Theo công bố của Samsung, Galaxy S20 Ultra tại Việt Nam sẽ trang bị RAM LPDD5 tối đa có dung lượng 12GB.
Nhiều người có thể thắc mắc tại sao Samsung lại tích hợp nhiều RAM đến vậy cho một chiếc smartphone trong khi hầu hết mọi tác vụ nặng trên máy chỉ cần từ khoảng 6-8GB RAM là đủ. Tuy nhiên Samsung chắc chắn có lý do để làm điều này chứ không hẳn đưa vào cho vui.
Smartphone sử dụng RAM như thế nào?
Mỗi một chiếc smartphone bán ra đều có một dung lượng RAM cụ thể và chúng ta khó có thể làm cách nào tăng nó lên được. Điều đó có nghĩa rằng, smartphone sẽ cần phải phân bổ số RAM đó sao cho hợp lý để thiết bị hoạt động trơn tru nhất.
Khi bạn bật smartphone lên, điều dễ thấy nhất dung lượng RAM không bao giờ được như nhà sản xuất công bố. Đơn giản bởi số RAM này cần phải phân bổ cho cả hệ thống, bao gồm kernel, chip xử lý và GPU.
Như vậy thực tế người dùng chỉ còn lại không nhiều dung lượng RAM để chạy các ứng dụng di động. Ví dụ nếu smartphone của bạn có 6GB RAM, tức là sau khi khởi động xong, bạn còn khoảng 2,75 – 3GB RAM. Tất nhiên đây không hẳn là con số quá lớn nhưng là đủ cho hầu hết tác vụ của người dùng.
Mặc dù vậy các ứng dụng di động đang ngày càng nặng và chiếm nhiều RAM hơn. Nếu bạn muốn máy chạy ổn định nhất, bạn sẽ cần nhiều RAM hơn. Hoặc không bạn sẽ phải tắt các ứng dụng không cần thiết để ưu tiên RAM cho các ứng dụng quan trọng. Đó là chưa kể ngay cả khi bạn thoát một ứng dụng nhưng chưa tắt, nó vẫn sẽ chiếm một phần dung lượng RAM.
Lấy ví dụ hệ thống phải mất ít nhất 1GB RAM để có thể vận hành Android 10 ổn định nhất. Trong khi đó, bạn cần ít nhất 3GB RAM luôn trống để chơi các tựa game nặng như Fortnite hoặc Asphalt.
Thực tế có nhiều trò chơi Android chiếm một lượng file lớn và ngốn rất nhiều RAM. Trong nhiều trường hợp, nó còn ngốn RAM hơn cả hệ thống Android.
Dung lượng RAM không giúp ứng dụng chạy tốt hơn hay cải thiện khả năng kết nối,…Nó chỉ quyết định số lượng ứng dụng mà bạn có thể chạy cùng một lúc.
Nhưng thật khó để phủ nhận vai trò của RAM. Bởi chúng ta cần biết rằng, ngay cả khi bạn không bật các ứng dụng, chúng vẫn có thể chạy ngầm trong hệ thống. Và tất nhiên quá trình này cũng ngốn một phần không nhỏ dung lượng RAM. Thậm chí ngay cả khi một ứng dụng đã tắt, chúng vẫn đang ngầm “gặm nhấm” RAM của bạn.
Ngay cả với một số tựa game nặng trên Android, smartphone chỉ cần khoảng 8GB RAM là đủ. Nếu bạn không cài đặt thêm bất cứ ứng dụng nào gây ngốn RAM như Facebook, Twitter hay Instagram thì bạn vẫn có khoảng 4-6GB RAM trống, đủ để sử dụng cho mục đích hàng ngày.
Càng nhiều RAM càng tốt?
Nói đến đây có lẽ nhiều người sẽ ngầm hiểu rằng, việc tăng thêm RAM chắc chắn đem lại lợi ích không nhỏ. Và quả thực là vậy.
