TV ban đầu chỉ là những chiếc hộp khổng lồ phát hình ảnh trắng đen. Sau đó chúng tiến hoá thành TV màn hình phẳng với hình ảnh màu độ phân giải cao. Và hiện nay, các nhà sản xuất TV đang phải đối mặt với một vấn đề: màn hình ngày càng lớn, đến nỗi chúng có thể không đặt vừa lên một bức tường. Câu hỏi lúc này là có khi nào màn hình TV của chúng ta trở nên lớn đến mức được gọi là “quá lớn” hay không?
“Lớn hơn không nhất thiết là tốt hơn” – theo lời Mike Fasulo, Chủ tịch kiêm COO của Sony Electronics và Sony Bắc Mỹ. “Có một vài điều cần nói về việc này. Kích thước của căn phòng rất quan trọng, vị trí bạn ngồi xem TV cũng quan trọng, và chất lượng các linh kiện được đặt vào trong TV, thứ về cơ bản là một miếng kính, sẽ tạo nên một sự khác biệt”
Suy nghĩ của Fasulo được tán thành bởi Angela Dirks, một nhà thiết kế nội thất ở New York vốn đã quá quen với việc phải sắp xếp đủ loại màn hình trong các dự án của mình. “TV càng lớn, không gian cần thiết càng lớn” – cô nói, đồng thời ca ngợi TV màn hình phẳng như những đồ vật đáng mơ ước khi trang trí một căn phòng, so với những chiếc TV hộp to lớn cồng kềnh ngày xưa.
“Màn hình phẳng là một bước nhảy lớn trong thiết kế bởi TV trước đây từng siêu cồng kềnh và bạn phải tìm cách sắp xếp chúng và sự ngu ngốc của chúng, nhưng nay TV đã rất mỏng đến mức chúng khó nhận ra hơn nhiều và chiếm ít không gian phòng hơn nhiều” – cô giải thích. “Khi tính toán vị trí đặt TV, bạn thường phải tính toán vị trí bố trí ghế ngồi và tính toán góc nhìn. Bạn phải làm một vài phép toán xoay quanh kích cỡ của TV và nó phải nằm xa đến đâu để xem được”
Phép toán mà Dirks nói đến có thể diễn tả như sau: một chiếc TV được đặt hợp lý nhất là cách món đồ nội thất đang đối mặt nó khoảng 1,5 – 2,5 lần kích cỡ màn hình (tức một chiếc TV 40-inch sẽ cần khoảng trống từ 1,52 – 2,53 mét ở giữa nó và chiếc ghế sofa). Về độ cao, TV nên đặt ngang tầm mắt.
Khi TV là ưu tiên hàng đầu
Trong số những sai lầm mà người mua TV thường phạm phải, sai lầm phổ biến nhất là đặt sản phẩm quá cao trên tường, buộc người xem phải căng cổ khi xem. Diện mạo tổng thể của một căn phòng có TV là nguyên nhân của nỗi lo lắng đối với nhiều nhà thiết kế nội thất.
“Người ta đặt TV trong không gian sống của họ, và đặt mọi đồ nội thất hướng về nó” – Dirks nói. “Không có món đồ nội thất nào lại được bố trí theo cách khiến người dùng vừa trò chuyện lại vừa nhìn vào nhau cả“. Hãy tưởng tượng một màn hình lớn hơn cả những chiếc TV cỡ trung 55-inch có trong hầu hết các hộ gia đình: nơi gia đình quây quần sẽ chẳng khác gì một cái rạp chiếu phim cả.
Fasulo và nhóm của ông không cho rằng đó là vấn đề, mà là một phương thức hoạt động mới cho chúng ta thấy qua nhiều năm, chiếc TV đã trở nên quan trọng đến mức nào. Việc có thể làm màn hình lớn hơn nữa theo những cách vừa linh hoạt lại vừa mang tính công nghệ cạo sẽ phục vụ được nhu cầu của người tiêu dùng theo những cách thú vị mới mẻ khác.
