Samsung, MediaTek – những niềm hy vọng ‘ảo ảnh’ của Huawei

12:48 Chiều - 21/06/2020
0 Bình luận
345
bởi Đức Nguyễn

Khi chính quyền Mỹ ban bố điều luật mới ngăn chặn hợp tác giữa Huawei và hãng gia công chip hàng đầu thế giới TSMC, có ít nhất 2 tên tuổi đã được nhắc đến với vai trò nhà sản xuất chip tiềm năng cho những chiếc P và Mate của tương lai. Đầu tiên, thương hiệu giá rẻ Honor của Huawei đưa ra tuyên bố sẽ “tiếp tục sử dụng chip 5g của MediaTek” trong tương lai, dẫn đến những phỏng đoán rằng công ty mẹ sẽ dùng MediaTek để “lách” qua lệnh cấm của nước Mỹ. Theo phỏng đoán của hãng tin Nikkei, MediaTek sẽ “thay mặt” Huawei mua chip từ TSMC sau đó bán lại cho Huawei để tránh các quy định từ nước Mỹ.

Tiếp đến, trong những tuần gần đây Samsung lại được nhắc đến với vai trò là nhà cung ứng mới cho Huawei. Theo tạp chí EE Times, Samsung đã thiết lập được một dây chuyền nhỏ chỉ sử dụng các thiết bị của Nhật và châu Âu, trong đó có máy khắc chip EUV của ASML (Hà Lan) và máy kiểm tra chip Lasertech (Nhật Bản). Nhờ không sử dụng dây chuyền có công nghệ của Mỹ, Samsung vẫn được quyền cung ứng chip cho Huawei.

Tính đến ngày hôm nay, cả 2 thông tin này đều đã bị phủ nhận. Và thực tế là Huawei không còn bất cứ niềm hy vọng nào cả.

Samsung, MediaTek - những niềm hy vọng ảo ảnh của Huawei - Ảnh 1.

Sau lệnh cấm mới từ Bộ Thương mại Hoa Kỳ, Huawei bị tước quyền tiếp cận chuỗi cung ứng bán dẫn trên toàn cầu.

Bởi khi ra tay phá bỏ mối quan hệ làm ăn giữa Huawei và TSMC, Bộ Thương mại Hoa Kỳ cũng đã khép lại mọi cánh cửa đưa Huawei vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuyên bố của cơ quan này vào ngày 15/5 không đề cập cụ thể đến TSMC hay bất kỳ đối tác nào mà chỉ nhắc đến tất cả “các thiết kế bán dẫn”, các “chipset” có sử dụng tới các công nghệ và phần mềm trong danh sách kiểm soát của chính phủ Mỹ. Nếu một công ty nào đó muốn cung cấp cho Huawei các loại hàng hóa có sử dụng công nghệ Mỹ trong quá trình sản xuất, công ty này sẽ phải xin phép nước Mỹ. Và, trong bối cảnh chiến tranh thương mại vẫn đang căng thẳng, gần như chắc chắn các đơn xin cấp phép này sẽ bị từ chối.

Nói cách khác, Huawei chỉ có thể mua chip (hoặc thuê sản xuất) từ các công ty KHÔNG sử dụng một chút công nghệ Mỹ nào trên toàn bộ dây chuyền. Điều này là gần như bất khả thi. Là quốc gia đi đầu về công nghệ mạch tích hợp và bán dẫn, nước Mỹ nắm trong tay các bằng sáng chế cốt lõi nhất, cơ bản nhất của công nghệ silicon. Thực tế, cái tên “Thung lũng Silicon” được nhiều quốc gia học hỏi không bắt nguồn từ những cuộc cách mạng sau này như PC (Apple, IBM, Microsoft) hay Internet (Google, Facebook) mà bắt nguồn từ những sáng tạo tiền khởi trên lĩnh vực bán dẫn như Fairchild và Intel.

