Vào thời điểm này năm ngoái là lúc chính phủ Mỹ đưa Huawei vào danh sách đen và cấm các công ty Mỹ bán hàng cho tập đoàn viễn thông Trung Quốc này. Nhưng trước đó, Huawei đã nhanh tay dự trữ một lượng lớn linh kiện, thiết bị từ các công ty Mỹ và vẫn có thể đưa chúng vào trong các sản phẩm của mình. Nhưng đến nay, một năm đã trôi qua, lượng linh kiện dự trữ đó còn bao nhiêu?
Tạp chí Nikkei đã kết hợp với công ty Fomalhaut Techno Solutions để mổ xẻ chiếc Huawei Mate 30, flagship ra mắt từ Quý Ba năm ngoái để phân tích nguồn gốc của các linh kiện mà hãng smartphone lớn thứ ba thế giới hiện đang sử dụng. Không chỉ vậy, điều này còn để xem liệu Huawei còn phải sử dụng linh kiện từ Mỹ cho smartphone của mình nữa hay không.
Nhìn sơ qua, các linh kiện đến từ Trung Quốc giờ đã chiếm đến 42% tổng giá trị các bộ phận làm nên smartphone này – tăng so với mức 25% trước đây khi công ty có thể mua từ các công ty Mỹ. Giờ đây các linh kiện đến từ Mỹ chỉ chiếm 1% tổng giá trị các bộ phận của Mate 30, một sự sụt giảm đáng kể so với mức 11% trước đây trên Mate 20 Pro.
Nó cho thấy tác động khổng lồ từ lệnh cấm của chính phủ Mỹ và buộc Huawei phải thay đổi hàng loạt nhà cung cấp trong cả năm qua. Mặc dù vậy, các linh kiện bán dẫn và những thành phần quan trọng khác của smartphone do công ty tự phát triển cũng tiến bộ lớn trong thời gian qua.
Ngay cả trước khi có lệnh cấm, smartphone Huawei đã sử dụng các linh kiện bán dẫn do công ty con HiSilicon phát triển. Hiện tại HiSilicon đã chuyển sang phát triển các linh kiện bán dẫn cho kết nối 5G. Điều này cho thấy Huawei có khả năng tự phát triển linh kiện cho mình và loại bỏ phụ thuộc vào nhà sản xuất của Mỹ, hãng Skyworks Solutions.
Trên quy mô rộng hơn, khả năng này của Huawei đang củng cố thêm tham vọng của Trung Quốc trong việc loại bỏ phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài. Huawei đã vượt qua các trở ngại trong việc thiết kế nên con chip có thể thu phát sóng radio trong smartphone 5G, để làm nên khả năng kết nối tốc độ cao.
Không chỉ giảm nhẹ phụ thuộc vào Mỹ, điều này còn cho Huawei lợi thế trong cuộc cạnh tranh với các đối thủ trong nước. Xiaomi, hãng smartphone lớn thứ tư thế giới, cũng đang phát triển chip riêng cho smartphone của mình. Nhưng các thiết bị mới nhất của họ vẫn không có bất kỳ con chip nào do công ty tự phát triển.
Do vậy, theo ông Hideki Maeno, giám đốc tư vấn tại Omdia Japan, chi nhánh tại Nhật của hãng nghiên cứu Omdia, Xiaomi “không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục sử dụng chip của Qualcomm” cho smartphone 5G của mình.
Cho dù Huawei đã xây dựng được chuỗi cung ứng phần cứng để giảm nhẹ phụ thuộc vào Mỹ, họ vẫn còn một chặng đường khá xa nữa để phát triển hệ điều hành và phần mềm cạnh tranh với các công ty Mỹ.
Smartphone Huawei vốn có truyền thống sử dụng hệ điều hành Android phiên bản mã nguồn mở do Google cung cấp. Sau khi có lệnh cấm, cho dù Huawei vẫn có thể sử dụng Android, nhưng họ không được truy cập vào các ứng dụng và dịch vụ khác của Google. Điều này trở thành chướng ngại to lớn cho Huawei khi muốn bán điện thoại ra thị trường quốc tế.
Huawei đang chạy đua phát triển hệ điều hành riêng, có tên HongMeng hay HarmonyOS cho các thiết bị của mình. Nhưng cho đến khi bù đắp được sự thiếu hụt ứng dụng và dịch vụ Google, Huawei vẫn đang phải chật vật trong việc gia tăng doanh số smartphone 5G trên toàn cầu. Có lẽ đây là lý do vì sao dù đã giảm nhẹ sự phụ thuộc vào linh kiện Mỹ, Huawei vẫn hy vọng được dỡ bỏ lệnh cấm để tiếp tục mua linh kiện Mỹ.
Tham khảo Nikkei
Theo: Theo Tổ Quốc
Nguồn: genk.vn