Nếu bạn là người chụp phim, chắc hẳn có lẽ cái tên ILFORD không còn mấy xa lạ nữa. Đây là một hãng nổi tiếng với việc sản xuất các loại phim trắng đen và đến bây giờ vẫn còn được rất nhiều người dùng chuộng. Bản thân người viết cũng rất thích các dòng phim của hãng này và đã chụp qua rất nhiều như FP4 Plus, HP5 Plus, XP2, Delta hay PanF nhưng thú thực đây là lần đầu tiên tôi biết đến hãng này có sản xuất cả máy chụp ảnh.
Chiếc máy này là phiên bản thứ 2 và bản đầu tiên đã ra mắt cách đây 2 năm mà tôi không hề hay biết, quả thật là một thiếu sót cho bản thân. ILFORD Sprite 35-II hiện đang được bán với giá 990.000 đồng tại Ti-Xi-Ai.
Nhân vật chính của bài viết là đây, được đặt trong một hộp nhựa trong suốt khá nhỏ nhắn, ở dưới có dòng chữ ILFORD 35mm ReUsable Film Camera, tức có nghĩa là máy ảnh chụp phim khổ 35mm (tương đương với khổ Full Frame trên máy kỹ thuật số ngày nay) có thể thay phim được.
Vì sao có dòng chữ ReUsable này? Bởi trước đây, khi thời kỳ phim thịnh hành, bên cạnh các dòng máy phim khi chụp xong có thể thay phim khác vào được thì một số nhà sản xuất còn cho ra đời các loại máy phim làm bằng nhựa và chỉ chụp một lần rồi bỏ. Nói như thế không có nghĩa tất cả các máy làm bằng nhựa đều là chụp một lần, và ILFORD Sprite 35-II này là ví dụ điển hình.
Mở hộp bên trong, bạn sẽ có 1 máy và 1 sách hướng dẫn bé xinh.
Lời khuyên là bạn nên đọc kỹ hướng dẫn của nhà sản xuất, bởi nó không phải là máy kỹ thuật số hay máy phim thông thường nên cần nắm rõ vài thứ kẻo ảnh ra không như ý, hoặc tệ hơn là… không có ảnh.
Cảm nhận đầu tiên về chiếc máy này là nó rất nhẹ, cảm giác còn nhẹ hơn cả chiếc điện thoại mà tôi đang sử dụng.
Tuy được làm bằng nhựa nhưng bù lại ILFORD đầu tư cho vẻ ngoài của chiếc máy ảnh này rất bắt mắt, với hai tông màu chủ đạo là nhựa trắng sữa ở đỉnh máy và đáy máy, còn phần giữa được phủ màu đen. Thoạt nhìn bạn có thể nghĩ phần đen này là da, nhưng thực ra nó là nhựa được làm họa tiết sần để đánh lừa thị giác mà thôi. Dẫu sao, phần này là nơi đặt tay vào để giữ máy nên làm nhựa sần như thế cũng là lợi điểm.
Ống kính của chiếc máy này không hề hầm hố mà rất nhỏ gọn, có tiêu cự 31mm vừa đủ để chụp phố, du lịch hoặc đơn giản là chân dung nhẹ nhàng. Điểm người dùng cần lưu ý ở đây là máy chỉ có một tốc độ màn trập duy nhất là 1/120s, ống kính có khẩu độ rất nhỏ F/9 nên sẽ có nhược điểm là khó chụp ở điều kiện thiếu sáng nhưng ưu điểm lại là trường nét khá sâu.
Với câu chuyện trường nét, máy không hề có hệ thống lấy nét nào, mà nó sẽ có khoảng nét kéo từ 1m đến vô cực. Điều này có nghĩa bạn không thể chụp macro, close up hoặc những vật thể quá gần hơn 1m, còn lại sẽ đều vào nét cả.
Vậy giải quyết vấn đề thiếu sáng thế nào? ILFORD Sprite 35-II có trang bị một chiếc flash nằm trên thân máy để có thể bù sáng trong một số điều kiện và theo sách hướng dẫn của hãng cũng cho biết khoảng đánh sáng của flash chỉ nằm trong khoảng cách từ 1-3m. Để bật flash lên, người dùng có thể gạt cần từ trái sang phải, chờ tín hiệu trên đỉnh máy nháy đỏ là flash đã được nạp xong. Theo sách hướng dẫn, thời gian hồi flash là 15 giây, nhưng nếu bạn dùng pin AAA loại tốt (lắp 1 viên ở dưới đáy máy) thì thời gian nạp sẽ nhanh hơn.
Ngoài yếu tố đèn flash, bạn cũng có thể giải quyết bằng cách dùng phim có ISO cao như 800-1600-3200 nhưng tất nhiên giá thành cũng không hề rẻ chút nào.
Viewfinder ở đây cũng chỉ là tấm kính để bạn biết được khung ảnh, ngoài ra không hiển thị bất cứ gì, và máy cũng không có đo sáng đâu nhé. Nói chung, đây là một chiếc máy lomo đúng nghĩa và những gì bạn cần chỉ là giơ máy rồi chụp, đừng suy nghĩ nhiều và mọi thứ sẽ được ghi chép lại trong cuốn phim ấy.
Cách lắp phim và lên phim cũng khá đơn giản: Mở buồng phim, đặt lõi phim ở bên trái và kéo tấm phim về bên phải sao cho phần bánh răng của máy xỏ vào đúng lỗ phím. Sau đó đẩy cần lên phim để kéo phim sang là được.
Dưới đây là một vài ảnh chụp thử từ cuộn phim trắng đen Kodak Tri-X 400. Theo kinh nghiệm cá nhân, bạn nên tiếp cận đối tượng gần hơn một chút nếu vào buổi đêm, vì flash theo quảng cáo đánh được từ 1-3m nhưng thực tế tôi thấy chỉ vào khoảng 1-2m mà thôi.
Hai bức ảnh chụp flash đêm với khoảng cách gần tầm 1-1,5m.
Còn nếu tầm 2-3m thì hầu như rất khó để thấy chủ thể, hoặc bạn phải dùng phim có ISO cao hơn.
Chụp flash trong quán cafe, khả năng fill flash rất ổn, mỗi tội vì đánh trực diện nên với đội kính cận như tôi sẽ không thích lắm…
Một vài ảnh khác được chụp vào buổi chiều khoảng 4h, kết quả ra khá ổn, không tới mức nét căng nhưng mang tính snapshot, ghi chép lại đời sống hàng ngày thì cũng hay:
Ở thời buổi ngày nay, chúng ta đã quá quen với một chiếc máy ảnh kỹ thuật số hoặc smartphone với màn hình to có thể vừa ngắm vừa chụp ra xem kết quả luôn, nhưng với chiếc máy phim thì lại hoàn toàn khác. Một chiếc máy phim bình thường sẽ khiến ta cẩn thận hơn trong từng thao tác lấy nét và bấm chụp, cũng như chờ đợi để tráng ảnh sau mỗi cuộn phim. Còn ở chiếc máy mang phong cách lomography như ILFORD Sprite 35-II này, bạn lại bị giới hạn trong nhiều thứ hơn, từ khoảng nét, từ ống kính dính liền, cho đến viewfinder nhỏ tẹo vô tình sẽ khiến cho trí tưởng tượng và sự sáng tạo của bản thân bay xa đấy. Hãy thử xem.
Theo: Pháp luật & Bạn đọc
Nguồn: genk.vn