iPhone, PS5, Surface Pro X hay những chiếc Mac gắn sticker Google: Tiềm năng thực sự của những chiếc MacBook dùng chip ARM tự thiết kế

09:38 Sáng - 16/11/2020
0 Bình luận
498
bởi Phương Trần

Đúng, ARM là kiến trúc vốn chỉ dành cho những con chip di động. Nhưng sẽ thật vô lý nếu chúng ta mang Apple M1 ra so sánh trực tiếp với chip Intel Core, và sẽ càng vô lý hơn nếu cứ than phiền về hiệu năng mà quên mất lý do vì sao máy Mac được lòng cả chính kỹ sư của Google.

Gần cuối quý 2/2020, Apple công bố một sự kiện đặc biệt đối với máy Mac: trong vòng 2 năm tiếp theo, Apple sẽ từ bỏ chip Intel và chuyển sang dùng chip tự thiết kế trên nền ARM. Đến tháng 11, những chiếc Mac đầu tiên dùng con chip “Apple M1” chính thức ra mắt. Chúng đi kèm mức giá không hề rẻ và những tuyên bố có thể gây “sốc” của Apple: MacBook Air dùng chip M1 mới nhanh hơn 98% “PC laptop” bán ra trên thị trường.

Không mấy bất ngờ, những tranh luận trong giới công nghệ nhanh chóng nổ ra. ARM là thiết kế chủ yếu được dùng cho các thiết bị di động vốn có sức mạnh tính toán (bị coi là) thua kém nhiều so với PC truyền thống. Mức giá của mỗi con chip di động bán ra cho các nhà sản xuất cũng sẽ thấp hơn rất nhiều so với chip AMD hay Intel. Trong quá khứ và cho đến hiện tại, máy tính Apple vẫn đã mang tiếng là đắt đỏ so với phần lớn PC Windows cùng cấu hình, bao gồm cả PC tự build hay PC mua lắp ráp sẵn.

iPhone, PS5, Surface Pro X hay những chiếc Mac gắn sticker Google: Tiềm năng thực sự của những chiếc MacBook dùng chip ARM tự thiết kế - Ảnh 1.
Những chiếc Mac mới nhất sử dụng kiến trúc chip vốn thường được coi là chỉ dành cho thiết bị di động.

Vậy, máy Mac dùng chip M1 có phải là minh chứng cho những gì antifan thường quy chụp cho Apple: bán hàng tệ ở giá cao ngất ngưởng?

1. “So sánh Táo và Cam”

Tuyên bố nhanh hơn “98% PC laptop” có thể coi là một chiêu trò marketing ranh ma của nhà Táo, nhưng ít người nhớ rằng, từ 5 năm trước, đã có người mang điểm số benchmark của iPad Pro ra so sánh với Mac Pro chạy chip Intel. Người tiêu dùng thì luôn thích các con số đơn giản, luôn “ngại” tìm hiểu sâu… Bởi thế, họ không nhận ra rằng so sánh Mac ARM với PC truyền thống là so sánh Táo và cam (compare Apples and oranges, câu tục ngữ tiếng Anh chỉ các phép so sánh vô lý, không thực tế).

Lý do đơn giản là bởi con chip Apple M1 không hề giống với những con chip Intel Core có mặt trên MacBook và PC thông thường. Không đơn giản là CPU với GPU tích hợp, Apple M1 là một System-on-a-Chip bao gồm nhiều thành phần: các nhân xử lý trung tâm, các nhân xử lý đồ họa, engine máy học, RAM, chip xử lý tín hiệu hình ảnh (ISP), bộ điều khiển ổ lưu trư (có mã hóa) và cả bộ điều khiển kết nối Thunderbolt. Các con chip Intel và AMD thường chỉ bao gồm CPU và GPU, RAM là một linh kiện tách rời, chip điều khiển bộ nhớ (SSD), Thunderbolt hay USB thường là trên bo mạch chủ chứ không phải trên chip trung tâm.

iPhone, PS5, Surface Pro X hay những chiếc Mac gắn sticker Google: Tiềm năng thực sự của những chiếc MacBook dùng chip ARM tự thiết kế - Ảnh 2.

