NBCNews mới đây đã công bố gần 7.000 trang tài liệu, tiết lộ việc Facebook mang dữ liệu người dùng đi trao đổi với các nhà phát triển ứng dụng bên thứ ba.
Tài liệu cho thấy CEO Mark Zuckerberg đã lên kế hoạch sử dụng dữ liệu người dùng để củng cố sức mạnh cho nền tảng của mình và tìm cách kiểm soát hoàn toàn các đối thủ cạnh tranh. Toàn bộ tài liệu gồm 7.000 trang, trong đó có khoảng 4.000 trang là liên lạc nội bộ của Facebook như email, tin nhắn trên web, ghi chú, bảng tính… từ năm 2011 đến 2015. Có khoảng 1.200 trang được đánh dấu “tuyệt mật”.
Tài liệu tiết lộ Zuckerberg và đội ngũ quản lý Facebook đã tìm cách khai thác dữ liệu người dùng, gồm thông tin về bạn bè, mối quan hệ, hình ảnh… và sử dụng những thông tin đó làm đòn bẩy, tác động đến các công ty mà họ hợp tác. Trong một số trường hợp, Facebook sẽ thưởng cho những đối tác bằng cách cung cấp cho họ quyền truy cập ưu tiên vào một số dữ liệu người dùng nhất định và ngược lại, từ chối quyền truy cập với các công ty đối thủ.
Ví dụ: Amazon đã được cấp quyền truy cập đặc biệt vào dữ liệu người dùng vì chi tiền quảng cáo cho công ty. Trong trường hợp khác, ứng dụng nhắn tin MessageMe đã bị cắt quyền truy cập dữ liệu vì trở nên quá phổ biến và có khả năng cạnh tranh với Facebook.
Trong danh sách những doanh nghiệp được phép truy cập dữ liệu có Hootsuite, Tinder, Venmo, Nissan… Các công ty nằm trong danh sách đen bị từ chối gồm Twitter, YouTube, Snapchat và một số ứng dụng nhắn tin khác.
Dù Facebook sử dụng dữ liệu người dùng như một “quân cờ” trao đổi với các doanh nghiệp khác, nhưng hãng vẫn vẽ ra một kịch bản thuyết phục rằng họ đang nghiêm túc bảo vệ quyền riêng tư người dùng. Trong khi đó, mục tiêu thực sự của mạng xã hội này là tìm cách thao túng hoàn toàn các công ty đối thủ và dập tắt sự cạnh tranh.
Chính quyền tiểu bang và liên bang của Mỹ đang tiến hành xem xét lại hoạt động kinh doanh của Facebook. Tháng trước, Letitia James – Tổng chưởng lý New York – tuyên bố 47 luật sư từ nhiều nơi trên nước Mỹ đang lên kế hoạch mở cuộc điều tra Facebook vì hành vi độc quyền.
Tháng 6/2019, Ủy ban Tư pháp Hạ viện Mỹ đã tổ chức các phiên điều trần về những vấn đề chống độc quyền ở Thung lũng Slicon, trong khi Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ tiếp tục kiểm tra hoạt động của một số hãng công nghệ lớn.
Những hồ sơ bị rò rỉ được NBCNews công bố lần đầu hồi tháng Tư, bao gồm các email và bản ghi nhớ nội bộ của Facebook đã được đệ trình tại tòa án tiểu bang ở California như một phần của vụ kiện giữa Six4Three và nền tảng mạng xã hội lớn nhất thế giới..
Theo Bloomberg, khi các tài liệu từ vụ kiện Six4Three bị rò rỉ cho Quốc hội Anh hồi năm ngoái, Facebook đã không tranh cãi về tính xác thực của dữ liệu. Nhưng đại diện công ty cho rằng phía Six4Three đã mô tả sai thông tin, thiết kế tài liệu theo hướng bất lợi cho Facebook và bỏ qua một số bối cảnh quan trọng của vấn đề.
Dù sao đi nữa, bộ tài liệu đã phần nào cho thấy chiến lược kiểm soát và thao túng thị trường ứng dụng trong một khoảng thời gian dài của Zuckerberg. Facebook đã bị Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) điều tra về hành vi độc quyền, liên quan đến việc thâu tóm các đối thủ cạnh tranh trước khi họ trở thành mối đe dọa cho hoạt động kinh doanh của công ty – đặc biệt là Instagram và WhatsApp.
Facebook từng có lịch sử ngăn chặn các đối thủ – ngay cả khi họ chưa thực sự là đối thủ – sử dụng những dịch vụ quảng cáo của mình. Năm 2013, công ty đã hạn chế quảng bá cho các sản phẩm cạnh tranh của Google, WeChat, Line, Kakao cùng một số ứng dụng nhắn tin phổ biến ở châu Á. Khi đó, Mark Zuckerberg nói rằng những doanh nghiệp này đang cố gắng xây dựng mạng xã hội thay thế Facebook. Và theo ông thì doanh thu không quan trọng bằng rủi ro.
Theo: Nhẫn Bùi
Nguồn: techsignin.com