Trải nghiệm Samsung Galaxy Z Fold2: Người giàu không chơi game?

08:54 Sáng - 14/10/2020
0 Bình luận
446
bởi Đàm Hằng

Smartphone màn hình gập hoàn thiện nhất Thế giới, nhưng nó dành cho ai?

*Ảnh chụp trong bài viết được cắt theo tỷ lệ màn hình trong và ngoài của Galaxy Z Fold2

“Đừng bao giờ mua sản phẩm thế hệ đầu tiên” là một lời khuyên mà mọi người truyền tai nhau khi chọn mua các món đồ công nghệ. Điều này quả thực là đúng với chiếc Samsung Galaxy Fold, khi sản phẩm này còn quá nhiều những lỗi ‘gen 1’, như vấn đề độ bền: màn hình của lô máy đầu tiên có thể bị bụi ‘luồn’ vào trong và hỏng hoàn toàn, phần bản lề thiếu độ cứng cáp; đến cả thiết kế cũng bị người dùng chê trách ở nhiều điểm.

Trải nghiệm Samsung Galaxy Z Fold2: Người giàu không chơi game? - Ảnh 1.

Vạn sự khởi đầu nan, gian nan nhưng không hề nản, năm nay Samsung tiếp tục trở lại bàn thiết kế và ra mắt Galaxy Z Fold2 nhằm cải thiện những điểm yếu của phiên bản đầu tiên. Chiếc smartphone này có gì ‘hay ho’, còn những điểm gì còn gây bực mình? Và một câu hỏi còn quan trọng hơn thế: nó dành cho ai?

Những điểm nâng cấp đáng giá

Khác với những chiếc smartphone truyền thống, smartphone màn hình gập đang trong thời kỳ sơ khai nên qua mỗi thế hệ ta thấy được những sự nâng cấp vượt bậc. Hoặc ít nhất đó là câu chuyện của Galaxy Z Fold2!

Trải nghiệm Samsung Galaxy Z Fold2: Người giàu không chơi game? - Ảnh 2.

Nói đến smartphone gập ta phải nói đến cơ chế để gập và mở chúng. Từ khi ra mắt, Galaxy Fold được cho là sản phẩm có cơ chế bản lề phức tạp nhất và cũng là tốt nhất khi so với các đối thủ lúc bấy giờ. Nhưng ‘tốt nhất’ không có nghĩa là đủ tốt, cơ chế này có cho cảm giác ‘khựng’ ở một vài điểm, bên cạnh đó khi ở vị trí nửa đóng nửa mở thì sẽ có độ cứng không cao, ta còn có thể ‘vẩy qua vẩy lại’ như hình ảnh dưới đây:

Trải nghiệm Samsung Galaxy Z Fold2: Người giàu không chơi game? - Ảnh 3.
Chiếc Galaxy Fold thế hệ đầu tiên với phần bản lề vẫn còn lỏng lẻo khi mở ở 1 góc nhất định (nguồn: Linus Tech Tips)

Với thế hệ mới, bạn sẽ cảm nhận thấy ngay sự chắc chắn trong lần mở đầu tiên. Ta cần 1 lực lớn hơn để mở và đóng máy, và trong suốt quá trình này thì luôn có 1 lực cản đồng đều nhau, nói một cách khác là độ ‘mượt’ đã được tăng lên. Bản lề này đủ cứng cáp để Z Fold2 có thể sử dụng được ở bất cứ tư thế nào – hãng gọi là Flex Mode, khá là giống với chiếc smartphone gập dọc Galaxy Z Flip.

Trải nghiệm Samsung Galaxy Z Fold2: Người giàu không chơi game? - Ảnh 4.

Ta có thể đặt máy theo hình ‘chiếc lều’ như thế này và xem phim ở màn hình ngoài, mặc dù điều này làm tôi cảm thấy như đang dùng rất nhiều những công nghệ tiến tiến nhất hiện nay để làm 1 việc có thể được thực hiện bằng một chiếc chống lưng smartphone trị giá 50 ngàn Đồng vậy!

Trải nghiệm Samsung Galaxy Z Fold2: Người giàu không chơi game? - Ảnh 5.

