Ra mắt ngày 22/10, Mate40 Pro nắm giữ một vai trò đây sẽ là dòng smartphone cuối cùng được phép sử dụng chip Kirin do Huawei tự thiết kế. Sau Mate40 Pro, số phận của Huawei vẫn còn là vô định: nhà sản xuất Trung Quốc này hiện tại mới chỉ được cấp phép mua chip từ AMD và Intel, vốn là hai công ty đã lâu không sản xuất chip AMD hay chip di động.
Nhưng dù có thể sẽ là “lời tạm biệt” của Huawei, Mate40 Pro vẫn giữ được một vị thế đặc biệt: vua của bảng xếp hạng chất lượng ảnh chụp DxOMark. Trong 3 năm qua, các mẫu đầu bảng dòng Mate và P của Huawei cứ ra mắt là lại vươn lên ngôi đầu của bảng xếp hạng này. Dường như, điểm số đầy tranh cãi này đã trở thành vũ khí hữu hiệu nhất của Huawei trong mặt trận truyền thông: tại lễ ra mắt sản phẩm mới, Huawei chỉ cần công bố DxOMark thay cho lời tuyên bố tới công chúng rằng “điện thoại của chúng tôi có chất lượng ảnh vượt mặt tất cả những hãng khác”.
Cứ như vậy, Huawei và DxOMark trở thành một cặp bài trùng quen thuộc trong mỗi mùa đầu bảng, đầu năm và cuối năm. Đôi khi, một hãng điện thoại nào khác có thể vươn lên đứng ngang hoặc thậm chí là vượt mặt Huawei, nhưng những chiếc Mate và P mới khi ra mắt chắc chắn sẽ chiếm lại vị trí dẫn đầu. Kịch bản này vẫn lặp lại trong năm nay: P40 Pro ra mắt vào tháng 3 được 128 điểm, ngay lập tức vươn lên ngôi đầu trong bảng xếp hạng của DxOMark. Tháng 8, Huawei bị Xiaomi qua mặt khi Mi 10 Ultra đạt điểm số 130, nhưng chỉ vỏn vẹn 2 tháng sau, Mate 40 Pro đã phục thù với điểm số 136.
Nhưng chắc chắn, mọi thứ sẽ phải thay đổi với thế hệ Huawei đầu bảng tiếp theo. Trong nhiều năm, chất lượng ảnh chụp nói chung và điểm DxO nói riêng của Huawei có một phần lớn do con chip Kirin quyết định, cụ thể hơn là trong khâu xử lý tín hiệu (ISP) và các thuật toán tối ưu AI. Với việc Huawei đã mất khả năng dùng chip tự thiết kế và thậm chí hiện tại còn chưa biết sẽ được dùng chip nào cho smartphone trong tương lai, khâu xử lý cuối cùng cho các bức ảnh số sẽ buộc phải thay đổi.
Đối diện với tương lai vô định, Huawei đã thực hiện một bước đi chưa từng có tiền lệ: “ngó lơ” DxOMark trong buổi lễ ra mắt Mate40 và Mate40 Pro. Đúng vậy, một kẻ “nghiện” những con số, “nghiện” so sánh mình với Apple và Samsung, đã bỏ qua con số từng được coi là minh chứng cho chất lượng ảnh chụp.
Trước Huawei, các ông lớn khác đều đã tỏ ra lạnh nhạt với DxOMark từ khá lâu. Từng là thương hiệu góp phần giúp DxO nổi tiếng toàn cầu khi dùng điểm số này để “khoe” chiếc Pixel đầu tiên, Google trong 3 năm qua đã không còn mảy may giới thiệu điểm số của các thế hệ Pixel mới nữa. Apple cũng chỉ “khoe” DxO một lần duy nhất vào năm 2017, Samsung dù từng coi DxO là niềm tự hào đến nay cũng đã “ngó lơ”. Thậm chí, điểm DxO của chiếc Galaxy Note20 Ultra thậm chí còn thấp hơn S20 Ultra.
Điều gì đã tạo ra nghịch lý này? Câu trả lời là bởi, DxOMark vừa chấm điểm, vừa cung cấp dịch vụ tư vấn để giúp các nhà sản xuất… nâng điểm. Việc Samsung không mấy đoái hoài tới điểm số DxOMark là dấu hiệu cho thấy Samsung có lẽ đã không còn thuê dịch vụ tư vấn từ DxOMark nữa.
Nói cách khác, Samsung không còn quan tâm đến khái niệm “ảnh đẹp” do một công ty đứng ra định đoạt cho cả thị trường. Những thay đổi từ S20 Ultra lên Note20 Ultra chắc chắn sẽ là “tốt hơn” trong con mắt của Samsung – đơn giản là Note mới hơn, và giá bán của Note cao hơn S. Đáng tiếc rằng, khái niệm “tốt hơn” của Samsung không còn là khái niệm của DxO đặt ra nữa.
Đây có lẽ cũng chính là vấn đề khiến cho cả thị trường dần ghẻ lạnh DxOMark, bất chấp quyền lực marketing mà con số này đem lại cho các nhà sản xuất. Trong top 5 thế giới, mỗi tên tuổi lại mang một tầm nhìn khác nhau – thậm chí ngay cả thứ “xưa như trái đất” là bokeh cũng được thực hiện khác nhau khi kẻ dùng ống kính kép, kẻ dùng ToF, kẻ dùng thuật toán… Số lượng camera, ống kính, các tính năng AI cũng chẳng ai giống ai. Áp dụng chung một con số để đánh giá tất cả camera phone trên thị trường vừa là nhiệm vụ bất khả thi, vừa… vô nghĩa.
Trong mùa smartphone đầu bảng cuối năm 2019, chỉ còn duy nhất Xiaomi là lên tiếng khoe DxOMark cho chiếc Mi 10 Ultra. Google, Samsung, Apple và nay là cả Huawei đều đã ngó lơ điểm ảnh chụp khi ra mắt những con át chủ bài cho mùa mua sắm màu mỡ nhất trong năm. Chính các ông lớn này đã đưa tên gọi “DxOMark” trở thành một chỉ số được biết đến trên toàn cầu, nhưng chính họ cũng có thể là lý do khiến DxO bị quên lãng. Điều ấy cũng là hoàn toàn hợp lý mà thôi: xét cho cùng, ai lại đem cái đẹp gắn liền với một con số?
Theo: Pháp luật & Bạn đọc
Nguồn: genk.vn