Chỉ vài tháng sau khi đại dịch COVID-19 bùng nổ, đã có ít nhất 115 ứng cử viên vắc-xin chống lại virus corona đang được đồng loạt phát triển trên toàn thế giới. Tại Pháp, Viện Pasteur đang theo đuổi hướng nghiên cứu sửa đổi vắc-xin sởi để “đánh lừa” cơ thể sản xuất ra kháng thể chống lại SARS-CoV-2.
Vào tháng 3, Liên minh đổi mới phòng chống dịch bệnh (CEPI) đã phê duyệt khoản tài trợ ban đầu lên tới 4,9 triệu USD cho nghiên cứu tiền lâm sàng này của Viện Pasteur. Loại vắc-xin của họ là một trong 8 ứng cử viên được CEPI lựa chọn, và đang cạnh tranh 2-3 suất tài trợ cuối cùng đi đến được giai đoạn phê duyệt nếu vắc-xin chứng tỏ được độ an toàn và hiệu quả cần thiết.
CEPI ước tính việc nghiên cứu phát triển vắc-xin cho đại dịch COVID-19 sẽ tốn khoảng 2 tỷ USD. Và để sản xuất đủ vắc-xin và phân phối cho hàng tỷ người trên toàn thế giới, chúng ta sẽ tốn thêm ít nhất 1 tỷ USD nữa. Nhưng nhà virus học Frédéric Tangy, người đứng đầu phòng thí nghiệm đổi mới vắc-xin tại Viện Pasteur, nói rằng tiêm chủng là giải pháp duy nhất cho đại dịch.
Ông so sánh các biện pháp cách ly xã hội và tự phong tỏa chỉ giống như dán băng Urgo lên một vết thương hở lớn. “Theo những gì chúng ta biết về khả năng truyền nhiễm của SARS-CoV-2, 60% đến 70% dân số thế giới sẽ phải được chủng ngừa“, Tangy nói.
Viện Pasteur đã có kinh nghiệm chiến thắng rất nhiều bệnh truyền nhiễm
Đặt theo tên của Louis Pasteur, nhà hóa sinh tiên phong người Pháp đã phát triển vắc-xin bệnh than và bệnh dại, Viện Pasteur được khánh thành tại Paris vào năm 1888. Kể từ khi được thành lập, cơ sở nghiên cứu này đã tạo ra những những tiến bộ mang tính cách mạng để chống lại bệnh thương hàn, bệnh lao, bệnh bại liệt, bệnh sốt vàng, HIV và nhiều căn bệnh truyền nhiễm khác.
Tangy cho biết ở thời điểm hiện tại, gần như tất cả 133 phòng ban của Viện Pasteur Paris đều đang tập trung vào đại dịch COVID-19.
Ngay từ tháng 1, các nhà khoa học tại Viện Pasteur đã giải mã xong trình tự bộ gen đầu tiên của virus SARS-CoV-2 lưu hành ở Châu Âu. Quá trình lấy mẫu và giải trình tự gen này chỉ mất vài ngày sau khi trường hợp nhiễm COVID-19 đầu tiên ở Pháp được báo cáo.
Giải mã trình tự gen là một bước quan trọng để xác nhận xem virus SARS-CoV-2 có biến đổi sau quá trình lây nhiễm từ Trung Quốc sang Châu Âu hay không. Rất may đó dường như không phải là điều đã xảy ra.
Viện Pasteur đã thử sửa đổi vắc-xin sởi để chống lại các chủng virus khác
Hiện tại, nhóm nghiên cứu của Tangy đang thực hiện một ý tưởng, sửa đổi vắc-xin sởi tiêu chuẩn để gắn protein virus SARS-CoV-2 lên đó. Họ hy vọng điều này sẽ kích hoạt phản ứng miễn dịch tương tự như cách vắc-xin MMR đang bảo vệ chúng ta khỏi bệnh sởi, quai bị và rubella cùng lúc.
Các protein của SARS-CoV-2 được gắn lên vắc-xin sởi, giống như một con ngựa thành Troy chở theo những binh lính. Chỉ khác ở chỗ những binh lính ẩn trốn bên trong con ngựa, còn protein của SARS-CoV-2 được gắn ngay bên ngoài vỏ bọc của virus sởi được làm bất hoạt.
Các loại vắc-xin chứa virus bất hoạt có khả năng tạo miễn dịch mạnh mẽ và lâu dài sau một lần tiêm. Và quan trọng là nó có thể được sản xuất hàng loạt với chi phí rẻ, sẵn sàng phục vụ đại dịch COVID-19 trong thời gian sớm nhất. Sử dụng vắc-xin sởi được cấp phép cũng có nghĩa là quá trình thử nghiệm và cấp bằng sáng chế sẽ diễn ra nhanh hơn.
Một lý do nữa ủng hộ Tangy theo đuổi hướng nghiên cứu này, “mọi nhà máy trên thế giới đều có thể sản xuất vắc-xin phòng bệnh sởi“, ông nói.
Chiến lược này đã được áp dụng thành công để phát triển vắc-xin Chikungunya, căn bệnh lây nhiễm hàng triệu người ở Nam Á và Châu Phi mỗi năm, gây sưng khớp, đau cơ và phát ban. Nó có thể gây tử vong ở trẻ em, người già, và những người có vấn đề sức khỏe tiềm ẩn.
Sau 7 năm thử nghiệm lâm sàng, vắc-xin Chikungunya cuối cùng đã tiến đến giai đoạn 3, khi hiệu quả của nó đang được thử nghiệm trên hàng ngàn người. Kinh nghiệm mà nhóm nghiên cứu của Tangy có được sẽ giúp họ tiến nhanh hơn rất nhiều trong mục tiêu phát triển vắc-xin COVID-19.
Bao lâu nữa chúng ta sẽ có vắc-xin?
Tangy dự đoán nhóm nghiên cứu tại Viện Pasteur có thể tiến đến thử nghiệm lâm sàng vắc-xin sởi chống lại SARS-CoV-2 trên người trong vòng 12 tháng. Ông nói thêm rằng mình không muốn rút ngắn quá trình xuống quá nhiều, bởi nó có thể khiến vắc-xin không đảm bảo độ an toàn và hiệu quả cần thiết.
Nhóm nghiên cứu sẽ cần đủ thời gian để thiết kế các thử nghiệm để xem vắc-xin có tạo ra bất kỳ tác dụng phụ nào không trước khi tiêm chúng trên người.
“Vấn đề rất nhạy cảm khi phát triển vắc-xin cho một chủng virus như vậy là phản ứng miễn dịch. Phản ứng miễn dịch có thể gây tử vong cao hơn nhiều so với chính căn bệnh này“, Tangy nói. “Một loại vắc-xin không được kiểm soát sẽ là một loại vắc-xin nguy hiểm”.
Và mặc dù 12 tháng có thể là một khoảng thời gian khá dài sau khi một số nhóm nghiên cứu trên thế giới đã tiến đến thử nghiệm lâm sàng trên người vào tháng 4 này. Tuy nhiên, như đã nói, vắc-xin mà Viện Pasteur đang phát triển sử dụng một nguyên lý đơn giản và có thể tận dụng được mọi nhà máy vắc-xin sởi hiện thời để sản xuất nó.
Chúng ta sẽ không cần xây thêm nhà máy cho một loại vắc-xin mới, như vậy, vắx-xin của Viện Pasteur có thể đuổi kịp các vắc-xin khác trong tiến trình sản xuất và phân phối nó trên toàn thế giới.
Tham khảo Businessinsider
Theo: ZKNIGHT
Nguồn: soha.vn