Khi để máy gập nửa chừng ở màn hình trong, một số ứng dụng cũng thay đổi để chia 2 nửa màn hình ra làm những nhiệm vụ khác nhau. Như ứng dụng chụp hình chẳng hạn, nửa trên sẽ để xem trước ảnh, nửa dưới có nút chụp cũng như hiện những ảnh đã chụp gần đây. Ta có thể đặt máy đứng ở 1 bề mặt, đặt hẹn giờ để tự chụp hình mà không phải nhờ người khác, tôi thì không làm điều này vì sợ máy sẽ bị ‘nhấc’ đi mất.

Trải nghiệm Samsung Galaxy Z Fold2: Người giàu không chơi game? - Ảnh 6.

Z Fold2 cũng đã kết hợp 2 nút nguồn và cảm biến vân tay vào làm một, vừa có thể nhấn xuống để bật màn hình vừa có thể mở khóa màn hình luôn. Cảm biến vân tay quả thực là rất nhạy và đặt ở vị trí dễ dùng, nên thời gian từ lúc lấy máy ra khỏi túi đến khi có thể dùng được máy là khá nhanh, tính cả thời gian mở màn hình ra.

Trải nghiệm Samsung Galaxy Z Fold2: Người giàu không chơi game? - Ảnh 7.

Bên cạnh phần bản lề thì nâng cấp lớn nhất của Z Fold2 là về mặt hiển thị, cả ở màn hình bên ngoài và bên trong. Màn hình bên ngoài của mình có kích thước tăng từ 4.6 inch lên tới 6.23 inch, lấp đầy những khoảng trống thừa ở mặt ngoài ở phiên bản cũ. Màn hình này vẫn có chiều ngang khá là hẹp nên việc gõ phím vẫn hơi khó khăn, nhưng cách tác vụ khác đều dễ dàng hơn khá nhiều.

Trải nghiệm Samsung Galaxy Z Fold2: Người giàu không chơi game? - Ảnh 8.

Màn hình trong cũng có những nâng cấp lớn, với kích thước tăng từ 6.9 inch lên tới 7.6 inch, loại bỏ được phần cắt lớn ở cạnh và chỉ còn 1 chấm cắt Infinity-O để đặt camera selfie phía trước.

Trải nghiệm Samsung Galaxy Z Fold2: Người giàu không chơi game? - Ảnh 9.

Chấm cắt này lớn hơn so với chấm cắt của Note20 Ultra, nhưng khi đặt trong một màn hình lớn tới 7.6 inch thì không còn lớn nữa, chỉ dùng một vài ngày là ta sẽ không để ý đến nó nữa. Nếu được thiết kế Z Fold2, tôi sẽ chuyển chấm cắt này sang hẳn 1 góc màn hình để không cắt vào bất cứ nội dung nào (giống như chiếc Galaxy S10 / S10+), nhưng làm như vậy làm camera quá xa mặt người chụp tạo ra góc nhìn thiếu tự nhiên.

Trải nghiệm Samsung Galaxy Z Fold2: Người giàu không chơi game? - Ảnh 10.

Giống như Note20 Ultra và Tab S7+, màn hình trong của Z Fold2 có tần số làm tươi cao 120Hz. Sự nâng cấp về tần số 120Hz không chỉ khiến trải nghiệm cuộn trang mượt hơn, mà còn giải quyết được một vấn đề khá lớn ở màn hình Galaxy Fold đó là hiện tượng hình ảnh bị bẻ cong (Jelly Effect). Khi cuộn trang thật nhanh với phiên bản Fold cũ, 1 nửa màn sẽ được cập nhật trước nửa còn lại nên các đường thẳng bỗng biến thành đường cong, giờ với hiển thị số ảnh gấp 2 lần trong 1 giây hơn thì Z Fold2 đã giải quyết được gần như triệt để hiện tượng này.

Trải nghiệm Samsung Galaxy Z Fold2: Người giàu không chơi game? - Ảnh 11.
Hiện tượng màn hình bị bẻ cong (Jelly) trên Galaxy Tab S5e mà Galaxy Fold thế hệ đầu tiên cũng gặp phải

Nhìn về mặt thiết kế chung, Z Fold2 có nhiều điểm tương đồng so với chiếc Galaxy Note20 Ultra được ra mắt cùng thời điểm, trong khi phiên bản Galaxy Fold đầu tiên giống một chiếc ‘Galaxy S có thể gập được’ hơn. Tùy vào mắt thẩm mỹ của từng người mà đây là một điểm nâng cấp hay ‘hạ cấp’, cánh nam giới có lẽ sẽ thích vì nó mạnh mẽ, mang chất ‘doanh nhân’ hơn.

