BlackBerry chính thức “rút ống thở” sau một thời gian dài duy trì. Vậy là trên thị trường, chúng ta chỉ còn lại iOS và Android là 2 Hệ điều hành cho điện thoại được coi là đáng kể.
Theo từ điển Oxford, “duopoly” được định nghĩa là “tình huống trong đó hai nhà cung cấp thống trị một thị trường hàng hóa hoặc dịnh vụ nào đó”. Đây cũng là điều mà các quốc gia như Vương quốc Anh cho rằng Google và Apple đã thực hiện trên thị trường di động. Khá khó để phản đối cái gọi là thị trường nhị quyền bán này, khi mà điện thoại không có phần mềm của Google hoặc Apple vẫn tồn tại nhưng chúng gần như không có cơ hội vươn lên.
Trong hầu hết mọi trường hợp, thị trường nhị quyền bán là một điều rất xấu. Nó hạn chế sự lựa chọn của người tiêu dùng, tạo cơ hội cho các bên nắm quyền kiểm soát thông đồng và định hình thị trường có lợi cho họ, đồng thời đẩy giá lên.
Chúng ta đã thấy sự thống trị của Google và Apple trong thị trường smartphone. Những chiếc Windows Phone tốt với giá 150 USD đã biến mất và sẽ không quay trở lại. Rõ ràng là thị trường nhị quyền bán rất đáng sợ, nhưng có lẽ đây là nhưng gì người tiêu dùng tạo ra. Người tiêu dùng yêu thích Android và iOS và hệ thống nhị quyền hiện tại đã ra đời.
Đối với nhiều người, chiếc smartphone đầu tiên của họ là iPhone hoặc Android và những người đó có thể cảm thấy thật khó tin khi các hệ điều hành cho smartphone thật sự tốt khác đã tồn tại trước iOS và Android. Cả BlackBerry và Windows Mobile đều có những giai đoạn gặt hái được nhiều thành công. Tuy nhiên, chúng không đạt được đủ lượng người dùng để đẩy lùi những đối thủ cạnh tranh khác với thị phần lớn như chúng ta thấy trên Android và iOS ngày nay.
Google và Apple không chỉ gặp may. Tiếp thị, quan hệ đối tác chiến lược với nhà cung cấp dịch vụ và lòng trung thành với thương hiệu đều đóng một vai trò quan trọng. Và thậm chí như vậy vẫn chưa đủ, như những chiếc điện thoại thất bại của Amazon và Facebook đã chứng minh, không một yếu tố nào có thể đảm bảo chiến thắng. Cùng với một chút may mắn, những quyết định thông minh mà Apple và Google đưa ra đã giúp họ ở vị trí ngày hôm nay.
“Cuộc chiến ứng dụng” đóng một vai trò lớn, lợi thế rõ ràng nhất mà Android và iOS có được so với Windows Phone và hệ điều hành khác nằm ở cửa hàng ứng dụng của mỗi công ty. Tính dễ sử dụng, bảo mật hoặc thậm chí là chức năng độc đáo vẫn không thể so sánh với việc chơi Angry Birds hoặc có một ứng dụng YouTube tuyệt vời. Đó chính là nhu cầu của người dùng.
Nếu bạn đang phát triển một ứng, bạn sẽ muốn cung cấp ứng dụng đó cho cả Android và iOS. Bạn biết mình sẽ kiếm được nhiều tiền hơn nếu ứng dụng của bạn có thể tiếp cận nhiều người hơn và việc xây dựng một phiên bản ứng dụng khác cho hệ điều hành tương đối ít người dùng sẽ không mang lại nhiều lợi nhuận. Ngoài ra, hầu hết các nhà phát triển ứng dụng ưu tiên việc phân phối và kiếm tiền dễ dàng ngay cả khi phải đưa một phần thu nhập cho Google và Apple.
Thất bại của Windows Phone được cho là do thiếu ứng dụng, nhưng hệ điều hành này mắc kẹt giữa thị phần và khoảng cách về ứng dụng. Không có đủ người dùng, hệ điều hành sẽ không trở thành nơi phù hợp để sinh lợi nhuận cho ứng dụng. Không có ứng dụng phù hơp, sẽ không bao giờ đủ người dùng.
Khoảng cách về ứng dụng đã tạo ra một khoảng trống công nghệ, khiến các doanh nghiệp ngừng việc tạo ra một chiếc điện thoại với hệ điều hành cạnh tranh vì không gì có thể cạnh tranh được nữa. Điều tương tự cũng xảy ra đối với Palm, Nokia, BlackBerry, và mọi ý tưởng smartphone đầy hứa hẹn khác không có phần mềm từ Apple hoặc Google.
Cuối cùng, chính nhu cầu của người dùng đã khiến Apple và Google thống trị thị trường mà không một đối thủ nào có thể chen chân vào được. Bạn nghĩ sao nếu mình có thể tạo ra một chiếc điện thoại cao cấp, chạy phiên bản mới nhất của hệ điều hành mà bạn yêu thích trước đây, nhưng không có ứng dụng của bên thứ ba mà mọi người đang dùng với Android và iOS, bạn có nghĩ là nó sẽ bán chạy không?
Theo: Pháp luật & Bạn đọc
Nguồn: genk.vn