Vắc-xin Sputnik V: Công nghệ, độ an toàn và hiệu quả, khả năng chống biến thể Delta

07:30 Sáng - 27/09/2021
0 Bình luận
368
bởi Anh Tuấn

Hiện đã có 70 nước trên thế giới phê duyệt vắc-xin Sputnik V. Các quốc gia này có tổng dân số khoảng 4 tỷ người, tương đương 50% dân số thế giới.

Mới đây, Công ty TNHH MTV Vắc xin và Sinh phẩm số 1 (VABIOTECH) đã chính thức công bố sản xuất thành công lô vắc-xin phòng COVID-19 Sputnik V đầu tiên tại Việt Nam. Dự án nằm trong khuôn khổ hợp tác chuyển giao công nghệ giữa VABIOTECH và Quỹ Đầu tư Trực tiếp Nga (RDIF), với tham vọng sản xuất vắc-xin COVID-19 Sputnik V cho Việt Nam và cả các quốc gia trong khu vực.

Trước đó, vào tháng 3/2021, Bộ Y tế đã phê duyệt khẩn cấp vắc-xin Sputnik V cho nhu cầu cấp bách trong phòng chống dịch COVID-19. Bài viết dưới đây sẽ tóm tắt cho độc giả toàn bộ bằng chứng khoa học, dữ liệu tiêm chủng và tuyên bố nổi bật xung quanh loại vắc-xin này:

Vắc-xin Sputnik V: Công nghệ, độ an toàn và hiệu quả, khả năng chống biến thể Delta - Ảnh 1.

1. Vắc-xin Sputnik V và cơ chế hoạt động

Sputnik V là vắc-xin phòng COVID-19 được phát triển bởi Trung tâm Dịch tễ và Vi sinh học Quốc gia Gamalaya của LB Nga. Chủ nhiệm đề tài là tiến sĩ Denis Logunov, Phó Viện trưởng, Chủ nhiệm Trung tâm Thí nghiệm Vi sinh Tế bào.

Tiến sĩ Logunov đã có hơn 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực nghiên cứu vector virus, cũng chính là công nghệ để làm ra vắc-xin Sputnik V. Ông là tác giả của hơn 140 bài báo khoa học, 82 bài báo trên các tạp chí có bình duyệt và 21 bằng sáng chế.

Trong quá trình phát triển, vắc-xin Sputnik V được đặt theo địa điểm nơi nó được nghiên cứu, GAM-COVID-Vax. Tuy nhiên, nhà tài trợ chính cho vắc-xin là Quỹ Đầu tư Trực tiếp Nga (RDIF) đã quyết định đổi tên vắc-xin này thành Sputnik V, với “Sputnik” tham chiếu tới tên vệ tinh đầu tiên được con người phóng lên quỹ đạo, còn “V” đại diện cho “Victory” nghĩa là “chiến thắng” đại dịch.

Sputnik V là vắc-xin chống lại COVID-19 đầu tiên được cấp phép trên thế giới.

Về công nghệ, vắc-xin Sputnik V được phát triển dựa trên vector virus, tương tự như vắc-xin COVID-19 của AstraZeneca, Janssen của Johnson & Johnson, Convidecia của CanSino và một vắc-xin COVID-19 do VABIOTECH đang phát triển.

Vector là những virus vô hại đã được chỉnh sửa để vô hiệu hóa khả năng sao chép. Sau đó, các nhà khoa học tiếp tục thêm vào virus này một gen biểu hiện protein gai của virus SARS-CoV-2. Các vector virus tái tổ hợp cuối cùng được tiêm vào cơ thể.

Với gen biểu hiện protein gai của virus SARS-CoV-2 mang theo, vector virus sẽ kích thích hệ miễn dịch nhận diện được protein gai của virus, từ đó sinh ra các kháng thể và huy động các tế bào miễn dịch chống lại chúng.

Vắc-xin Sputnik V: Công nghệ, độ an toàn và hiệu quả, khả năng chống biến thể Delta - Ảnh 2.

Bản thân vector virus là an toàn, nó không thể khiến chúng ta mắc COVID-19 hoặc bệnh do vector virus gây ra. Thay vào đó, vector virus chỉ đóng vai trò vận chuyển vật chất di truyền, và bản thân vật chất di truyền này không thể tích hợp được vào bộ gen người.

