Đánh giá tai nghe EarFun Air Pro 2: Khi “Chi-fi” thử sức với True Wireless

09:30 Sáng - 11/09/2021
0 Bình luận
456
bởi Thiên Quang

Một cặp tai nghe trong tầm giá 100 USD nhưng có cả chống nước, chống ồn ANC, sạc không dây? Chỉ có thể xuất sứ từ đất nước “công xưởng Thế giới” mà thôi!

Trong Thế giới âm thanh, muốn sở hữu những sản phẩm có tên tuổi thì tìm tới các hãng châu Âu, Mỹ hoặc Nhật Bản, còn muốn có các món đồ với hiệu năng trên giá tiền vượt trội thì phải đến với Trung Quốc. Những sản phẩm âm thanh của Trung Quốc được đánh giá cao đến mức có một biệt hiệu riêng là “Chi-fi”, là sự kết hợp giữa “China” và “Hi-fi”. Khoảng một năm trước tôi cũng đã từng trải nghiệm Blon BL-03, thời điểm đó là một cặp tai nghe có dây “hiện tượng giá rẻ”.

Thị trường dần chuyển sang True Wireless, từ đó các hãng từ “công xưởng của Thế giới” cũng bắt đầu sản xuất loại tai nghe này. EarFun Air Pro 2 là một trong những đại diện của thế hệ tai nghe rrue Wireless “Chi-fi” hứa hẹn rất nhiều điều trong tầm giá 100 USD, ngay từ khi ra mắt đã gây được sự chú ý của người dùng cũng như những chuyên trang công nghệ.

Đánh giá tai nghe EarFun Air Pro 2: Khi Chi-fi thử sức với True Wireless - Ảnh 1.

Hộp của EarFun Air Pro 2

Như cái tên gợi ý thì đây không phải là thế hệ đầu tiên của dòng tai nghe này. Cặp EarFun Air Pro thế hệ đầu tiên cũng đã xuất hiện ở Việt Nam được một thời gian và cũng đem về được một vài thành công nhất định. Thế hệ thứ 2 không phải là một cặp tai nghe hoàn toàn mới, nhưng cũng có một vài điểm nâng cấp để trở nên hoàn thiện hơn mặc dù với giá bán được giữ nguyên.

Đánh giá tai nghe EarFun Air Pro 2: Khi Chi-fi thử sức với True Wireless - Ảnh 2.

Cách đóng hộp của Air Pro 2 không cầu kỳ nhưng ít nhất là không có những lỗi chính tả khá ngớ ngẩn như cặp Blon BL-03.

Đánh giá tai nghe EarFun Air Pro 2: Khi Chi-fi thử sức với True Wireless - Ảnh 3.

Tai nghe được tặng kèm một sợi dây sạc USB Type-C ngắn, giấy hướng dẫn và 5 bộ đệm cao su – nhiều hơn một chút so với con số 3 cặp thường thấy.

Đánh giá tai nghe EarFun Air Pro 2: Khi Chi-fi thử sức với True Wireless - Ảnh 4.

Hộp sạc của cặp tai nghe này nhìn chung cũng có thiết kế khá đơn giản mà thôi, tròn trịa và mở theo nắp theo chiều ngang. Những cặp tai nghe True Wireless từ Trung Quốc thường đánh đổi sự nhỏ gọn của hộp để có được thời lượng sử dụng lâu dài hơn, và Air Pro 2 cũng không phải là ngoại lệ khi đem tới thời lượng dùng tổng cộng khoảng 34 tiếng. Bên cạnh đó, hộp cũng được trang bị cả sạc không dây chuẩn Qi nữa, khá đầy đủ!

Đánh giá tai nghe EarFun Air Pro 2: Khi Chi-fi thử sức với True Wireless - Ảnh 5.

Phải nói rằng tôi không thực sự ấn tượng về cách thiết kế của cặp tai nghe này cho lắm. Ta có một cặp tai nghe có “đuôi” giống với Apple AirPods Pro, được làm hoàn toàn bằng nhựa màu đen bóng. Thế hệ đầu tiên của cặp tai nghe này có một thiết kế góc cạnh, khác biệt hơn, không rõ vì lý do gì mà EarFun lại trở lại với một thiết kế có phần thiếu điểm nhấn như thế này.

