Mua điện thoại cao cấp ở VN, tôi không biết gì ngoài iPhone, Samsung

09:16 Chiều - 16/06/2019
0 Bình luận
675
bởi Phương Anh

Apple và Samsung là hai thương hiệu đang “nuốt trọn” thị phần smartphone cao cấp tại Việt Nam. Người dùng dần mất đi những lựa chọn từng là niềm tự hào.

“Khoảng 20 triệu đồng nên mua smartphone chính hãng nào dùng tốt?”, Nguyễn Hữu Điệp, một người bạn học chung trường đại học nhắn tin nhờ tôi tư vấn chọn điện thoại.

Tôi bắt đầu tham khảo qua một số mẫu máy từ Apple, SamsungHuawei tại các hệ thống bán lẻ. Tuy nhiên, đến lúc này tôi chợt nhận ra ngoài 3 thương hiệu kể trên, người dùng tại Việt Nam không còn sự lựa chọn nào đến từ các tên tuổi khác ở phân khúc cao cấp.

>> Có thể bạn quan tâm: Điện thoại thương hiệu Việt và nỗi đau gục ngã ngay trên sân nhà

iPhone, Samsung “nuốt trọn” phân khúc cao cấp

Theo số liệu từ GfK, Apple và Samsung là 2 thương hiệu đang “nuốt trọn” thị phần ở phân khúc smartphone cao cấp (sản phẩm có giá bán trên 15 triệu đồng).

Thị phần smartphone phân khúc cao cấp tại Việt Nam tháng 4.
Thị phần smartphone phân khúc cao cấp tại Việt Nam tháng 4.

Cụ thể, trong tháng 3/2019, 2 gã khổng lồ này chiếm 99,2% thị phần di động cao cấp tại Việt Nam với 42,8% thuộc về Apple và 56,4% của Samsung. Đến tháng 4, Apple vươn lên dẫn đầu với 59,1% thị phần, Samsung ở vị trí thứ 2 với 34,1% và xếp thứ 3 là Huawei với 6,5%.

Có thể thấy, tổng thị phần của tất cả thương hiệu còn lại gồm Oppo, Vivo, Xiaomi… luôn nằm dưới 1% ở phân khúc này. Thậm chí, nhiều tên tuổi như Vivo hay Nokia đã không bán ra smartphone cao cấp tại thị trường Việt Nam.

Hiện tại, Huawei là cái tên duy nhất vẫn đang cạnh tranh sòng phẳng với Apple và Samsung ở phân khúc di động cao cấp. Tuy nhiên, sau khi nằm trong danh sách đen của Mỹ, cùng với việc bị hàng loạt đối tác lớn như Google, Microsoft… ngừng hợp tác, nhiều chuyên gia nhận định hãng smartphone Trung Quốc khó có thể vươn lên ở Việt Nam.

“Sau khi bị Google ngừng hợp tác, lượng smartphone Huawei bán ra tại hệ thống giảm xuống tương đối nhiều. Việc Google đình chỉ hợp tác đã ảnh hưởng không hề nhỏ đến tâm lý người dùng. Khách hàng đang có sự đề phòng hơn”, ông Đặng Thanh Phong, đại diện truyền thông hệ thống TGDĐ chia sẻ.

Nhiều chuyên gia nhận định Huawei sẽ khó khăn hơn trong việc cạnh tranh với Apple và Samsung sau lệnh cấm vận. Ảnh: H.Đ.
Nhiều chuyên gia nhận định Huawei sẽ khó khăn hơn trong việc cạnh tranh với Apple và Samsung sau lệnh cấm vận. Ảnh: H.Đ.

Tình hình kinh doanh thiết bị từ Huawei tại các hệ thống bán lẻ khác cũng cho thấy thực trạng tương tự. Theo chia sẻ từ nhiều đại lý, sức hút của thương hiệu smartphone này đã giảm xuống rõ rệt so với trước.

>> Xem thêm: Loạt smartphone thích hợp để livestream, làm vlog

“Huawei sẽ ‘khó sống’ hơn tại Việt Nam trong thời gian tới. Hãng sẽ chịu nhiều thua thiệt trong cuộc chiến cao cấp với Apple và Samsung”, ông Mai Triều Nguyên, Giám đốc một hệ thống bán lẻ điện thoại di động ở TP.HCM.

HTC, Sony, LG, Nokia ở đâu?

Khoảng 3-4 năm trước, phân khúc di động cao cấp ở Việt Nam chứng kiến sự cạnh tranh gay gắt từ nhiều tên tuổi lớn trong làng di động như HTC, Sony và LG. Tuy nhiên, hiện tại, những thương này đã gần như biến mất hoặc rút khỏi thị trường.

