũng không được trang bị đèn LED RGB.
Khi đặt cạnh các dòng RAM FURY thế hệ trước của Kingston, có thể thấy ngôn ngữ thiết kế cho phần tản nhiệt gần như không thay đổi. Có lẽ thứ duy nhất thay đổi về nhận diện thương hiệu là việc loại bỏ branding HyperX.
Bởi không có LED RGB nên khi lên đèn, Kingston FURY Beast DDR5 không mấy nổi bật. Với chiều cao trung bình, kit RAM này có lẽ sẽ hợp với các cấu hình ITX nhỏ gọn hơn.
Cấu hình thử nghiệm:
– CPU: Intel Core i5-12600K
– RAM: Kingston FURY Beast DDR5 5200MHz CL40
– Mainboard: ASUS ROG STRIX Z690-E Gaming Wifi
– GPU: Nvidia RTX 3070
– NVMe: WD_Black SN850 1TB
– PSU: Corsair RM850 Gold
– Tản nhiệt: MSI AIO MAG CORE LIQUID 240R
– OS: Windows 11
Về hiệu năng RAM, việc đo đạc so sánh là khá thừa thãi. Dù vậy, với bài thử bộ nhớ của bộ công cụ AIDA64, băng thông RAM là khá ấn tượng ở mức quanh 70 GB/giây cùng độ trễ khoảng 85.2ns. Điều này tương đối dễ hiểu bởi với xung nhịp quá cao như DDR5 hiện tại, các nhà sản xuất sẽ phải nới bớt độ trễ CL để đảm bảo tính ổn định. Tính bù trừ lại thì hiệu năng sẽ gần như không chênh lệch nhiều. Đây cũng là lợi thế của Intel khi hiệu năng CPU không bị phụ thuộc vào xung nhịp của kết nối Infinity Fabric, vốn lại phụ thuộc vào xung nhịp của RAM.
Một số game như Horizon Zero Dawn hoặc Assassin’s Creed Valhalla cũng đều cho điểm số tương đồng với các cấu hình tương đương khác:
Một điểm trừ của kit RAM này là độ trễ không được “chặt” như các dòng RAM DDR5 cạnh tranh có cùng mức xung nhịp 5200MHz. Tuy nhiên đây là mức xung nhịp thông dụng với các kit RAM DDR5 trên thị trường hiện nay, có thể được coi là mức tiếp theo, trên mặc định 4800MHz tiêu chuẩn của DDR5. Có lẽ khi được thử nghiệm các dòng RAM có bước nhảy vọt về xung nhịp như 6000MHz thì chúng ta mới có thể thấy được sự khác biệt về hiệu năng giữa RAM xung nhịp cao và thấp.
Để tổng kết, quả thực Kingston FURY Beast DDR5 có nhiều điểm đáng khen nhưng vẫn có một chút tiếc nuối để lại. Dẫu hiệu năng và độ tin cậy được đảm bảo bởi tên tuổi lâu đời của Kingston, kit RAM này vẫn thiếu hụt một vài thứ theo xu hướng như LED RGB. Ngoài ra việc đóng gói tương đối đơn giản cũng có thể tạo một chút nghi ngại cho người mua.
Tất nhiên, nếu nhu cầu của bạn chỉ hoàn toàn là hiệu năng và cấu hình máy dự kiến xoay quanh các dòng CPU tầm trung như Core i5 thế hệ 12 hoặc form ITX cần RAM thấp để lắp tản nhiệt gọn thì Kingston FURY Beast DDR5 5200MHz CL40 vẫn là một lựa chọn an toàn với mức giá tương đối cạnh tranh.
Theo: Pháp luật & Bạn đọc
Nguồn: genk.vn