Nhìn lại Kin: tưởng là át chủ bài của Microsoft và Verizon nhưng bị khai tử chỉ sau 48 ngày, rồi hồi sinh và khai tử lần nữa

11:36 Sáng - 01/09/2020
0 Bình luận
440
bởi An Bùi

Nếu nói rằng sự ra mắt của Microsoft Kin diễn ra không tốt thì sẽ là một cách nói quá nhẹ. Thảm họa thì đúng hơn.

Andy Rubin được nhiều người biết đến như là “cha đẻ của Android”, hay người tạo ra chiếc Essential Phone và có nhiều “scandal”. Tuy nhiên, có thể bạn không biết ngoài Essential thì Andy Rubin còn từng thành lập một công ty khác, là Danger Hiptop và công ty này từng tạo ra chiếc Sidekick cho T-Mobile. Điều này xảy ra còn trước khi Rubin tạo ra công ty Android Inc. và sau này được Google mua lại.

Nhìn lại Kin: tưởng là át chủ bài của Microsoft và Verizon nhưng bị khai tử chỉ sau 48 ngày, rồi hồi sinh và khai tử lần nữa - Ảnh 1.
Sidekick

Vài năm sau khi Rubin rời khỏi Danger, công ty được Microsoft tiếp nhận, gã khổng lồ phần mềm này cũng đang tìm kiếm hệ điều hành điện thoại thông minh lớn tiếp theo kể từ khi Windows Mobile lụi tàn.

Kết quả là chính là Kin series, bắt đầu với Kin One và Kin Two, cả hai đều ra mắt vào tháng 4 năm 2010. Thực ra, Kin đã bắt đầu trước khi Microsoft mua lại Danger, với tên “Project Pink”, nhưng Microsoft đã quá vội vàng nên đã chi 500 triệu USD vào 2008 để có được Danger và tăng tốc mọi thứ.

Nhìn lại Kin: tưởng là át chủ bài của Microsoft và Verizon nhưng bị khai tử chỉ sau 48 ngày, rồi hồi sinh và khai tử lần nữa - Ảnh 2.
Kin One

Kins là “điện thoại Windows”,  trước cả khi có hệ điều hành Windows Phone (11/2010). Thay vào đó, chúng dựa trên Windows CE, cũng là cốt lõi của Windows Mobile. Tuy nhiên, giao diện người dùng được xây dựng lại hoàn toàn bằng cách vay mượn nhiều từ Zune.

Nhìn lại Kin: tưởng là át chủ bài của Microsoft và Verizon nhưng bị khai tử chỉ sau 48 ngày, rồi hồi sinh và khai tử lần nữa - Ảnh 3.
Kin Two

Microsoft đang nhắm mục tiêu vào người dùng trẻ – cả hai chiếc Kin đều tập trung vào nhắn tin và mạng xã hội. Twitter, Facebook, MySpace,… đều có. Đó là một khởi đầu mới rất cần thiết vì Windows Mobile luôn trông giống như Windows 95 mini và thường được nghĩ đến như các máy tính bỏ túi được sử dụng bởi dân kinh doanh nghiêm túc.

Kin OS cho thấy những điểm tương đồng với những gì sẽ trở thành Windows Phone. Màn hình chính dựa trên các ô và trông giống như một nguyên mẫu của Metro UI. Các địa chỉ liên hệ và tin nhắn từ các nền tảng khác nhau được tổng hợp tương tự trong Loop, như People Hub trên WP7.

Một tính năng thú vị khác là Spot. Bạn có thể kéo bất cứ thứ gì vào vòng tròn nhỏ màu xanh lục, đó có thể là ảnh, video, trang web, v.v., chọn một liên hệ và điện thoại sẽ gửi tin nhắn hoặc email.

Nhìn lại Kin: tưởng là át chủ bài của Microsoft và Verizon nhưng bị khai tử chỉ sau 48 ngày, rồi hồi sinh và khai tử lần nữa - Ảnh 4.
Nhìn lại Kin: tưởng là át chủ bài của Microsoft và Verizon nhưng bị khai tử chỉ sau 48 ngày, rồi hồi sinh và khai tử lần nữa - Ảnh 5.