Trải nghiệm Samsung Galaxy Z Fold2: Người giàu không chơi game? - Ảnh 12.

Những điểm chưa tốt lắm

Trải nghiệm Samsung Galaxy Z Fold2: Người giàu không chơi game? - Ảnh 13.

Chứa trong mình nhiều điểm hoàn thiện đáng khen, ngược lại Z Fold2 cũng không phải là một thiết bị hoàn hảo. Một điểm yếu ta vẫn phải chấp nhận khi dùng smartphone gập đó là chiếc máy này rất dày, lên tới 16.8mm khi gập vào nên khi cho vào túi quần vẫn khá cộm. Với những ai thích mặc quần jeans bó thì có lẽ là ‘quên đi’, bạn nên để Z Fold2 vào túi xách hoặc ba lô thì sẽ hợp lý hơn. Dày như vậy nhưng Z Fold2 vẫn có cụm camera sau được làm lồi lên, không dày bằng Note20 Ultra nhưng cũng đủ để làm máy bị ‘cập kênh’ khi đặt trên bàn phẳng.

Trải nghiệm Samsung Galaxy Z Fold2: Người giàu không chơi game? - Ảnh 14.

Không chỉ dày, Z Fold2 còn nặng nữa! Với trọng lượng 282g, chiếc máy này nặng hơn phiên bản đầu tiên (263g) và cả Note20 Ultra (208g). Điều này khiến việc sử dụng máy bằng một tay, như chụp ảnh bằng camera sau với màn hình ngoài trở nên khó khăn hơn. Tuy vậy Samsung cũng đã làm tốt việc cân bằng trọng lượng của máy ở 2 bên, nên khi mở màn hình ra thì ta cầm ở bất cứ tư thế nào cũng có cảm giác nặng bằng nhau!

Trải nghiệm Samsung Galaxy Z Fold2: Người giàu không chơi game? - Ảnh 15.

Với kích thước lớn, Z Fold2 có thể tích hợp được 2 chiếc loa công suất khá lớn, khi dùng ở nhà tôi cũng không cần phải kết nối với loa hoặc tai nghe Bluetooth để xem phim và chơi game. Nhưng khi xoay máy theo chiều ngang ở cả chế độ màn hình ngoài hoặc màn hình trong, lòng bàn tay của người dùng rất dễ chắn 2 chiếc loa ngoài này, dẫn đến giảm âm lượng hoặc thậm chí mất tiếng hoàn toàn.

Khi xoay ngược máy lại thì vấn đề này sẽ được giải quyết, nhưng lúc này 2 kênh âm thanh trái phải sẽ bị đảo lộn chiều. Nếu như Samsung thêm một bản cập nhật phần mềm, cho phép máy nhận diện người dùng đang cầm máy theo chiều nào để tự động đảo chiều của loa (giống như đảo chiều màn hình) thì sẽ tốt biết mấy.

Trải nghiệm Samsung Galaxy Z Fold2: Người giàu không chơi game? - Ảnh 16.

Màn hình trong của máy đã được sử dụng loại vật liệu mới là ‘kính siêu mỏng’ thay vì hoàn toàn bằng nhựa như phiên bản trước đây, được cho là sẽ có độ bền tốt hơn trong thời gian dài. Tuy vậy nằm trên lớp kính này là 2 lớp nhựa khác nhau, một lớp nằm dưới phần viền và không thể bóc ra được, và 1 lớp nữa nằm ở trên. Tôi không hài lòng về việc lớp bảo vệ ở trên được cắt hình chữ U ở camera selfie, thay vì cắt 1 theo đúng hình vòng tròn giống với loại được sử dụng trên Note20 Ultra.

Trải nghiệm Samsung Galaxy Z Fold2: Người giàu không chơi game? - Ảnh 17.

Kèm với đó, lớp nhựa này sẽ cho cảm giác sử dụng khác với kính Gorilla Victus ở mặt ngoài, nói một cách dân dã là bị ‘rít’ hơn, dường như làm giảm trải nghiệm cao cấp của một dòng máy có giá bán tới 50 triệu Đồng. Như bạn có thể thấy trong bức ảnh phía trên, màn hình trong cũng rất dễ dính bẩn, dấu vân tay của người dùng và đòi hỏi ta phải lau sạch thường xuyên.