Đánh giá tai nghe EarFun Air Pro 2: Khi Chi-fi thử sức với True Wireless - Ảnh 6.

EarFun Air Pro thế hệ đầu tiên đầu tiên với thiết kế khác biệt hơn

Mặt ngoài của tai nghe là những mặt cảm ứng, có khả năng điều khiển tất cả những thao tác mà ta cần. Nhấn 1 lần ở tai nghe, phải để tăng giảm âm lượng, nhấn 2 lần để nhận cuộc gọi hoặc dừng nhạc, nhấn 3 lần để chuyển bài hát và nhấn sau đó giữ để gọi trợ lý ảo và bật tính năng chống ồn chủ động ANC.

Như bạn cũng có thể thấy, vì điều khiển được nhiều tính năng nên thao tác cảm ứng của Air Pro 2 cũng khá là phức tạp, cần phải tốn 1 thời gian để làm quen. Nếu như hãng có thể chuyển thao tác chỉnh âm lượng bằng cách vuốt vào phần đuôi của tai nghe giống như những cặp AirPods thì sẽ trực quan hơn khá nhiều!

Đánh giá tai nghe EarFun Air Pro 2: Khi Chi-fi thử sức với True Wireless - Ảnh 7.

Đến đây ta cũng phải nhắc đến một yếu điểm của Air Pro 2 và cũng của kha khá những cặp tai nghe TWS khác đến từ Trung Quốc: phần mềm hỗ trợ. Nếu như những hãng như Apple, Samsung, Huawei… đều là ông lớn và có kinh nghiệm trong phần mềm, thì các hãng đến từ nhỏ đến từ Trung Quốc lại chỉ có thế mạnh về phần cứng.

EarFun đến nay vẫn chưa có phần mềm điều khiển tai nghe trên smartphone, nên ta cũng không thể điều chỉnh những thao tác cảm ứng theo đúng ý mình. Các tính năng kèm theo như tìm tai nghe, chỉnh EQ, nâng cấp phần mềm,… là không có hoặc cần phải thực hiện bằng các phần mềm thứ 3 khác. Cũng tùy vào cách sử dụng của mỗi người mà đây là một yếu điểm lớn hay nhỏ.

Đánh giá tai nghe EarFun Air Pro 2: Khi Chi-fi thử sức với True Wireless - Ảnh 8.

Đổi ngược lại, những tính năng được tích hợp sẵn trên tai nghe của Air Pro 2 lại khá ấn tượng. Tai nghe có cảm biến tiệm cận ở bên trong nhằm ngắt nhạc mỗi khi ta lấy nó ra khỏi tai; có chuẩn chống nước IPX5 – chưa đủ để đem xuống bể bơi, nhưng cũng đã có thể kháng mưa, mồ hồi.

Đánh giá tai nghe EarFun Air Pro 2: Khi Chi-fi thử sức với True Wireless - Ảnh 9.

Đáng nói nhất chắc chắn là khả năng chống ồn chủ động ANC, mà hãng gọi là QuietSmart. Đây là một tính năng mà trước đây chỉ tìm thấy ở các sản phẩm của những hãng lớn, nhưng đến nay đã phổ biến hơn rất nhiều rồi, đến cả một cặp tai nghe giá 100 USD từ Trung Quốc cũng đã sở hữu.

Đánh giá tai nghe EarFun Air Pro 2: Khi Chi-fi thử sức với True Wireless - Ảnh 10.

Trong thời gian sử dụng cặp tai nghe này, tôi cũng dùng song song với cặp Galaxy Buds 2 từ Samsung. Phải nói là khá bất ngờ khi Air Pro 2 lại cho cường độ chống ồn chủ động cao hơn so với cặp Buds 2, chặn rất hiệu quả tiếng còi xe và cả người nói nữa. Vì thiết kế có “đuôi” nên khả năng chống tiếng gió của Air Pro 2 lại kém hơn so với Buds 2 vì cặp tai nghe này nằm rất gọn bên trong tai người nghe.

Đánh giá tai nghe EarFun Air Pro 2: Khi Chi-fi thử sức với True Wireless - Ảnh 11.