Tuy nhiên, các nhà khoa học Nga cho biết có điểm khác biệt giữa vắc-xin Sputnik V với các loại vắc-xin vector virus khác, đó là Sputnik V là một vắc-xin vector phối hợp. Nó sử dụng tới 2 vector virus: Ad26 cho thành phần hay mũi tiêm đầu tiên, và Ad5 cho thành phần hay mũi tiêm thứ hai.

Các loại vắc-xin cùng công nghệ khác chỉ sử dụng một vector virus cho cả hai mũi, chẳng hạn như AstraZeneca sử dụng vector virus ChAdOx1, Janssen của Johnson & Johnson sử dụng Ad26, Convidecia của CanSino sử dụng Ad5.

Vắc-xin Sputnik V: Công nghệ, độ an toàn và hiệu quả, khả năng chống biến thể Delta - Ảnh 3.

Sputnik V là một vắc-xin vector phối hợp. Nó sử dụng tới 2 vector virus: Ad26 cho thành phần hay mũi tiêm đầu tiên, và Ad5 cho thành phần hay mũi tiêm thứ hai.

Vậy nên thực chất có thể coi hai liều vắc-xin Spunik V là 2 loại vắc-xin khác nhau hoặc một loại vắc-xin kép. Các nhà khoa học Nga gọi đó là một sự kết hợp đột phá, độc đáo và duy nhất trên toàn cầu. Theo họ, việc tiêm một vắc-xin khác loại ở mũi thứ hai sẽ giúp hệ miễn dịch củng cố khả năng nhận diện và chống lại virus SARS-CoV-2.

Đồng thời, điều này sẽ kéo dài thời gian miễn dịch hơn so với chỉ tiêm một liều hoặc 2 liều nhưng cùng một loại vắc-xin sử dụng một vector virus duy nhất. Kết hợp 2 loại vector virus cho hai mũi tiêm sẽ khắc phục được khuyết điểm của vắc-xin dựa trên công nghệ này, đó là sự miễn dịch sẵn có trong quần thể với chính vector sẽ làm yếu khả năng bảo vệ của vắc-xin.

Ngoài ra, khi sử dụng cùng một loại vector virus cho hai liều cũng có thể dẫn đến hiện tượng cơ thể phát triển phản ứng miễn dịch chống lại chính virus vector sau mũi tiêm thứ nhất rồi tiêu diệt nó ở mũi tiêm thứ hai. Trong khi vắc-xin kết hợp hai vector khác nhau sẽ giúp giảm nguy cơ xảy ra hiện tượng này.

Vắc-xin Sputnik V: Công nghệ, độ an toàn và hiệu quả, khả năng chống biến thể Delta - Ảnh 4.

2. Độ an toàn và hiệu quả của vắc-xin Sputnik V nhìn từ bằng chứng khoa học và thực tế tiêm chủng

Khi quyết định phát triển vắc-xin COVID-19 theo công nghệ vector virus, các nhà khoa học Nga đã tham chiếu tới hơn 70 nghiên cứu và 250 thử nghiệm lâm sàng chứng minh sự an toàn của công nghệ này.

Thử nghiệm lâm sàng giai đoạn III cho thấy hiệu quả của vắc-xin Sputnik V đạt được là 91,6%. Điều này đặt Sputnik V lọt vào top 3 vắc-xin COVID-19 hiệu quả nhất, ngang hàng với vắc-xin COVID-19 sử dụng công nghệ mRNA của Pfizer và Moderna có hiệu quả ban đầu lần lượt là 95% và 94,1%.

Vắc-xin Sputnik V sau đó đã được tiêm đại trà tại Nga và một số quốc gia. Các kết quả trong thực tế tiếp tục chỉ ra sự an toàn và hiệu quả thậm chí vượt xa mong đợi của loại vắc-xin này.

Theo dữ liệu được Trung tâm Nghiên cứu Dịch tễ học và Vi sinh vật học Gamaleya tuyên bố, tính đến ngày 19 tháng 4 năm 2021, đã có 3,8 triệu liều vắc-xin Sputnik V được tiêm tại Nga. Dữ liệu trong giai đoạn này cho thấy vắc-xin Sputnik V có khả năng phòng ngừa COVID-19 lên tới 97,6% và cung cấp sự bảo vệ 100% chống lại các trường hợp có triệu chứng nghiêm trọng.

