2020 và đầu 2021 phải nói là thời điểm rất khó khăn đối với thị trường máy ảnh do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Do lệnh giãn cách, nhiều người không có cơ hội đi chụp ảnh nên cũng không có nhu cầu mua thiết bị mới, hay đơn giản là nền kinh tế bị ảnh hưởng nên mọi người cũng không có tiềm lực tài chính để làm điều đó. Nhưng đến với nửa cuối 2021 thì thị trường ảnh lại gặp tình cảnh trái ngược hoàn toàn: nhu cầu của người dùng đã trở lại, nhưng khả năng cung ứng của các nhà sản xuất lại không đáp ứng được.
Giải thích cho hiện tượng này là tình trạng thiếu chip trên toàn cầu. Những hãng như Apple, xe Audi và Sony đều được cho là đang thiếu sản phẩm để bán ra vì không có chip để sản xuất. Với thị trường máy ảnh, những hãng như Fuji với máy ảnh GFX100S, Canon với dòng EOS R5 và Alpha 1 của Sony đều là những sản phẩm “hot” nhưng lại thiếu hàng để bán. Có một vài ngoại lệ như chiếc Sony ZV-E10, các chuyên gia cho rằng chiếc máy này đã “tái chế” một số những linh kiện được hãng điện tử Nhật Bản sản xuất từ trước nên không bị ảnh hưởng nhiều.
Đây là một vấn đề lớn đối với tất cả các nhà sản xuất nhưng có vẻ không ai muốn nói về nó. Chuyên trang về ngành ảnh Petapixel đã liên hệ với tất cả các hãng máy ảnh để bàn luận về vấn đề này, tất cả đều từ chối bình luận. Thậm chí cả những nhà phân phối lớn cũng không muốn bình luận, tất cả dường như muốn phớt lờ coi như chưa có chuyện gì xảy ra.
Rất may có một người đã lên tiếng, đó là quản lý của cửa hàng Forth Worth Camera tại vùng Texas là anh MacKenzie Hughes. “Nguồn hàng rất thất thường, đôi lúc chúng tôi nhận được cả một kiện hàng lớn ống kính Tamron và có những lúc lại chả chiếc nào. Canon cũng tương tự, đôi lúc có một đợt hàng về nhưng sau đó lại không có nữa. Tất cả các hãng vẫn không ngừng hẳn việc chuyển sản phẩm tới, nhưng không hề đều đặn.”
Có thể nói rằng thị trường máy ảnh đang rơi vào một thế khó, giống như một con động vật mắc vào bẫy vậy. Sau nhiều năm gặp khó khăn về nhu cầu của khách hàng, đến thời điểm nhiều người đã có tiền để tiêu vào các sản phẩm mới thì thị trường lại không tận dụng được cơ hội để lấy đà hồi phục. Anh Hughes chia sẻ thêm:
“Nhu cầu mua máy ảnh đang thực sự rất cao, cũng 1 phần mọi người biết rằng đang có khan hiếm diễn ra. Tình trạng tương tự cũng đang diễn ra trong ngành in ấn, khi mà hóa chất rửa ảnh, giấy đều thiếu hàng.”
“Nhu cầu với máy ảnh số hiện nay có lẽ còn hơn cả lúc mà loại máy ảnh này được phát minh. Nhiều người thậm chí còn đặt cọc với số tiền lớn để giữ chỗ mua các dòng máy ảnh mới, lên tới 3000 USD cho một chiếc EOS R3. Một người thậm chí còn trả sẵn tiền để mua tới 10 chiếc Nikon Z9 vào ngày hôm qua, mặc dù không ai biết chiếc máy ảnh này sẽ có giá là bao nhiêu cả.”
“Trong cái rủi lại có cái may” đối với những cửa hàng nhỏ như Forth Worth Camera. Theo như anh Hughes, do máy ảnh trở nên khan hiếm nên nhiều người muốn đến mua trực tiếp tại các cửa hàng vật lý thay vì chờ đợi chúng có hàng ở những chuỗi bán hàng online lớn. “Bạn vẫn không thể mua ngay được chiếc máy ảnh mà mình mong muốn ngay đâu, song ít nhất là bạn có thể nói chuyện trực tiếp với nhân viên cửa hàng và đặt cọc để đợi chúng về.”
Anh cũng nói rằng việc sản phẩm ngành ảnh đang trong tình trạng hiếm không chỉ do vấn đề về chip. Có khá nhiều các lý do khác, trong đó có cả vấn đề vận chuyển khi mà ngành vận tải vẫn chưa hồi phục hoàn toàn: “Vẫn còn rất nhiều các thuyền chuyển hàng đang đỗ ở các bến và không đi vào hoạt động”.
Sự khó khăn của thị trường máy ảnh sẽ không kết thúc trong một sớm một chiều, khi mà các chuyên gia công nghệ nói rằng tình trạng khan hiếm chip sẽ phải hết năm sau mới bắt đầu được giải quyết.
Ảnh trong bài viết chụp bởi Ted Forbes tại cửa hàng Fort Worth Camera
Theo: Pháp luật & Bạn đọc
Nguồn: genk.vn