Dưới đây là lý do tại sao bạn cần quan tâm đến sự khác biệt giữa MagSafe chính hãng Apple và MagSafe bên thứ ba, và những điều bạn nên chú ý khi tìm mua một đế sạc MagSafe.
Đế sạc MagSafe
Khi lần đầu trang bị tính năng sạc không dây chuẩn Qi cho iPhone 8 và iPhone X, Apple giới hạn công suất sạc ở mức 5W trước khi tăng lên 7.5W nếu sử dụng những đế sạc đặc biệt do hãng khuyến nghị. Kể từ đó, công suất sạc không dây tối đa của mọi mẫu iPhone mới đều dừng lại ở 7.5W, dù cho các đối thủ của họ đã “lên cung trăng” từ đời nào.
Nhưng mặc cho có tốc độ sạc cao hơn, công nghệ sạc không dây từ các đối thủ của Apple lại không thực sự ấn tượng như bạn vẫn nghĩ. Dù công suất hỗ trợ có thể đạt đến mức tối đa 10W hoặc 15W (chuẩn Qi), nhưng tốc độ sạc, vị trí đặt thiết bị trên đế sạc, và nhiệt toả ra sẽ nhanh chóng khiến mọi thứ chẳng khác iPhone là bao.
Để khắc phục những hạn chế, Apple đã giới thiệu MagSafe tại sự kiện iPhone 12 vào cuối năm 2020. Chuẩn kết nối mới này mở ra nhiều cánh cửa tiềm năng cho người dùng iPhone, nhưng một trong những lợi ích đáng kể nhất chính là khả năng sạc điện thoại với công suất lên đến 15W.
Những nam châm bên trong MagSafe giúp căn chỉnh vị trí đế sạc sao cho hợp lý, giúp nó hoạt động hiệu quả nhất có thể. Nó sử dụng một cuộn cảm tuỳ biến, hơi khác so với với Qi để đạt được tốc độ cao hơn mà không toả ra nhiều nhiệt.
Hấp dẫn là vậy, nhưng MagSafe vẫn tương thích ngược với Qi. Điều đó có nghĩa iPhone 12 có thể sạc bằng đế sạc Qi và đế sạc MagSafe có thể sạc các thiết bị Qi như các mẫu iPhone cũ và AirPods.
Khả năng tương thích ngược này chính là điều gây ra nhiều sự hiểu lầm trên thị trường.
Không phải đế sạc MagSafe
Phát triển một chuẩn mới cần nhiều thời gian và những quy định liên quan đến nó. Bởi đế sạc MagSafe yêu cầu chứng nhận và sự chấp thuận từ Apple, nên chúng khá chậm xuất hiện trên thị trường. Một số ít đế sạc MagSafe mà chúng ta đã biết – ví dụ như của Belkin – hiện đang dần được tung ra thị trường, và để làm được điều đó, họ đã phải làm việc với Apple thậm chí từ trước khi MagSafe chính thức ra mắt.
Chính điều này khiến chúng ta tự hỏi: tại sao trên Amazon lại có lắm đế sạc “MagSafe” đến thế? Câu trả lời rất đơn giản: chúng không phải những đế sạc MagSafe thực thụ.
Nhiều nhà sản xuất phụ kiện đã chọn một con đường đơn giản hơn nhiều: lấy một đế sạc chuẩn Qi, rồi thêm các linh kiện nam châm vào rìa của nó để có thể kết nối từ tính vào mặt lưng của iPhone 12. Điểm khác biệt đáng kể nhất ở đây là những đế sạc này thường chỉ có công suất 5W, hoặc tối đa là 7.5W – tức chỉ bằng một nửa so với đế sạc MagSafe của Apple.
Những đế sạc này, thường có giá bằng một nửa đế sạc Apple, có phần miêu tả không rõ ràng. Các nhà sản xuất không nói dối về sản phẩm, nhưng lại tung ra những thông tin mập mờ gây hiểu nhầm, khiến người dùng tin rằng sản phẩm của họ là những đế sạc MagSafe thực thụ.
Những đế sạc không dây như vậy đến từ nhiều hãng có tên tuổi như Sonix, ESR, Anker, RAVPower, Satechi… Mỗi đế sạc lại được đặt một cái tên riêng khá kêu, và thường cẩn trọng tránh sử dụng cụm từ “MagSafe” vì lo ngại lùm xùm với Apple.
Cách phát hiện điểm khác biệt giữa đế sạc MagSafe của Apple và những bản sao của nó
Khi quan sát những đế sạc như đã nói ở trên, có một vài dấu hiệu rõ ràng cho thấy chúng không phải MagSafe. Bởi các thiết bị MagSafe cần được chứng nhận, chúng sẽ có một huy hiệu “Made for iPhone” dán trên vỏ hộp. Các nhà sản xuất thường ghi rõ “MFi-certified” hoặc “Apple Certified” trên miêu tả sản phẩm và trên vỏ hộp. Nếu không thấy dòng chữ này, đế sạc bạn mua không phải là MagSafe.
