Là mục tiêu của các lệnh cấm vận từ Mỹ, công ty có trụ sở tại Thâm Quyến vẫn đáp trả quyết liệt, thậm chí còn giật ngôi vị số 1 thị trường smartphone toàn cầu từ tay Samsung. Tuy nhiên, với động thái mới nhất nhằm siết khả năng tiếp cận công nghệ lõi của Mỹ như bán dẫn, Huawei đang rơi vào tình thế lao đao.
Stewart Randall, Giám đốc bộ phận phần mềm tích hợp và điện tử của hãng tư vấn Intralink, cho rằng Mỹ dường như muốn tìm cách giết Huawei để dạy cho Trung Quốc một bài học. Cho tới nay, Bắc Kinh vẫn chưa trả đũa dù 15 tháng trước, nước này nói sẽ lập danh sách pháp nhân không đáng tin cậy của Mỹ đang hoạt động tại đây. Bộ Ngoại giao Trung Quốc chỉ trích Washington “vũ khí hóa” các vấn đề an ninh quốc gia và lạm dụng sức mạnh chính quyền.
Kenny Liew, nhà phân tích viễn thông của hãng Fitch Solutions, nhận định Trung Quốc sẽ không tiến hành trả đũa. Trung Quốc vẫn thu được nhiều lợi ích từ các công ty như Apple. Hành động của Trung Quốc có thể thúc đẩy các hãng này chuyển dây chuyền sản xuất và lắp ráp ra khỏi đất nước tỷ dân.
Trong hơn 2 tháng tới, Bắc Kinh khả năng sẽ “câu giờ” cho tới khi bầu cử Tổng thống Mỹ 2020 kết thúc, dù các nhà phân tích dự đoán ngay cả khi ứng cử viên Đảng Dân chủ có thắng Trump cũng không đồng nghĩa Huawei sẽ được cứu. Bất kể ai là người đắc cử vào tháng 11, Huawei vẫn cần tìm ra giải pháp về lâu dài để sống sót mà không có công nghệ Mỹ.
Nếu Huawei vượt qua được khủng hoảng, họ sẽ trở thành một công ty rất khác. Trước hết, Huawei sẽ không thể là thương hiệu smartphone lớn nhất thế giới nữa, thậm chí là một thương hiệu cao cấp, vì họ phụ thuộc vào chip Kirin tự thiết kế. Với lệnh cấm mới nhất của Mỹ, năm 2020 có thể đặt dấu chấm hết cho dòng chip này. Đây là điều được Richard Yu, Giám đốc bộ phận tiêu dùng Huawei, thừa nhận vào đầu tháng 8.
Nửa đầu năm 2020, doanh thu Huawei tăng 13,1%. Dù vậy, họ không thể cầm cự được lâu với lượng chip dự trữ được. Huawei từng kỳ vọng bán được 130 triệu smartphone 5G trong năm 2021 nhưng mục tiêu ấy có thể giảm tới 75%, chỉ còn 30 tới 35 triệu máy, theo hãng nghiên cứu Isaiah. Cuối năm nay, số chip smartphone 4G/5G trong kho Huawei sẽ giảm còn khoảng 50 triệu, trong đó có chip Kirin và chip từ MediaTek và khả năng cao cạn kiệt vào quý I/2021. Sau đó, smartphone của hãng sẽ mất tính cạnh tranh vì không thể đặt hàng từ Qualcomm hay MediaTek mà không có giấy phép từ Mỹ.
Các chuyên gia cho rằng Huawei sẽ tiến vào thị trường chưa được khai phá và phải tái cấu trúc, thu hẹp quy mô để duy trì lợi nhuận. Bộ phận bị ảnh hưởng nặng nề nhất là sản phẩm tiêu dùng, vốn đóng góp hơn 50% doanh thu toàn công ty. Các sản phẩm trong bộ phận như smartphone, tablet, PC, đều cần tới linh kiện bán dẫn để hoạt động.
Đối với bộ phận 5G đáng giá, họ cũng đối mặt với tình trạng khó khăn vì trạm gốc phụ thuộc vào thiết bị bán dẫn do TSMC sản xuất. TSMC đã bị cấm cung ứng cho Huawei trong lệnh cấm của Mỹ hồi tháng 5. Bên cạnh việc không thể tiếp cận nguồn cung chip, thiết bị 5G Huawei còn bị cấm tại nhiều quốc gia như Anh, Pháp, Nhật và Australia.
Dù vậy, tại quê nhà, Huawei vẫn đang hoạt động tương đối tốt khi xây dựng hạ tầng 5G , sử dụng chip dự trữ được trước đó cho các trạm gốc quan trọng. Tính đến tháng 4, công ty ký được hơn một nửa số hợp đồng 5G của ba nhà mạng lớn nhất cả nước, đánh bại các đối thủ như Ericsson, ZTE.
Thực tế chính phủ Trung Quốc không làm gì để hỗ trợ Huawei trong cuộc chiến với Mỹ là liều thuốc đắng đối với công ty. Huawei vốn bị vướng vào rắc rối với Washington vì bị cáo buộc liên hệ với Bắc Kinh. Một nhà đầu tư giấu tên tại Thượng Hải so sánh tình thế của Huawei với một con cờ trong trận chiến lớn hơn giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
“Để giải quyết vấn đề, Trung Quốc phải thỏa hiệp vì hiện tại họ không thể đánh bại Mỹ trong ngành công nghiệp chip”, người này nói. “Trung Quốc không thể địa phương hóa chuỗi cung ứng bán dẫn trong nay mai”. Vì vậy, Trung Quốc đã giới thiệu chính sách ưu đãi thuế mới vào đầu tháng 8 nhằm khuyến khích đổi mới sáng tạo trong ngành công nghiệp bán dẫn nội.
