Apple mới đây đã cảnh báo một công ty có tên Prepear vì công ty này đã sử dụng hình ảnh quả lê với các đường nét thiết kế gợi sự liên tưởng đến biểu tượng quả táo cắn dở đã làm nên thương hiệu của Apple. Tuy nhiên vụ việc chưa đi qua lâu thì lại tới vụ kiện khác ở Brazil.
Mới đây tòa án tối cao Brazil đã chấp đơn kiện của IGB Eletrônica chống lại Apple vì vi phạm nhãn hiệu iPhone.
IGB Eletrônica hay Gradiente là một công ty điện tử nổi tiếng tại Brazil. Hồi năm 2000, công ty đã đăng ký nhãn hiệu “Gradiente iphone” và có kế hoạch tung ra chiếc điện thoại có tên gọi tương tự. Tuy nhiên nhãn hiệu trên của Gradiente chỉ được phê duyệt vào năm 2008, tức một năm sau khi Apple ra mắt iPhone thế hệ đầu tiên.
Sau đó, Gradiente đã tung ra một chiếc smartphone Android có tên “Gradiente iphone” nhưng iPhone đã yêu cầu Viện Sở hữu Công nghiệp Quốc gia hủy bỏ hiệu lực của nhãn hiệu đã được công ty Gradiente đăng ký trước đó. Vào thời điểm đó, Apple tuyên bố rằng, Gradiente chưa bao giờ sử dụng thương hiệu này trước đây cho đến khi iPhone trở nên thành công.
Mặc dù công ty Gradiente vẫn có thể sử dụng nhãn hiệu “Gradiente iphone” nhưng họ đã mất tính độc quyền với nhãn hiệu này. Vì vậy bất kỳ công ty nào khác, bao gồm cả Apple đều có thể sử dụng nhãn hiệu này ở Brazil. Tuy nhiên tòa án tối cao Brazil hiện đã quyết định sẽ xét xử lại vụ kiện này sau khi nhận đơn kháng cáo từ Gradiente.
Trước đó hồi đầu năm nay, Gradiente đã khơi lại tranh chấp và yêu cầu Tòa án liên bang tối cao hủy bỏ phán quyết đã đưa ra từ năm 2018.
Công ty Brazil cho rằng, quyết định hủy bỏ hiệu lực nhãn hiệu “Gradiente iphone” trước đó là vi phạm các quy định của một doanh nghiệp có quyền tự do cạnh tranh và bảo hộ nhãn hiệu. Đồng thời, việc cho phép Apple sử dụng nhãn hiệu do Gradiente đệ trình đầu tiên là “hình phạt đối với sự sáng tạo”.
Luật sư Igor Mauler Santiago đại diện cho Gradiente nhấn mạnh: “Việc cho phép một công ty xác nhận quyền sở hữu một nhãn hiệu do công ty khác đệ trình chẳng khác nào trừng phạt sự sáng tạo, bóp méo sự cạnh tranh một cách công bằng, tự do”.
Ngược lại phía Apple cho rằng, các công ty khác đã sao chép nhãn hiệu của Apple với chữ cái thường “i” kể từ khi Apple công bố iMac lần đầu tiên vào năm 1998. Hãng cũng khẳng định, việc Viện Sở hữu Công nghiệp Quốc gia Brazil cấp nhãn hiệu cho Gradiente vào năm 2008 là sai, không phù hợp mặc dù nó đã được nộp từ năm 2000 vì tại thời điểm đó, iPhone đã tồn tại.
Mặc dù tòa án tối cao vẫn cho phép Gradiente tiếp tục các thủ tục tố tụng nhưng chưa rõ liệu quyết định cuối cùng sẽ nghiêng về phía Apple hay Gradiente. Có lẽ vụ kiện này sẽ mất nhiều năm để đi tới một phát quyết cuối cùng. Trong thời gian đó, cả hai công ty vẫn có thể sử dụng các nhãn hiệu của mình.Và nếu thua kiện, Apple có thể sẽ phải trả một khoản tiền phạt và nguy cơ bị cấm bán iPhone tại thị trường Brazil.
Tham khảo 9to5mac
Theo: Pháp luật & Bạn đọc
Nguồn: genk.vn