Quá trình tiêm chủng ở Nga cũng cho thấy Sputnik V không gây ra các biến chứng đông máu hiếm gặp, huyết máu tĩnh mạch não (CVT) và viêm cơ tim như các loại vắc-xin COVID-19 dựa trên vector virus khác là AstraZeneca và Jennsen. Không có trường hợp tử vong nào liên quan đến vắc-xin Sputnik V được ghi nhận.

Chiến dịch tiêm chủng trên 2,8 triệu người Argentina cũng cho thấy kế quả tương tự. Không có bất kể trường hợp tử vong nào sau khi tiêm vắc-xin Sputnik V. Đa phần các tác dụng phụ của vắc-xin ở mức nhẹ.

Tỷ lệ gặp tác dụng phụ nghiêm trọng sau tiêm vắc-xin là 0,7/1 triệu liều, thấp nhất trong số 3 loại vắc-xin COVID-19 được tiêm ở tỉnh Buenos Aires của Argentina là Sinopharm (0,8%) và Astrazeneca (3,2%).

Tại Belarus, RDFI dẫn nguồn từ Bộ Y tế nước này cho biết sau chiến dịch tiêm chủng hơn 860.000 liều vắc-xin Sputnik V, không có trường hợp gặp tác dụng phụ hay tử vong nào được ghi nhận. Hiệu quả bảo vệ của vắc-xin là 97,2%.

Cũng theo RDFI, Bộ Y tế Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập thống nhất (UAE) không quan sát thấy bất kể trường hợp tác dụng phụ dẫn đến nhập viện hay tử vong nào sau khi 81.000 người dân nước này được tiêm vắc-xin Sputnik V. Hiệu quả của vắc-xin là 97,8% sau mũi thứ hai và 100% bảo vệ khỏi các ca nhiễm COVID-19 nặng.

Tại Serbia, khoảng 750.000 người dân nước này đã được tiêm vắc-xin Sputnik V. So sánh với ba loại vắc-xin khác cũng đã được tiêm ở Serbia là Sinopharm, Pfizer và AstraZeneca, thứ trưởng Bộ Y tế nước này, ông Mirsad Jerlek cho biết Sputnik V là một trong hai loại vắc-xin có tác dụng phụ nhẹ nhất.

Vắc-xin Sputnik V: Công nghệ, độ an toàn và hiệu quả, khả năng chống biến thể Delta - Ảnh 5.
Vắc-xin Sputnik V: Công nghệ, độ an toàn và hiệu quả, khả năng chống biến thể Delta - Ảnh 6.

Tuần trước, một nghiên cứu mới trên tạp chí The Lancet ghi nhận vắc-xin Sputnik V cho hiệu quả rất tốt ngay từ liều đầu tiên. Nghiên cứu cho thấy trong nhóm 40.387 người được tiêm mũi 1 của Sputnik V, hiệu quả bảo vệ khỏi lây nhiễm là 78,6%, giảm tỷ lệ mắc COVID-19 nặng phải nhập viện tới 87,6% và giảm 84,8% tỷ lệ tử vong – cao hơn nhiều loại vắc-xin COVID-19 hai liều khác.

Chính hiệu quả này đã khiến các nhà khoa học tại Trung tâm Dịch tễ và Vi sinh học Quốc gia Gamaleya đề xuất tách mũi tiêm số 1 của Sputnik V, sử dụng vector virus ad26 ra làm một vắc-xin rút gọn gọi là Sputnik Light.

Vắc-xin rút gọn này chỉ cần tiêm 1 mũi rút ngắn thời gian, tạo miễn dịch và giảm chi phí. Ngoài ra, nó cũng có thể được sử dụng làm mũi tiêm nhắc lại tăng cường cho những người đã tiêm đủ các loại vắc-xin khác nhưng hiệu quả bảo vệ giảm sút theo thời gian.

Vắc-xin Sputnik V: Công nghệ, độ an toàn và hiệu quả, khả năng chống biến thể Delta - Ảnh 7.
Vắc-xin Sputnik V: Công nghệ, độ an toàn và hiệu quả, khả năng chống biến thể Delta - Ảnh 8.
Vắc-xin Sputnik V: Công nghệ, độ an toàn và hiệu quả, khả năng chống biến thể Delta - Ảnh 9.