LG vẫn liên tục ra mắt hàng loạt sản phẩm cao cấp mới trên thị trường quốc tế như G7 ThinQ, V50 hay gần đây nhất là mẫu G8 ThinQ. Tuy nhiên, nhà sản xuất Hàn Quốc đã rút mảng kinh doanh thiết bị di động khỏi thị trường Việt Nam từ cuối năm 2017. Người dùng Việt hiện chỉ có thể tiếp cận với những sản phẩm của hãng thông qua con đường xách tay.

Xperia XZ2 là mẫu di động cao cấp cuối cùng Sony bán ra tại Việt Nam trước khi rút khỏi thị trường. Ảnh: Lê Trọng.
Xperia XZ2 là mẫu di động cao cấp cuối cùng Sony bán ra tại Việt Nam trước khi rút khỏi thị trường. Ảnh: Lê Trọng.

Ngày 21/5, sau cuộc họp công bố chiến lược trong năm tài chính 2020, Sony đã quyết định thu hẹp một số thị trường có mức doanh số không khả quan như Ấn Độ, Australia, Canada, Nam Mỹ, châu Phi, Trung Đông, Đông Nam Á và Việt Nam.

Điều này đồng nghĩa với việc trong tương lai, người dùng Việt Nam sẽ chỉ có thể trải nghiệm những chiếc smartphone cao cấp từ thương hiệu Nhật Bản này thông qua con đường không chính ngạch. Trên thực tế, sau khi ra mắt thế hệ Xperia XZ2 vào tháng 4/2018, hãng đã ngừng mọi hoạt động kinh doanh mảng di động tại Việt Nam.

Trong khi đó, dù chưa chính thức rời thị trường nhưng các hoạt động kinh doanh của HTC chỉ được duy trì ở mức cầm chừng. Tháng 1/2018, Google đã thâu tóm một phần mảng di động của công ty Đài Loan với thương vụ trị giá 1,1 tỷ USD. Hiện tại, hãng chủ yếu tập trung vào phát triển mảng thực tế ảo.

HTC U12+ là mẫu máy cao cấp nhất được hãng ra mắt tại thị trường Việt Nam vào tháng 7/2018. Tuy nhiên, chiếc smartphone này chỉ được bán tại một số đại lý và hiện tại gần như biến mất khỏi thị trường.

Từ vị thế của những ông lớn trên thị trường di động, Sony, LG và HTC đã nhanh chóng bị bỏ lại phía sau, thị phần giảm dần và đứng trên bờ vực diệt vong. Có thể thấy, sự lựa chọn của người dùng đang dần thu hẹp, trong khi những tên tuổi mới từ Trung Quốc lại không đủ sức để cạnh tranh ở phân khúc cao cấp.

Khác với nhóm trên, Nokia đang “nghiêm túc” nhất ở mảng di động khi có doanh số khả quan nhờ điện thoại phổ thông và tầm trung tham gia dự án Android One, phần cứng tốt. Tuy nhiên, thương hiệu này vẫn chưa trở lại được nhóm cao cấp bởi chiếc Nokia 9 PureView là một nỗi thất vọng dài.

Smartphone Trung Quốc khó có thể cạnh tranh với Apple và Samsung về thương hiệu.
Smartphone Trung Quốc khó có thể cạnh tranh với Apple và Samsung về thương hiệu.

“Đối với những sản phẩm ở phân khúc cao cấp, thương hiệu là yếu tố đặc biệt quan trọng. Đây là điểm cốt lõi khiến smartphone Trung Quốc khó có ‘cửa’ để cạnh tranh với iPhone hay các mẫu Samsung Galaxy”, ông Mai Triều Nguyên nhận định.

Đây có thể là nguyên nhân khiến một số nhà sản xuất hạn chế mang thiết bị cao cấp về bán tại thị trường. Những mẫu máy như Vivo Nex S hay Nokia 9 đều là các sản phẩm cao cấp, sở hữu nhiều tính năng độc đáo nhưng không được 2 hãng này mang về Việt Nam.

“Điều này nằm ở tâm lý tiêu dùng của người Việt Nam. Samsung và Apple là 2 hãng đã có kinh nghiệm lâu năm sản xuất smartphone cao cấp nên nhận được lòng tin từ người dùng nhiều hơn”, ông Đặng Thanh Phong nói.

Bên cạnh đó, người dùng tại Việt Nam cũng có phần thiệt thòi hơn khách hàng ở Mỹ hay châu Âu khi nhiều mẫu máy cao cấp như Google Pixel hay OnePlus không được phân phối chính hãng. Hiện tại, người dùng chỉ có thể tiếp cận với những sản phẩm này thông qua các cửa hàng xách tay.

Theo: Thế Anh

Nguồn: News Zing

Tin liên quan

Scroll Top