Ngược lại, ta sẽ phải đánh đổi một chút về độ thoải mái. Vì có cường độ chống ồn cao nên Air Pro 2 sẽ tạo áp lực lên tai người nghe trong những lúc chưa mở nhạc, với những ai chưa quen với công nghệ này thì sẽ có thể bị ngộp 1 chút. Đây lại là thế mạnh của cặp Galaxy Buds 2, dù có bật chống ồn đi chăng nữa thì vẫn luôn tạo cảm giác thoáng khí, dễ chịu.

Đánh giá tai nghe EarFun Air Pro 2: Khi Chi-fi thử sức với True Wireless - Ảnh 12.

Đảm nhiệm việc tái tạo âm thanh của Air Pro 2 là một cặp màng loa Dynamic 10mm được phủ Titan, một vật liệu có độ cứng cao để giúp màng di chuyển chính xác hơn. Dù có dùng công nghệ gì đi chăng nữa thì Air Pro 2 vẫn được tinh chỉnh theo hướng âm mà EarFun hay khá nhiều các hãng khác vẫn đang theo đuổi: V-shape.

Kiểu âm này giúp cho mọi bài nhạc trở nên sôi động và có nhiều năng lượng hơn; sự khác biệt giữa những tai nghe nằm ở việc chúng có giữ được sự tự nhiên ở phần trung (giọng ca sĩ) để thể hiện được tốt những bài nhạc mà phần lời hát quan trọng hơn những dải âm khác hay không.

Đánh giá tai nghe EarFun Air Pro 2: Khi Chi-fi thử sức với True Wireless - Ảnh 13.

Air Pro 2 thực hiện được điều này ở mức “khá”, khi mà giọng ca sĩ được làm sáng ở phần trung cao (high-mid) để tăng tính rõ ràng, xuyên được qua phần trầm khá là dày. Nhưng vẫn giống những cặp tai nghe có kiểu âm V-shape khác, EarFun Air Pro 2 sẽ không phải là sản phẩm tốt nhất để chơi nhạc Vocal, Jazz… cách thể hiện giọng ca sĩ của cặp tai nghe này vẫn phù hợp với nhạc Pop hơn.

Đánh giá tai nghe EarFun Air Pro 2: Khi Chi-fi thử sức với True Wireless - Ảnh 14.

Với những fan của nhạc điện tử và muốn có một kiểu âm dày, thiên tối và nhiều âm trầm thì đây sẽ là cặp True Wireless dành cho bạn. Những bài nhạc như Unity hay Monody của TheFatRat khá là hợp với chất âm của cặp tai nghe này, với âm trầm dư lượng, chơi mạnh mẽ và có thêm phần âm cao sáng.

Tính năng vượt giá tiền, nhưng còn thiếu 1 chút hoàn thiện cuối cùng

Không khác gì những sản phẩm “Chi-fi” khác, EarFun Air Pro 2 đem tới người dùng lượng tính năng vượt trội so với những sản phẩm từ các nhà sản xuất nổi tiếng hơn. Ta có thể kể tới thời lượng sử dụng tốt, chống nước IPX5, sạc không dây, tự ngắt nhạc, âm trầm đậm đà khỏe khoắn và cả chống ồn chủ động ANC nữa.

Đánh giá tai nghe EarFun Air Pro 2: Khi Chi-fi thử sức với True Wireless - Ảnh 15.

Ngược lại, đây vẫn không thể coi là một cặp tai nghe hoàn hảo được. Qua trải nghiệm thực tế, ta vẫn có thể tìm thấy một vài điểm yếu như thiết kế còn chưa đẹp mắt, không có nhiều màu sắc để lựa chọn, không có phần mềm điều khiển hay tùy vào gu nhạc từng người thì chất âm còn hơi tối.

Nhìn một cách tổng thể, những yếu điểm này là khá nhỏ so với những gì mà cặp tai nghe này có thể làm được, có khả năng đem tới một trải nghiệm sử dụng đầy đủ như các sản phẩm True Wireless đắt tiền hơn.

Theo: Pháp luật & Bạn đọc

Nguồn: genk.vn

Tin liên quan

Scroll Top