3. Vắc-xin Sputnik V hiệu quả đến đâu với biến thể Delta?

Vào khoảng thời gian tháng 7 và tháng 8, cơ quan y tế nhà nước Nga cho biết khoảng 95% các ca nhiễm COVID-19 tại nước này là từ biến thể Delta. Cùng lúc, một nghiên cứu thực hiện trên gần 14.000 người tại thành phố St.Petersburg cho thấy hai liều vắc-xin Sputnik V có hiệu quả bảo vệ 81% khỏi các ca nhiễm COVID-19 viêm phổi nặng phải chuyển viện lên tuyến cao hơn.

Điều đáng nói là nghiên cứu này bao gồm dữ liệu chụp cắt lớp CT phổi của cả bệnh nhân nhiễm COVID-19 nhẹ và nặng, một điều mà các nghiên cứu phương tây ít khi làm được. Nó cho phép các bác sĩ Nga đánh giá đúng mức độ viêm phổi của từng bệnh nhân.

Nghiên cứu này vừa được đăng tải trên nền tảng công bố bài báo trước xuất bản Medrxiv hồi cuối tháng 8.

Trước đó vào đầu tháng 8, hãng tin nhà nước RT của Nga dẫn nguồn từ RDFI cho biết hiệu quả dịch tễ học của vắc-xin Sputnik V đối với biến thể Delta là 83,1%. Hai liều vắc-xin Sputnik V có khả năng chống lại 94,37% các ca nhiễm biến thể Delta nặng phải nhập viện. Con số được cho là cao hơn cả hai loại vắc-xin mRNA của Mỹ là Pfizer và Moderna.

Alexander Gintsburg, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Dịch tễ và Vi sinh vật học Gamaleya trả lời trên đài Radio 1 giải thích:

Vắc-xin Sputnik V tốt vì nó tạo ra phản ứng với protein gai S của virus corona ở nhiều trạng thái cấu trúc, trái ngược với vắc-xin mRNA chỉ phản ứng với một trạng thái cấu trúc. Tất nhiên, vắc-xin mRNA cung cấp một phản ứng miễn dịch mạnh mẽ, nhưng nó chỉ chống lại một số lượng rất hạn chế các biến thể kháng nguyên. Còn Sputnik V tạo ra phản ứng đồng đều đối với một số lượng rất lớn các biến thể kháng nguyên, đây là một trong những ưu điểm chính của vắc-xin này”.

Vắc-xin Sputnik V: Công nghệ, độ an toàn và hiệu quả, khả năng chống biến thể Delta - Ảnh 10.
Vắc-xin Sputnik V: Công nghệ, độ an toàn và hiệu quả, khả năng chống biến thể Delta - Ảnh 11.

Trước đó vào tháng 6 ông Gintsburg từng khẳng định vắc-xin Sputnik V có hiệu quả trên 90% với biến thể Delta. Giải thích về con số mới, Gintsburg cho biết hiệu quả của Sputnik V với Delta có thể là 83-94% tùy theo phương pháp tính toán, nhưng con số cao hơn nhiều các vắc-xin nước ngoài khác.

Vắc-xin Sputnik V: Công nghệ, độ an toàn và hiệu quả, khả năng chống biến thể Delta - Ảnh 12.
Vắc-xin Sputnik V: Công nghệ, độ an toàn và hiệu quả, khả năng chống biến thể Delta - Ảnh 13.

4. Vắc-xin Sputnik V đang được tiêm ở các quốc gia nào?

Theo Quỹ Đầu tư Trực tiếp Nga (RDIF), đơn vị tài trợ chính cho chương trình nghiên cứu, và hợp tác sản xuất vắc-xin Sputnik V, hiện đã có 70 nước trên thế giới cấp phép sử dụng khẩn cấp cho vắc-xin Sputnik V. Các quốc gia này có tổng dân số khoảng 4 tỷ người, tương đương 50% dân số thế giới.

Các chiến dịch tiêm chủng Sputnik V lớn nhất đã được thực hiện tại Nga, Argentina, Belarus, Serbia. Ngoài ra, có 42 quốc gia và vùng lãnh thổ khác trong số 70 quốc gia đã cấp phép cho vắc-xin này đã tiến hành tiêm vắc-xin Sputnik V.

Vắc-xin Sputnik V: Công nghệ, độ an toàn và hiệu quả, khả năng chống biến thể Delta - Ảnh 14.

Một người dân tỉnh Buenos Aires của Argentina được tiêm vắc-xin Sputnik V.

Theo: Pháp luật & Bạn đọc

Nguồn: genk.vn

Tin liên quan

Scroll Top