Trải nghiệm Samsung Galaxy Z Fold2: Người giàu không chơi game? - Ảnh 18.

Những yếu điểm về mặt phần cứng sau khi sử dụng 1 thời gian thì ta cũng sẽ quen thôi, nhưng đối với tôi vấn đề lớn nhất của Z Fold2, và cũng là điều quyết định sự thành bại của smartphone màn hình gập đó là khả năng tối ưu về phần mềm để phù hợp với những kích thước / tỷ lệ màn hình mới.

Trải nghiệm Samsung Galaxy Z Fold2: Người giàu không chơi game? - Ảnh 19.

Giao diện mặc định của Lightroom Mobile ở màn hình chính và khi đóng lại để dùng ở màn hình ngoài

Trải nghiệm Samsung Galaxy Z Fold2: Người giàu không chơi game? - Ảnh 20.
Khi sử dụng theo cách ngược lại thì lại tốt hơn rất nhiều!

Là một người hay chụp hình bằng máy ảnh sau đó chuyển vào smartphone để chỉnh sửa, tôi phải ‘ngớ người’ khi giao diện của phần mềm Lightroom Mobile khi dùng với màn hình trong chỉ thấy toàn thanh điều khiển, còn hình ảnh đang được chỉnh lại bé tý tẹo, không thấy được ta đã làm gì với nó nữa.

Khi sử dụng tính năng làm việc liên tục (App continuity) để sử dụng phần mềm này ở màn hình ngoài thì ta không còn thấy ảnh đâu luôn! Nhưng làm ngược lại tức là khi mở Lightroom Mobile từ màn hình ngoài rồi mở máy ra, thì cả 2 giao diện đều ‘đúng’ hơn, ta vừa thấy được cả hình ảnh lẫn các thanh điều khiển.

Trải nghiệm Samsung Galaxy Z Fold2: Người giàu không chơi game? - Ảnh 21.
Giao diện Facebook, Instagram và Reddit trên Z Fold2

Các ứng dụng mạng xã hội chưa được tối ưu hóa như Facebook, Instagram hay Reddit sẽ hiển thị nội dung giống như những smartphone màn hình dọc, chỉ là ‘bè’ ra theo chiều ngang trên Z Fold2 mà thôi. Điều này đồng nghĩa với việc mặc dù có màn hình lớn tới 7.6 inch nhưng Z Fold2 hiển thị được lượng nội dung theo chiều dọc không hề nhiều hơn Note20 Ultra.

Trải nghiệm Samsung Galaxy Z Fold2: Người giàu không chơi game? - Ảnh 22.
Màn hình to đấy nhưng Z Fold2 không hiển thị nhiều nội dung hơn Note20 Ultra, chỉ là mọi thứ được làm to hơn!

Trong cài đặt, ta cũng tìm thấy một tính năng để giải quyết vấn đề này, cho phép ứng dụng nhận Z Fold2 là một máy tính bảng để hiển thị giao diện theo nhiều tab thay vì chỉ là 1 phiên bản smartphone phóng lớn lên.

Trải nghiệm Samsung Galaxy Z Fold2: Người giàu không chơi game? - Ảnh 23.
Điều chỉnh zoom nhỏ hơn để giúp ứng dụng hiển thị như trên máy tính bảng (có nhiều tab độc lập)

Những ứng dụng có thay đổi lớn nhất là những ứng dụng mặc định của máy (tin nhắn, gọi điện…) và các ứng dụng của Google. Như Youtube chẳng hạn, thay vì chỉ hiện 1 hàng video thì ta có 2 hàng, giao diện khi đang chơi video cũng giống với máy tính, ta vừa có thể xem video vừa xem bình luận một cách dễ dàng.

Trải nghiệm Samsung Galaxy Z Fold2: Người giàu không chơi game? - Ảnh 24.
Youtube và Snapseed tận dụng được giao diện màn hình lớn

Vậy còn trải nghiệm chơi game trên Z Fold2 thì sao? Đối với những game arcade nhẹ nhàng như Sudoku, Doodle Jump hay BBtan thì việc máy có tỷ lệ màn hình khác thường không phải là vấn đề quan trọng, một số game sẽ không có những yếu tố ở 2 bên, một số sẽ phóng lớn lên mà thôi.