“Một thập kỷ trước, TV thực sự là những trang thiết bị chỉ có một mục đích” – COO Sony nói. “Và thật kỳ quặc khi chúng ta cố giấu chúng đi. Chúng ta tạo nên những cái hộp quanh chúng và tìm cách giấu chúng đi. Ngày nay, chúng là rất quan trọng và là một phần cơ bản không thể thiếu của một hộ gia đình. Chúng là cửa ngỏ giúp tiếp cận không chỉ nội dung mà cả Internet, mạng xã hội, nghệ thuật, và thiết kế”
Dirks đồng ý. “Tôi sẽ nói rằng TV phẳng là món quà Chúa gửi cho các nhà thiết kế nội thất bởi những chiếc TV cũ cồng kềnh thật rắc rối” – cô nói. “Nếu bạn nói chuyện với những nhà thiết kế nội thất già, họ sẽ nói cho bạn biết bản thân ghét TV đến mức nào bởi họ không bao giờ có thể che chúng đi và họ chỉ muốn ném chúng ra khỏi cửa sổ thôi!”
Với những chiếc TV mỏng, chúng ta sẽ có nhiều cơ hội để thiết kế hơn hẳn.
Vấn đề với những chiếc TV lớn hơn, tốt hơn
Khi biến TV thành trung tâm của mọi gia đình và hướng nhiều sự chú ý hơn về phía nó, chúng ta đang gián tiếp yêu cầu các công ty tạo ra những màn hình lớn hơn, ấn tượng hơn. Nhưng điều đó có thể đẫn đến những vấn đề về mặt kho vận, bắt đầu với việc vận chuyển hàng hoá.
Khi vận chuyển một màn hình 98-inch – một trong những kích cỡ màn hình lớn nhất hiện có trên thị trường tiêu dùng – chi phí và phương thức vận chuyển trở thành những rào cản lớn. “Việc vận chuyển khiến chúng tôi mất ngủ” – Fasulo cho biết, và ông nói tiếp rằng dù các sản phẩm trở nên nhẹ hơn (giúp hạ chi phí), chúng cũng trở nên mong manh hơn. “Do đó chúng tôi phải liên tục nghiên cứu cách đóng gói để đảm bảo chúng không bị hư hại, quả là một thách thức. Tôi nghĩ chuỗi cung ứng đang dần hiểu rõ hơn các bước cần thực hiện và cố gắng rút gọn chúng”.
Một giải pháp khả thi thực ra đã xuất hiện trên thị trường, nhưng chưa được phổ biến rộng rãi: màn hình TV kiểu mô-đun, một giải pháp có tiềm năng giải quyết được nhiều vấn đề mà những màn hình phẳng cỡ lớn đang phải đối mặt.
Màn hình kiểu mô-đun về cơ bản giống như những ô màn hình – chúng sẽ giúp giải quyết một phần trong số những vấn đề về vận chuyển (ô càng nhỏ, càng dễ gói lại và gửi đi an toàn), đáp ứng được đam mê đầu tư vào những màn hình lớn của người tiêu dùng, và giải phóng các nhà thiết kế nội thất khỏi xiềng xích của những chiếc TV thông thường: vì có bản chất mô-đun, TV sẽ trông liền lạc khi được lắp ráp đúng cách và cho phép việc thiết kế được linh hoạt hơn nhiều.
“Có những thứ loè bịp thỉnh thoảng lại xuất hiện, trông ngầu nhưng có lẽ sẽ không bao giờ xảy ra” – Fasulo nói, nhưng các ô TV nói trên không nằm trong số đó. “Dù nó trông liền mạch khi thể hiện hình ảnh, nhưng nó lại được cấu tạo từ rất nhiều ô với kích cỡ khác nhau, và công nghệ hiện tại đã rất tiên tiến rồi. Trong tương lai, tôi nghĩ nó sẽ trở nên tiên tiến hơn nữa”.
Hãy tưởng tượng bạn có thể mua nhiều mẩu kính, hoặc mua riêng lẻ, và lắp đặt theo kiểu nào cũng được lên tường. Phát minh này sẽ cho phép khách hàng thay đổi kích cỡ màn hình TV một cách mượt mà trong bất kỳ căn phòng nào khi muốn tái trang trí, thậm chí có thể biến một TV 55-inch tiêu chuẩn thành một tấm nền 300-inch khổng lồ chiếm trọn một bức tường.
Chúng ta đã thấy một thứ như vậy trước đây – chiếc TV The Wall của Samsung, được sản xuất dựa trên công nghệ microLED mô-đun của Samsung, có thể đạt kích cỡ lên đến 292-inch.
