Liệu Huawei và HongMeng có tạo nên thế lực mới cho ngành di động?

07:58 Sáng - 26/05/2019
0 Bình luận
685
bởi Triệu Vũ

Bị rút giấy phép sử dụng Android, Huawei buộc phải tạo cho mình một hệ điều hành mới nếu không muốn smartphone của họ thành “cục gạch” và bị Mỹ “bắt nạt” về sau.

Một ngày đầu tháng 3, Zing.vn đã có buổi gặp gỡ với ông Alex Lin, Chủ tịch mảng Kinh doanh Tiêu dùng khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Huawei. Đây là lần đầu một nhân sự cấp cao của hãng smartphone từng đứng thứ 2 thế giới trong năm 2018 đến Việt Nam để quan sát thị trường.

Trong buổi nói chuyện, ông Lin chia sẻ Huawei cũng từng thử tạo ra một hệ điều hành riêng cho những mẫu điện thoại của họ. Tuy vậy, vị giám đốc cho rằng Huawei sẽ vẫn dùng Android và Windows vì quan hệ hợp tác giữa các bên lúc này vẫn tốt và quan trọng là khách hàng thích điều đó.

Alex Lin, Giám đốc Huawei châu Á - Thái Bình Dương trong buổi phỏng vấn với Zing.vn.
Alex Lin, Giám đốc Huawei châu Á – Thái Bình Dương trong buổi phỏng vấn với Zing.vn.

“Hiểu rõ người dùng di động muốn gì, chúng tôi sẽ tạo ra những nền tảng tối ưu hơn các đối thủ khác chỉ làm phần mềm hoặc phần cứng. Vì vậy, việc tạo ra một hệ điều hành mới với chúng tôi không còn quá khó khăn. Tuy vậy, trong giai đoạn phát triển, chúng tôi sẽ vẫn dùng Windows, Android như một cách tối ưu nguồn lực. Đồng thời những hệ điều hành này vẫn đang hoạt động rất tốt”, Alex Lin nói.

Hai tháng sau, những bất cập về sự lệ thuộc nền tảng đã bắt đầu xảy ra.

Ngày 15/5, Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh cấm Huawei. Ngay sau đó, Bộ Thương mại Mỹ tuyên bố đưa Huawei vào một “danh sách đen” nhằm cấm công ty này giao dịch kinh doanh với các công ty Mỹ.

Ngày 19/5, chốt hạ cho hiệu ứng domino là việc Google ngừng cấp giấy phép sử dụng hệ điều hành Android trên các sản phẩm Huawei. Theo đó, các mẫu điện thoại của Huawei trong tương lai sẽ không có Android. Điều này đã đẩy Huawei vào thế phải lên tiếng về việc ra mắt hệ điều hành riêng.

Huawei đã đăng ký thương hiệu HongMeng OS từ năm 2018.
Huawei đã đăng ký thương hiệu HongMeng OS từ năm 2018.

Đây không phải là phản vệ đường đột cho lệnh cấm từ Mỹ. Dường như Huawei đã chuẩn bị từ sớm cho điều này. Theo nguồn tin từ Caijing và Phoenix Network Technology, ông Richard Yu nói trong một nhóm WeChat rằng hệ điều hành của Huawei đã sẵn sàng cho mùa thu năm nay hoặc muộn nhất là mùa xuân 2020.

Hệ điều hành mới có tên HongMeng (Hồng Mạnh), có thể tương thích với các ứng dụng Android. Thậm chí theo lời ông Richard Yu, nó có thể chạy ứng dụng nhanh hơn hệ điều Android của Google.

Ngày 24/8/2018, Huawei đã đăng ký nhãn hiệu HongMeng OS với Huajin United Patent & Trademark Angency. Nhãn hiệu này có hiệu lực từ ngày 14/5/2019, trước khi tổng thống Mỹ ký sắc lệnh cấm Huawei 5 ngày. Điều này cho thấy công ty đã có kế hoạch từ lâu với nhãn hiệu này.

Con giun xéo lắm phải quằn

Theo Forbes, lượng điện thoại Huawei bên ngoài thị trường Trung Quốc chiếm 50% thị phần của Huawei. Khác với thị trường nội địa, bên ngoài biên giới Trung Quốc, người dùng chỉ chọn điện thoại chạy hệ điều hành iOS hoặc Android.