Sử dụng kiến trúc chip riêng, tích hợp nhiều thành phần cũng là chìa khóa giúp PS5 và Xbox Series X đạt hiệu năng ngoài sức tưởng tượng. Ảnh: kiến trúc PS5 với GPU, CPU và RAM=trên-chip.

Việc tích hợp nhiều thành phần vào chung một con chip có ý nghĩa quan trọng đối với hiệu năng, trong đó đặc biệt đáng chú ý là việc tích hợp CPU, GPU và neural engine cùng RAM vào một mạch chip cho phép giảm tối đa độ trễ khi truyền tải dữ liệu giữa các thành phần xử lý. Cần lưu ý rằng cách CPU và GPU chia sẻ RAM không hề giống với cách sử dụng RAM của đồ họa tích hợp trên chip Intel/AMD: với iGPU, bộ nhớ RAM thực chất được TÁCH RIÊNG cho CPU và iGPU, khi cần tích hợp vẫn cần copy chéo. Trên chip M1 – cũng như trên chip được AMD “thửa riêng” cho PS5 và Xbox Series X, CPU và GPU chia sẻ chung một vùng nhớ, không có copy, nhờ đó tối ưu hiệu năng tốt hơn rất nhiều.

2. So sánh iPhone với smartphone Android

Đọc đến đây, có lẽ bạn sẽ nhận ra một sự thật quan trọng: Mac mới giống với PS5 và Xbox Series X hơn là giống với PC truyền thống. Những chiếc máy này có thể tạo ra hiệu năng tốt hơn PC mang cùng một thông số, bởi đơn giản là chúng được thiết kế khác nhau ngay từ bộ phận cốt lõi nhất, quan trọng nhất: chip xử lý.

Nếu điều này vẫn chưa đủ để bạn ngừng so sánh Apple M1 và chip Intel, hãy nhớ rằng Mac và PC Windows cũng sử dụng hệ điều hành khác nhau! Bạn có lẽ đã nghe ai đó nói chừng nào chưa thể mang Android cài lên iOS hay mang iOS cài lên Pixel thì cũng không thể so sánh Apple A với Qualcomm Snapdragon. Đúng là như vậy, bởi hệ điều hành (và các driver) là “phần mềm” duy nhất có khả năng trực tiếp điều khiển phần cứng.

iPhone, PS5, Surface Pro X hay những chiếc Mac gắn sticker Google: Tiềm năng thực sự của những chiếc MacBook dùng chip ARM tự thiết kế - Ảnh 3.
So sánh chip khác kiến trúc là đã đủ vô lý, so sánh phần cứng cho các hệ điều hành khác nhau còn vô lý hơn.

Rõ ràng là macOS và Windows sẽ không giống nhau. macOS hiện tại không hỗ trợ chip AMD và dần dần cũng sẽ từ bỏ Intel. Windows 10 chắc chắn sẽ không thể chạy trên Apple M1. Vậy, tại sao lại đem so sánh Táo với Win?

3. So sánh phần cứng, mua trải nghiệm

Thứ duy nhất có thể so sánh giữa Mac và PC Windows sẽ là trải nghiệm ứng dụng. Cùng một ứng dụng do bên thứ 3 phát triển, máy Mac sẽ tải nhanh hơn, chạy ổn định hơn PC Windows cùng tầm giá? Câu trả lời sẽ chỉ có khi Mac ARM lên kệ và được nhiều nhà phát triển hỗ trợ, song cần nhớ rằng iPhone thường xuyên thắng “speed test” (mở ứng dụng cùng lúc) khi đối đầu Android và iPhone cũng là smartphone được game thủ chuyên nghiệp lựa chọn. Mô hình “đóng” tuyệt đối của Apple có tiềm năng đem lại rất nhiều lợi thế về hiệu năng.