Samsung trang bị một tính năng có tên là App pinning trên Galaxy S20 Ultra và nó chính là công cụ cho thấy sự khác biệt giữa một chiếc máy có RAM 6GB, 8GB và 12GB như thế nào.
App pinning (ghim ứng dụng) cho phép người dùng có thể chỉ định 5 ứng dụng được phép chạy nền liên tục, bao gồm cả trò chơi. Đây chắc chắn là một tính năng rất hữu ích cho những ai muốn cập nhật thông tin liên tục mà không lo các ứng dụng phải khởi động lại.
Đây là tính năng có lẽ không quá xa lạ với nhiều người dùng Android vì nó đã từng xuất hiện kể từ Android 5.1 với tên gọi Screen Pinning. Tính năng này cho phép các ứng dụng quan trọng chạy nền và luôn sẵn sàng bật khi cần thiết. Tuy nhiên với việc Samsung trang bị bộ nhớ RAM lên tới 12GB cho Galaxy S20 Ultra, tính năng này mới thực sự phát huy hết hiệu quả.
Thông thường việc khởi động một ứng dụng sẽ mất một khoảng thời gian nhất định. Tuy nhiên RAM không phải là yếu tố quyết định tốc độ mở ứng dụng. Bởi đây là công việc của CPU và các nhân xử lý. Chúng có nhiệm vụ giải phóng bộ nhớ bằng cách tắt các ứng dụng không cần thiết và ưu tiên cho ứng dụng mà người dùng đang mở.
Đây là một quá trình phức tạp và ngay cả những con chip xử lý cao cấp của Snapdragon cũng phải mất một khoảng thời gian. Nhưng với tính năng App pinning, nó sẽ luôn giữ cho ứng dụng của bạn bật, qua đó bạn có thể mở ngay lập tức mà không cần phải chờ đợi.
Hãy luôn ghi nhớ rằng, RAM không giúp tăng tốc độ mở ứng dụng, hiệu năng GPU hay tốc độ tải dữ liệu nhanh hơn. Nó đơn thuần chỉ giúp bạn có được trải nghiệm ứng dụng liền mạch, mượt mà hơn mà không gặp bất kỳ sự chậm trễ nào.
Đó cũng chính là mục tiêu của Samsung khi tạo ra một siêu phẩm với cấu hình “maximum” về mọi mặt như vậy, vì hãng hướng tới trải nghiệm sử dụng hoàn hảo, nhuần nhuyễn, đặc biệt là với những người đã sẵn sàng bỏ ra tới hàng chục triệu để sở hữu flagship hàng đầu. Khi kỷ nguyên IoT đang tới, chiếc smartphone sẽ đóng vai trò điều khiển trung tâm, ở đó người dùng sẽ được công nghệ phục vụ “tới tận răng”.
Với 12GB RAM, người dùng có thể ghim khá nhiều ứng dụng vào bộ nhớ. Và số RAM trống còn lại vẫn đủ để chạy hệ thống Android và các ứng dụng khác. Cụ thể trong 12GB RAM trên Galaxy S20 Ultra, bạn có thể ghim trò chơi và ứng dụng mạng xã hội. Chúng có thể chiếm 8GB RAM và số RAM còn lại đủ để bạn chụp và xử lý một bức ảnh độ phân giải 64MP.
Thực tế mà nói, Samsung không phải ngẫu nhiên tích hợp bộ nhớ RAM lên tới 12GB cho Galaxy S20 Ultra mà đó là sự tính toán khá kỹ lưỡng của hãng điện tử Hàn Quốc. Tất nhiên người dùng cũng cần biết cách tận dụng số RAM này sao cho hiệu quả để tránh gây lãng phí.
Ngoài ra, một chiếc smartphone có RAM lên tới 12GB như Galaxy S20 Ultra có thể coi như một chiêu bài quảng cáo tuyệt vời. Bởi không ít thì nhiều, người dùng cũng sẽ mê những con số và cấu hình khủng khi lựa chọn một chiếc smartphone.
Theo: Trí Thức Trẻ
Nguồn: kenh14.vn