Bắc Kinh không trả đũa thay mặt Huawei cho thấy sự thay đổi trong chiến lược, từ “ăn miếng trả miếng” với Washington chuyển sang ngăn cản quan hệ hai bên sụp đổ ngay trước cuộc bầu cử Tổng thống diễn ra ngày 3/11. Szeho Ng, Giám đốc quản lý nghiên cứu của China Renaissance Securities, nhận định Huawei không thể tự mình xử lý rắc rối đang gặp phải. Nó phụ thuộc vào chính sách ngoại giao giữa Mỹ và Trung Quốc.
Tại trụ sở Huawei ở Thâm Quyến, việc kinh doanh dường như diễn ra như bình thường nhưng nhân viên bắt đầu lo lắng về công việc của họ. Báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng đã phỏng vấn một số nhân viên, họ cho biết thưởng có thể bị cắt và thậm chí mất việc trong tương lai gần. Vài người bắt đầu tìm việc mới. Một nhân viên bán hàng tại bộ phận tiếp thị cho hay mình đã bị cắt các chi phí hàng ngày không cần thiết. “Bất kể Huawei lớn thế nào, một công ty thương mại không thể nào đối đầu với Mỹ”.
Một kỹ sư đang làm cho bộ phận nghiên cứu phát triển chia sẻ đang cân nhắc nghỉ việc sau chưa đầy 2 năm. Anh nói rằng ngân sách R&D có thể bị giảm nếu tổng doanh thu giảm. Anh có thể rời đi nếu điều đó xảy ra. Ban đầu, chính chi phí R&D khủng của Huawei là điều thu hút anh xin việc.
Tuy nhiên, không phải tất cả đều lo lắng. Một nhân viên bán hàng khác trong phòng tiếp thị nói công việc vẫn diễn ra bình thường và chưa bị giảm lương. Một nhân viên khác tự tin công ty sẽ sống sót dù thừa nhận công việc trở nên áp lực hơn vì tình hình hiện tại.
Nếu lãnh đạo Huawei có kế hoạch giải cứu, họ cũng giữ bí mật nó với cấp dưới. Một nhân viên khác nghĩ rằng ban quản lý muốn giữ im lặng và không tiết lộ vì lo ngại sẽ bị Mỹ nhắm đến một lần nữa.
Trước Huawei, ZTE cũng từng xung đột với Washington vào năm 2018, khi họ bị cấm dùng công nghệ Mỹ do vi phạm thỏa thuận trong quá khứ và bị phát hiện vận chuyển hàng hóa xuất xứ Mỹ sang Iran và Triều Tiên bất hợp pháp. Huawei cũng bị Washington cáo buộc vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ, dẫn đến việc bắt giữ Giám đốc Tài chính Mạnh Vãn Chu, con gái nhà sáng lập Nhậm Chính Phi, tại sân bay Canada cuối năm 2018. Bà bị tố cáo che đậy liên hệ của Huawei với một công ty Iran.
Song, rắc rối của ZTE đã kết thúc. Sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình “nhờ” Tổng thống Donald Trump nương tay, lệnh cấm ZTE được dỡ bỏ và công ty đồng ý nộp phạt thêm 1 tỷ USD, đồng thời cho phép nhà chức trách Mỹ giám sát hoạt động.
Ông Tập gần như sẽ không can thiệp vào vụ việc lần này của Huawei vì làm như vậy sẽ gây tác động lớn trong bối cảnh quan hệ Mỹ – Trung đang xấu đi. Nếu đột phá về ngoại giao, lựa chọn của Huawei vô cùng hạn chế. Giải pháp hiệu quả nhất là xây dựng cơ sở sản xuất bán dẫn riêng không sử dụng công nghệ Mỹ trong 12 tháng tới. Song, đây là nhiệm vụ bất khả thi.
Mỉa mai thay, hi vọng cuối cùng của Huawei lại nằm trong tay các nhà cung ứng chip Mỹ như Qualcomm, vốn xem Huawei là khách hàng lớn trước khi công ty Trung Quốc bắt đầu sản xuất chip Kirin riêng cho smartphone. Qualcomm được cho là đang vận động chính phủ Mỹ để cấp phép bán hàng trở lại cho Huawei.
Mike Feibus, nhà nghiên cứu của Feibustech, nhận xét các hãng công nghệ Mỹ không hài lòng vì lệnh cấm vận vì nó làm họ đánh mất khách hàng lớn như Huawei. Vì thế, họ sẽ tiếp tục vận động để lật ngược lệnh cấm. Dù vậy, nó còn phụ thuộc vào kết quả của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ tháng 11. Chính quyền Biden có thể lựa chọn hướng đi khác, tập trung nhiều hơn vào vấn đề nhân quyền của Trung Quốc, trong khi Trump nhằm vào thương mại.
“Tôi không cho rằng Biden sẽ quay ngược mọi thứ nếu chiến thắng, nó sẽ khiến ông ấy trông xấu đi. Trung Quốc ngay lúc này không được yêu thích tại Mỹ. Tuy nhiên, chính quyền mới có thể cấp nhiều giấy phép hơn để doanh nghiệp Mỹ bán sản phẩm cho Huawei”, nhà phân tích Randall nêu quan điểm.
(Theo SCMP)
Theo: Du Lam
Nguồn: soha.vn