Một số người tham dự buổi giới thiệu sản phẩm của Samsung tại CES 2020 đã phát hiện ra một vài thứ quen thuộc đến lạ thường.
Cụ thể, trong một slide về Samsung Pass, sản phẩm “quản lý nhận dạng như một dịch vụ” dựa trên sinh trắc học mới của hãng, Samsung có đưa vào một logo trông như “mượn” từ biểu tượng Face ID của Apple.
Logo giống đến đáng ngạc nhiên này là ví dụ mới nhất của việc Samsung “lấy cảm hứng” từ các thiết kế của Apple. Nhưng liệu Apple có nên gọi độ ngũ luật sư của họ để nhanh chóng giành lấy một chiến thắng dễ dàng trước Samsung hay không? Về mặt pháp lý, mọi thứ có lẽ phức tạp hơn so với những gì bạn thấy.
Trên lý thuyết, Apple đang có lợi thế. Hãng rõ ràng đã sử dụng logo Face ID từ lâu trước khi Samsung làm điều tương tự. Face ID mới chỉ xuất hiện vào năm 2017 trên iPhone X. Nhưng biểu tượng của nó lại được lấy từ logo Macintosh nguyên bản từ những năm 1980, với một hình mặt cười.
Apple đã đăng ký thành công logo Face ID tại nhiều nơi trên thế giới. Nói cách khác, logo này đã được pháp luật bảo vệ.
Logo Happy Mac nguyên bản (trái) và logo Face ID (phải)
Có “vay mượn” biểu tượng Face ID hay không?
“Về mặt bản quyền, ngưỡng bảo vệ các ẩn ý trong giao diện người dùng – như sử dụng hình thùng rác để biểu đạt hành động xóa – là khá cao” – Anna Ronkainen, một học giả về sở hữu trí tuệ tại Đại học Helsinki nói.
Apple đã có một trải nghiệm đau thương về vấn đề này trong quá khứ. Vào những năm 1990, hãng đã đối đầu với Microsoft và HP tại tòa về vấn đề xâm phạm bản quyền. Trong các vụ việc đó, nhiều khẳng định của Apple đã không được chấp nhận.
Nếu Apple chọn bảo vệ thương hiệu của hãng trong vụ việc mới nhất với Samsung lần này, Ronkainen cho rằng Samsung có thể đưa ra những lý lẽ về tính minh bạch của biểu tượng. Có nghĩa là họ có thể tranh luận rằng người tiêu dùng thông thường sẽ xem biểu tượng khuôn mặt cười có mối liên hệ nào đó với việc đăng nhập sinh trắc học thông qua nhận dạng khuôn mặt nói chung.
Để giành được chiến thắng, biểu tượng trên phải có nét riêng để khiến mọi người nhận định nó ám chỉ công nghệ Face ID đã được Apple đăng ký bằng sáng chế.
Samsung có thể biện minh rằng thương hiệu này lẽ ra không bao giờ nên được cấp cho Apple ngay từ đầu. Nếu sự việc diễn ra như vậy, Ronkainen cho biết cả hai sẽ phải sẽ phải ra tòa. “Kết quả là không thể dự đoán trước được”. Bất khả thi, trừ một việc có thể biết chắc: Apple và Samsung sẽ phải đấu nhau trước tòa trong nhiều năm trời.
Người dùng được gì?
Dù hành vi “lấy cảm hứng” của Samsung là khá đáng ngờ, nhưng Ronkainen chỉ ra rằng sự giống nhau đó có thể không hẳn là điều xấu đối với người tiêu dùng thông thường.
Theo cô, sự tương đồng về những yếu tố trong giao diện người dùng lại là điều tốt, bởi “chúng khiến mọi chuyện dễ dàng hơn nhiều đối với những ai chuyển đổi qua lại giữa các thiết bị và các ứng dụng của nhiều nhà cung cấp khác nhau”.
Đúng là việc làm của Samsung có đôi chút mờ ám, nhưng việc người dùng phải nhớ những biểu tượng khác nhau cho cùng một chức năng như nhau rõ ràng không mấy dễ chịu. Trong một thời đại nơi mọi thứ hoạt động liền lạc, điều đó sẽ không hề tốt cho người dùng.
Dù sao thì các nhà thiết kế biểu tượng của Samsung cũng nên tập đưa ra những ý tưởng độc đáo và mới lạ hơn một chút trong các bản thiết kế của họ đi thôi!
Tham khảo: CultofMac
Theo: Theo Trí Thức Trẻ
Nguồn: genk.vn