Năm 1996, thứ gọi là “Internet” mới đang bắt đầu phát triển, cho phép mọi người gửi “e-mail” và khám phá “World Wide Web” từ máy tính của họ. Trong khi đó, mạng GSM ngày càng phát triển cho phép hàng triệu người thực hiện và nhận cuộc gọi bên ngoài nhà và văn phòng.
Có một thiết bị nằm ở giao điểm của hai xu hướng đang phát triển đó và là một trong những thiết bị đầu tiên mà chúng ta có thể mô tả ngày nay là điện thoại thông minh. Đây là câu chuyện của Nokia 9000 Communicator.
Tất nhiên, hồi đó nó không có cái được gọi là “điện thoại thông minh”. Thay vào đó, chiếc máy này có thể được mô tả như một “palmtop PC”, một chiếc PC trong lòng bàn tay. Tuy nhiên, kích thước của máy khá lớn – nặng gần 400g.
Với cấu hình thời đó, đây chắc chắn là một chiếc PC, nó chạy hệ điều hành dựa trên DOS và có chip Intel 386. CPU này được giới thiệu lần đầu tiên vào năm 1985 và đưa kiến trúc x86 vào kỷ nguyên 32-bit. Mặc dù đã hơn một thập kỷ vào thời điểm Communicator xuất hiện, nhưng vẫn khá ấn tượng khi thấy nó hoạt động ở tốc độ 24 MHz trên thiết bị cầm tay.
Tuy nhiên, phần mềm của Nokia 9000 Communicator không sử dụng 32-bit. PEN / GEOS 3.0 dựa trên GEOS 16-bit – một hệ điều hành sơ khai với giao diện đồ họa đã “cố gắng hết sức” để trông giống như Windows 95 khi chạy trên máy tính.
Tuy nhiên, khi chạy trên Nokia 9000 Communicator, nó sử dụng giao diện người dùng hoàn toàn khác. Một phần không nhỏ là do nó bị giới hạn bởi màn hình LCD 640 x 200 px, chỉ có thể hiển thị thang độ xám.
Chiếc điện thoại này có thiết kế giống máy tính xách tay với màn hình lớn và bàn phím QWERTY ở bên trong. Bên ngoài là một màn hình nhỏ và một bàn phím T9 – đây là phần điện thoại của thiết bị. Tai nghe và ống nghe nằm ở “mặt sau”, vì vậy bạn cần phải lật ra mặt sau để gọi thoại, nghĩa là màn hình và bàn phím sẽ quay ra phía ngoài, trông khá là “dị”.
Điều thú vị là hai nửa của máy khá tách biệt với nhau. Bạn có thể bật và tắt nguồn phần điện thoại mà không ảnh hưởng đến nửa “PC”. Tuy nhiên, chúng vẫn có một mối liên hệ, cho phép bạn gõ SMS hoặc chỉnh sửa thông tin liên hệ bằng bàn phím.
Bạn cũng có thể đồng bộ danh bạ và lịch của mình với phần máy tính. Điều này đã được thực hiện theo một cách phức tạp.
Phần mềm PC đi kèm với một đĩa mềm 3.5”. Bạn phải sử dụng cáp đồng bộ có đầu nối D-sub ở đầu PC và đầu nối độc quyền ở đầu điện thoại. Nhưng bạn không thể chỉ cắm nó ngay vào điện thoại. Bạn cũng không thể cắm cáp sạc trực tiếp vào máy. Thay vào đó, bạn đã cắm cả hai cáp vào bộ adapter, rồi cắm adapter vào điện thoại. Điều đáng nói là adapter này khá nhỏ, lại được thiết kế rời, nên khá dễ “mất tích”.
Ngoài ra còn có một cổng Hồng ngoại, có thể được sử dụng để đồng bộ hóa hoặc in tài liệu không dây. Nên nhớ chiếc máy này xuất hiện trước khi Bluetooth có mặt trên điện thoại, nói gì đến Wi-Fi.
Nhưng bạn không cần máy tính để thực hiện nhiều công việc hàng ngày, đó là trọng tâm của Nokia 9000. Bạn có thể dễ dàng trả lời email bạn nhận được khi ở xa văn phòng. Bạn thậm chí có thể nhận được fax – thời đó vẫn được các doanh nghiệp sử dụng nhiều.
Internet và fax được truyền qua kết nối CSD (Circuit Switched Data – mạch chuyển dữ liệu) 9.600 bis mỗi giây rất chậm. Nhận một trang sẽ mất hơn 40 giây. Bạn cũng có thể lướt Internet sơ khai nhờ trình duyệt được cài đặt sẵn, cũng cực chậm.
Đáng tiếc là GeoWrite, trình soạn thảo tài liệu của GEOS, không có trên Communicator. Chỉ có một ứng dụng ghi chú đơn giản. Điều đó có lẽ ổn, bàn phím QWERTY chắc chắn giúp nhập liệu văn bản dễ dàng hơn so với bàn phím điện thoại T9 lúc bấy giờ.
Nokia 9000 Communicator
Vài năm sau, công ty Phần Lan giới thiệu Nokia 9110 Communicator được cải tiến nhiều. Nó nhẹ hơn nhiều ở mức “chỉ” 253g và ăng-ten bên ngoài có thể được gập vào thân máy. Tuyệt vời hơn nữa, bộ adapter ngớ ngẩn đã được loại bỏ, cho phép bạn cắm cáp trực tiếp vào điện thoại. CPU đã được nâng cấp lên CPU 486 do AMD sản xuất, chạy ở tốc độ 33 MHz.
Model này cũng đã thêm thẻ MMC để mở rộng dung lượng lưu trữ. Cả phiên bản mới và Communicator ban đầu có tổng cộng 8 MB bộ nhớ trong, trong đó 2 MB được dành riêng cho dữ liệu của bạn.
Model tiếp theo là 9210 Communicator đã chuyển sang Symbian, đây là hệ điều hành được lựa chọn cho đến “người kế thừa tinh thần” của Communicator, Nokia E7, nhưng đó là một câu chuyện khác.
Tham khảo: GSMArena, Nokia Phones Collection
Theo: Trí Thức Trẻ
Nguồn: genk.vn