Đánh giá OnePlus 8T: Hiệu năng trên giá bán vượt trội, nhưng lại gặp cảnh “Gà nhà đá nhau”?

08:49 Sáng - 02/11/2020
0 Bình luận
492
bởi Phương Trần

Hiệu năng trên giá bán vượt trội, điều gì vẫn còn ‘giữ chân’ sự thành công của OnePlus 8T?

Khi có màn ‘comeback’ với thị trường Việt Nam vào 3 tháng trước, OnePlus lại chỉ đem tới 2 sản phẩm là smartphone tầm trung OnePlus Nord và flagship cao cấp nhất OnePlus 8 Pro mà thiếu đi OnePlus 8 – một lựa chọn ‘nằm ở giữa’ với khá nhiều những cấu hình được ‘mượn’ của sản phẩm đầu bảng.

Đánh giá OnePlus 8T: Hiệu năng trên giá bán vượt trội, nhưng lại gặp cảnh Gà nhà đá nhau? - Ảnh 1.

Có lẽ đây là nước đi có chủ ý vì hãng không muốn có quá nhiều lựa chọn ở tầm giá quá sát như sau khi ra mắt OnePlus 8T vào tháng trước- một phiên bản nâng cấp của chiếc OnePlus 8. Chiếc smartphone này có gì mới mẻ, liệu có trở thành lựa chọn sáng giá hơn chiếc 8 Pro hay Nord hay không?

Phần cứng đa phần cũ, nhưng vẫn có 3 cái mới

Để không tốn thời gian của cả bạn và tôi, tôi sẽ chỉ ra rằng OnePlus 8T có rất nhiều những cấu hình  tương tự so với phiên bản OnePlus 8 tiền nhiệm. Ta có thể kể tới vi xử lý Snapdragon 865, RAM 12GB, bộ nhớ 256GB. Hiện nay Qualcomm cũng đã có 1 vi xử lý mạnh mẽ hơn là Snapdragon 865+, nhưng có lẽ OnePlus cảm thấy sự khác biệt là không quá lớn nên đã sử dụng chung phiên bản 865 cho cả 3 chiếc smartphone thuộc phân khúc cao cấp gần nhất của mình.

Đánh giá OnePlus 8T: Hiệu năng trên giá bán vượt trội, nhưng lại gặp cảnh Gà nhà đá nhau? - Ảnh 2.

Hệ thống chụp hình chỉ có sự nâng cấp nhẹ từ OnePlus 8, với 2 camera chính 48MP và siêu rộng 16MP không có sự thay đổi, ta có thêm cảm biến đo chiều sâu 2MP và camera macro nâng từ 2MP lên 5MP. Theo lý thuyết thì chất lượng những bức ảnh từ OnePlus 8T vẫn sẽ thấp hơn so với 8 Pro khi cả camera chính và siêu rộng đều sẽ dùng những cảm biến cũ, có kích thước nhỏ hơn.

Sử dụng trên thực tế, sự khác biệt không đến mức ‘một trời một vực’, đây vẫn là một hệ thống camera chất lượng cao trong nhiều trường hợp khác nhau. Như đã đề cập trong bài đánh giá OnePlus 8 Pro, tôi cũng thích cách hãng này xử lý ảnh, không cố gắng làm màu sắc hài hòa, không bị quá đậm để tạo ra các bức dịu mắt hoặc dễ chỉnh sửa sau khi chụp. Điểm yếu đáng nói nhất có lẽ là việc thiếu đi camera zoom, nên việc chụp những vật ở xa sẽ bị ảnh hưởng.

danh gia oneplus 8t hieu nang tren gia ban vuot troi nhung lai gap canh ga nha da nhau 3

 

danh gia oneplus 8t hieu nang tren gia ban vuot troi nhung lai gap canh ga nha da nhau 4

 

danh gia oneplus 8t hieu nang tren gia ban vuot troi nhung lai gap canh ga nha da nhau 5

 

danh gia oneplus 8t hieu nang tren gia ban vuot troi nhung lai gap canh ga nha da nhau 6

Sự thay đổi của OnePlus 8 Pro nằm ở 3 điểm chính: màu sắc của máy, màn hình và hệ thống pin / sạc. Đầu tiên, 8T sở hữu màu xanh mới mang tên Aquamarine Green (Xanh biển sâu) thay vì màu xanh băng (Glacial Green) của 8 và 8 Pro, toàn bộ mặt lưng có màu sáng và nổi bật hơn. Mặt lưng của máy cũng đã được hoàn thiện theo dạng kính bóng thay vì là kính mờ như trước, mặc dù vẫn là Gorilla Glass 5.

