Theo trang BGR, trong cuộc họp báo vài ngày trước, chủ tịch Huawei, ông Liang Hua đã khéo léo né tránh trả lời câu hỏi từ phóng viên, liệu Mate 30 dự kiến ra mắt vào tháng 10 có được trang bị hệ điều hành mới do công ty phát triển không nếu lệnh cấm của Mỹ vẫn giữ nguyên.
Lệnh cấm này cũng kéo theo một số công ty Mỹ lên tiếng ngừng hợp tác với Huawei. Google cho biết sẽ tiếp tục làm việc với Huawei, hứa sẽ gửi các bản cập nhật cho điện thoại Android của công ty đến ngày 19/8.
“Nếu Mỹ cho phép chúng tôi sử dụng hệ điều hành Android trên smartphone thì đó luôn là lựa chọn ưa thích của chúng tôi. Tuy nhiên, trong trường hợp xấu nhất, Google rút giấy phép thì Huawei phải phát triển hệ điều hành cho riêng mình”, ông Liang Hua nói với SCMP.
Mate 30 và Mate 30 Pro được nhiều người dùng kỳ vọng với những tính năng, công nghệ mới. Model này được dự đoán là mẫu smartphone thú vị nhất trong nửa cuối năm 2019.
Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump có những động thái tích cực như đồng ý nới lỏng các hạn chế đối với Huawei sau cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại hội nghị thượng đỉnh G20.
Theo Reuters, Nhà Trắng đã thông báo về việc Tổng thống Mỹ Donald Trump có cuộc gặp mặt với 7 CEO công nghệ vào ngày 22/7 bao gồm Steven Mollenkopf (Qualcomm), Sundar Pichai (Google), Sanjay Mehrotra (Micron), Stephen Milligan (Western Digital), Chuck Robbins (Cisco), Robert Swan (Intel) và Hock Tan (Broadcom).
Tại cuộc gặp, các CEO này đã đề nghị Bộ thương mại Mỹ cần quyết định cấp phép “kịp thời” cho Huawei và ông Trump đã đồng ý.
Nhưng dường như ông Trump vẫn chưa có kế hoạch trong việc tiến gần hơn đến hành động dỡ bỏ lệnh cấm. Điều này sẽ ảnh hưởng đến việc hợp tác kinh doanh giữa Huawei với Google.
Hiện tại, những thiết bị của Huawei vẫn có thể chạy ứng dụng trên Google Play bình thường. Nhưng vấn đề là Google sẽ không thể cung cấp các bản vá bảo mật cho Huawei sau ngày 19/8. Và câu hỏi đặt ra, liệu Huawei có hoãn ra mắt Mate 30 hay không hay sẽ tiếp tục với hệ điều hành riêng của hãng.
“Đối với các sản phẩm mới ra mắt, các bạn sẽ tận mắt chứng kiến chúng tôi đã sẵn sàng như thế nào”, ông Liang chia sẻ.
Huawei cho biết, hãng đã thực hiện các bước để giảm thiểu tác động từ lệnh cấm của Mỹ. Doanh thu trong nửa đầu năm của Huawei tăng 23 %. Tuy nhiên, nửa cuối năm 2019 lại là một câu chuyện khác.
Vào tháng 5, chính phủ Mỹ đưa Huawei vào danh sách đen. Điều này ngăn các công ty Mỹ – trong đó có Google – hợp tác, mua bán với hãng điện thoại lớn nhất Trung Quốc.
Sau lệnh cấm trên, Huawei tuyên bố sẽ dùng hệ điều hành tự nghiên cứu từ lâu trên các thiết bị của hãng nếu Mỹ duy trì lệnh cấm. Hệ điều hành này có tên HongMeng với khả năng chạy các ứng dụng Android.
Tuy vậy, HongMeng không có những ứng dụng mà người dùng ngoài Trung Quốc cần như Google Play, Gmail…
Huawei đã lên lịch tổ chức Hội nghị dành cho các nhà phát triển toàn cầu (Huawei Global Developers Conference – HDC) vào ngày 9/8. “Tại sự kiện này, Huawei có thể sẽ ra mắt HongMeng OS, nhưng ban đầu sẽ chỉ dành cho thị trường Trung Quốc”, nguồn tin giấu tên nói với Zing.vn.
HDC được xem là sự kiện quan trọng nhất trong năm của Huawei. Năm nay, hãng dự kiến tiếp đón hơn 1.500 đối tác cùng 5.000 nhà phát triển trên toàn cầu đến tham dự. Đây là sự kiện được tổ chức hàng năm. Tuy nhiên, HDC năm nay có thể sẽ gây chú ý hơn bởi sự xuất hiện của HongMeng OS.
Theo Global Times, Huawei đang thử nghiệm hệ điều hành HongMeng độc quyền của mình với các công ty công nghệ lớn trong nước như Xiaomi, Vivo hay Tencent.
Theo: Thiên Phúc
Nguồn: News Zing