Đây là cách Xiaomi xây dựng “đế chế” nhà thông minh khiến cả thế giới sửng sốt

01:54 Chiều - 09/03/2021
0 Bình luận
431
bởi Vũ Thụy

Xiaomi hiện bán hơn 1.500 thiết bị thông minh kết nối Internet và dẫn đầu thị trường có trị giá 26 tỷ USD tại Trung Quốc.

Sun Xinhe là mẫu người tìm mọi cách để được trải nghiệm những thiết bị mới mẻ. Với bằng tốt nghiệp ngành tự động hóa và một công việc tốt, công dân của thành phố Tai’an – thành phố cấp 3 của tỉnh Sơn Đông – hiện sở hữu hơn 200 thiết bị thông minh trong 2 ngôi nhà của mình. Từ máy rửa bát đến máy gấp quần áo, lò vi sóng hay rèm cửa, tất cả đều được kết nối với một ứng dụng di động do Xiaomi sở hữu.

Kẻ tiên phong

Trung Quốc đã bước vào kỷ nguyên nhà thông minh sớm hơn phần lớn các quốc gia còn lại trên thế giới, nhờ công lớn của Xiaomi. Với khả năng sản xuất phần cứng siêu việt và điều kiện thuận lợi từ chính phủ Trung Quốc, Xiaomi đã thành công trong việc “chiếm lĩnh” ngôi nhà của người dùng – thứ mà Amazon và Google đang mơ ước. Với điều kiện kinh tế ngày càng khá giả, người dùng Trung Quốc đang thực sự chịu chi để biến ngôi nhà của mình trở nên “công nghệ nhất có thể”.

 Đây là cách Xiaomi xây dựng “đế chế” nhà thông minh khiến cả thế giới sửng sốt - Ảnh 1.

Bên trong một cửa hàng trưng bày sản phẩm của Xiaomi tại Philippines.

Thành lập vào năm 2010 và hiện có giá trị khoảng 78 tỷ USD, Xiaomi không chỉ xây dựng một đế chế smartphone lớn thứ 3 thế giới trong 10 năm mà còn trở thành người dẫn đầu trên thị trường thiết bị nhà thông minh trị giá 26 tỷ USD tại Trung Quốc. Xiaomi hiện bán hơn 1.500 thiết bị nhà thông minh, phần lớn rẻ hơn so với các đối thủ. Quan trọng hơn, người dùng có thể điều khiển tất cả thiết bị này chỉ bằng một ứng dụng.

Bằng cách cung cấp nhiều lựa chọn giá rẻ, đáng tin cậy, Xiaomi đang biến mình trở thành một IKEA của thị trường thiết bị thông minh. Trong buổi công bố báo cáo tài chính năm 2019, người sáng lập kiêm CEO Lei Jun cam kết hãng sẽ đầu tư 7,7 tỷ USD trong 5 năm tới để “đảm bảo sẽ thống trị hoàn toàn kỷ nguyên sống thông minh”.

Các hãng di động lớn khác của Trung Quốc, như Huawei, chỉ nhận ra tầm quan trọng của thị trường nhà thông minh sau khi doanh số smartphone đạt đỉnh vào khoảng năm 2018. Họ vội vàng xâm nhập thị trường nhưng đã đi sau Xiaomi đến vài năm.

Chìa khóa của Xiaomi

Xiaomi chiếm lĩnh thị trường smarthome bằng một chiến lược tưởng như đơn giản. “Đầu tiên, họ lấy một sản phẩm đắt đỏ, cao cấp và tạo ra một phiên bản rẻ hơn”, Flora Tang – nhà phân tích của Counterpoint Research nói với trang Protocol.

“Con đường thứ 2 là dùng một sản phẩm thông dụng, giá rẻ và cải tiến nó. Sạc dự phòng, đèn bàn, ổ cắm điện… đã luôn có những công ty sản xuất chúng nhưng bạn không thể nhớ nổi tên thương hiệu mẫu sạc dự phòng bạn để ở nhà”, Tang nói. Xiaomi sẽ tìm thấy những gì đối thủ còn thiếu, cải tiến chúng và bán ra phiên bản của mình với thiết kế hoặc tính năng tốt hơn. Trong buổi ra mắt sản phẩm vào năm 2015, nhà sáng lập Lei Jun bỏ ra gần 20 phút để giới thiệu mẫu ổ cắm điện đầu tiên của hãng, ca ngợi thiết kế và hiệu năng cao của nó. Xiaomi bỏ ra khoảng 1,5 triệu USD để nghiên cứu và sản xuất mẫu ổ cắm này, Lei chia sẻ.

 Đây là cách Xiaomi xây dựng “đế chế” nhà thông minh khiến cả thế giới sửng sốt - Ảnh 2.

Cải tiến các sản phẩm phổ thông và tạo ra các phiên bản giá rẻ của sản phẩm cao cấp là chiến lược của Xiaomi.

Kết quả là, Xiaomi làm đúng những gì IKEA đã làm với thị trường nội thất: giảm giá các sản phẩm đắt đỏ và hoàn thiện chất lượng các sản phẩm rẻ tiền. Nó hoàn toàn phù hợp với hàng trăm triệu người dùng thuộc tầng lớp trung lưu tại Trung Quốc – những người muốn trải nghiệm cuộc sống hiện đại với mức giá phải chăng.

Tuy nhiên, giá rẻ không phải là “đặc sản” duy nhất của Xiaomi. Điều quan trọng hơn là hiệu ứng “mạng lưới” họ tạo ra giữa các sản phẩm thông minh của mình.

