Nhà sáng lập Huawei, ông Nhậm Chính Phi, từng quả quyết rằng công ty sẽ không bị chính phủ Mỹ chèn ép như đã làm với ZTE. Tuyên ngôn trên cho thấy nhà sản xuất Trung Quốc có thể sẽ sống tốt mà không cần linh kiện hoặc thành phần từ Qualcomm, Intel và Micron – những đơn vị cung cấp đến từ Mỹ.
Vào tuần trước, HiSilicon, công ty con của Huawei, tuyên bố đã có thể tự thiết kế và sản xuất vi xử lý. Danh sách bao gồm chip SoC Kirin và modem Balong từng được sử dụng trên những model flagship của hãng.
Chủ tịch HiSilicon He Tingbo cho biết: “Chúng tôi đã dự đoán viễn cảnh này từ nhiều năm trước và lên các kế hoạch dự phòng”. Trong một lá thư gửi đến nhân viên, bà viết rằng HiSilicon sẽ “tự chủ”.
Song theo Reuters, các chuyên gia về vi xử lý không tin tưởng vào “kế hoạch dự phòng” nói trên.
Tuần trước, Mỹ đã thêm Huawei vào “danh sách đen” của Bộ Thương mại. Điều đó có nghĩa các công ty Mỹ không thể bán linh kiện cho Huawei mà không có giấy phép từ chính phủ. Công ty Trung Quốc này hiện là mối đe doạ an ninh quốc gia, với những cáo buộc theo dõi người dùng và tập đoàn lớn, phục vụ mục đích chính trị.
Trong nhiều năm, các thiết bị của Huawei bị cho là chứa các phần mềm backdoor – hoạt động như đường dây gửi thông tin trực tiếp về cho Bắc Kinh. Tuy nhiên, Giám đốc Điều hành Huawei đã bác bỏ điều này. Công ty cũng cho biết sẵn sàng ký biên bản xác nhận “không gián điệp” với bất kỳ quốc gia nào.
Huawei đã chi 11 tỷ USD để mua linh kiện từ các nhà sản xuất Mỹ vào năm 2018. Theo Reuters, một nhân viên công nghệ Trung Quốc cho biết không có nhà cung cấp nào của nước này có thể thay thế các linh kiện từ phương Tây, ít nhất trong vài năm tới.
Chuyên gia phân tích Linda Sui của Strategy Analytics cũng đánh giá: “Tôi sẽ rất ngạc nhiên nếu HiSilicon có thể tự tồn tại mà không cần bất cứ linh kiện nào từ Mỹ”.
Trong khi HiSilicon tuyên bố có thể tự thiết kế chip, một chuyên gia khác cho rằng Huawei đang sử dụng phần mềm thiết kế từ những công ty Mỹ Cadence Design Systems Inc và Synopsys Inc. Mike Demler, nhà phân tích cấp cao của Linley Group, chỉ ra rằng phần mềm của 2 công ty này cho phép HiSilicon thử nghiệm chip mới trước khi đưa vào dây chuyền sản xuất – quá trình có thể giúp công ty tiết kiệm nhiều tiền và thời gian.
Mới đây, Google đã dành cho Huawei một “quả bom” khi cắt giảm các mối quan hệ kinh doanh với nhà sản xuất Trung Quốc. Điều đó đồng nghĩa với việc các thiết bị Huawei không thể nhận cập nhật Android, cũng như hạn chế quyền truy cập vào các dịch vụ Google nếu muốn phát triển phần mềm mới.
Huawei đã đặt mục tiêu trở thành nhà sản xuất điện thoại số một vào năm tới, nhưng điều đó đang dần trở nên khó khăn hơn. Thậm chí Mate 30, flagship của Huawei dự kiến ra mắt vào cuối năm nay, cũng chưa rõ sẽ dùng chip và hệ điều hành nào. Hiển nhiên Huawei sẽ chọn sử dụng một phiên bản từ mã nguồn mở Android, nhưng giải pháp này không thực sự hiệu quả ở những thị trường ngoài Trung Quốc.
Tháng 8 năm ngoái, có tin đồn Huawei đang phát triển hệ điều hành riêng, song đã bị hãng bác bỏ ngay sau đó. Đến đầu năm nay, công ty nói rằng họ đã có hệ điều hành mới, nhưng chỉ dự phòng trong các trường hợp cần thiết.
Ở thời điểm này, câu hỏi đặt ra là liệu Chính phủ Mỹ đưa Huawei vào danh sách theo dõi vì lý do an ninh quốc gia, hay chỉ là đòn bẩy trong các cuộc đàm phán thương mại tương lai.
Theo: Hữu Chiến
Nguồn: News Zing