Để không ‘sốc’ khi trả hóa đơn tiền điện

09:06 Chiều - 27/05/2019
0 Bình luận
578
bởi Nam Nguyễn

Nhu cầu sử dụng thiết bị điện tăng cao do nắng nóng và giá điện tăng khiến nhiều hộ gia đình sửng sốt khi nhận hóa đơn tiền điện. Có những ‘mẹo’ nào để tiết kiệm khoản tiền này?

Ngắt nguồn khi không dùng điều hòa, tivi

Theo tính toán của Bộ Công Thương, sau khi giá điện tăng, mỗi hộ phải trả thêm mức 7.000 – 77.200 đồng/tháng so với trước nếu vẫn cùng tiêu thụ số điện như cũ. Tuy nhiên, trên thực tế, vào những ngày nắng nóng, nhu cầu sử dụng điện của các gia đình đều tăng mạnh khiến số tiền thực tế phải trả cao hơn rất nhiều.

Không nên để điều hòa nhiệt độ dưới 27 độ C để tiết kiệm điện.
Không nên để điều hòa nhiệt độ dưới 27 độ C để tiết kiệm điện.

Ví dụ, một gia đình bình thường dùng khoảng 300 số điện (kWh), tương đương khoảng 690.000 đồng theo cách tính giá mới. Khi trời nắng nóng, lượng điện tiêu thụ có thể lên đến 500 kWh, tương đương khoảng 1,32 triệu đồng, tức là gần gấp đôi so với mức thông thường, trong đó phần nhiều tiền điện là do chạy điều hòa, nhất là tại khu vực thành phố.

Do đó, người tiêu dùng cần biết một số “mẹo” khi sử dụng điều hòa để tiết kiệm điện năng tiêu thụ. Theo tính toán, khi nhiệt độ ngoài trời tăng 1 độ C, điện năng tiêu thụ của điều hòa sẽ tăng thêm từ 1,5 đến 3% tùy vào loại máy. Nếu nhiệt độ điều hòa hạ thấp xuống 25 độ C từ mức 26 độ C, điện năng tiêu thụ cũng lớn hơn 1,5 đến 2,5%.

Để tiết kiệm điện, người dân cần để mức nhiệt độ tốt nhất là từ 26 đến 28 độ C. Nhiệt độ điều hòa chênh lệch với nhiệt độ ngoài trời từ 10 đến 12 độ C là hợp lý về tiêu thụ điện. Việc để nhiệt độ thấp không khiến điều hòa làm lạnh nhanh hơn mà chỉ khiến tốn điện, hại máy và không đảm bảo sức khỏe.

Trong trường hợp chưa đủ mát, người dùng có thể bật thêm quạt gió kết hợp, sẽ giúp tiết kiệm điện khoảng 2 đến 3% điện năng so với việc bật điều hòa ở mức nhiệt thấp hơn.

Điều hòa bị bẩn hoặc sử dụng quá lâu cũng gây lãng phí điện năng. Các lưới lọc gió và hốc đẩy gió lạnh thường bị bẩn, thậm chí rêu mốc khiến máy lạnh hoạt động kém hiệu quả, tốn điện và gây hại cho sức khỏe. Việc vệ sinh giàn lạnh khá đơn giản, có thể tự thực hiện và nên làm sau khoảng 3 đến 5 tháng.

>> Xem thêm: 5 mẹo giúp hóa đơn điện không tăng vọt khi dùng điều hòa

Thông thường, điều hòa có hạn dùng từ 7 đến 15 năm tùy nhà sản xuất. Nếu vào mùa nóng dùng điều hòa từ 5 đến 10 tiếng mỗi ngày, vệ sinh đúng cách, hạn dùng có thể lên đến 15 năm.

Người dân cũng cần lưu ý, các thiết bị điện tử như quạt, điều hòa, tivi…, khi tắt máy thì bảng điều khiển và một số linh kiện vẫn phải hoạt động ở chế độ chờ và gây tiêu tốn năng lượng. Với điều hòa, nếu không ngắt hẳn nguồn điện cấp, lượng điện tiêu thụ vào khoảng 8 đến 20 Watt mỗi giờ, tương đương một bóng đèn LED nhỏ. Con số này không hề nhỏ nếu gia đình bạn sử dụng nhiều điều hòa hay các thiết bị điện khác.

Người dân cũng nên kéo rèm cửa để hạn chế ánh nắng chiếu thẳng vào phòng. Điều này cũng giúp điều hòa không phải hoạt động hết công suất để làm mát căn phòng.

Thay thế đèn chiếu sáng bằng các thiết bị đèn LED tiết kiệm điện cũng là một giải pháp hữu ích.

Lắp điện mặt trời nếu đủ khả năng

Ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết: Thực tế vừa qua, rất nhiều hộ dân, đặc biệt tại khu vực TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Nam Bộ không phải chi trả nhiều tiền cho hóa đơn điện. Thậm chí, hóa đơn của nhiều hộ trong tháng 4 còn giảm. Lý do là bởi các hộ dân này đã lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái.

“Tôi cho rằng, hiện nay là thời điểm thuận lợi để người dân tham gia lắp đặt điện mặt trời áp mái, nhất là ở khu vực nhiều nắng như tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Trung, miền Nam. Việc lắp đặt điện mặt trời áp mái hiện nay rất dễ dàng, bởi thị trường có nhiều nhà cung cấp công nghệ chuyên nghiệp. Còn từ phía EVN, chúng tôi cũng hỗ trợ khách hàng lắp đặt công tơ 2 chiều miễn phí”, ông Tri cho hay.

Có nhiều lợi ích khi người dân lắp đặt điện mặt trời áp mái. Đầu tiên là điện sản xuất từ hệ thống này sẽ cung cấp ngay cho chính hộ đó sử dụng. Nhờ vậy, hộ gia đình không cần phải mua điện của EVN ở những bậc thang giá cao (vì lượng điện cần mua từ EVN giảm xuống), qua đó giúp hóa đơn tiền điện giảm rõ rệt. Những hộ sử dụng càng nhiều điện năng thì việc sử dụng hệ thống điện mặt trời càng hiệu quả.

Bên cạnh đó, việc lắp đặt điện mặt trời áp mái còn làm mát mái nhà, qua đó giúp điều hòa vận hành trong nhà bớt tiêu tốn điện hơn.

Trước đây, một nguyên nhân khiến người dân còn e dè với điện mặt trời áp mái, bên cạnh giá thành cao, là ngành điện chưa thể ký hợp đồng mua bán điện mặt trời với khách hàng do chưa có hướng dẫn chính thức về cách thức thanh quyết toán cho khách hàng. Hiện nay, tại TP Hồ Chí Minh, người dân sắp được EVN trả tiền mua điện mặt trời.

EVN đang báo cáo Chính phủ chương trình khuyến khích người dân lắp đặt điện mặt trời áp mái. Đồng thời, EVN cũng đang làm việc với các tổ chức như World Bank, ADB… để tìm kiếm cơ chế tài chính hỗ trợ người dân. Đây là giải pháp quan trọng để phát triển nguồn năng lượng tái tạo, tăng nguồn cung điện, góp phần giảm phát thải, đồng thời thiết thực giúp người dân giảm chi phí tiền điện hàng tháng.

    Theo: Hoàng Dương

    Nguồn: Báo Tin Tức

    Tin liên quan

    Scroll Top