Đánh giá OnePlus 8T: Hiệu năng trên giá bán vượt trội, nhưng lại gặp cảnh Gà nhà đá nhau? - Ảnh 4.
Đánh giá OnePlus 8T: Hiệu năng trên giá bán vượt trội, nhưng lại gặp cảnh Gà nhà đá nhau? - Ảnh 5.

Mỗi người, mỗi mắt thẩm mỹ sẽ cho rằng màu sắc mới là đẹp hay xấu. Tôi là người thích tông màu trầm và cũng thích cả mặt lưng kính nhám hơn là kính bóng, nên cho rằng đây là một bước ‘cải lùi’ so với OnePlus 8 / 8 Pro. Việc làm màu trầm kèm kính nhám cũng trở thành ‘trend’ của những sản phẩm cao cấp hiện nay, nên việc OnePlus 8T đi ngược lại xu hướng cũng là 1 điểm khá lạ.

Đánh giá OnePlus 8T: Hiệu năng trên giá bán vượt trội, nhưng lại gặp cảnh Gà nhà đá nhau? - Ảnh 6.

Thay vì sử dụng màn hình cong như OnePlus 8 và 8 Pro, 8T đã chuyển về màn hình phẳng truyền thống. Ta có màn hình 6.55 inch AMOLED độ phân giải FullHD+ (1080 x 2400) dạng phẳng, với tần số làm tươi 120Hz – tức bằng với OnePlus 8 Pro và cao hơn 90Hz của OnePlus 8.

Mất đi những cạnh viền đường vát cong nên mặt trước OnePlus 8T nhìn không còn bắt mắt nữa, nhưng lại là sự nâng cấp trong quá trình sử dụng. Màn hình phẳng sẽ không làm bẻ cong nội dung ta đang xem, không tạo ra những điểm lóa khi ra ánh sáng mạnh và cũng không tạo ra những lần nhấn vô tình.

Đánh giá OnePlus 8T: Hiệu năng trên giá bán vượt trội, nhưng lại gặp cảnh Gà nhà đá nhau? - Ảnh 7.

Đây cũng là một màn hình với chất lượng hình ảnh rất cao, OnePlus quảng cáo rằng nó là màn hình smartphone phẳng tốt nhất trên thị trường và họ đã không nói dối. Những yếu tố như màu sắc, độ đậm, độ sáng đều được đảm bảo, kèm theo tần số làm tươi cao 120Hz khiến mọi thứ luôn ‘mượt’. 2 điểm mà OnePlus 8T vẫn để thua ‘đàn anh’ 8 Pro đó là về độ lớn và độ phân giải, khi 8 Pro sở hữu màn hình 6.78 inch WQHD+.

Khá là giống với hệ thống chụp hình, sự khác biệt về màn hình sử dụng trên thực tế không lớn như trên bảng thông số. Ta vẫn thấy được đôi chút ‘nhỉnh’ hơn về độ nét trên màn hình OnePlus 8 Pro ở những yếu tố nhỏ như chữ viết chẳng hạn, song một khi bạn nhìn đủ sát để thấy được sự khác biệt này thì bạn đang sử dụng smartphone sai cách rồi!

Đánh giá OnePlus 8T: Hiệu năng trên giá bán vượt trội, nhưng lại gặp cảnh Gà nhà đá nhau? - Ảnh 8.
Dock và dây sạc Warp Charge công suất 65W của OnePlus 8T

Thứ mà OnePlus 8T lại vượt mặt 8 Pro nằm ở khả năng sạc nhanh, lên tới 65W thay vì 35W như trước đây. Thực chất công nghệ sạc nhanh 65W cũng không phải là mới nữa, nó đã được áp dụng ở một vài sản phẩm của OPPO như Find X2/X2 Pro và Reno4 Pro trước khi được hãng này chia sẻ cho ‘hãng chị em’ OnePlus để sử dụng ở 8T. Nhưng dù có được trải nghiệm đến mấy lần đi chăng nữa tôi vẫn cảm thấy ấn tượng với công nghệ sạc này.