Tính đến thời điểm hiện tại – chủ yếu vì giá thành cao – các tấm nền kiểu mô-đun hầu như chỉ được tận dụng trong các cửa hàng bán lẻ, dù rằng những kỳ vọng xoay quanh khả năng cách mạng hoá thiết kế nhà cửa của nó là không hề nhỏ.
“Tôi sẽ nói cho bạn một ví dụ” – Fasulo nói. “Hãy tưởng tượng một showroom xe hơi: nếu chúng ta có thể lấp đầy một bức tường 140-inch với các hình ảnh tương tác 360-độ của những chiếc xe hơi mới nhất và tuyệt nhất từ các nhãn hiệu, để bạn có thể thăm thú bên trong, xoay nó, và trải nghiệm một thứ gì đó rất thú vị, thì đó sẽ là động lực để người tiêu dùng chấp nhận mua sản phẩm”.
Hoặc có lẽ, những chiếc TV mô-đun sẽ trở thành một thứ gì đó hơn cả chức năng hiển thị nội dung giải trí của chúng: có thể dùng để hiển thị những tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng khi không hoạt động (TV The Frame của Samsung) hay những bức ảnh gia đình khi không sử dụng để stream các show TV và phim.
Cuộn đến tương lai
TV kiểu mô-đun không phải là sản phẩm cỡ lớn duy nhất đang có trên thị trường. Một sản phẩm khác đáng chú ý chính là chiếc TV OLED cuộn của LG, ra mắt lần đầu năm 2019. Dự kiến có giá khoảng 60.000 USD cho màn hình 65-inch, chiếc TV siêu mỏng này có khả năng cuộn vào trong một chiếc hộp kiêm luôn vai trò soundbar khi không sử dụng.
Dù là một bước tiến rõ rệt về mặt thiết kế, sản phẩm này không dễ vận chuyển như TV mô-đun và hiển nhiên không dễ “ẩn thân” khi mà màn hình phẳng của nó ẩn đằng sau một tấm trượt hoặc một khoang chứa, và bạn sẽ cần phải đặt nó trên sàn nhà hoặc kệ. Tuy vậy, nó cũng góp phần vào sự đa dạng của form factor TV. Dù Fasulo ủng hộ màn hình mô-đun, và không thể tự do thảo luận về bất kỳ sản phẩm chưa công bố nào của Sony, ông nhận thức được rằng các màn hình cỡ lớn – kể cả dưới dạng TV cuộn lên – chắc chắn là “một xu thế sẽ tiếp tục trong tương lai“.
Khi phân tích các sản phẩm mới với kích cỡ lớn hơn thông thường, chúng ta không thể không nhắc đến TV OLED Beovision Harmony.
Có các kích cỡ màn hình 65, 77, hoặc 88-inch (độ phân giải 4K trên hai kích cỡ đầu, 8K trên kích cỡ cuối), chiếc TV này ấn tượng cả về hình dáng lẫn chức năng, và được thiết kế với “hệ thống tủ ngăn kéo giải trí cổ điển để che giấu chiếc TV đằng sau những tấm rèm tinh xảo“. Chi phí của chiếc TV cỡ lớn được xem là có thiết kế đẹp mắt nhất hiện nay này? Khoảng 16.600 USD.
Cuối cùng, dù không nằm trong danh mục màn hình TV cổ điển, các loại máy chiếu hiện đại – như mẫu CineBeam mới nhất của LG là HU810P – được đánh giá là có thể làm thoả mãn mong ước về một màn hình siêu lớn của người xem, biến bất kỳ căn phòng nào thành phòng chiếu phim tại gia với các nội dung có thể được kéo dãn một cách linh hoạt. Trong trường hợp của HU810P, hình chiếu có thể giao động từ 40-inch đến 300-inch.
Rõ ràng, triển vọng ở đây là hầu như bất tận: dù bạn đang tìm kiếm sự to lớn, tính linh hoạt, độ mỏng, vẻ đẹp, hay bất kỳ sự kết hợp nào giữa các yếu tố này, thì có khá nhiều giải pháp nhằm giải quyết những vấn đề của các màn hình cỡ lớn đang được nghiên cứu. Trở lại với câu hỏi đầu bài: màn hình có thể thực sự lớn đến mức nào để được gọi là quá lớn, thì câu trả lời là…chưa có một giới hạn nào cả.
Tham khảo: TechRadar
Theo: Pháp luật & Bạn đọc
Nguồn: genk.vn