Trong khi xe điện đang nổi lên như một xu hướng mới, phạm vi hoạt động và tốc độ sạc điện chậm chạp vẫn là một trong những trở ngại để nó được người dùng chấp thuận rộng rãi. Nhưng một đối thủ của Tesla tại Trung Quốc đang tìm ra giải pháp cho vấn đề này khi cho phép người dùng mua xe không cần pin.
Thay vào đó, người dùng có tùy chọn “Battery as a service” (pin như một dịch vụ) do hãng xe Nio cung cấp. Không chỉ giúp người dùng mua những chiếc xe sang trọng với giá rẻ hơn mà còn nạp năng lượng nhanh hơn. Thay vì phải trả từ 10.000 USD đến hàng chục nghìn USD để có được một khối pin gắn chặt trong xe, người dùng có thể trả phí dịch vụ thuê pin hàng tháng.
Sẽ mất khoảng 4 phút để tháo và thay pin mới cho xe
Bên cạnh đó, thay vì phải sạc điện mỗi khi hết pin, người dùng có thể mang chiếc xe đến garage của công ty và một cỗ máy sẽ tự động thay thế một khối pin hoàn toàn mới cho chiếc xe.
Theo giám đốc liên lạc của Nio, JoAnn Yamani cho biết: “Khối pin cạn kiệt của bạn sẽ được tháo ra và thay bằng một khối pin được sạc đầy hoàn toàn mới chỉ trong vòng 3 phút. Sau đó bạn chỉ việc lái đi. Bạn không phải lo lắng về việc ngồi đợi chiếc xe của mình được sạc đầy.”
Cách tiếp cận này trái ngược so với Tesla hay hầu hết các hãng xe điện khác khi xây dựng trạm sạc điện cho xe. Cho dù việc sạc nhanh giúp tiết kiệm đáng kể thời gian sạc, nhưng việc sạc điện với tốc độ ổn định được xem như tốt hơn cho pin.
Chính vì vậy, hệ thống trạm thay pin được xem sẽ giải quyết vấn đề sạc điện cho pin ô tô điện một cách tiện lợi hơn. Hiện tại Nio đang có mạng lưới với 178 trạm đổi pin trong các thành phố như Bắc Kinh và Thâm Quyến cũng như trên đường nối giữa 2 thành phố này. Đến cuối năm nay, công ty dự định sẽ xây dựng được 500 trạm sạc trên khắp Trung Quốc. Thậm chí nếu một khách hàng hết pin giữa đường, họ có thể dùng ứng dụng để yêu cầu công ty gửi đến một viên pin mới và thay tại chỗ.
Tương lai bất định
Trên thực tế, ý tưởng trạm đổi pin không phải mới.
Tesla cũng từng thử nghiệm việc đổi pin thay cho sạc nhưng sau đó phải hủy bỏ sau 2 năm
Better Place, startup Israel đã huy động được 1 tỷ USD và mở một mạng lưới các trạm đổi pin ở Israel vào năm 2012 nhưng sau đó đã phải nộp đơn phá sản vào năm 2013 do không thể hoạt động hiệu quả. Tesla cũng từng thử nghiệm một trạm đổi pin vào năm 2013 nhưng sau đó từ bỏ ý định này và tập trung vào việc xây dựng mạng lưới các trạm sạc siêu nhanh.
Tuy vậy, Nio vẫn rất tự tin với ý tưởng này khi cho rằng giờ là thời điểm thích hợp để mô hình này trở nên thành công. Mặc dù vậy trong vòng vài năm tới, các xe điện có thể trở nên rẻ như xe chạy xăng. Khi đó nhu cầu về những chiếc xe không pin sẽ yếu hơn. Khả năng sạc điện nhiều khả năng cũng đã trở nên tiện lợi hơn.
Lựa chọn đổi pin của Nio rất thú vị nhưng nó khó có thể trở nên phổ biến cho tất cả các hãng xe khác như trạm xăng. Hệ thống này chỉ tương thích với các xe Nio vốn có thiết kế vị trí tháo lắp pin phù hợp, trong khi đó mỗi hãng xe điện lại có thiết kế khác biệt. Do vậy, loại hạ tầng này sẽ khó trở nên phổ biến.
Tham khảo Fastcompany
Theo: Pháp luật & Bạn đọc
Nguồn: genk.vn