Không có hệ điều hành Android, điện thoại Huawei với phần cứng tốt như thế nào cũng không hơn không kém một cục chặn giấy.

Ấp ủ làm hệ điều hành từ lâu cộng với động thái rút giấy phép lần này của Google, Huawei càng có động lực ra mắt hệ điều hành riêng cho mình. Điều này vừa giúp Huawei tránh được những hệ lụy phụ thuộc nền tảng sau này, vừa mở ra cho hãng hướng kinh doanh mới, làm giàu thêm cho hệ sinh thái sản phẩm.

Việc có thêm một nền tảng hệ điều hành mới cũng thúc đẩy sự cạnh tranh trong ngành di động. Với một trật tự thế giới mới, Google hay Apple sẽ phải nỗ lực nhiều hơn để gây chú ý với khách hàng. Trong quá khứ, Windows Phone từng làm được việc này.

Hệ điều hành HongMeng được cho có thể chạy các ứng dụng Android mượt mà.
Hệ điều hành HongMeng được cho có thể chạy các ứng dụng Android mượt mà.

Từ lúc ra mắt, Microsoft đã có một cú đánh ngoạn mục khi tạo ra nền tảng di động thứ ba thôi thúc các đối thủ phải hành động.

Mối đe dọa này lớn đến nỗi Google từng phải từ chối xây dựng các ứng dụng trên Windows Phone để bảo vệ đế chế Android. Thậm chí, Google còn công khai bắt chẹt Windows Phone bằng việc chặn các dịch vụ như YouTube trên hệ điều hành của Microsoft.

Thời điểm Microsoft tích cực theo đuổi các thiết kế hiện đại như Metro cho Windows Phone, Apple đã phải cải tiến giao diện cho iOS 7 đơn giản hơn. Đồng thời, Google buộc phải tăng tốc nâng cấp thiết kế Material Design nhiều màu sắc tươi sáng và đơn giản.

Việc Huawei ra mắt hệ điều hành trong tương lai có thể sẽ thúc đẩy các ông lớn nỗ lực hơn trong trải nghiệm người dùng đã quá cũ kỹ suốt 3-4 năm qua.

Ra mắt hệ điều hành mới lúc này có phải lợi bất cập hại?

Trong giai đoạn cạnh tranh vươn lên vị trí dẫn đầu thị trường, Huawei cần tối ưu nguồn lực nhiều hơn cho những việc cần thiết. Việc xây dựng một nền tảng hệ điều hành và hệ sinh thái ứng dụng tiêu tốn rất nhiều tiền của, thời gian.

Đặc biệt, rủi ro lớn nhất là những mẫu điện thoại HongMeng OS có thể sẽ không được người dùng chấp nhận. Điều này có thể khiến Huawei trở thành một Nokia thứ hai, quay về Android trong sự muộn màng và chết lịm.

Lý do lớn nhất để Huawei không cần phải ra mắt hệ điều hành lúc này là việc căng thẳng Mỹ – Trung chỉ là tạm thời. Trong mối quan hệ này, Google và Huawei đều sống dựa vào nhau. Việc ngừng hợp tác Huawei cũng khiến tay Google chảy máu. Sản phẩm phần cứng của Huawei sẽ giúp Google tiếp cận nhiều người hơn và ngược lại.

Động thái lúc này của Mỹ có thể chỉ là tạm thời. Ảnh: Reuters.
Động thái lúc này của Mỹ có thể chỉ là tạm thời. Ảnh: Reuters.

Ngoài ra, Huawei còn là đối tác tiêu thụ lượng lớn hàng hóa cho các công ty công nghệ Mỹ. Theo CNN Business, Huawei là nhà cung cấp thiết bị viễn thông lớn nhất, đồng thời là hãng điện thoại lớn thứ hai thế giới. Họ mua linh kiện từ hàng chục tập đoàn công nghệ Mỹ.

