Hyun, một nhân viên văn phòng 36 tuổi tại Seoul (Hàn Quốc) có thói quen mua smartphone mới nhất ngay sau khi bán ra. Nhưng sau khi dùng Galaxy S7 edge cách đây hơn hai năm, ông không làm điều đó nữa vì cảm thấy thiết bị của mình đã đáp ứng đủ các nhu cầu. “Sản phẩm vẫn đáp ứng đầy đủ tiện ích, như thanh toán di động, có thiết kế hấp dẫn và thời lượng pin dài. Không lý do gì tôi mua smartphone mới cả”, Hyun nói.
Ông chỉ là một trong nhiều người không nâng cấp smartphone dù các hãng liên tục cho ra đời hàng loạt sản phẩm mới. Theo Korea Times, đây có thể xem là điều đương nhiên khi thị trường smartphone bão hòa, không nhiều sự đột phá.
Theo Strategy Analytics, doanh số bán hàng điện thoại thông minh toàn cầu lần đầu tiên đạt 1,5 tỷ máy vào năm 2017. Tuy nhiên, tổng doanh thu chỉ tăng 1,3% so với năm trước và giảm nhiều so với 2016.
Còn theo Gartner, doanh số smartphone đạt 408 triệu máy trong quý IV/2017, giảm 5,6% so với cùng kỳ năm 2016. Đây là lần đầu tiên thị trường smartphone toàn cầu sụt giảm về doanh số bán hàng kể từ 2004. Thời gian nâng cấp điện thoại kéo dài được cho là nguyên nhân chính.
Nghiên cứu của BayStreet Research cho thấy, chu kỳ thay mới smartphone của người dùng đang chậm đi. Năm 2014, thời gian thay mới trung bình của một người dùng smartphone là 23 tháng, nhưng đã tăng lên 31 tháng năm nay và dự kiến 33 tháng vào năm tới.
Để khuyến khích khách hàng mua smartphone, các nhà sản xuất đã tìm nhiều cách để tăng sức hấp dẫn sản phẩm. Bên cạnh nâng cấp tính năng trên Galaxy S, Galaxy Note, Samsung còn triển khai các chương trình khuyến mãi tặng quà với giá trị lớn khi người dùng đổi mới thiết bị đang dùng. Apple cũng cho phép người dùng iPhone cũ chuyển sang iPhone mới nhất mà không cần phải trả toàn bộ chi phí, hoặc mua với giá ưu đãi.
“Thị trường di động có thể có sự đổi mới cuối năm nay, khi smartphone với màn hình gập linh hoạt ra mắt. Khi đó, việc nâng cấp smartphone sẽ được ưu tiên hơn, còn hiện tại thì chưa”, một chuyên gia về phân tích thị trường, nhận định.
Theo: Bảo Lâm
Nguồn: VNExpress