Từ năm 2013, Xiaomi đã công bố chiến lược “hệ sinh thái” khi đầu tư vào hàng loạt công ty sản xuất. Hiện tại, họ làm ăn với hơn 300 công ty sản xuất thiết bị từ vòng đeo tay thông minh, dây cáp, các sản phần nhà bếp cho đến vật dụng làm sạch gia đình. Trong hầu hết trường hợp, Xiaomi không quản lý các công ty này nhưng có quan hệ rất thân thiết.

Trên thực tế, nhiều công ty trong số đó sở hữu những cái “rất có liên quan” như Green Mi, Purple Mi, Cloud Mi hay Smart Mi. Sự hợp tác này mang đến lợi ích cho cả 2. Các công ty đối tác giảm được chi phí bán hàng và marketing thông qua việc bán hàng trên webiste và cửa hàng của Xiaomi. Họ cũng hưởng lợi từ chuỗi cung ứng của Xiaomi. Là một công ty bán smartphone giá rẻ, Xiaomi quá quen với việc đàm phán để có được linh kiện giá tốt và chia sẻ nó với các công ty họ đầu tư vào.

Đổi lại, các sản phẩm này chỉ có thể kết nối với nền tảng của Xiaomi mang tên Mi Home. Cùng nhau, họ tạo ra một hệ thống rộng lớn và đầy tính kết nối. Khi một khách hàng sử dụng sản phẩm thông minh Xiaomi, họ sẽ có nhu cầu sở hữu thêm và nếu muốn chuyển sang sản phẩm của một thương hiệu khác, họ sẽ thấy mức giá mình phải trả quá cao.

Sun Xinhe là một khách hàng tiêu biểu. Anh mua sản phẩm đầu tiên của Huawei vào năm 2015 và từ đó đến nay đã mua thêm hàng trăm sản phẩm khác.

Sun cảm thấy vô cùng hài lòng về việc các sản phẩm đó kết nối với nhau. Khi anh bước vào phòng đựng quần áo, cảm biến sẽ phát hiện và bật điện, giá treo quần áo hạ xuống còn rèm sẽ đóng lại. “Tất cả những gì tôi cần làm là thay đồ và đi ra”, anh nói. Sau một lúc, tất cả mọi thứ sẽ trở về vị trí cũ.

Thách thức cho “đế chế Xiaomi”

Nhưng mọi thứ đang thay đổi với hệ sinh thái của Xiaomi. Các công ty hợp tác với Xiaomi dần lớn mạnh và muốn tạo dựng thương hiệu của riêng mình. Chính sách giá rẻ của Xiaomi buộc các công ty này phải thu hẹp lợi nhuận. Nhiều công ty trong số này hiện đã phát triển các sản phẩm mới hơn, cao cấp hơn, tương thích với hệ sinh thái khác, chẳng hạn HomeKit của Apple.

“Smart Mi hiện đã có đội ngũ bán hàng và làm thương hiệu riêng”, CEO của Smart Mi nói với tạp chí Time Weekly vào năm 2018. Công ty này sản xuất thiết bị sưởi thông minh, điều hòa và máy lọc không khí cho hệ sinh thái Xiaomi.

Xiaomi cũng đối diện một vấn đề phức tạp khác. Từ những năm đầu tiên, Xiaomi đã định hình mình là một lựa chọn giá tốt cho số đông. Do đó, người dùng hiếm khi tìm đến họ nếu muốn mua sản phẩm cao cấp. Tuy nhiên, GDP đầu người của Trung Quốc đã tăng gần gấp đôi kể từ khi Xiaomi thành lập và người dùng sẵn sàng trả nhiều hơn để cải thiện cuộc sống. Việc Xiaomi có thu hút được các khách hàng giàu có hay không vẫn còn là dấu hỏi.

 Đây là cách Xiaomi xây dựng “đế chế” nhà thông minh khiến cả thế giới sửng sốt - Ảnh 3.

Bảo mật dữ liệu người dùng là thách thức lớn mà Xiaomi phải đối mặt.

Một trở ngại nữa Amazon và Google đã gặp phải là bảo mật dữ liệu. Tại Trung Quốc, vấn đề này ít được nhắc đến hơn so với Mỹ và châu Âu. Tuy nhiên, tháng 9 năm ngoái Trung Quốc đã đưa ra bản dự thảo luật bảo vệ dữ liệu cá nhân, mặc dù chưa nhắc gì đến các sản phẩm nhà thông minh. Vấn đề dữ liệu gia đình trở thành đề tài nóng tại Trung Quốc vào năm 2017 khi một người nào đó tình cờ phát hiện ra những hình ảnh từ camera an ninh của họ được livestream công khai.

“Tất nhiên, tôi lo lắng về vấn đề bảo mật nhưng hiện chưa có giải pháp nào cả”, Sun Xinhe nói. Anh cho rằng việc thu thập dữ liệu là cần thiết để các sản phẩm đó có thể hiểu về lối sống của mình. “Giống như việc bạn có một người giúp việc. Cô ta cần phải biết chỗ đặt các thiết bị, sử dụng chúng thế nào, khi nào bạn đi ngủ và bạn thích ăn gì. Nếu cô ta không biết, cô ta không thể phục vụ bạn”.

Theo: Doanh nghiệp và Tiếp thị

Nguồn: genk.vn

Tin liên quan

Scroll Top