Với 2 viên pin có tổng dung lượng 4500mAh để chia sẻ nguồn điện cùng ‘cả tá’ những công nghệ bạn đọc có thể tìm hiểu thêm ở bài viết này, OnePlus 8T có thể sạc được tới 67% trong chỉ 20 phút trong một lần tôi để máy cạn pin, và khoảng 37 – 38 phút để sạc đầy. Như thường lệ, tốc độ này chỉ có thể đạt được bằng cách sử dụng đúng dock và dây sạc Warp Charge mà hãng cung cấp trong hộp, cả 2 đều rất ‘to nạc’!

Đánh giá OnePlus 8T: Hiệu năng trên giá bán vượt trội, nhưng lại gặp cảnh Gà nhà đá nhau? - Ảnh 9.
Dock sạc Warp Charge của OnePlus 8T có cả chuẩn PD 45W dùng được cho laptop, smartphone khác (nguồn: Tinh tế)

Điểm thú vị của dock sạc của OnePlus 8T: nó không chỉ có khả năng sạc 65W cho smartphone của hàng, mà còn tích hợp cả chuẩn sạc Power Delivery (PD) cho các sản phẩm của các hãng khác nữa! Một số reviewer nước ngoài và cả tại diễn đàn Tinh Tế đã thử nghiệm, dock và dây sạc Warp Charge cấp nguồn tới 45W cho Macbook. Nguồn vào của Macbook là từ 61W đến 91W nên tốc độ sẽ chậm hơn khá nhiều, song có lẽ cách làm này chỉ dùng cho những lúc cần kíp mà thôi.

Những điểm ‘cầu được ước thấy’ với OxygenOS 11

Trong bài viết đánh giá chiếc OnePlus 8 Pro, 1 trong những lý do rất lớn khiến tôi thích chiếc smartphone này nói riêng và cả hãng OnePlus nói chung là OxygenOS. Đây là một bộ giao diện Android rất ‘sạch’, gần với Android gốc của Google, loại bỏ đi những yếu tố hoạt họa thừa thãi để hướng tới 1 thứ duy nhất: tốc độ. OxygenOS không có nhiều màu sắc như những bộ giao diện Android của những hãng khác, hay chuyển cảnh đẹp, ‘mượt’ như iOS nhưng luôn luôn cho người dùng cảm giác nhanh đến gấp gáp, nhấn cái gì là cái đó phản hồi ngay.

Đánh giá OnePlus 8T: Hiệu năng trên giá bán vượt trội, nhưng lại gặp cảnh Gà nhà đá nhau? - Ảnh 10.
Giao diện OxygenOS 11 trên OnePlus 8T có những sự thay đổi để thuận tiện cho việc thao tác 1 tay

OnePlus 8T là chiếc smartphone đầu tiên trên thị trường được trang bị OxygenOS 11, phiên bản mới nhất của OxygenOS, và ta tìm thấy một số điểm thay đổi mà theo cá nhân tôi là mang tính tích cực. Đầu tiên, thứ mà tôi mong OnePlus sẽ làm là đưa những yếu tố có thể bấm được xuống phía dưới màn hình giống như cách mà Samsung đã làm với OneUI, và đó chính là điều hãng đã làm ở OxygenOS 11.

Từ ứng dụng xem ảnh, Settings đến máy tính ta đều thấy được sự thay đổi này. Ta thấy 1 tiêu đề (header) rất lớn ở phía trên màn hình, sau đó cách ra 1 khoảng nhỏ rồi mới tới những yếu tố tương tác với người dùng. Cách sắp xếp này giúp cho ngón cái của tôi có thể điều khiển được tất cả mọi thứ, tức việc sử dụng 1 tay trở nên dễ dàng hơn rất nhiều.

