Trung Quốc từng cố làm hệ điều hành riêng nhưng thất bại

12:20 Chiều - 24/05/2019
0 Bình luận
439
bởi Thiên Quang

Trước Huawei, nhiều công ty Trung Quốc từng cố gắng phát triển hệ điều hành riêng trên cả máy tính và các thiết bị di động nhưng đều thất bại.

Mới đây, ông Richard Yu – Giám đốc điều hành Huawei – thông báo tập đoàn này sẽ giới thiệu hệ điều hành điện thoại di động riêng vào mùa thu năm nay. Hệ điều hành Huawei vẫn sẽ hỗ trợ các ứng dụng Android.

Theo báo South China Morning Post, hệ điều hành mới của Huawei không chỉ hoạt động trên smartphone mà còn sẽ có mặt trên máy tính xách tay và nhiều thiết bị khác.

Tuy nhiên, xây dựng một hệ điều hành không phải là công việc đơn giản. Ngay cả những ông lớn như Microsoft, Samsung và nhiều công ty công nghệ Trung Quốc khác cũng đã có những bài học đắt giá trong lĩnh vực này.

Đã cố gắng nhưng thất bại

Trước Huawei, không ít công ty tại Trung Quốc đã từng cố gắng phát triển hệ điều hành riêng, thay thế các nền tảng đến từ phương Tây. Nhưng tất cả đều thất bại.

Red Flag Linux có giao diện và trải nghiệm tương tự phiên bản Windows XP. Ảnh: Red Flag Linux.
Red Flag Linux có giao diện và trải nghiệm tương tự phiên bản Windows XP. Ảnh: Red Flag Linux.

Dự án Red Flag Linux được xây dựng từ năm 1999 từng là niềm hy vọng lớn của Trung Quốc nhằm thay thế Windows. Hệ điều hành này được phát triển dựa trên mã nguồn mở Linux bởi Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc. Tuy nhiên, dự án ngừng hoạt động vào năm 2014 vì thiếu nguồn vốn.

“Việc sử dụng hệ điều hành này giống như đạp xe đạp trên một con đường lớn ở Bắc Kinh. Nó khá nhàm chán và tách biệt”, một kỹ sư mô tả trải nghiệm của họ khi dùng nền tảng Red Flag Linux.

Bên cạnh Red Flag Linux, Trung Quốc cũng từng phát triển một số nền tảng khác như Kylin OS (do quân đội Trung Quốc đồng xây dựng) và Start OS.

Thậm chí, quốc gia này từng cấm sử dụng hệ điều hành Windows 8 với các máy tính của chính phủ và thực hiện nhiều cuộc điều tra chống độc quyền nhắm vào Microsoft từ năm 2014-2016. Tuy nhiên, tất cả đều không giúp ích gì cho việc phát triển hệ điều hành của riêng Trung Quốc.

Hệ điều hành trên di động cũng chứng kiến tình cảnh tương tự. Năm 2009, China Mobile giới thiệu phiên bản tùy chỉnh dựa trên nền tảng Android của Google với tên gọi OPhone, nhưng nó đã biến mất chỉ sau chưa đầy một năm.

Trên thực tế, Trung Quốc không phải là quốc gia duy nhất thất bại thảm hại khi muốn tạo ra một hệ điều hành độc lập, đặc biệt là nền tảng dành cho các thiết bị di động.

Samsung vẫn đang loay hoay với Tizen, Nokia từng bị thảm bại vì Symbian hay thậm chí một gã khổng lồ phần mềm trên máy tính như Microsoft cũng thất bại với phiên bản Windows Mobile. Từ nhiều năm qua, Android và iOS đã nuốt trọn thị trường hệ điều hành smartphone.

Khó hơn nhiều so với làm phần cứng

Huawei cho biết hệ điều hành mới của công ty đã được đầu tư nghiên cứu từ năm 2012. Theo SCMP, nền tảng này được biết đến trong nội bộ với cái tên “Project Z”.

SCMP nhận định việc phát triển hệ điều hành riêng sẽ khiến Huawei gặp nhiều khó khăn hơn so với làm phần cứng. Nhà phân tích Charlie Dai từ Forrester cho rằng nguyên nhân không chỉ đến từ tính phức tạp của công nghệ.

CEO Richard Yu hứa hẹn hệ điều hành mới không chỉ tương thích mà còn giúp cải thiện tốc độ của các ứng dụng Android. Ảnh: Bloomberg.
CEO Richard Yu hứa hẹn hệ điều hành mới không chỉ tương thích mà còn giúp cải thiện tốc độ của các ứng dụng Android. Ảnh: Bloomberg.

“Để tạo ra hệ sinh thái của một hệ điều hành trên di động sẽ cần sự tham gia của tất cả các đối tác từ phần cứng đến ứng dụng phần mềm, cũng như cộng đồng các nhà phát triển”, chuyên gia Dai nói.

Theo nhà phân tích Brynan Ma từ IDC, một hệ điều hành sẽ chẳng có giá trị khi nó không có ứng dụng. Hệ sinh thái ứng dụng sẽ rất khó để xây dựng và phụ thuộc nhiều vào các nhà phát triển.

Người dùng Trung Quốc từ lâu đã quen với việc sử dụng các ứng dụng nội địa. Tuy nhiên, bên ngoài thị thường tỷ dân, các phần mềm như Google, YouTube hay quan trọng hơn là kho ứng dụng Google Play đã trở thành thứ không thể thiếu đối với người dùng Android.

“Nếu Google không tạo ra ứng dụng tương tự cho nền tảng mới của Huawei, nó sẽ không thể đi ra ngoài Trung Quốc”, ông Ma nói. Mà thị trường nước ngoài chiếm khoảng 49% doanh số của Huawei.

Theo: Đức Hải

Nguồn: News Zing

Tin liên quan

Scroll Top