Với vai trò tiền khởi này, nước Mỹ hiển nhiên cũng đang sở hữu một kho bằng sáng chế đồ sộ. Tiếp bước Fairchild và Intel, các tên tuổi ngành chip xuất hiện sau này như Qualcomm, NVIDIA, AMD, Broadcom và Texas Instrument càng củng cố thêm quyền kiểm soát của nước Mỹ lên nền công nghiệp bán dẫn toàn cầu. Ví dụ, tính đến 2017 Intel có 90,000 bằng sáng chế được IPO ghi nhận, Texas Instrument có 46.000 và Qualcomm có 130,000. Tuy không nắm quyền kiểm soát lên toàn bộ ngành công nghiệp bán dẫn hiện tại, vị thế tiên phong vào thập niên 70 cũng như vị thế dẫn đầu của các công ty Mỹ hiện tại vẫn cho phép nước Mỹ có thừa đủ quyền lực để trừng phạt bất cứ công ty nào “dám” lách luật để bắt tay với Huawei.

Samsung, MediaTek - những niềm hy vọng ảo ảnh của Huawei - Ảnh 2.

Vị thế của nước Mỹ trong ngành công nghiệp hi-tech trước hết bắt nguồn từ lĩnh vực bán dẫn.

Samsung, MediaTek - những niềm hy vọng ảo ảnh của Huawei - Ảnh 3.

“Nắm dao đằng chuôi”: Tuy không còn trực tiếp sản xuất chip, nước Mỹ lại nắm vị thế áp đảo trên lĩnh vực thiết bị sản xuất chip.

Chưa dừng lại ở đây, 3 trong số 5 công ty bán thiết bị sản xuất chip bán dẫn cũng là các công ty Mỹ. Một số công ty tuy không có trụ sở tại Mỹ nhưng vẫn có liên hệ chặt chẽ tới nước Mỹ và do đó buộc phải chấp nhận lệnh cấm mới được ông Trump ban bố. Đáng chú ý nhất trong số này là ARM: tuy có trụ sở tại Anh, ARM lại cung cấp chip sử dụng kiến trúc tập lệnh RISC, vốn được tiên phong bởi Đại học California, Berkeley và IBM.

Không có cách nào để Huawei (hay một công ty Trung Quốc nào đó) có thể sản xuất chip mà không động chạm đến công nghệ hay thiết bị của nước Mỹ cả. Sự im lặng từ chính các công ty gia công chip khác có thể coi là minh chứng cho thấy Huawei đã thực sự bị đẩy vào thế đường cùng. Cần phải chỉ ra rằng, với vị trí số 2 thế giới về thị phần smartphone, Huawei đã luôn là khách hàng “sộp” của các công ty cung ứng – thậm chí còn là khách hàng lớn thứ 2 của TSMC, chỉ đứng sau Apple. Bất kỳ một công ty cung ứng nào vì thế cũng đều muốn làm ăn với Huawei, và việc họ phải im lặng thay vì tranh giành chỗ trống của TSMC để lại đã cho thấy một sự thật duy nhất: không có cách nào để lách qua lệnh cấm mới được ông Trump ban hành.

Giới “thạo tin” có lẽ sẽ không dừng lại ở đây. Sau MediaTek và Samsung, họ có lẽ sẽ kể thêm một vài công ty châu Âu hoặc Nhật Bản khác và coi đó là con đường sống của Huawei. Nhưng sự thật vẫn chỉ có một: sau hơn một năm, chính quyền Trump đã tìm thấy đòn kết liễu dành cho Huawei. Bị cắt đứt khỏi chuỗi cung ứng silicon toàn cầu, nơi nước Mỹ nắm quyền kiểm soát tuyệt đối, Huawei hiện tại không còn lối ra nữa. Hãy cùng chờ xem gã khổng lồ công nghệ lớn nhất Trung Quốc giải quyết bài toán cực khó này như thế nào.

Theo: CL

Nguồn: soha.vn

Tin liên quan

Scroll Top