Có 1 yếu tố chưa được cập nhật là thanh công cụ khi mà các nút bấm vẫn được sắp xếp ở ‘tít tắp’ phía trên màn hình. Đây có lẽ là yếu tố cần được cập nhật trước những yếu tố khác, vì là thứ ta cần thao tác nhanh và bằng một tay nhiều nhất. Mong rằng trong những bản cập nhật tiếp theo hãng sẽ làm điều này.

Đánh giá OnePlus 8T: Hiệu năng trên giá bán vượt trội, nhưng lại gặp cảnh Gà nhà đá nhau? - Ảnh 11.

Một tính năng khác cũng rất hữu dụng cho việc sử dụng 1 tay đó là gán các chức năng vào nút bấm điều hướng. Ta có thể chỉnh thao tác bấm giữ, bấm 2 lần của cả 3 nút điều hướng để làm những điều khác nhau như bật tính năng chia màn hình, mở trợ lý ảo, mở thanh thông báo, tắt màn hình… tổng cộng 3 nút bấm này có thể làm được 9 thao tác.

Đánh giá OnePlus 8T: Hiệu năng trên giá bán vượt trội, nhưng lại gặp cảnh Gà nhà đá nhau? - Ảnh 12.
Chế độ Zen Mode, biến chiếc OnePlus 8T thành…cục gạch trong 1 thời gian nhất định

OxygenOS 11 cũng khẳng định lại một điều: OnePlus thiết kế smartphone dành cho những người… không thích dùng smartphone. Nói một cách dễ hiểu hơn, hãng muốn hướng người dùng tới việc sử dụng smartphone để phục vụ bản thân những lúc thực sự cần, chứ không phải ngồi hàng giờ làm những thứ linh tinh, mất thời gian mà ta có thể làm việc khác hữu ích hơn.

Ta thấy được điều này ở chế độ Zen Mode, khiến OnePlus gần như biến thành ‘cục gạch’, bạn không thể sử dụng các ứng dụng, không thể mở máy lướt Facebook, Instagram trong 1 thời gian chỉ định. Người dùng sẽ chỉ có thể nhận được cuộc gọi tới, tạo cuộc gọi khẩn cấp (chỉ dành cho những số khẩn cấp, giống như ở màn hình khóa) và chụp hình. Thời gian ‘thư giãn’ không smartphone mà ta có thể đặt lên tới 2 tiếng, khá là lâu!

Đánh giá OnePlus 8T: Hiệu năng trên giá bán vượt trội, nhưng lại gặp cảnh Gà nhà đá nhau? - Ảnh 13.
Những vạch đen là thời gian bạn ‘nhìn chằm chằm’ vào OnePlus 8T trong 1 ngày

Hay tính năng Insight trong mục trong mục màn hình luôn hiện của máy (một thứ tôi sử dụng rất nhiều nhưng không có ở những bản OxygenOS trước) cũng để thực hiện nhiệm vụ tương tự. Tính năng Insight hiện lên một thanh dọc màu xanh (ban đêm) và cam (bàn ngày) biểu hiện 24 tiếng trong một ngày, mỗi lần bạn mở máy lên sử dụng sẽ tạo nên 1 vệt đen. Sử dụng máy càng nhiều, vệt đen này càng dài, và đến cuối ngày nhìn lại bạn sẽ biết được mình đã dành bao nhiêu phần cho việc ‘nhìn chằm chằm’ vào smartphone.

Đối thủ lớn nhất của OnePlus lại chính là OnePlus

OnePlus 8T được phân phối độc quyền tại Việt Nam bởi Thế giới di động với giá 18.990.000 vnđ, vậy trong tầm giá chiếc smartphone này gặp phải những đối thủ nào? Sử dụng luôn công cụ tìm sản phẩm theo giá của cửa hàng này, ta có những sản phẩm bao gồm Samsung Galaxy S20, Vivo X50 Pro, iPhone 11 64GB và iPhone 12 Mini 64 (sắp về hàng).

Đánh giá OnePlus 8T: Hiệu năng trên giá bán vượt trội, nhưng lại gặp cảnh Gà nhà đá nhau? - Ảnh 14.