Năm 2018, Huawei mua 70 tỷ USD từ 13.000 nhà cung cấp linh kiện trên toàn cầu, trong đó có 11 tỷ USD từ các công ty Mỹ như chip của Qualcomm, Broadcom, phần mềm Microsoft, Google. Có thể Google là người mong muốn khủng hoảng này trôi qua nhanh nhất bởi không ai lại đi ép đối tác tạo ra một sản phẩm cạnh tranh với mình.

Ngoài hệ điều hành, Huawei còn phụ thuộc Mỹ ở những công nghệ lõi khác như cấu trúc chip ARM, linh kiện từ Qualcomm và các công ty thuộc đồng minh với Mỹ như Nhật, Hàn, Anh… Việc có cho mình một hệ điều hành riêng có thể vẫn chưa giải quyết được các vấn đề của Huawei gặp phải. Đồng thời, hệ sinh thái ứng dụng lớn nhưng không có những ứng dụng từ Mỹ cũng là khó khăn Huawei phải đối mặt.

Thị trường tỷ dân sẵn sàng tiêu thụ những gì Huawei làm ra?

“Huawei đã có đóng góp đáng kể cho sự phát triển và tăng trưởng của nền tảng Android trên toàn thế giới. Là một trong những đối tác quan trọng của Android, chúng tôi đã giúp phát triển một hệ sinh thái có lợi cho người dùng và toàn bộ ngành công nghiệp”, Huawei nói trong phản hồi sau khi Google rút giấy phép nhằm khẳng định họ đã có đóng góp lớn cho Android.

Năm 2017, Huawei P20 đã được trang bị Darkmode, tính năng mới chỉ xuất hiện gần đây trong thế giới Android.

Các thương hiệu Trung Quốc khác có thể hỗ trợ Huawei bằng cách dùng hệ điều hành nội địa. Ảnh: Reuters.
Các thương hiệu Trung Quốc khác có thể hỗ trợ Huawei bằng cách dùng hệ điều hành nội địa. Ảnh: Reuters.

Năm 2018, Huawei ra mắt Mate 20 Pro. Sản phẩm này khiến người dùng ngạc nhiên với những tiện ích tuy nhỏ nhưng khá lợi hại.

Trên nền tảng Android 9, Huawei tùy biến lại một số tính năng như chụp ảnh màn hình vừa chụp vừa cuộn trang. Các phần mềm đi kèm như ghi âm hỗ trợ công nghệ tách giọng nói, ghi chú và chụp ảnh thời gian thực lúc ghi âm, quay màn hình có thu âm từ micro, các thao tác vuốt chạm tối ưu cho màn hình tràn… Android trên Huawei là một hệ điều hành khác biệt, có cá tính.

Ngoài những nỗ lực cá nhân, Huawei được chính phủ Trung Quốc hỗ trợ bằng nhiều chính sách thúc đẩy. Có thể trong tương lai liệu chính phủ nước này có ban hành chính sách khiến các hãng Oppo, Vivo, Xiaomi, OnePlus dùng Hong Meng cho dòng sản phẩm. Chí ít cùng một model sẽ có hai phiên bản hệ điều hành được bán ra, trong đó thiết bị chạy HongMeng có giá tốt hơn.

Và biết đâu đó ở bên ngoài Trung Quốc vẫn có những người chưa lệ thuộc vào Google chọn HongMeng OS.

Bài toán Huawei chưa có lời giải

Theo những gì ông Richard Yu mô tả, hệ điều hành HongMeng có thể chạy được các ứng dụng Android với tốc độ nhanh hơn. Như vậy, có thể HongMeng được tạo ra dựa theo cách Android hoạt động. Vậy lỗ hổng lúc này là một cửa hàng ứng dụng như Google Play.

Tại Trung Quốc, việc sống thiếu Google Play trở nên quá quen thuộc với người dân. Với Huawei, họ đã sở hữu một kho ứng dụng từ lâu có tên là App Gallery. Kho ứng dụng này hoạt động tốt tại Trung Quốc. Huawei cũng từng muốn đem App Gallery ra nước ngoài, đầu tiên là châu Âu.

Để thu hút hệ sinh thái ứng dụng cho nền tảng này, Huawei có thể sử dụng thị trường trong nước làm mồi nhử. Theo Bloomberg, năm 2018, Huawei từng kêu gọi các nhà phát triển tạo ra phần mềm trên cửa hàng ứng dụng của hãng để có cơ hội tiếp cận thị trường đông dân nhất thế giới.

