Nghiện chụp “tự sướng” chính thức bị coi là bệnh tâm thần

11:54 Chiều - 31/12/2017
0 Bình luận
899
bởi Anh Tuấn

Nghiện chụp ảnh “tự sướng” (selfie) lâu nay vẫn được xem là thú vui vô hại cho tới khi một tạp chí sức khỏe uy tín thế giới phân loại hành vi này là một căn bệnh tâm thần thực sự. Bệnh thậm chí còn có tên gọi quốc tế là “Selfitis”.

Nghiện chụp “tự sướng”

Điều thú vị là, cách đây vài năm, vào năm 2014 trên mạng từng xuất hiện thông tin rằng, Hiệp hội tâm thần Mỹ (APA) đã coi tình trạng nghiện selfie là một rối loạn tâm thần. Tất nhiên, đây hoàn toàn là thông tin bịa đặt.

Tuy nhiên, hiện các nhà nghiên cứu đã chính thức công nhận sự tồn tại của căn bệnh tâm thần có tên Selfitis. Nhóm tác giả gồm chuyên gia Janarthanan Balakrishnan thuộc Trường quản lý Thiagarajar School ở Madura, Ấn Độ và Mark D. Griffiths đến từ Đại học Nottingham Trent ở Nottingham, Anh vừa công bố báo cáo nghiên cứu về căn bệnh mới này trên Tạp chí Sức khỏe tâm thần và Chứng nghiện quốc tế.

Nghiên cứu đã đưa ra một Thang hành vi Selfitis (SBS) để phân loại những người “ghiền” chụp selfie theo các mức khác nhau, phụ thuộc vào mức độ nặng – nhẹ của “bệnh tình”. Các chuyên gia sau đó đã áp dụng thang đánh giá nói trên để xem xét và phân chia 225 đối tượng nghiên cứu là sinh viên ở Ấn Độ vào 3 nhóm người chụp “tự sướng” khác nhau: những người bị bệnh selfitis nhẹ, cấp hoặc mạn tính.

Mọi thứ nghe có vẻ hài hước nhưng nghiên cứu thực sự phát hiện, 9% số người tham gia đã chụp hơn 8 bức ảnh selfie mỗi ngày và 25% chia sẻ ít nhất 3 bức ảnh trong số đó lên mạng xã hội.

“Xét một cách điển hình, những người mắc chứng Selfitis thường thiếu tự tin và tìm cách ‘thích nghi’ với những người xung quanh họ và có thể biểu hiện những triệu chứng tương tự nhưng các hành vi nghiện tiềm ẩn khác. Hiện, khi chúng ta đã công nhận sự tồn tại của chứng bệnh này, hy vọng rằng sẽ có thêm nhiều nghiên cứu nữa được tiến hành để hiểu rõ hơn về cách thức cũng như nguyên nhân tại sao mọi người lại mắc nó và những giải pháp có thể thực hiện để giúp những người bị ảnh hưởng nặng nề nhất”, nhà nghiên cứu Balakrishnan phát biểu trên tờ New York Post.

    Theo: Khôi Hồ

    Nguồn: Tạp chí công nghệ

    Tin liên quan

    Scroll Top