Đối với những người dùng Apple, chắc chắn họ sẽ tiếp tục chọn iPhone mặc dù đặt lên bảng so sánh như thế này không một cấu hình nào của 2 chiếc iPhone có thể so sánh được với OnePlus. Đối với 2 đối thủ còn lại từ Thế giới Android, OnePlus 8T cũng tỏ ra rất ‘lấn lướt’ với vi xử lý mạnh mẽ nhất, hệ thống pin dung lượng cao, sạc nhanh và tích hợp 5G. Bộ đôi S20 và X50 Pro sẽ mạnh hơn 8T ở hệ thống camera, đặc biệt là X50 Pro có thêm khả năng quay phim chống rung gimbal – điểm làm cho chiếc smartphone này có giá bán khá cao mặc dù chỉ sử dụng vi xử lý Snapdragon 765G tầm trung.

Đánh giá OnePlus 8T: Hiệu năng trên giá bán vượt trội, nhưng lại gặp cảnh Gà nhà đá nhau? - Ảnh 15.
Lượng đặt trước khá thấp của OnePlus 8T tại Thegioididong

Có thể thấy, OnePlus 8T là lựa chọn với cấu hình mạnh mẽ nhất trong tầm giá, còn chưa kể đến việc nó sở hữu OxygenOS 11, một bộ giao diện theo tôi sẽ lấy được thiện cảm của nhiều người nếu có cơ hội trải nghiệm nó. Nhưng một điểm lạ, đó là chiếc smartphone này lại không nhận được sự đón nhận nồng nhiệt tại Việt Nam. Chương trình đặt trước chiếc smartphone này tổ chức từ ngày 14 – 23/10, và đến đêm khuya ngày 22/10 chỉ có khoảng 83 khách đặt, và 24 người bỏ tiền ra cọc để chắc chắn nhận máy. Nguyên nhân từ đâu?

Đánh giá OnePlus 8T: Hiệu năng trên giá bán vượt trội, nhưng lại gặp cảnh Gà nhà đá nhau? - Ảnh 16.
Sau chương trình đặt trước, OnePlus 8T cũng đã được giảm giá xuống 17.5 triệu Đồng nhưng không còn có quà

Lý giải cho điều này có lẽ là tâm lý mua hàng của những người dùng smartphone Việt hiện nay. Nếu như bạn là một người có ‘hầu bao’ không rộng, không dám chi mạnh tay cho smartphone cao cấp thì chắc chắn sẽ hướng tới những lựa chọn dưới 10 triệu Đồng, hoặc nếu ‘cố thêm một chút’ thì sẽ tìm tới chiếc OnePlus Nord (khoảng 12.5 triệu Đồng).

Ngược lại, nếu như như bạn đã ‘chịu chơi’ và sẵn sàng bỏ 1 số tiền lớn thì chắc chắn sẽ muốn sở hữu OnePlus 8 Pro, với hệ thống camera mạnh mẽ và màn hình chất lượng cao hơn. OnePlus 8T như đã đề cập không phải là không có những điểm mạnh so với OnePlus 8 Pro đặc biệt là khả năng sạc siêu nhanh 65W, nhưng đại đa số chúng ta vẫn đặt nặng vấn đề cấu hình của máy hơn là tốc độ sạc nên OnePlus 8 Pro vẫn là lựa chọn cao cấp, ‘đáng để đầu tư’ theo suy nghĩ của người dùng hơn.

Đánh giá OnePlus 8T: Hiệu năng trên giá bán vượt trội, nhưng lại gặp cảnh Gà nhà đá nhau? - Ảnh 17.

OnePlus 8T, khá giống với OnePlus 8 Pro tôi được trải nghiệm lần trước, là một sản phẩm thuộc phân khúc cao cấp dễ dùng, dễ thích, dễ khuyến nghị. Nhưng muốn thành công, nó sẽ phải vượt cái bóng khá lớn của người đàn anh của chính mình mà thôi.

Theo: Pháp luật & Bạn đọc

Nguồn: genk.vn

Tin liên quan

Scroll Top