Tuyệt vời nhất là Kin Studio, ảnh, video và thậm chí cả tin nhắn của bạn sẽ đồng bộ hóa với dịch vụ đám mây để bạn có thể truy cập chúng thông qua trình duyệt trên máy tính. Trang web thậm chí còn có Spot, vì vậy bạn có thể chia sẻ mọi thứ từ đó.

Kin One và Two được trang chipset Nvidia Tegra đời đầu tốc độ 600 MHz. Bạn có thể nghĩ rằng Windows CE sẽ hoạt động tốt trên chip đó. Tuy nhiên, giao diện mới hiện đại hơn và có đồ họa cao cấp mà chipset không thể đáp ứng được.

Nhìn lại Kin: tưởng là át chủ bài của Microsoft và Verizon nhưng bị khai tử chỉ sau 48 ngày, rồi hồi sinh và khai tử lần nữa - Ảnh 6.

Kin OS là hệ điều hành còn nhiều thiếu sót. Nó thiếu cửa hàng ứng dụng hoặc bất kỳ phương tiện nào khác để chạy các ứng dụng của bên thứ ba. Điều này rất cần thiết vì điện thoại không có một số ứng dụng cần thiết, như ứng dụng lịch. Không có tin nhắn tức thời hay sửa lỗi chính tả và điều đó thật nực cười vì…

Kin nhắm mục tiêu đến thanh thiếu niên và thanh niên – bạn biết đấy, những người thích nhắn tin hơn là nói chuyện điện thoại. Vì vậy, Kin có bàn phím QWERTY dạng trượt. Kin One trượt dọc trong khi chiếc Two quay sang hướng ngang.

Bạn có thể thấy những điểm tương đồng giữa Danger Hiptop và Kin Two. Không quá ngạc nhiên khi Sharp xây dựng phần cứng cho cả hai. Nhưng hai thiết bị này cũng có chung DNA với T-Mobile G1, chiếc Android đầu tiên. Đó là di sản của Danger.

Nếu nói rằng sự ra mắt của Microsoft Kin diễn ra không tốt thì sẽ là một cách nói quá nhẹ. Thảm họa thì đúng hơn. Các điện thoại đã bị ngừng sản xuất chỉ sau 48 ngày. Đúng vậy, chúng không tồn tại đủ hai tháng trước khi Microsoft và Verizon khai tử.

Nhìn lại Kin: tưởng là át chủ bài của Microsoft và Verizon nhưng bị khai tử chỉ sau 48 ngày, rồi hồi sinh và khai tử lần nữa - Ảnh 7.

Verizon từng bán Kin One với giá 20 USD và chiếc Two với giá 50 USD. Quá rẻ phải không? Có một điểm khó hiểu – nhà cung cấp dịch vụ yêu cầu người mua phải mua thêm gói dữ liệu không giới hạn 30 USD một tháng và đó là quá nhiều so với mục tiêu mà hai chiếc máy này hướng tới.

Microsoft không hài lòng và một số người nói rằng đây là lý do tại sao Verizon không được chọn làm đối tác ra mắt cho Windows Phone.

Nhìn lại Kin: tưởng là át chủ bài của Microsoft và Verizon nhưng bị khai tử chỉ sau 48 ngày, rồi hồi sinh và khai tử lần nữa - Ảnh 8.

Sau khi khai tử Kin vào tháng 6 năm 2010, Verizon đã đưa chúng trở lại vào tháng 11 cùng năm. Về mặt kỹ thuật, đây là Kin ONEm và TWOm (“m” cho “multimedia”) và chúng không phải là điện thoại thông minh. 

Và vì gói dữ liệu là một phần chính khiến những chiếc Kin trước thất bại, nhà mạng đã quyết định loại bỏ tích hợp mạng xã hội và hạn chế phát nhạc Zune Pass chỉ qua Wi-Fi. Về cơ bản, mọi tính năng yêu cầu nhiều dữ liệu di động đã bị loại bỏ. Ít nhất điện thoại “m” có lịch và ứng dụng máy tính.

Dễ dàng nhận thấy m không bao giờ có thể thành công. Mặc dù vậy, chúng tồn tại lâu hơn một chút so với Kin đời đầu – cái kết không thể tránh khỏi đã đến vào cuối tháng 8 năm 2011 khi Verizon khai tử Kin lần hai.

Tham khảo: GSMArena

Theo: Trí Thức Trẻ

Nguồn: genk.vn

Tin liên quan

Scroll Top