Một dấu hiệu khác là tốc độ sạc, thông tin không phải lúc nào cũng được nêu rõ. Đôi lúc, nhà sản xuất chỉ tiết lộ công suất đầu vào, nhưng công suất này không nhất thiết phải giống với công suất đầu ra. Ví dụ, nếu công suất đầu vào là 10W, thì đế sạc có thể chỉ đạt được 75% của con số đó, tức 7.5W.
Nếu trong thông tin đế sạc không nêu rõ công suất cung cấp cho thiết bị là 15W, thì đế sạc này nhiều khả năng chỉ là một đế sạc Qi với vòng nam châm tương thích MagSafe mà thôi.
Cuối cùng, hãy nhìn vào phần đầu cắm USB-C khá lớn của đế sạc. Để làm những đế sạc này đủ nhỏ, có thể vừa khít với mặt lưng của thiết bị, các nhà sản xuất thường sẽ đưa các linh kiện từ bên trong đế sạc ra ngoài phần đầu cắm USB. Hãy nhìn bức ảnh trên: đế sạc “MagSafe” do Satechi sản xuất có đầu cắm USB-C lớn bất thường. Một đế sạc MagSafe đúng nghĩa sẽ không gặp vấn đề này.
Không phải MagSafe chính hiệu cũng chưa hẳn là xấu
Bạn không nên mua những của sạc USB sử dụng dòng điện xoay chiều (gọi tắt là USB AC, là loại củ sạc USB phổ biến trên thị trường hiện nay) siêu giảm giá. Dù các công ty như Anker cung cấp nhiều sản phẩm chất lượng, các loại củ sạc USB AC bán tại các cửa hàng tạp hoá lại không tốt chút nào.
Apple đã tích hợp nhiều công nghệ vào các củ sạc USB AC của mình để ngăn mặt AC của củ sạc tiếp xúc gần với mặt DC (dòng điện một chiều), từ đó giảm đáng kể khả năng sợi cáp Lightning, iPhone, hay iPad của bạn bị nướng chín vì tiếp xúc trực tiếp với điện xoay chiều. Khi mổ xẻ những củ sạc AC bên thứ ba giá rẻ, bạn sẽ thấy không hề có các biện pháp bảo vệ như vậy – một số thậm chí chẳng hề có bất kỳ biện pháp an toàn nào cả.
Trong trường hợp MagSafe, khả năng dòng điện xoay chiều tiếp xúc với iPhone là zero, dù cho đế sạc bị lỗi do nhà sản xuất đi nữa. Trừ khi có cháy, đế sạc sẽ hứng toàn bộ thiệt hại, không phải điện thoại của bạn. Đó là lý do tại sao chọn đế sạc Qi lại có phần dễ thở hơn so với việc chọn củ sạc USB.
Đối với các đế sạc nhái MagSafe, các nhà sản xuất không phải lúc nào cũng tìm cách đánh lừa người tiêu dùng. Một số nhà sản xuất nêu rõ đế sạc của họ có thể làm được gì, trong khi các nhãn hiệu ít nổi tiếng hơn có thể tìm cách đánh lừa người dùng, khiến họ tin đế sạc có những tính năng mà chúng thực ra không có.
Những đế sạc tương thích với vòng nam châm MagSafe thực ra không hề ngớ ngẩn, và có thể là một món hời. Việc một đế sạc không dây có thể kết nối từ tính với thiết bị rõ ràng tiện lợi hơn hẳn so với thông thường. Đôi lúc, những đế sạc này còn có những phụ kiện kèm theo cho phép chúng hoạt động với các điện thoại cũ hơn, và mang khả năng sạc tương tự MagSafe lên các thiết bị đời trước này.
Điểm chính yếu mà bạn cần nhớ là cách nhận biết sự khác biệt giữa một đế sạc từ tính 15W, tốc độ cao, được Apple chứng nhận, và một đế sạc Qi rẻ hơn, chậm hơn. Miễn là bạn biết sự khác biệt, chẳng có lý do gì lại không thử những đế sạc kia một lần cả.
Những đế sạc MagSafe chính hiệu duy nhất ở thời điểm hiện tại là cáp sạc của chính Apple cùng với MagSafe Duo, hoặc Belkin BoostCharge Pro. Nếu bạn không ngại tốc độ chậm, hãy thử bất kỳ đế sạc nào đang bán ngoài kia.
Nếu bạn mua sản phẩm từ một công ty uy tín, bạn sẽ có được một đế sạc không dây thông thường bền bỉ, tiện lợi, và đáng tin cậy, đặc biệt là có giá dễ thở hơn nhiều cho đến khi các đế sạc MagSafe thực thụ của bên thứ ba bắt đầu hiện diện đông đúc hơn trên thị trường.
Tham khảo: AppleInsider
Theo: Pháp luật & Bạn đọc
Nguồn: genk.vn