Ngoại hình gọn nhẹ
Ngay thời điểm đọc tin Sony ra mắt 3 chiếc ống kính Prime này vào 2 tháng trước, bản thân người viết cũng biết được nó sẽ khá nhẹ khi chỉ có cân nặng lần lượt là 162 gram, 173 gram và 174 gram (tương ứng với tiêu cự tăng dần) nhưng mãi cho đến ngày hôm nay cầm trên tay, tôi lại thật sự sốc thêm lần nữa vì độ nhẹ của nó, cảm giác như đang cầm một chiếc lens kit 16-50mm F3.5-5.6 OSS mà tôi đang cắm trên Sony a6000 vậy.
Theo thông tin từ hãng, thân của cả 3 ống kính này được làm từ nhôm nên vẫn có độ bền chắc nhất định, đặc biệt là phần đuôi tiếp xúc có các ron cao su để chống chịu với các yếu tố thời tiết tốt hơn. Dẫu sao, một chiếc ống kính dòng G series thì cũng giá trị mà, đúng không?
Nhìn tổng thể, cả 3 ống kính này tuy khác tiêu cự nhưng kích thước được làm khá tương đương nhau. Không chỉ nhẹ mà nó còn nhỏ nhắn, vậy nên khi cắm vào Sony a7C trông rất hợp, trở thành một combo đi dạo phố, du lịch hay chân dung bán chuyên vô cùng ổn áp. Bản thân người viết thích chụp thể loại đường phố nên hành trang lúc nào cũng ưu tiên gọn nhẹ nhất có thể và combo a7C cùng 24mm F2.8 G lần này khá hợp lý.
Trên thân các ống kính này có gì đặc biệt? Tuy nhỏ nhưng trên thân 3 ống kính này được trang bị một số nút để thuận lợi hơn cho việc chụp ảnh của người dùng. Đầu tiên là nút Focus Hold, cho phép bạn nhấn giữ để khóa nét chủ thể hoặc có thể tùy chỉnh lại trong menu tùy theo sở thích (có khoảng đâu đó hơn 20 tính năng khác nhau để bạn gán vào nút này).
Tiếp đến là nút gạt Click On/Off, cho phép bật hoặc tắt tiếng kêu khi vặn vòng khẩu độ. Cá nhân tôi khi chụp ảnh thì sẽ bật tiếng click này lên để khi đẩy khẩu độ có khoảng ngắt và cảm giác được đang khép/mở khẩu đến đâu, còn khi quay phim thì bạn có thể chuyển sang Off để tiếng click không làm ảnh hưởng vào trong video, cũng như tránh hiện tượng rung lắc nhẹ.
Cuối cùng là nút gạt chuyển nhanh chế độ lấy nét tay hoặc auto, nhờ vậy người dùng sẽ không cần phải loay hoay trên màn hình hay chỉnh từ nút Fn nữa, mọi thứ đều có thể thao tác nhanh hơn với loạt ống kính này.
Nhìn chung về mặt ngoại hình, bộ ba chiếc ống kính này không có gì phải phàn nàn, hay nói cách khác chính ưu điểm gọn nhẹ đã tạo nên ấn tượng ban đầu với tôi, khiến tôi có cảm hứng mang máy đi lang thang nhiều hơn dưới tiết trời Sài Gòn nắng nóng.
Hiệu năng ra sao?
Bên cạnh thân hình nhỏ gọn, cả 3 ống kính này còn mang trong mình “cấu hình” đáng nể khi trang bị thấu kính phi cầu (aspherical elements) giúp khắc phục các hiện tượng quang sai, phản quang hay biến dạng cong. Thường những hiện tượng này dễ xảy ra ở các ống kính góc rộng hoặc ống kính có khẩu độ tối đa nhanh, vì thế aspherical element dần trở thành yếu tố tiêu chuẩn cho các ống kính hiện đại ngày nay.
Ngoài ra, việc quang sai cũng sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng hình ảnh, vậy nên ta có thể hiểu nôm na thấu kính này giúp chất lượng ảnh của bạn sẽ tốt hơn so với các ống kính không trang bị thấu kính aspherical này.
Ảnh chụp từ ống FE 24mm F2.8 G:
Bên cạnh đó, hai ống kính tiêu cự 24mm và 50mm lần này còn được trang bị thêm kính ED (Extra-low Dispersion) giúp cải thiện đáng kể quang sai đơn sắc và tạo ra độ tương phản cao trên toàn hình ảnh, ngay cả khi thiết lập ở khẩu độ lớn.
Ngoài thông số có phần hơi khô khan, điều tôi rất thích khi mang đi chụp chính là khả năng lấy nét của nó rất nhanh, thậm chí là êm đến mức không nghe một tiếng động nào, tất cả là nhờ bên trong chúng sử dụng motor tuyến tính kép (dual linear motors). Bản thân là người chụp phố, tôi luôn mong mỏi thiết bị mình mang theo ít gây chú ý nhất có thể và đặc biệt là không gây ra tiếng động để tránh làm phiền đến đối tượng chủ thể mà tôi đang chụp. Vậy nên, khi bật tính năng Silent Shooting và kết hợp cùng bộ ba ống kính này thì nó chẳng khác gì bạn đang cầm điện thoại bấm chụp, không một tiếng động nào được phát ra từ máy cả.
Ảnh chụp từ ống FE 40mm F2.5 G:
Sau hai buổi trải nghiệm loạt ống kính mới này, người viết cảm nhận cả ba đều cho chất lượng ảnh rất tốt, độ nét vẫn khá “căng” khi mở khẩu ở mức tối đa, đặc biệt là màu sắc khá “no”. Điều mà tôi lăn tăn duy nhất, chắc có lẽ là không biết nên dùng 40mm hay 50mm vì khoảng tiêu cự này khá gần nhau, dù biết rằng chất lượng ảnh đầu ra đều quá ổn. Nhìn chung, với mức giá bằng nhau là 14,99 triệu đồng, Sony đã mang đến cho fan của họ một giải pháp tốt với mức giá dễ chịu thay vì phải “bấm bụng” mua lên đến dòng G Master cao cấp.
Ảnh chụp từ ống kính FE 50mm F2.5 G:
Theo: Pháp luật & Bạn đọc
Nguồn: genk.vn