Phần cứng máy tính sẽ không hề chậm lại trong suốt quá trình làm việc. Thay vào đó, một số lý do khác lại khiến các thiết bị công nghệ cũ giảm dần hiệu năng.
Để khiến ứng dụng của mình chạy nhanh hơn, một số nhà sản xuất đã tạo các bản lưu trữ vào RAM những thứ mà họ cho rằng người dùng sẽ muốn nhìn lại. Ví dụ, trình duyệt có thể giữ lại bản sao nội dung của các tab để hiển thị nhanh thậm chí khi người dùng chỉ đang mở một trang. Việc lưu trữ này giúp mọi thứ hoạt động nhanh hơn, ít nhất là cho đến khi bộ nhớ của thiết bị đầy.
Để sử dụng bộ nhớ đệm hiệu quả, các phần mềm và hệ điều hành cần phải quản lý cẩn thận không gian của nó. Tuy nhiên, một số nhà phát triển không thật sự quan tâm vấn đề này và dẫn đến việc ứng dụng của họ chậm dần đồng thời kéo theo cả hệ thống.
Sau mỗi bản cập nhật, các ứng dụng thường trở nên nặng và tích hợp nhiều tính năng hơn. Tất cả tính năng bổ sung này bắt buộc máy tính phải hoạt động nhiều hơn so với ban đầu. Từ đó, các thiết bị không thể hoàn thành công việc một cách nhanh chóng.
Ngoài việc bắt buộc tính toán nhiều hơn, ứng dụng mới còn tiêu tốn lượng lớn bộ nhớ trong khi các thiết bị lại có giới hạn về RAM. Là một trong những thành phần lưu trữ dữ liệu, bộ nhớ RAM có thể được coi như tấm bảng văn phòng – nhanh chóng và tiện lợi – nhưng lại bị hạn chế về dung lượng. Các nội dung của nó sẽ tự động xóa mỗi khi người dùng tắt thiết bị.
Khi sử dụng hết RAM, thiết bị sẽ vận chuyển dữ liệu đến kho lưu trữ chậm hơn là bộ nhớ flash. Đối với những máy tính cũ sử dụng ổ đĩa cứng cơ, hiện tượng này được gọi là “thrash”. Người dùng sẽ nghe thấy tiếng đĩa chạy khi chờ đợi dữ liệu chuyển đổi giữa các ổ cứng. Bộ nhớ flash tuy bớt ồn ào và cũng nhanh hơn nhiều các loại đĩa cứng nhưng vẫn không thể so sánh với tốc độ của RAM.
Không hiếm các trường hợp những ứng dụng hữu ích lại đi kèm chung với crapware (phần mềm rác) và tiêu tốn một lượng lớn tài nguyên cũng như tác động đến hiệu suất máy tính. Chúng làm chậm hệ thống của người dùng bằng nhiều cách khác nhau như lấp đầy kho lưu trữ, ngốn RAM, và sử dụng bộ xử lý máy tính dưới chế độ nền mà không hề có thông báo.
Điều này sẽ dẫn đến lượng tài nguyên có sẵn trên thiết bị của người dùng trở nên hạn chế. Đối với thiết bị mới hoặc vừa được reset sẽ có ít các phần mềm rác này, do đó chừa nhiều tài nguyên hơn dành cho người dùng. Một khả năng nữa là thiết bị có thể ảnh hưởng bởi các phần mềm độc hại, bao gồm virus, worm và nhiều loại khác.
Các thiết bị cũ chắc chắn sẽ không thể so sánh hiệu suất với những sản phẩm mới dù là điện thoại, máy tính bảng hay laptop. Tuy nhiên, chúng vẫn có thể được tận dụng một cách tối đa khả năng của mình.
Một trong những biện pháp hữu ích và tiết kiệm nhất chính là gỡ cài đặt các ứng dụng không cần thiết. Ở một số trường hợp, sau khi sao lưu toàn bộ dữ liệu cẩn thận, người dùng chỉ cần thực hiện factory reset và cài đặt hệ điều hành lại từ đầu. Sau đó chỉ nên thêm một số ứng dụng thật sự cần thiết.
Các thiết bị như điện thoại, máy tính bảng và laptop sẽ luôn chậm dần theo thời gian cho đến khi không còn dùng được nữa. Tuy nhiên, sau khi khôi phục cài đặt gốc và hệ điều hành, chúng sẽ nhanh như lúc mới mua.
Theo: Gia Minh
Nguồn: News Zing