Nhưng với những game online dạng MOBA hay bắn súng FPS cần tương tác liên tục thì Z Fold2 lại xử lý hơi ‘cồng kềnh’. Như Liên Quân Mobile, giao diện game sẽ bị cắt mất tầm nhìn ở 2 bên, gây bất lợi vì tầm nhìn đã bị thu hẹp mất rồi. Màn hình trong lớn cũng khiến các nút điều khiển bị cách xa nhau hơn, vì vậy mà thao tác cũng bị chậm đi rõ rệt. Nếu bạn dành nhiều thời gian để chơi game MOBA và FPS trên smartphone, Note20 Ultra chắc chắn sẽ là lựa chọn tốt hơn rất nhiều so với Z Fold2.

Trải nghiệm Samsung Galaxy Z Fold2: Người giàu không chơi game? - Ảnh 25.
Trải nghiệm game trên Z Fold2 trải dài từ tuyệt vời, tạm được và không thể chơi nổi!

Việc tôi không chơi những game online nặng trên Z Fold2 cũng là 1 lý do tại sao thời lượng pin của chiếc máy này vẫn rất ổn mặc dù có viên pin 4500mAh mà phải ‘gánh’ một màn hình trong lớn 7.6 inch tần số làm tươi 120Hz và vi xử lý đầu bảng Snapdragon 865+. Máy luôn có thời lượng screen-on time khoảng từ 5 tiếng 45 phút – 6 tiếng trước khi phải cắm sạc, đối với tôi là quá đủ cho 1 ngày rồi. Được cái này mất cái kia, không chơi game nên tôi sử dụng được máy trong thời gian lâu hơn, và cũng có thể là tập trung cho học tập và làm việc hơn là ngồi ‘cày rank’ hàng giờ.

Người giàu không chơi game?

Sau những hào hứng đầu tiên khi được trải nghiệm một loại thiết bị mới mẻ và độc đáo, càng sử dụng Samsung Galaxy Z Fold2 tôi càng cảm thấy đây không phải sản phẩm dành cho mình. Tôi tự cho mình là người thực dụng, thích những thứ đơn giản chỉ có 1 chức năng và làm thật tốt chức năng đó, Z Fold2 lại không phải là một thứ như vậy. Là một chiếc smartphone, nó khá lớn và cồng kềnh, lại khó chơi những game online MOBA và FPS; là một máy tính bảng thì Z Fold2 lại có kích thước màn hình trong không lớn bằng và hệ thống ứng dụng chưa được tối ưu hoàn toàn.

Trải nghiệm Samsung Galaxy Z Fold2: Người giàu không chơi game? - Ảnh 26.

Nếu bỗng có 50 triệu Đồng bỗng dưng ‘rơi vào đầu’, thay vì mua Galaxy Z Fold2 ta có thể chọn một trong 2 combo smartphone và máy tính bảng là Note20 Ultra 5G và Galaxy Tab S7 (47 triệu Đồng) hoặc iPhone 11 Pro Max (64GB) và iPad Pro 2020 (Wifi 128GB) dành cho những fan Táo. Cá nhân tôi sẽ mua chiếc Oneplus 8 Pro 5G và dùng 25 triệu Đồng để mua 1 chiếc laptop tầm trung / cận cao cấp để làm những việc khác.

Trải nghiệm Samsung Galaxy Z Fold2: Người giàu không chơi game? - Ảnh 27.

Nhưng một khi bạn đã phải cân đo đong đếm về vấn đề hiệu năng trên giá tiền thì chắc chắn bạn đã biết rõ Galaxy Z Fold2 không dành cho mình rồi. Đây là thiết bị để dành cho những người có mức thu nhập cao, sẵn sàng bỏ tiền để có những thiết bị độc đáo và ‘khác người’, sẽ sử dụng nó vào mục đích công việc nhiều hơn là giải trí; và có lẽ những người chuyên tâm vào công việc hơn chơi game mới có tiền để mua Z Fold2 thật!

Một điều ta phải khẳng định đó là những ai có cơ hội sở hữu Galaxy Z Fold2 thì sẽ nhận về một thiết bị hoàn thiện hơn (rất nhiều về thiết kế, độ bền và một chút về phần mềm) so với phiên bản Galaxy Fold thế hệ đầu tiên.

Theo: Pháp luật & Bạn đọc

Nguồn: genk.vn

Tin liên quan

Scroll Top