Ngay cả trong trường hợp bị đánh bại về hiệu năng, Mac ARM vẫn có tiềm năng riêng. Hãy nhìn sang phía đối nghịch: năm ngoái, Microsoft cũng đã ra mắt chiếc Surface Pro X với chip Snapdragon thay cho chip Intel. Trên giấy tờ, Surface Pro X thực sự là một sản phẩm không dành cho ai cả: có giá tới nghìn đô và đắt hơn Surface Pro 7, chiếc Pro X lại có tính tương thích kém hơn và hiệu năng kém hơn hẳn do phải chạy tầng giả lập x86 trên nền ARM.

iPhone, PS5, Surface Pro X hay những chiếc Mac gắn sticker Google: Tiềm năng thực sự của những chiếc MacBook dùng chip ARM tự thiết kế - Ảnh 4.
Người dùng không bỏ tiền để so sánh thông số mà là để mua trải nghiệm họ cần…

Ấy thế mà chiếc Surface đắt đỏ này vẫn đủ thành công để được Microsoft vén màn tiếp thế hệ tiếp theo với mức giá còn đắt hơn, từ 1500 USD! Và điều này đưa chúng ta trở lại với điều quan trọng nhất: những thứ chúng ta đang tranh cãi, về kiến trúc, về hiệu năng… có thể đều là vô nghĩa. Với nhiều người, hiệu năng và mức giá không phải là những mối quan tâm hàng đầu.

Khôn ngoan như Tim Cook…

Có lẽ, những người dùng Mac cũng vậy. Có những người chỉ dùng Mac để lướt web và làm việc văn phòng, có những người dùng Mac cho công việc studio (hình ảnh/video/âm nhạc), và cũng lại có những kỹ sư phần mềm yêu trải nghiệm MacBook. Nhóm cuối cùng bao gồm chính các kỹ sư đang làm việc tại Google: thử lướt một vòng kênh YouTube “Life at Google” và bạn sẽ thấy laptop của Apple xuất hiện vô cùng dày đặc.

Nếu quan tâm đến mức giá và hiệu năng, họ có lẽ đã không chọn Apple – máy Mac gần như luôn đắt đỏ so với laptop Windows cùng cấu hình. Nhưng những người dùng này không bỏ tiền để mua phần cứng: họ mua một trải nghiệm riêng, chỉ có duy nhất trên PC gắn mác Táo. Nếu trải nghiệm ấy vẫn được giữ nguyên khi Apple từ bỏ Intel và chuyển sang ARM, mọi tranh cãi của ngày hôm nay sẽ là vô nghĩa. Microsoft, Adobe cùng nhiều nhà phát triển khác đều đã tuyên bố sẽ hỗ trợ trải nghiệm Mac mới. Con chip mới có thể khiến trải nghiệm phần mềm trên nền Mac bị chậm hơn hay nhanh hơn, không sao cả – miễn là trải nghiệm cuối cùng vẫn đủ chất lượng để thuyết phục người dùng Mac.

iPhone, PS5, Surface Pro X hay những chiếc Mac gắn sticker Google: Tiềm năng thực sự của những chiếc MacBook dùng chip ARM tự thiết kế - Ảnh 5.
Mọi con số sẽ đều là vô nghĩa…

iPhone, PS5, Surface Pro X hay những chiếc Mac gắn sticker Google: Tiềm năng thực sự của những chiếc MacBook dùng chip ARM tự thiết kế - Ảnh 6.
…miễn là TRẢI NGHIỆM tổng thể tiếp tục đủ tốt để thu hút chính nhân viên của đối thủ.

Từ bỏ chip Intel và chuyển sang chip tự thiết kế sẽ giúp mảng kinh doanh Mac có thể tăng doanh thu, hạ chi phí và tăng sự kết dính với các mảng phần cứng còn lại. Nhưng nếu chuyển sang ARM lại khiến máy Mac kém hấp dẫn hơn, Apple sẽ tự tay làm hỏng một mảng kinh doanh trị giá gần 30 tỷ USD trong năm tài chính vừa qua (kết thúc tháng 9/2020).

Hãy nghĩ kỹ về điều đó. Thay đổi kiến trúc chip là thứ thay đổi sâu rộng nhất, rủi ro nhất và tốn kém nhất với bất kỳ loại phần cứng nào. Liệu một kẻ khôn ngoan như Tim Cook có chấp nhận rủi ro với nguồn thu 30 tỷ USD nếu không nhìn trước được những lợi ích tiềm tàng? Nếu Mac ARM thất bại, Apple mới là kẻ thiệt hại nhiều nhất. Và điều đó là lý do để chúng ta tin rằng tương lai của những chiếc Mac dùng chip tự thiết kế sẽ không ngắn ngủi như nhiều người lầm tưởng.

Theo: Trí Thức Trẻ

Nguồn: genk.vn

Tin liên quan

Scroll Top