Google rút giấy phép với Huawei là đang ép đối tác thành đối thủ.
Google rút giấy phép với Huawei là đang ép đối tác thành đối thủ.

Như vậy, App Gallery sẽ là cửa ngõ cho các nhà phát triển ứng dụng thế giới bước chân vào Trung Quốc. Đồng thời, kho ứng dụng này cũng giúp hệ điều hành HongMeng tiếp cận người dùng trên toàn thế giới.

Vấn đề lớn nhất lúc này là Gmail, YouTube, Gmaps, Google Search… những công cụ đã ăn sâu vào thói quen của người dùng Android trên toàn thế giới.

Với Google Search, Baidu có thể là cái tên được chọn để thay thế. Với YouTube, Huawei rất khó tìm ra một nền tảng nội dung như vậy thay thế lúc này. Tại Trung Quốc những cái tên như Youku, Bilibili, iQiyi chỉ mới mạnh ở mảng nội dung video trong nước.

Một nền tảng video được xem là tia sáng lúc này là TikTok. Với định dạng video 15 giây hướng tới giới trẻ, nếu có cách mở rộng khôn khéo và tệp người xem cụ thể, TikTok có một chút khả năng đáp ứng nhu cầu video trên hệ điều hành mới của Huawei.

Nếu không thể làm những việc trên, stream video YouTube từ một bên thứ ba như cách Windows Phone từng làm có thể là lựa chọn cuối cùng. Còn lại, các nền tảng khác như Gmail, Gmap không quá khó để thay thế vì chỉ đòi hỏi mặt kỹ thuật chứ không quá nặng về nội dung hay cộng đồng.

Trước mắt, những giải pháp trên chỉ ở mức chấp vá, bù đắp những khoảng trống mà Google để lại. Huawei vẫn chưa tìm được hệ sinh thái nào xứng đáng để thay thể Google ở thị trường quốc tế.

Bao nhiêu ông lớn vẫn chưa chen chân vào được

Tạo ra một thế giới mới chưa bao giờ là đơn giản. Samsung vẫn đang loay hoay với Tizen, Nokia từng thảm bại vì Symbian hay thậm chí một gã khổng lồ phần mềm máy tính như Microsoft cũng thất bại với phiên bản Windows Mobile. Từ nhiều năm qua, Android và iOS đã nuốt trọn thị trường hệ điều hành smartphone.

Bài học từ Windows Phone là đáng giá nhất với Huawei lúc này. Windows Phone bắt đầu sứ mệnh như một nền tảng tiềm năng, thay thế iOS và Android 5 năm trước đây. Microsoft định vị những thiết bị chạy Windows Phone 7 khi đó như một hệ sinh thái di động lớn thứ 3 thế giới. Tuy nhiên, dự án này hoàn toàn thất bại.

Cái chết của Windows Phone có thể là bài học cho HongMeng OS.
Cái chết của Windows Phone có thể là bài học cho HongMeng OS.

Có thể lý giải bằng việc Microsoft không có trong tay những thiết bị Lumia gây ấn tượng. Lumia 950 và 950 XL được xem là những smartphone đầu bảng gây thất vọng với nền tảng Windows 10 Mobile chưa hoàn thiện.

Đồng thời, kho ứng dụng của họ không được cập nhật trong thời gian dài trong khi các ứng dụng quan trọng cho trải nghiệm tệ hại. Thiếu thiết bị mới, doanh số tệ hại, phần mềm bị bỏ bê từ lâu, có thể khẳng định Windows Phone đã chết.

Huawei đang có trong tay lợi thế về doanh số thiết bị bán ra. Việc còn lại là xây dựng một hệ sinh thái ứng dụng cho riêng mình. Đây có lẽ là rào cản lớn nhất của HongMeng OS và cả Huawei. Tuy nhiên, 5 năm trước không ai biết đến cái tên Huawei nhưng giờ đây họ đã đứng top 2 thế giới. Vậy 5 năm sau, liệu Huawei có thể thay thế Google?

Theo: Xuân Tiến

Nguồn: News Zing

Tin liên quan

Scroll Top