Sau lệnh cấm của Chính phủ Mỹ khiến cho Huawei gặp nhiều hạn chế trong việc hợp tác với Google, Huawei đã tuyên bố sẽ phát triển hệ điều hành riêng mang tên HarmonyOS.
Phiên bản đầu tiên của HarmonyOS không được Huawei phân phối rộng rãi và chỉ xuất hiện trên một số thiết bị IoT (ví dụ như TV). Thế nhưng ở phiên bản thứ 2, HarmonyOS đã chính thức được Huawei phát triển cho smartphone, trong đó một số thiết bị như P40 hay Mate 30 đã có thể cài đặt phiên bản thử nghiệm. Lập trình viên cũng đã có thể thử nghiệm phát triển ứng dụng cho hệ điều hành này.
Thế nhưng, trong quá trình tìm hiểu HarmonyOS, một số lập trình viên cũng đã phát hiện bí mật của hệ điều hành này khiến cho nó không thật sự “thần thánh” như nhiều người nghĩ. Cụ thể, HarmonyOS thực chất vẫn dựa trên nền tảng của Android.
Một lập trình viên đã phát triển một ứng dụng “Hello World” đơn giản, dành cho phiên bản Android 4.4 KitKat từ năm 2013. Khi chạy trên máy ảo Android và HarmonyOS, cả hai máy đều đưa ra thông báo lỗi tương tự về việc ứng dụng này được phát triển cho phiên bản Android quá cũ. Điểm khác biệt duy nhất ở máy ảo HarmonyOS là cụm từ “Android” được thay thế bằng “HarmonyOS”.
Tương tự như vậy, một lập trình viên khác thử biên dịch một ứng dụng Android khác sang HarmonyOS và cũng nhận được kết quả tương tự.
Khi thử truy xuất vào hệ thống tập tin của HarmonyOS, có thể thấy cấu trúc hệ thống của hệ điều hành này không có sự khác biệt so với Android.
Như vậy, có thể thấy rằng HarmonyOS, ít nhất là ở phiên bản 2.0 Beta này, thực chất vẫn chỉ là Android. Dù vậy, khó có thể đưa ra kết luận rằng liệu HarmonyOS có thực sự chỉ là “Android trá hình” hay không. Bởi lẽ, Huawei từng tuyên bố HarmonyOS sẽ có thể chạy ứng dụng Android, và để chạy ứng dụng Android thì Huawei sẽ vẫn phải tích hợp nền tảng (subsystem) của Android bên trong HarmonyOS. Trước đây, hệ điều hành BB10 của BlackBerry cũng đã làm theo cách tương tự để có thể chạy ứng dụng Android.
Dẫu sao, người dùng sẽ không chấp nhận một hệ điều hành mới hoàn toàn mà không thể chạy được các ứng dụng nào sẵn có. Vì vậy, có thể coi việc tích hợp Android là bước đệm để Huawei chuyển đổi người dùng sang HarmonyOS, trong khi đó tiếp tục thuyết phục lập trình viên phát triển những ứng dụng native trên nền tảng của mình.
Khi đã có lượng ứng dụng dồi dào, theo lý thuyết, Huawei hoàn toàn có thể sẽ loại bỏ nền tảng Android khỏi HarmonyOS. Tuy nhiên, rất khó để điều đó có thể xảy ra, đặc biệt trong thời điểm cuộc đua về hệ điều hành di động đã đi đến hồi ngã ngũ.
Theo: Tiến Thuận
Nguồn: soha.vn